Đường hoa dài nhất Việt Nam
Có rất nhiều du khách ở ngoài tỉnh và nước ngoài từng tìm đến Đồng Nai để được tận mắt chiêm ngưỡng đường hoa dài nhất Việt Nam.
Đường hoa dài gần 30km bắt đầu từ xã Mã Đà đến xã Phú Lý (H. Vĩnh Cửu). Ảnh: H.GIANG
Con đường hoa này dài gần 30km, bắt đầu từ xã Mã Đà đến xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Tuyến đường chạy dài trong khu rừng tự nhiên đã giúp cho đường hoa thêm phần thi vị.
* Những người tạo nên đường hoa
Hơn 10 năm trước, nơi khởi xướng trồng hoa ven đường là Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn). Khi ấy, tỉnh đã đưa ra kế hoạch phát triển du lịch sinh thái rừng gắn với tìm hiểu về lịch sử ở Chiến khu Đ. Khu Bảo tồn là đơn vị được tỉnh giao quản lý, bảo vệ rừng sẽ khai thác phát triển du lịch rừng. Du khách muốn tham gia khám phá rừng tự nhiên và tìm hiểu lịch sử hào hùng của quân và dân ta những năm chống Pháp, chống Mỹ đều đi qua con đường thẳng tắp ngang qua rừng tự nhiên này. Để du khách có thêm sự trải nghiệm khác biệt và nhớ mãi nơi này, Khu Bảo tồn đã tiến hành trồng hoa ở ven đường.
Đường hoa có cách đây hơn 10 năm. Loài hoa được trồng chủ yếu là hoa giấy nhiều màu sắc: hồng, tím, trắng, vàng và hoa sứ màu trắng, hồng. Thời điểm đường hoa đẹp nhất là từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm. Giai đoạn này hoa đua nhau khoe sắc, nổi bật giữa màu xanh ngắt của rừng già mang đến cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái được hòa mình vào thiên nhiên trong lành của khu rừng nguyên sinh.
Sở dĩ hoa giấy và hoa sứ được chọn trồng nhiều nhất là vì đây là 2 loại cây chịu được nắng nóng, khô hạn. Vào mùa khô, khu vực trên rất ít mưa, đất đai khô cằn. Giống hoa, công trồng do Khu Bảo tồn chịu trách nhiệm, còn người dân xã Mã Đà sinh sống hai bên đường thì góp phần chăm sóc và bảo vệ.
Ông Tô Bá Thanh, Phó giám đốc Khu Bảo tồn, người có hơn 30 năm gắn bó với rừng ở H.Vĩnh Cửu nhớ lại: “Để có được đường hoa trải dài rực rỡ như hôm nay khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ khen ngợi, những người giữ rừng trong Khu Bảo tồn đã bỏ ra rất nhiều công sức để trồng và cùng người dân Mã Đà chăm sóc, bảo vệ. Cũng có năm, thời tiết nắng gay gắt, khô hạn kéo dài, nhiều cây hoa giấy, hoa sứ không chịu nổi đã chết. Thế là vào mùa mưa, Khu Bảo tồn lại phải cử lực lượng trồng dặm lại đường hoa”.
Cứ thế, đường hoa được trồng, nuôi dưỡng qua hơn một thập niên, mang theo tâm huyết và gửi gắm của nhiều người đã bỏ sức, bỏ công để tạo nên.
Ông Đinh Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà tự hào kể: “Trước đây, nhiều lãnh đạo của Trung ương về thăm xã Mã Đà, Chiến khu Đ đều tỏ ra rất thích thú và khen ngợi đường hoa ở nơi đây. Hiện nay, cả nước chưa có đường hoa nào dài và đẹp như đường hoa nối từ xã Mã Đà đến xã Phú Lý”.
Video đang HOT
Phải đến tận nơi, đi trên con đường hoa ấy, ngắm nhìn những chùm hoa khoe sắc và phóng tầm mắt ra xa để tận hưởng không khí trong lành pha chút huyền bí của rừng già mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của nơi này. Vào sáng sớm, khi mặt trời vừa lên, những giọt sương mai còn đọng trên các cánh hoa, kẽ lá được tắm ánh nắng lung linh, thi thoảng những đàn bướm nhiều màu sắc sặc sỡ bay lượn, tô điểm cho đường hoa thêm sinh động. Giữa trưa, đường hoa như rực lên một màu hồng tím của hoa giấy xen giữa màu trắng tinh khiết của hoa sứ, thoang thoảng một mùi thơm nhè nhẹ, man mác của hương hoa sứ làm cho cái nắng hanh hao như dịu bớt.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở ấp 5, xã Mã Đà chia sẻ: “Nhiều du khách khi đến chiêm ngưỡng đường hoa thích nhất là khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống. Thời điểm ấy, ánh hoàng hôn nơi rừng già mang sắc đỏ pha tím phủ lên các chùm hoa giấy, hoa sứ, những vạt rừng và trải dài trên con đường thẳng tắp hút tầm nhìn. Khi ấy, con người có cảm giác như được hòa vào thiên nhiên”.
