“Đường lối sai sẽ đẻ ra cán bộ hư hỏng”
“Đường lối sai sẽ đẻ ra cán bộ hư hỏng. Phê và tự phê không đạt kết quả như mong muốn vì đó là giải pháp mềm, không ai phê để làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của mình. Vậy thì kênh đấu tranh quan trọng nhất phải là tăng cường kiểm tra giám sát trong Đảng” – Trưởng Ban Nội chính tỉnh An Giang phát biểu.
Ngày 23/2, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016 và quán triệt, triển khai kết luận số 10-KL/TW của Bộ chính trị. Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng dự hội nghị.
Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng diễn ra ngày 23/2 tại Hà Nội.
Giải pháp chống tham quan trốn ra nước ngoài
Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, năm 2016 lãnh đạo và các đơn vị của Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức 37 cuộc làm việc với Bộ, ngành và 113 cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố để khảo sát, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương về phòng chống tham nhũng.
Trong năm, Ban Nội chính Trung ương cũng đã tham mưu chỉ đạo xử lý xong 97 vụ việc, vụ án. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cũng đã lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm để đưa vào diện ban nội chính theo dõi, đôn đốc xử lý.
Ông Dũng cũng cho biết, năm 2017 sẽ tham mưu đề xuất Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo và cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài; tập trung thanh tra, kiểm tra kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo các hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ. Tham mưu chỉ đạo thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nói về 5 vụ án lớn về tham nhũng, trong đó có những vụ án tham nhũng hết sức phức tạp, như việc điều tra một công ty lớn trong đó có nhiều công ty con thực hiện trên 60 công trình lớn, nhiệm vụ rất khó khăn, chưa kể thời gian đã diễn ra lâu. Riêng vụ Phạm Công Danh đã phải tiến hành kê biên 20 bất động sản, vụ án lớn trên 6000 tỷ đồng. Vụ Hà Văn Thắm hơn 4000 tỷ đồng. Vụ Giang Kim Đạt, số tài sản thu hồi được khá lớn. Tướng Vương nhận định, đó là nỗ lực lớn của cả ngành.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Công an cũng chỉ ra điểm hạn chế trong việc phối hợp tham mưu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng nhất là ở khâu phòng ngừa. Theo Tướng Vương, kết quả đạt được chưa đáp ứng thực tiễn nên còn nhiều vụ án phức tạp; việc trao đổi thông tin chưa kịp thời từ khâu kiểm tra, kiểm toán tới thanh tra. Việc xử lý một số vụ án giữa các ngành chưa có sự thống nhất trong chủ trương và tội danh cáo buộc dẫn đến chậm phải điều tra bổ sung, chậm truy tố, phải xét xử ở nhiều lần, nhiều cấp khác nhau.
Tướng Lê Quý Vương đề nghị tăng cường sự phối hợp, chặt chẽ, rốt ráo hơn giữa các cơ quan nội chính.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề cập giải pháp phòng chống hiện tượng trốn ra nước ngoài của tội phạm tham nhũng. Giải pháp cụ thể là tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Án kinh tế có yếu tố trốn nước ngoài hay có đối tác nước ngoài tham gia hiện rất phổ biến nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự là rất quan trọng.
Video đang HOT
Tự phê không hiệu quả, phải chú trọng thanh tra
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh: “2017 sẽ rà soát các kết quả thanh tra, kiểm toán để phát hiện dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra”.
Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Phú Yên chia sẻ kinh nghiệm, việc phát hiện ra tham nhũng đã khó, chưa nói đến đôn đốc theo dõi đôn đốc xử lý các vụ án. Là lãnh đạo Ban Nội chính một tỉnh nhưng nhiều khi ông Học cũng vẫn “bí” vì các cơ quan chức năng không cung cấp thông tin, ông phải dùng danh nghĩa một đại biểu Quốc hội để làm việc.
Ông Học lấy ví dụ, tại Phú Yên có vụ hiệu trưởng tại một trường trung học không lên lớp 1 năm nhưng vẫn lấy tiền đứng lớp với hơn 100 triệu đồng, giáo viên nhà trường tố cáo nhưng cơ quan tố tụng sau khi điều tra đã không xem xét khởi tố vụ án. Sau đó, cơ quan nội chính kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố nhưng VKS cũng không phê chuẩn vì lý do cần giám định xem có vi phạm không.
