Đường Lâm trả danh hiệu: “Nếu là tôi, tôi cũng trả lại”
Theo PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, chuyện xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia ở Đường Lâm là chuyện tất yếu và “trước sau gì thì nó cũng xảy ra”.
Người ta kêu ca là đúng rồi!
78 người dân Đường Lâm vừa ký vào đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích quốc gia, với tư cách Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ông đón nhận thông tin này thế nào?
Tôi không bất ngờ về chuyện này. Bởi tôi biết, trước sau gì thì nó cũng xảy ra.
Nghĩa là, đó là hệ quả tất yếu?
Chứ sao nữa!
Một trong những nguyên nhân được người dân viết trong đơn là “không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình”. Ông bình luận gì về điều này?
Người ta kêu ca thế là đúng rồi. Cần nhớ rằng, khi chưa là di sản văn hóa quốc gia thì đó là nhà tôi, tôi có quyền sử dụng, khai thác, tôi làm gì là tùy thích. Nhưng khi là di sản quốc gia rồi thì những quyền đó bị hạn chế tới mức tối đa. Việc khai thác, sửa chữa như thế nào phải phụ thuộc cơ quan có thẩm quyền, vào Luật Di sản và các văn bản dưới luật khác, rất rườm rà.
Người Đường Lâm các thế hệ đã khổ thế nào để “hy sinh” cho danh hiệu làng cổ? Toàn bộ tầng 2, một nửa căn nhà 800 triệu (thời điểm năm 2010) của bà Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ) bị phá tan tành do “vi phạm quy chế xây dựng”. Oái oăm hơn, bà Khanh ngồi trên đống đổ nát nhà mình, thì trong ảnh, phía sau lưng bà là bạt ngàn nhà cao tầng… nghênh ngang tọa lạc! ( Ảnh Dân trí )
Nhưng nếu cho xây dựng, sửa sang, cơi nới thì làm gì còn là di tích làng cổ nữa?
Hẳn nhiên là thế. Song vấn đề cốt lõi ở đây là không cho người ta xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhưng cũng không cả việc quy hoạch, không luôn việc đem lại quyền lợi cho người ta. Từ năm 2005 đến nay, quy hoạch không được triển khai. Trong khi đó, dân cư Đường Lâm tiếp tục được sinh ra, nhà của người ta chỉ có thế, nếu họ có sửa lại thì vi phạm Luật Di sản văn hóa. Tiền vé của du khách – như thừa nhận của lãnh đạo địa phương thì chỉ được trả cho chính quyền chứ không chia cho người dân. Ngót chục năm ròng như thế, dân Đường Lâm bức xúc cũng phải thôi.
PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
nói về việc 78 người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
đề nghị trả lại danh hiệu di tích quốc gia.
Còn rất nhiều “Đường Lâm”
Với những gì ông vừa chỉ ra thì có vẻ, dân Đường Lâm bây giờ mới bức xúc như thế là… hiền quá!
(Cười) Nói hiền hay không thì cũng tùy quan điểm. Tôi được biết, đây cũng không phải là lần đầu tiên người dân ở đó bức xúc đâu.
Mới đây, sư trụ trì chùa Một Cột gửi “tối hậu thư” cho UBND TP Hà Nội về việc chùa bị dột nát, nếu các cấp chính quyền không sớm can thiệp thì tự nhà chùa sẽ đảo ngói toàn bộ chùa. Rồi trước đó là chuyện chùa Trăm Gian bị làm mới phá vỡ kiến trúc cổ… Những câu chuyện đó hẳn có sự liên quan?
Tất nhiên. Nó đặt ra vấn đề quản lý, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đáng tiếc là trong việc quản lý vẫn còn bị lệch pha nhiều quá!
Ông có thể cụ thể hơn?
Tôi có cảm tưởng ở ta hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc công nhận di tích mà không tính đến những việc phải làm song song với nó. Đó là vấn đề quy hoạch; là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với người dân trong khu di tích, đặc biệt khi chủ sở hữu di tích là cá nhân. Thế nên, sẽ không ngoa khi cho rằng còn rất nhiều Đường Lâm khác nữa cũng đang trong tình trạng quản lý, sử dụng tương tự. Thêm vào đó, khi công nhận di tích, người ta đã không quan tâm thấu đáo đến việc tuyên truyền cho người dân – chủ sở hữu di sản hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Đấy cũng là một lý do đẩy những mâu thuẫn, xung đột lên cao. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là chuyện hài hòa lợi ích kinh tế.
