Đường làm 13 năm vẫn ‘treo’ tái định cư
Dự án đường tuyến số 1 nội ô TP. Trà Vinh (Trà Vinh) thực hiện từ năm 2009, thu hồi đất của 253 hộ và 3 tổ chức với tổng diện tích hơn 280.000 m; nhưng đến nay sau 13 năm chưa được quyết toán khiến việc tái định cư của dự án này vẫn còn ‘treo’.
Dự án tuyến số 1 có tổng mức đầu tư hơn 160 tỉ đồng, do Sở GTVT Trà Vinh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi thực hiện giai đoạn đầu vào năm 2009, Thanh tra tỉnh Trà Vinh vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm thì dự án này phải đình lại và hủy bỏ.
Khổ sở nhiều bên
Đến tháng 2.2017, UBND tỉnh Trà Vinh ký hợp đồng theo hình thức PPP – hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với nhà đầu tư là DNTN Bình An (Trà Vinh) để tái khởi động tuyến số 1 (nối đường Nguyễn Đáng và đường Lê Văn Tám, TP.Trà Vinh). Cuối tháng 2.2017, công trình được khởi công và hoàn thành sau gần 2 năm. DNTN Bình An đã bỏ ra hơn 88 tỉ đồng xây dựng tuyến đường này đổi lấy 34.420 m đất 2 bên đường để phân lô bán nền, thu hồi vốn. Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm từ khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được đất theo hợp đồng.
Theo Sở GTVT Trà Vinh, nguyên nhân dẫn đến nhà đầu tư không nhận được đất theo hợp đồng, là do vướng quy định tại khoản 2, điều 41, Nghị định 43 ngày 15.5.2014 của Chính phủ: “Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị”.
Do dự án không giao đất cho nhà đầu tư thực hiện khu tái định cư theo quy định, nên dẫn đến việc nhiều hộ dân phải ly hương. Đất 2 bên đường hiện nay để trống được người dân tận dụng trồng cỏ nuôi bò. Nhiều đoạn dọc 2 bên đường cỏ mọc um tùm, mọc len lỏi trên vỉa hè và ngoài đường nhựa.
Video đang HOT
Trong ngày 1.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hùng (ngụ P.9, TP.Trà Vinh) – người có hơn 1.300/1.400 m đất bị thu hồi, cho biết khoảng năm 2009 thu hồi đất, ông được bồi thường gần 440 triệu đồng và được bố trí 300 m đất tái định cư (mua lại) trên tuyến đường này nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đất đâu. “Lúc trước ở đây cũng đông người sống lắm. Tuy nhiên, lúc làm đường họ bị lấy đất phải đi ở trọ, đợi làm đường xong cất nhà nhưng đợi lâu quá, có người đi tỉnh khác mưu sinh. Tôi cũng có đi đòi đất, đi chỗ này họ chỉ chỗ kia, đi chỗ kia họ chỉ chỗ nọ, riết rồi mất tinh thần luôn”, ông Hùng bức xúc.
Dự án từng “dính” nhiều sai phạm
Theo thiết kế ban đầu năm 2009, tổng chiều dài tuyến số 1 chỉ 2,2 km, nhưng tờ trình của Sở GTVT Trà Vinh gửi UBND tỉnh phê duyệt lên đến 2,9 km, và thực tế xây dựng dự án trên thực địa lên đến hơn 3 km. Theo chủ trương ban đầu, điểm đầu tuyến số 1 giáp với hương lộ 11 (tại điểm cách QL54 là 915 m), điểm cuối giáp đường số 3 (cách QL54 là 235 m), chiều rộng toàn tuyến 108 m.
Tuy nhiên, Sở GTVT Trà Vinh đã tự ý thay đổi vị trí và quy mô dự án so với chủ trương của UBND tỉnh. Theo đó, điểm đầu giáp hương lộ 11 (cách mố cầu Ô Xây 170 m), điểm cuối giáp đường Nguyễn Đáng (cách QL54 là 142 m) khiến điểm đầu rộng 108 m, điểm cuối chỉ 69,5 m.