“Một vụ không lớn nhưng mãi đến vừa rồi mới khởi tố và vụ án được đưa ra xét xử gần đây” – ông Học thông tin.
Đại biểu Quốc hội Phú Yên kiến nghị Bộ Chính trị cho lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh do Bí thư tỉnh ủy đứng đầu, bởi bộ máy tổ chức theo phương thức đó hoạt động sẽ hiệu quả hơn.
Trưởng Ban Nội chính tỉnh An Giang Hồ Viết Hiệp phân tích, vì sao tham nhũng không ngăn chặn được. Theo ông Hiệp, lý do là vì trong hệ thống chưa xác định được nguyên nhân căn cơ, gốc rễ của tham nhũng là sự tha hóa về quyền lực, quyền lực của cán bộ là do người dân giao cho nhưng các cá nhân lợi dụng để mưu lợi ích riêng.
“Tham nhũng quyền lực và chính sách là tham nhũng lớn hiện nay. Muốn ngăn ngừa phải nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế bằng pháp luật, hệ thống pháp luật kín kẽ không thể tham nhũng, còn răn đe thì chế tài nghiêm và thực thi nghiêm thì họ mới không dám” – ông Hiệp nêu quan điểm.
Trưởng Ban Nội chính An Giang cũng nhận định, tội phạm tham nhũng có thể qua mặt cơ quan chức năng, không qua mặt được nhân dân nhưng hiện chưa có kênh nào để huy động người dân tham gia. Cần đẩy mạnh dân chủ để mỗi người dân dám đứng lên đấu tranh chống tham nhũng.
Ông Hiệp khuyến cáo: “Đường lối sai sẽ đẻ ra cán bộ hư hỏng cho nên phải bịt từ kẽ hở chính sách thì mới đấu tranh chống tham nhũng được. Phê và tự phê không đạt kết quả như mong muốn vì đó là giải pháp mềm, không ai phê để làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của mình. Vậy thì kênh đấu tranh quan trọng nhất phải là tăng cường kiểm tra giám sát trong Đảng khi kênh đấu tranh của người dân cũng vẫn còn mỏng”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng năm qua đã có bước chuyển quan trọng.
Ngành nội chính đã chú trọng tham mưu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN… chủ trương định hướng xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng; phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Ngành cũng phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo TƯ về PTCN theo dõi, chỉ đạo…
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, năm 2017, ngành Nội chính cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của cơ quan nội chính từ trung ương đến tỉnh, thành ủy cần phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt các các nhiệm vụ công tác nội chính và phòng chống tham nhũng theo tinh thần tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất chỉ đạo để nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điểu tra truy tố xét xử các vụ án tham nhũng; rà soát có hiệu quả các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kinh tế, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định…
P.Thảo
Theo Dantri
Xử vụ đại án tham nhũng 16 triệu USD: Giang Kim Đạt khai gì?
Sáng nay (17.2), xét xử đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn. HĐXX đã cho cách ly các bị cáo để xét hỏi Giang Kim Đạt (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines).
Bị cáo Giang Kim Đạt tại tòa. Ảnh: Vân Thanh
Trước vành móng ngựa, Đạt khai sau khi học chuyên ngành kinh doanh ở nước ngoài xong, anh ta về nước làm cho một công ty liên quan đến hoạt động môi giới hàng hải. Qua bạn bè, Đạt tình cờ quen ông Trần Văn Liêm (62 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) và được ông này mời về làm việc cho mình.
Theo lời khai của người đàn ông 40 tuổi, khi về làm cho Liêm, anh ta không được ký kết hợp đồng làm việc, chỉ đi "cắp cặp cho anh Liêm". Trước thông tin này bị cáo Trần Văn Liêm (62 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) cho rằng không chính xác bởi ông từng ký 3 hợp đồng lao động với Đạt.
Giải thích quyết định tuyển dụng của phía Vinashinlines, Đạt cho rằng đó chỉ là phương thức nhằm hợp thức hóa thủ tục để anh ta ra nước ngoài giải quyết việc hai tàu của công ty bị bắt giữ.
