“Đương” – nốt lặng rất “Đà Lạt”
Nếu tìm “Quán Đương” trên internet, bạn sẽ không có được nhiều thông tin. Quán dường như không có mặt trong top những điểm check-in thần sầu của giới trẻ, người ta đến với Đương chủ yếu qua đường “truyền miệng”.
Đi bộ một đoạn quanh co theo sườn một con đồi ở phường 3, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), giữa hai hàng thông xanh phả hơi mát lạnh, tôi đến được Đương. Tôi không gọi Đương là quán cà phê, vì ở Đương còn có trà gừng sả mật ong, nước thơm, nước sim, nước dâu tằm, mứt thơm bồ công anh, yaourt, rưụ mơ và cả đồ ăn nữa. Giữa mảng xanh của đồi thông, Đương nhỏ bé toát lên một nét nâu trầm trong nắng.
Đường vào quán Đương
Nhiều người tìm đến Đương như một sự trở về, nơi có mấy bộ bàn ghế cũ kỹ, khung cửa sổ nâu trầm, hoa lá thì căng mình hứng nắng. Căn nhà gỗ được thiết kế nhiều cửa sổ đón nắng và ngắm mảng xanh ngoài vườn. Khách đến mà ngỡ như thấy tuổi thơ mình qua gian bếp, tủ, giàn, kệ, tấm chiếu, rèm hoa, mấy chiếc khạp ngâm rưụ sim, vài chú chó, mèo loanh quanh vui cùng khách. Có lẽ vì sự yên bình mà người ta sẵn sàng vượt đồi dốc quanh co để đến đây.
Video đang HOT
Mọi thứ ở quán chân chất mà cũng lãng mạn. Điểm đặc biệt ở Đương là tính nghệ sĩ. Những đĩa nhạc được xếp đầy trên kệ, đâu đó ở góc quán sẽ thấy chiếc đàn guitar hay ukulele. Nhìn đôi bạn ngồi đàn hát ngoài sân, bất chợt tôi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng có một mong ước: “Thông đang reo dưới đồi. Anh ước mơ một căn nhà có khói um lên trên đỉnh. Trong đó có một hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia”.
Ngồi bên hiên nhà, tôi như tìm lại khoảng lặng mà mình đã bỏ quên. Mở quyển sách ra đọc mà nắng vàng soi rõ chữ mồn một, nhâm nhi ly cà phê sữa và ngắm mây bay lơ lửng trên đầu. Ôi, có những điều vu vơ không thể diễn tả được bằng lời. Tôi bất chợt nhận ra tâm hồn mình hóa bông hoa dại, trong lành giữa ngàn thông…
Đó là chuyện của ngày nắng, còn nếu lỡ trời vương vấn buồn mà chuyển cơn mưa, gọi một ly trà gừng sả mật ong cho ấm lòng và gặm nhấm quyển “Thư tình gửi một người” để nghe lời tâm sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ Cuộc sống ở đây an bình dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những chen đua vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với cây với núi rừng với đất”.
Và có lẽ, Đương cũng an bình dễ chịu như thế. Một nốt lặng rất “Đà Lạt” chờ người tìm đến để tìm an yên.
Bài và ảnh: Hoa Tâm
Theo nld.com.vn
Khám phá nơi "non xanh nước biếc"
"Non xanh nước biếc" vốn chỉ là một từ ẩn dụ chỉ vẻ đẹp của một vùng thiên nhiên nào đó.
Nhưng có một nơi cả non và nước đều xanh biếc màu của cây, của rêu, của làn nước trong veo nhìn thấy đáy, và của cả một vùng xanh không hề có bóng của rác thải nhựa. Đó chính là điểm du lịch quen thuộc Tràng An, Ninh Bình.
Vùng đất Ninh Bình được thiên nhiên phú cho phong cảnh non nước đẹp mê đắm lòng người. Qua hàng triệu năm, dòng nước chảy qua các ngọn núi đá vôi đã tạo nên những cảnh vật, hang động kỳ thú. Tràng An hội tụ vẻ đẹp đó và có thêm bàn tay con người điểm xuyết bằng những đền, chùa rải rác trong núi, trên hồ, đầm, tạo nên sức hấp dẫn với bất kỳ ai, cho dù có những người đã quá quen thuộc với cảnh sắc núi non Ninh Bình.
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An, thuộc địa phận nhiều xã, phường huyện Hoa Lư và Gia Viễn, Ninh Bình, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2014. Tràng An có hệ thống núi đá vôi địa hình karst đặc trưng, cùng với hệ sinh thái rừng, hang động, hồ, đầm lầy vô cùng phong phú.
Theo thống kê của Viện Điều tra Quy hoạch rừng (FIPI) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, hệ sinh thái trên cạn Tràng An có tới hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật mà trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái dưới nước bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là Rùa cổ sọc cần được bảo vệ.
Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao quý hiếm như Tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v. Tràng An có nhiều loài chim thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng. Ở Tràng An vẫn còn dấu ấn người cổ cách đây từ 5.000 đến 300 triệu năm.
Nằm cách thành phố Ninh Bình 7km, Tràng An có diện tích hơn 6 nghìn ha, nằm trọn trong vùng rừng đặc dụng Hoa Lư, và chỉ khai thác du lịch một phần diện tích này. Tràng An cũng ở rất gần với hai điểm du lịch nổi tiếng khác của Ninh Bình là Tam Cốc - Bích Động và cố đô Hoa Lư bởi rừng đặc dụng Hoa Lư, ngoài ra Tràng An còn rất gần Hang Múa và đầm Vân Long.
