Đường ống Nord Stream 1 sẽ khoá van tới khi phương Tây bỏ trừng phạt Nga
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vấn đề kỹ thuật liên quan cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ tồn tại đến khi phương Tây bỏ trừng phạt Nga.
Tuabin khí đốt thuộc tuyến đường ống Nord Stream 1 đặt tại nhà máy của công ty Siemens ở Muelheim an der Ruhr, Đức ngày 3/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT ngày 5/9, ngày 31/8, tập đoàn Nga Gazprom đã ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt qua đường ống này. Mặc dù ban đầu Nord Stream 1 dự kiến tiếp tục vận chuyển khí đốt vào ngày 2/9, nhưng Gazprom đã thông báo sẽ đóng cửa vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.
Ông Peskov lưu ý: “Các vấn đề cung cấp đã nảy sinh do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây, trong đó có cả Đức và Anh, áp đặt lên đất nước và một số công ty chúng tôi. Không có lý do nào khác đằng sau các vấn đề về nguồn cung”.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng không phải lỗi của Gazprom khi châu Âu quyết định từ chối bảo dưỡng thiết bị đường ống một cách vô lý và nhấn mạnh bảo dưỡng thiết bị là điều mà họ có nghĩa vụ phải làm theo hợp đồng.
Ông Peskov nói rằng tất cả các hoạt động của Nord Stream 1 đều phụ thuộc vào một thiết bị cần được bảo trì nghiêm chỉnh.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho rằng chính Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm về các vấn đề đã cản trở quá trình nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Về phần mình, châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói Nga là đối tác không đáng tin cậy về nguồn cung cấp khí đốt.
Trước đó, Gazprom đã không khởi động lại Nord Stream 1 với lý do rò rỉ dầu trong tuabin. Sự cố này được phát hiện trong một cuộc kiểm tra chung với nhà sản xuất Siemens tại trạm máy nén Portovaya gần St.Petersburg. Sự cố chỉ có thể được khắc phục ở Canada – quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.
Ngày 3/9, Gazprom cho biết hãng Siemens sẵn sàng sửa chữa thiết bị hỏng liên quan Nord Stream 1, nhưng chưa tìm được nơi nào để tiến hành công việc này.
Trong khi đó, Siemens cho biết: “Những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và chỗ rò có thể được bịt lại. Đây là quy trình thường xuyên trong phạm vi bảo trì”. Công ty của Đức nhấn mạnh những lỗi rò rỉ như vậy trước đây không khiến đường ống Nord Stream 1 ngừng hoạt động.
Nga không nối lại ngay xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt có nguy cơ đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông năm nay.
Đường ống Nord Stream 1 là huyết mạch quan trọng đưa lượng khí đốt khổng lồ của Nga đến châu Âu, chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong năm ngoái.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh trong năm nay trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu lên kế hoạch giảm sựphụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga. Bên cạnh đó, giá khí đốt tiếp tục biến động trong những tuần gần đây khi nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu tiếp tục giảm mạnh.
Nhà phân tích Susannah Streeter của công ty Hargreaves Lansdown nhận định giá khí đốt dường như duy trì xu hướng đi lên và điều này sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm tồi tệ. Nhiều nước đã lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng, song phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn do trữ lượng khí đốt ngày càng cạn kiệt.
Nga nêu lý do đặc biệt ngừng cung khí đốt cho Đức
Nga cáo buộc Berlin đang tiến hành "cuộc chiến hỗn hợp" chống Moskva, trong khi một số nước phương Tây muốn "lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để đẩy Nga đến sự tan rã".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ngày 4/9 đã cáo buộc Đức tiến hành một cuộc "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Moskva, điều mà ông Medvedev nói rằng đó là lý do chính khiến Moskva cắt nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho Berlin.
"Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nữa. Thứ nhất, Đức là một quốc gia không thân thiện, thứ hai là nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ nền kinh tế Nga cũng như cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Nói cách khác, Đức đang tiến hành cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga. Berlin đang hành xử như kẻ thù của Moskva", ông Medvedev nói.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Nga, vốn đã rạn nứt do xung đột ở Ukraine, ngày càng căng thẳng hơn, với việc Moskva đình chỉ việc cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga mới đây đã đình chỉ vô thời hạn việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 cho Đức, với lý do chính thức là rò rỉ dầu trên tuabin. Nhà chức trách Nga cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải chịu trách nhiệm về các vấn đề cung cấp khí đốt, đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva đã ngăn cản nước này duy trì đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Ngược lại, nhiều quan chức châu Âu cho rằng Moskva đang "vũ khí hóa năng lượng" để gây áp lực với các nước trước một mùa Đông khó khăn vì họ ủng hộ Ukraine. Ông Scholz cho biết, mặc dù phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, nhưng Đức "sẽ có thể đối phó với mùa Đông này".
Trước đó, cựu Tổng thống Nga Medvedev cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang tìm cách kích động sự tan rã của Nga và những nỗ lực như vậy tương đương với một "ván cờ sinh tử". Theo ông Medvedev, nỗ lực đẩy Nga tới chỗ sụp đổ sẽ dẫn đến "ngày tận thế".
Sau khi tham dự lễ tang cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hôm 3/9, ông Medvedev đã viết trên kênh Telegram, đề cập đến sự sụp đổ năm 1991 của Liên Xô và cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng tạo ra sự tan rã của Nga.
Ông Medvedev lưu ý rằng một số nước phương Tây muốn "lợi dụng cuộc xung đột quân sự ở Ukraine để đẩy Nga đến một bước ngoặt mới của sự tan rã, làm mọi cách để làm tê liệt các thể chế nhà nước của Nga và tước bỏ quyền kiểm soát hiệu quả của nước này, như đã xảy ra vào năm 1991"
Ông Medvedev kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga là "sự đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ Nước Nga vĩ đại".
Hungary ký thỏa thuận nhận bổ sung gần 6 tỷ m3 khí đốt từ Nga Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chật vật để cắt giảm tiêu thụ năng lượng và đối phó với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga. Một kỹ sư của FGSZ Ltd, công ty vận chuyển khí đốt tự nhiên của Hungary điều chỉnh van đường ống dẫn khí đốt chuyển tiếp khí đốt tự nhiên...