Tiếp lời, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines khai theo thông lệ quốc tế, công ty môi giới được bên bán tàu trả từ 1-5,75% trên giá trị hợp đồng, còn thực tế như nào tùy thuộc sự thỏa thuận của họ. Với tổng số tiền hơn 711.000 USD được chuyển vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt), Đạt cho rằng "đây là quà" do công ty môi giới trích ra.
"Khi được công ty môi giới trích lại hoa hồng, bị cáo không báo cáo anh Liêm. Khi nhận được tiền, bị cáo đưa anh ấy một lần khoảng 150.000 USD", Đạt nói và khẳng định khi giao tiền cho Liêm không có mặt ông Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines).
Trước câu hỏi tại sao tiền được hưởng nhiều nhưng lại đưa cho Liêm ít của HĐXX, Đạt khai: "Bị cáo nghĩ đó là tiền được người ta cho, anh Liêm không quan tâm, không có chỉ đạo gì".
Thấy vậy, HĐXX công bố một số bút lục, bản tường trình. Theo những lời khai tại cơ quan điều tra, Liêm biết rõ, có sự chỉ đạo Đạt thỏa thuận phải được hưởng từ 1 - 2% tiền hoa hồng mua tàu...
Nghe xong bút lục, người bị cáo buộc tham ô gần 16 triệu USD khai thông tin trên không đúng sự thật vì bị dọa dẫm, mớm cung.
Theo hồ sơ tố tụng, lời khai tại cơ quan điều tra của Giang Kim Đạt phù hợp với lời khai của công ty môi giới. Thậm chí số tiền anh ta được họ chuyển khoản còn lớn hơn cả số tiền môi giới họ được nhận.
Tài liệu điều tra thể hiện, tiền hoa hồng từ việc mua bán tàu được công ty môi giới chuyển vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố ruột Đạt). Khi được thông báo, anh ta nói với ông Hiển: "Con cho bố".
Về cáo buộc chiếm đoạt tiền chênh lệch cho thuê tàu, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh khai không nhận được khoản tiền nào từ các hợp đồng cho thuê tàu. Số tiền mà bố bị cáo nhận được qua tài khoản là tiền vật liệu trả lót kiểm dịch, khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... bị cáo đã ứng trước đó.
Hàng loạt các câu hỏi dồn dập HĐXX đưa ra: Sao khi chuyển tiền người ta lại ghi là tiền hoa hồng chứ không phải như bị cáo nói?, Tại sao đây là việc chung của công ty mà bị cáo lại phải ứng ra?... Giang Kim Đạt biện minh rằng người gửi có ghi rõ đó là tiền thù lao.
"Tiền bố bị cáo được hưởng không liên quan đến các hợp đồng cho thuê tàu. Đây chỉ là tiền bị cáo ứng trước đó, là các khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... Vì họ không chuyên nghiệp nên bị cáo phải hỗ trợ họ rất nhiều", bị cáo khẳng định.
Phiên xử tiếp tục diễn ra trong chiều nay.
Theo cáo buộc, trên cương vị Tổng giám đốc, Trần Văn Liêm đã bổ nhiệm Trần Văn Khương và Giang Kim Đạt vào những vị trí quan trọng tại Vinashinlines. Sau đó bộ 3 đã cùng nhau chiếm đoạt tiền của công ty thông qua việc thực hiện các dự án mua tàu, cho thuê tàu biển... Số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là gần 16 triệu USD (tương đương hơn 260 tỷ đồng), trong đó nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh tham ô 255 tỷ đồng. Để che giấu nguồn tiền phạm pháp trên, Giang Kim Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ.
Theo Vân Thanh (Zing)
Đại án tham nhũng Vinashinlines: Bố con Giang Kim Đạt kêu oan Tại phiên tòa xét xử ngày 16/2, hai bố con Giang Kim Đạt - Giang Văn Hiển một mực kêu oan, cho rằng việc quy kết tội danh đối với họ hoàn toàn sai. Hai bố con bị cáo buộc tham ô, rửa tiền Bắt đầu từ ngày 16/2, TAND TP Hà Nội đưa vụ án "Tham ô tài sản, Rửa tiền" xảy...