Tôi không tin là người quản lý không nhận ra những điều ông vừa phân tích?
Video đang HOT
Họ biết cả đấy.
Thế mà họ lại không làm?
Cái đấy thì phải hỏi họ thôi.
Sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh
Ở bên Hội của ông có bao giờ nhận được lá đơn nào tương tự như ở Đường Lâm vừa rồi?
Tôi chưa thấy.
Giả dụ là người tiếp nhận đơn như thế, ông thấy sao?
Tất nhiên là buồn chứ!
Ở nhiều nơi, người ta còn phải làm đơn để xin công nhận là di tích quốc gia, trong khi người Đường Lâm lại muốn trả lại danh hiệu ấy. Có vẻ “ở trong chăn mới biết chăn có rận”?
Lập luận đấy, theo tôi không phải là không có cơ sở.
Và vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Chẳng gì ngoài chuyện quản lý, quy hoạch, sử dụng di tích cả.
Ông có cho rằng, sau vụ việc người dân Đường Lâm làm đơn trả lại di tích, sẽ chẳng ai/địa phương nào còn dám mong về một danh hiệu Di tích quốc gia?
Tôi nghĩ không bi quan đến mức thế đâu!
Phải chăng, ông đang tin tưởng vụ việc ở Đường Lâm sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý?
Xét ở một khía cạnh nào đó thì đó đúng là một tiếng chuông cảnh tỉnh.
Và liệu người ta có quyền hy vọng vào một sự thay đổi sau tiếng chuông này?
Tôi nghĩ là chúng ta có quyền lạc quan.
Chưa làm tròn trách nhiệm với dân
Ở ta, như tôi biết có ít nhất 3 cơ quan, tổ chức có liên quan đến di sản: Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch), Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do Thủ tướng ký quyết định thành lập và Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Để những chuyện như Đường Lâm, chùa Một Cột… như thế thì các cơ quan, tổ chức này nằm ở đâu?
Nằm ở đây chứ còn nằm ở đâu (cười). Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ngoài Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm pháp lý trong việc cấp phép, quản lý thì Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chỉ có vai trò tư vấn thôi. Tuy nhiên, để những chuyện như thế này xảy ra, bản thân tôi với tư cách Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng thấy mình có một phần trách nhiệm khi chưa làm tròn vai trò của mình đối với người dân, với địa phương có các di tích.
Ông đã đến Đường Lâm rồi chứ?
Tất nhiên, tôi đến nhiều lần rồi.
Tôi tò mò nếu ông là người dân Đường Lâm, ông sẽ phản ứng thế nào?
Chắc chắn tôi cũng sẽ chọn cách mà người dân Đường Lâm vừa làm thôi.
Người dân Đường Lâm muốn trả lại di tích, liệu có được chấp nhận?
Không. Bởi trong Luật Di sản văn hóa không quy định cái này, chỉ mới nói đến việc xóa sổ di tích thôi.
Nghĩa là, người dân Đường Lâm không còn cách nào khác ngoài việc sống chung với di tích quốc gia mà họ đang muốn “gỡ bỏ”
Đương nhiên. Nhưng vấn đề bây giờ phải làm sao để người dân Đường Lâm có một quỹ đất giãn dân chứ không thể để cả gia đình sống trong ngôi nhà cổ chật hẹp mà không được sửa sang gì. Đó là điều bất hợp lý. Tôi cũng xin đảm bảo rằng, Hội Di sản văn hóa của chúng tôi cũng sẽ vào cuộc để góp phần nào đó đẩy nhanh tiến trình này lên.
Xin cảm ơn ông và mong người dân Đường Lâm sẽ không còn phải xin tước bỏ chính cái danh hiệu mà không phải muốn có là được này.
Theo vietbao
Người Đường Lâm - đất 2 vua - đang nổi giận: Vì sao?
Các đơn vị nhảy vào "khai thác" làng cổ Đường Lâm, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm.
Bố tôi lúc nào cũng sợ mang tiếng, lúc nào cũng dặn tôi: Mình là người làng cổ Đường Lâm, viết báo "... tung hoành chín phương" thì cũng phải để "một phương lấy chồng".
15 năm tôi đi làm báo, cũng là ngần ấy năm người ta sôi sục lập dự án, tuyên truyền rồi chính thức trao danh hiệu Di sản quốc gia làng cổ đầu tiên của Việt Nam cho quê tôi. Các đơn vị nhảy vào "khai thác" du lịch, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ đồng tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm.