Tràng An có tới 31 hồ đầm được nối thông bởi 48 hang động, trong đó có những hang xuyên thủy dài tới 2km như hang Địa Linh, hang Sinh, hang Mây... Hang động Tràng An mang những đặc điểm nổi bật của bốn loại hang chính là hang động karst, hang mái đá, hang hàm ếch và hang ngầm. Các hang ở đây phần lớn là hang ngập nước nằm ngang, các hang này chuyển nước chảy đối lưu qua các khe núi tạo thành dòng chảy nối liền các thung lũng với nhau.
Tràng An cũng là một trong những điểm du lịch hiếm hoi mà có rất nhiều chặng khám phá khép kín trên cùng một cung đường mà không phải quay ngược lại. Hiện tại có ba tour đường thủy khám phá Tràng An, mỗi tour đều gồm có 3-4 hang động và 3-4 đền, chùa, đặc biệt tour số 1 có tới chín hang động, tất cả đều di chuyển bằng thuyền xuyên qua trên dòng sông ngầm chảy qua lòng hang.
Tràng An còn được gọi là "Kinh đô đá" với núi non trùng trùng bao bọc các thung lũng và hồ đầm bên trong. Năm 968, inh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở để làm kinh đô. Tại nơi này, ông xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi để phòng ngự. Vì thế Tràng An còn được coi như dãy thành trì thiên tạo của kinh đô Hoa Lư xưa.
Ở Tràng An, thời gian trung bình cho mỗi tour khám phá là khoảng 3 tiếng đồng hồ, với những chiếc thuyền chèo hoàn toàn bằng tay, không hề có thuyền máy hay bất kỳ một loại động cơ nào. Thung lũng bên trong các lòng núi yên tĩnh, chỉ có tiếng chim kêu, tiếng nước khỏa mái chèo, tiếng lao xao của du khách trầm trồ trước phong cảnh đẹp ngoạn mục hiếm thấy ở bất kỳ nơi nào.
Ở Tràng An, ngoài ngắm các hang động với những nhũ đá lấp lánh có tuổi đời hàng triệu năm đầy vẻ kỳ thú bên trong các lòng hang, du khách còn không thể dứt tầm mắt khỏi những "tấm thảm xanh" nhiều tầng dọc con đường thuyền đi qua. Trên núi là những tầng cây cao thấp phủ bóng xanh rợp, trên mặt nước là lau lách, là hoa súng, hoa sen, hoa trang, là cỏ nước chen nhau um tùm.
Còn bên dưới mặt nước là cả một thảm rong rêu đủ loại, đủ màu sắc, từ vàng đến xanh uốn mình qua mỗi nhịp chèo, giống như một khu rừng rậm bên dưới mặt nước trong veo, thi thoảng có bầy cá tung tăng đớp mồi hoặc chú rắn nước uốn mình quẫy qua. Hoàn toàn không có bóng một mẩu vỏ chai, vỏ bánh kẹo hay túi nilon nào. Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1976, làm nghề chèo thuyền phục vụ khách ở đây cho biết, mỗi người chèo thuyền đều phải chịu trách nhiệm về hành vi xả rác của khách trên thuyền mình. "Nếu chúng tôi để khách xả rác ra đầm, chúng tôi sẽ bị phạt".
Không chỉ vậy, việc giám sát sự an toàn cho du khách cũng được phía khu du lịch làm rất chặt. Một đoạn lại có một chiếc thuyền có người mang sắc phục bảo vệ neo một chỗ. Người này chịu trách nhiệm quan sát, kiểm tra xem toàn bộ khách trên các thuyền có ai không mặc áo phao không, nếu có thì chủ thuyền cũng phải chịu trách nhiệm. Được biết, đáy nước ở Tràng An không đều nhau, có đoạn chỉ vài chuc cm, nhưng cũng có đoạn sâu tới 2-3m, cho nên nếu không mặc áo phao cũng có thể gặp nguy hiểm.
Bắt đầu khai thác từ những năm 2008-2009, số lượng du khách đến Tràng An đang không ngừng tăng lên. Tràng An được coi là một trong những trọng điểm du lịch của Ninh Bình. Nguyên nhân thì có nhiều, mà lớn nhất là từ sức hấp dẫn của cảnh vật Tràng An. Nhưng nhìn từ phía du khách, sức hấp dẫn còn đến từ việc một khu du lịch sinh thái khai thác từ nhiều năm nay nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và không gợn chút rác thải nào.
TUYẾT LOAN
Theo nhandan.com.vn
Khám phá hoàng cung Tokyo tráng lệ - nơi Nhật Hoàng làm lễ đăng quang Hoàng cung Tokyo nổi tiếng với những khu vườn yên bình cùng nét kiến trúc cổ kính. (Ảnh: Jiji Press) 13h chiều nay 22/10, Nhật Hoàng Naruhito sẽ bắt đầu lễ đăng quang tại Hoàng cung Tokyo với bài phát biểu trước ít nhất 2.000 quan khách cùng các tổ chức quốc tế. (Ảnh: CNN) Nằm cách nhà ga Tokyo 10 phút đi...