Như vậy, tuyến đường bị “nắn” sang một vị trí khác, khiến dự án “xuyên thẳng” vào đất và nhà của người dân vốn không nằm trong quy hoạch, gây ra nhiều bức xúc nên người dân bị ảnh hưởng đã khiếu kiện, buộc dự án phải dừng lại khi mới vừa triển khai giai đoạn đầu.
Từ đó, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã thành lập đoàn thanh tra dự án này và phát hiện hàng loạt sai phạm. Đơn cử như nhiều gói thầu thấp hơn giá mời thầu chỉ từ 0,012 – 1,13%, có dấu hiệu “thông thầu”; nhà thầu không đủ năng lực vẫn trúng thầu; điều chỉnh quy mô dự án không đúng quy định; bố trí tái định cư cho 12 người không có đất bị thu hồi…
Bao giờ xử lý dứt điểm sai phạm ?
Đường tuyến số 1 ban đầu đã “dính” sai phạm ngay từ khâu lập dự án, và trong quá trình thực hiện có dấu hiệu thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, có mục đích tư lợi của nhiều cán bộ, công chức.
Theo đó, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ nhưng hồ sơ vẫn chưa được chuyển, mặc dù sai phạm đã được chỉ rõ trong Báo cáo số 120 năm 2009 của Thanh tra tỉnh Trà Vinh.
“Đây không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm mà còn có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu; chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu”, báo cáo thanh tra số 120 năm 2009 của Thanh tra tỉnh Trà Vinh nêu rõ.
Ngày 1.7, trao đổi về vấn đề trên với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết do vướng quy định nên không thể thanh toán với nhà đầu tư bằng đất được mà chỉ trả bằng tiền. Tuy nhiên, hiện thủ tục vẫn còn vướng nên chưa thể thanh toán được, và thực tế mới chỉ chi trả một phần vốn cho nhà đầu tư.
“Thủ tướng đã giao cho một số bộ, ngành hướng dẫn Trà Vinh thực hiện. Tuy nhiên, đến nay những nơi này vẫn chưa hướng dẫn Trà Vinh tháo gỡ khó khăn này. Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản và Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có công văn giao cho Bộ KH-ĐT hướng dẫn Trà Vinh, nhưng vẫn chưa nhận được hướng dẫn nên dẫn đến “treo” vậy đó”, ông Hẳn nói.
Khi PV Thanh Niên đề nghị cung cấp thông tin về việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân được xác định có vi phạm liên quan đến dự án nhưng vẫn được thăng chức…, thì Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết do sự việc diễn ra khá lâu nên cần có thời gian rà soát lại hồ sơ, sau đó sẽ trả lời Báo Thanh Niên.
Phê duyệt khung chính sách bồi thường dự án nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Tại Công văn số 539/TTg-CN ngày 24/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục rà soát, chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có địa điểm xây dựng qua địa phận các tỉnh (thành phố): Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Phạm vi dự án có có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km000 000), điểm cuối tại ga Vinh (Km319 202), với tổng chiều dài khoảng 319km nhưng không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh sử dụng vốn trung hạn 2016-2020.
Dự án có giá trị tổng mức đầu tư dự kiến hơn 854 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.
Về quy mô, dự án cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu; nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 8 đoạn, chiều dài khoảng 24km; cải tạo bình diện tại 7 vị trí có bán kính đường cong nhỏ, chiều dài khoảng 7km; xây dựng cầu đường bộ trên Quốc lộ 45 vượt đường sắt tại vị trí đường ngang tại Km187 950 để xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Nhà đầu tư có nên bán bất động sản giữa vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường? Thị trường bất động sản đã giảm nhiệt sau loạt động thái kiểm soát thời gian qua. Những nhà đầu tư ngắn hạn, đầu tư lướt sóng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên còn nhà đầu tư thực thụ có dòng tiền đầu tư dài hạn ít bị ảnh hưởng. Bất chấp dịch bệnh, giai đoạn từ năm 2021 đến những tháng đầu...