Dường như, người ta quên mất rằng, di tích kia là cả dăm bảy cái làng, cả một cái xã với gần một vạn dân, "di tích sống" thì phải ứng xử đặc thù làm sao cho con người trong đó có thể sống được chứ. Đằng này, khi bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu giá trị bị "giết chết" ngay trong quá trình vinh danh di tích sống đó. Để đến nỗi, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đông đảo người dân ký vào một lá đơn dâng lên cơ quan cấp trên, xin trả lại Di tích quốc gia cho Nhà nước
Ba lối vào làng cổ đều bị chặn lại bắt mua vé, gửi xe như thế này. Tiền tỉ từ việc bán vé này hầu như chỉ để dùng nuôi nhân viên bán vé!
Vì sao có lá đơn chưa từng có?
Thú thật là tôi không muốn nói những chuyện này ra. Vì bố tôi nói đúng, về với gốc phần là bản năng khủng khiếp và nhân văn nhất mà kiếp người nào cũng luôn ám ảnh. Tôi chưa già đã hằng tuần muốn về quê, lúc chết chắc cũng sẽ nằm ở cánh đồng làng thôi.
Có lẽ vì người Đường Lâm không ai muốn "to tiếng" về những chuyện chẳng ra làm sao đã diễn ra 10 năm qua ở làng mình, nên nỗi đau, sự vô lý cứ lớn dần, cứ ấp ủ lâu ngày, giờ ung nhọt vỡ ra, việc xin trả lại danh hiệu hôm 30/4/2013 chỉ là giọt nước tràn ly.
Sự thể thế này: Tôi về quê nghỉ lễ 30/4/2013, thấy bà con dắt díu nhau đến nhà, gửi nhà báo một lá đơn. Có người chắp tay vái tôi, rằng hãy làm một cái gì đó cho dân, chúng tôi không biết kêu vào ai nữa cả. Chúng tôi đã đợi đến bạc tóc vì những lời hứa suông, chỉ hứa và hứa.
Lá đơn lúc đó mới có 7 người ký (nay đã có hơn 80 người ký), nội dung: Xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước. Vì người Đường Lâm đang khổ quá, ô nhiễm, tắc đường, ồn ào vì náo nức du khách; mà người ta kinh doanh du lịch trên quê tôi, di sản của chúng tôi và cha ông chúng tôi, nhưng lại không cho người quê tôi một xu nào.
Cái quan trọng hơn là họ "ra quy tắc" xây dựng rất ghê gớm: Cấm làm nhà hai tầng, tum chống nóng nhô lên cũng chặt. Họ cưỡng chế phá nhà dân rầm rầm cả đêm, cả ngày, cột nhà đổ, khổ chủ Hà Thị Khanh rú lên "ối cha mẹ ơi", rồi người thân phải khênh bà đi nơi khác trong trạng thái ngất xỉu, kẻo nhìn cảnh đó bà sẽ tự tử. Con trai bà thì (như bà kể) mua 20 lít xăng về để tự thiêu hay chống lại cán bộ, khiến bà càng hoang mang. Vài người "hô" trả lại danh hiệu làng cổ thì bị công an bắt, nhốt suốt mấy hôm.
Mỗi nhà có vài chục đến trăm mét vuông đất, có nhà cấp bốn, bếp, chuồng gà lợn trâu bò, khu vệ sinh...; rồi con cái lấy vợ, cắt mỗi đứa một gian. Có nhà, ba bốn cặp vợ chồng trong một căn nhà cấp bốn toen hoẻn, với ba bốn cái bếp, ba bốn nhà vệ sinh và ba bốn cây rơm, chuồng trâu bò... Tháng 4 năm 2013, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - bà Phan Thị Hảo - đã ký thông báo yêu cầu tự tháo dỡ, thậm chí, dự kiến sẽ yêu cầu xã tiếp tục cưỡng chế phá một số công trình của dân.
Chị Oanh - làm nghề bán cá ở chợ Mía, nhà ở thôn Mông Phụ - gặp tôi, khóc: "Con trai lấy vợ, đẻ con, hai cặp vợ chồng ở trong căn nhà bé tẹo. Nó là nhà cổ thì bảo vệ cho cam, đằng này nhà tôi mới xây 10 năm thôi, nhà gạch, lợp phibrôximăng chứ báu bở gì. Tôi làm cái tum chống nóng, thế mà họ bắt tháo dỡ, tôi dỡ rồi; họ vẫn cắt điện, cắt nước của tôi đã 2,5 tháng rồi. Hôm qua (đầu tháng 5/2013), tôi lên nhà chủ tịch, phó chủ tịch xã xin cấp lại nước mà vẫn chưa được! Khổ quá, mong ai đó về cứu dân tôi".
Ông Kiều Văn Triệu, ngoài 80 tuổi, là một bậc túc nho nổi tiếng của làng cổ. Con trai ông vừa gọi một xe cát định sửa lại cái nhà vệ sinh, lập tức có 6 anh cán bộ trờ xe máy đến, mặt đằng đằng sát khí hỏi giấy tờ, đơn xin, rồi giấy phép xây dựng đâu? Rồi họ dọa cắt điện, cắt nước, tóm cổ thợ nào đến thi công. Ông Triệu cười chua chát, ối giời ơi, tôi làm cái lỗ để đi đái mà nhà nước tốn mất 6 anh cán bộ đi lên đi xuống hỏi đủ thứ văn bản giấy tờ thế này ư? Thế thì Nhà nước "lỗ" tiền trả lương cho nhà các bác quá nhỉ. Cái hố xí nhà tôi có phải là cổ vật hay di sản cổ gì không mà các vị bảo tồn ghê thế?
Xã có 10 ngôi nhà cổ, bảo tồn nghiêm ngặt, nhất trí. Bảo vệ không gian của làng, nhất trí. Nhưng cái gì không đáng bảo vệ, cái hố xí bé tẹo của dân, nay sửa sang để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu, thì đừng hạch sách nữa, được không? Lãnh đạo xã, những người có trách nhiệm ở thị xã đều công nhận bức xúc của dân là chính đáng, là có thật. Bà con bảo, "chúng tôi như đang sống trong một "ấp chiến lược" với sự lùng sục, sự áp chế thẳng tay của một số nhân viên "thanh tra xây dựng" hết sức hung hãn!".
Cả làng cổ Đường Lâm hiện nay có khoảng chục căn nhà cổ đường vinh danh, mở cửa đón khách, gia chủ được nhận tiền 250 đến 400 nghìn đồng một tháng, để "quét mạng nhện và rót nước pha trà mời khách". Còn lại ngót một vạn dân không được hưởng lợi gì cả. Thế nhưng cái sự bức bí, cấm xây dựng, lối ứng xử của các "đội quy tắc" hiện nay nó quá nhẫn tâm. Không cho bà con một quyền lợi gì, sao bắt họ phải gánh cái trách nhiệm, nghĩa vụ quá lớn là không được xây dựng, cơi nới để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của mình và con cháu mình thế kia?
Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, đơn vị lập 3 cái chốt với hàng chục nhân viên thu vé đi tham quan làng cổ ở ba phía vào làng - nói: 5 tháng đầu năm 2013, có khoảng hơn 10 vạn vé được bán ra. Với giá 20.000 đồng/vé, thì số tiền mà di sản sống Đường Lâm thu được trong chưa đầy nửa năm đã là 2 tỉ đồng. Tiền ấy đi đâu? Câu trả lời là dùng để nuôi hệ thống những người bán vé.
Than ôi, làng quê đang yên bình, bà con vui sống đến mức các chuyên gia phải sững sờ tôn vinh đó là ngôi làng tiêu biểu nhất cho nền văn minh sông Hồng, cho hàng nghìn năm lịch sử của người Việt, thế mà đánh đổi bao nhiêu khổ ải, để bán được vé, thu được tiền chỉ để nuôi hệ thống nhân viên bán vé thôi ư? Trời ạ, thế thì lập chốt bán vé để làm gì? Sao đời lại có sự vô lý đến vậy nhỉ?
Đi quanh làng cổ Đường Lâm, góc nào cũng nhan nhản nhà cao tầng. Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi: liệu không gian làng cổ có còn gì để phải "dữ dằn và cứng nhắc" bảo vệ như lâu nay không?
Vô lý, vô lý và... chua xót
Cái lý của những khó khăn mà người dân làng cổ Đường Lâm đang phải gánh chịu từ gần 10 năm qua, ấy là: Bà con phải hy sinh vì mục đích bảo tồn di sản văn hóa muôn một, vô giá của Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Không ai là không ủng hộ điều này. Làng đang được đưa vào lộ trình đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới, theo Ban quản lý di tích làng cổ, khi thành di sản nhân loại thì toàn bộ các ngôi nhà cao hơn nhà cấp bốn ở Đường Lâm sẽ bị cắt cụt hết, ai có phép thì được đền bù, ai không phép thì mất không. Nếu lời "đe dọa" này trở thành hiện thực, thì sự vô lý sẽ tăng lên gấp nghìn lần. Vì các lý do sau: Suốt hàng nghìn năm lịch sử của ngôi làng huyền thoại Đường Lâm, chưa có nhà nào được cấp phép xây dựng cả.
Đường Lâm bây giờ có hàng chục, đến cả trăm ngôi nhà cao tầng. Cao đến mức, du khách đi xuyên qua làng vẫn ngơ ngác hỏi, "làng cổ ở đâu hả bác"? Nếu "cắt" hết thì làng trở thành một khu phố sau trận B52, chứ có gì cổ kính đâu? Nhiều nhà mọc lên (chủ nhân là tầng lớp nào thì ta tự hiểu) không sao cả. Nhà bà Khanh bị phá, sau đó nhiều nhà mọc lên, cao vòi vọi, cũng chả làm sao cả. Nhưng nhiều nhà, lợp cái tum chống nóng bằng phibrôximăng, lập tức bị cắt điện nước, cưỡng chế tháo dỡ bằng được. Đường Lâm bây giờ tân kỳ đến mức, một nhà quay phim, một nhiếp ảnh gia, phải khổ sở lắm mới chọn được một góc hoài cổ, cổ kính. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu việc "cứu" không gian cổ của Đường Lâm, bây giờ có là quá muộn không?
Điều vô lý hơn nữa: Đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa hề hoàn thành cái quy hoạch làng cổ. Chưa có cả quy chế chính thức trong xây dựng ở làng (quy chế đã tạm thời gần chục năm rồi!). Người dân xin phép thì được xây nhà thế nào, vật liệu gì, cao bao nhiêu mét, kiến trúc ra sao? Nghe các câu hỏi ấy, cán bộ quản lý chỉ biết cười chua xót: "Chưa có quy chế, chưa có tiêu chuẩn". Bà con không được hưởng lợi, lối làm du lịch úi xùi, người dân đơn phương bị áp chế những quy định vô lý, nên cán bộ xã cũng vì thương dân mà kiên quyết không thực hiện lệnh phá dỡ công trình cóp nhóp bao năm mới xây được của dân mình.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng - là người nhiều năm gắn bó với Đường Lâm, nghe thảm trạng của bà con hôm nay - nói: Phải dãn dân, phải có cơ chế đặc thù cho bà con bớt khổ. Nhà nước sẽ quản lý cái làng cổ tuyệt mỹ này làm di sản. Di sản quý này dĩ nhiên phải giữ gìn. Nhưng tiền có được từ du lịch cũng cần minh bạch, phải có văn hóa trong việc giữ gìn di sản văn hóa! Nhưng xin thưa với ông họa sĩ khả kính: Gần 10 năm qua, dự án dãn dân vẫn nằm trên giấy. Lãnh đạo xã họp với thị xã, đem bức xúc ra hỏi, chỉ được nói là phải chờ. Đơn vị lập và thực thi dự án, bảo: Khoảng 10 năm nữa mới có. Lãnh đạo xã "văng tục": Lúc đó thì cái làng cổ này "tan" lâu rồi bác ạ.
Cô giáo Lan - con dâu bậc túc nho Kiều Văn Triệu đã giới thiệu ở trên - gặp tôi, ấm ức: Tôi dạy học cách nhà 10km. Ra nơi khác thấy người ta vui vầy, nhà cửa rộng rãi, cứ về làng là thấy khổ sở. Nhà mình mấy thế hệ sống trong lụp xụp, tấm lợp phibrôximăng sắp vỡ hết rồi, có tiền cũng không được xây nhà để mà ở. Nhà tôi ở ngã ba đường, khách du lịch đi xuyên qua làng rồi mà gặp tôi vẫn cứ hỏi, "đến làng cổ chưa hả chị?".
Bởi xung quanh đây toàn nhà cao tầng! Họ mua vé rồi, cứ nghĩ muốn làm gì thì làm, chui vào đâu thì chui, không cần cả chào hỏi chủ nhà. Nhà tôi giờ như ở cái công trường lúc nhúc du khách ngó nghiêng. Họ cứ ngó mình khiến mình có cảm giác mình bị nhốt trong một cái lồng, họ đi xem từ bốn xung quanh ấy. Làng cổ, di sản Việt Nam, di sản thế giới, thì nó ra đời, họ kinh doanh du lịch để làm gì, nếu như không vì các giá trị nhân sinh, các giá trị nhân văn cho các "con dân" ở đó.
Nỗi khổ ở ban thờ hay là nước mắt của một trí thức làng cổ
Một trí thức lớn người Đường Lâm đang làm việc tại Hà Nội, ông có nhà thờ, nhà sinh sống ở quê, rầu rĩ nói: Đau nhất là sự xô bồ, lối thớ lợ do làm du lịch đã xâm lấn vào không ít người "ăn theo" du khách ở Đường Lâm. Nhà nọ lườm nhà kia, đình làng dọc ngang biển quảng cáo chỗ đi vệ sinh, chỗ nấu nướng cơm nước ngủ nghỉ. Nhiều người chạy vạy tranh nhau du khách, móc nối móc ngoặc với các tua du lịch lươn lẹo. Kết quả là cả vạn dân Đường Lâm tử tế chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm.
Giá cả leo thang. Cái bánh tẻ truyền thống của làng Đông Sàng ngon nổi tiếng, trước giá rẻ 2 nghìn đồng. Giờ lên đến 5 nghìn đồng, mà làm điêu trá lắm. Du khách không tiếc tiền, nhưng người dân nghèo thì bị "móc túi" có hệ thống, do "làng du lịch" đẩy mọi thứ giá cả đều leo thang, với chất lượng hàng dạng "chặt chém" như Sầm Sơn, Đồ Sơn hay... Vũng Tàu. Sợ hơn là lối kinh doanh ở không ít ngôi nhà cổ.
Nhà cổ buộc phải mở cửa đón khách quanh năm, nên du khách cứ đi bộ quanh làng, không có được bóng cây xanh, thế là họ ùa vào các ngôi nhà thờ... hóng mát. Rồi họ phóng uế. Có khi chỉ đơn giản là vào đó tìm chỗ đi vệ sinh. Và, cứ khách đến, là hầu hết các gia chủ lại thắp nén nhang, có nhà còn thỉnh chuông gọi "các cụ" về, rồi yêu cầu du khách thắp nhang. Thắp nhang cho "các cụ" để "lấy lộc" nhé, nhang khói xong thì ý tứ bảo họ xùy tiền gài vào nải chuối, đặt lên cái đĩa "biếu" "các cụ".
Kinh doanh cả bát nhang tổ tiên. Ông tiến sĩ người Đường Lâm thở dài: Cụ tôi chắc buồn lắm, sẽ nói với cụ ở ngôi mộ bên cạnh: "Tôi lại chống gậy ra đồng, lại bị một kẻ lạ hoắc bực mình cắm nhang lên bàn thờ, bực mình xỉa ra ít bạc lẻ gọi về. Tiền chúng nó cho, là tiền dương gian, tôi có tiêu được đâu". Vị tiến sĩ cười như mếu: "Tôi luôn tin vào thế giới tâm linh. Cũng sợ lối làm du lịch ăn xổi ở thì đó nó hại âm hại dương đến liệt tổ liệt tông, nhà báo ạ. Ước gì người ta cấm được cái cảnh gạ tiền du khách bằng cách đốt nhang gọi tổ tiên tôi về nhận bạc lẻ, ông nhỉ?".
Người viết bài này bật khóc trước khi ông tiến sĩ ngậm ngùi quay đi. Đơn giản tôi là người Đường Lâm, cuối tuần nào cũng về làng, lúc già chết, cũng vẫn mát mẻ ở cánh đồng làng mình thôi.
Theo Dantri
Những hình ảnh bất ngờ, trớ trêu ở làng cổ Đường Lâm Nỗi khổ và sự bức xúc đó đã được giới chức Đường Lâm, Sơn Tây, cả cán bộ của Hà Nội và cấp trên ghi nhận là chính đáng, là có thật. Để rộng đường dư luận, PV xin giới thiệu những hình ảnh làng cổ làm khổ dân ra sao. Dư luận đang ầm ĩ và choáng váng với chi tiết chưa...