* Niềm tự hào của người dân ven rừng
Khi nhắc đến đường hoa dài nhất Việt Nam ở H.Vĩnh Cửu, không chỉ cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn mà cả những người dân trong 2 xã Mã Đà, Phú Lý cũng rất tự hào. Khách du lịch trong nước, nước ngoài khi đến tham quan rừng tự nhiên và di tích lịch sử ở Chiến khu Đ, đi qua đường hoa thường dừng lại chụp hình, ghi lại khoảnh khắc sinh động trên đường hoa để làm kỷ niệm.
Đường hoa xuyên rừng tự nhiên ở xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy (ấp 5, xã Mã Đà) kể: “Vào dịp lễ, tết, cuối tuần, du khách từ các nơi đổ về đây rất đông để khám phá rừng và chiêm ngưỡng đường hoa. Có những đoạn, đường hoa nở nhiều, phong cảnh hai bên đẹp, khách dừng lại chụp hình lưu niệm rất đông, cứ hết tốp này đến tốp khác. Tôi sống gần đường hoa cũng thấy rất tự hào vì hằng ngày được đi trên con đường này”.
Niềm tự hào ấy đã được người dân Mã Đà gửi gắm vào việc cùng nhau góp sức dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc và bảo vệ đường hoa. Vì thế, đường hoa luôn sạch đẹp và cuốn hút được du khách đến tham quan nhiều hơn. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn khiến nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan rừng, Chiến khu Đ, để được đi trên con đường hoa dài gần 30km, chụp những tấm ảnh kỷ niệm, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, trước vẻ đẹp của đường hoa, rừng tự nhiên – “lá phổi xanh” khu vực phía Nam.
Ông Phạm Ngọc Hải, Trưởng ấp 5, xã Mã Đà kể: “Để có được đường hoa dài, sạch và đẹp như hiện nay, xã, ấp thường xuyên vận động người dân sống gần đường hoa cùng tham gia giữ vệ sinh chung và dọn dẹp rác. Thực tế, vẫn có nhiều du khách, người dân khi đi qua đường hoa còn xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan. Do đó, hằng tuần ấp vận động các hộ dân cùng tham gia nhặt rác, cắt cỏ để đường hoa thêm quang đãng, đẹp mắt”.
Trước đây, trên đường hoa còn xảy ra tình trạng một số người đi qua kém ý thức thấy hoa đẹp đã dừng xe bẻ hoa, chặt cành để đưa về trồng, nhưng mấy năm gần đây không còn tình trạng này. Người dân trong các xã Mã Đà, Phú Lý khi đi trên đường hoa đều có ý thức bảo vệ hoa. Nếu gặp trường hợp có du khách cố ý muốn bẻ hoa, chặt cành đều được nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời.
Chị Lê Phương Thảo ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi rất thích thiên nhiên nên thi thoảng vào những dịp cuối tuần thường cùng bạn bè rủ nhau đến những nơi có nhiều vườn cây ăn trái, rừng tự nhiên ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán. Về Vĩnh Cửu, tôi thích nhất cảm giác đi trên con đường hoa dài hun hút xuyên qua rừng, lúc ấy mọi ồn ào, náo nhiệt và áp lực nơi phố thị đều được bỏ lại. Thay vào đó là cảm giác thư giãn, bình yên”.
Những năm gần đây, xu hướng của nhiều người Việt Nam cũng như thế giới thích du lịch sinh thái đến những nơi thiên nhiên còn hoang dã chưa chịu nhiều tác động của bàn tay con người. Du lịch khám phá, nghỉ dưỡng ở rừng đang được nhiều người lựa chọn. Ngắm đường hoa dài nhất Việt Nam, khám phá rừng tự nhiên có nhiều loài động, thực vật hoang dã và thưởng thức những đặc sản của địa phương như: cá lăng, cá trèn, khô cá kìm, cá chuột, tép hồ Trị An, rau bìm bịp… sẽ giúp cho du khách có một chuyến đi lý thú, khó quên.
Hương Giang
Những điểm đến của Vĩnh Cửu
Huyện Vĩnh Cửu là nơi có nhiều điểm đến vui chơi, giải trí khá thú vị như: rừng tự nhiên, di tích lịch sử ở các xã Mã Đà, Phú Lý, hồ Trị An. Bên cạnh đó, du khách đến Vĩnh Cửu còn có thể chọn lựa du lịch sinh thái vườn.
UBND huyện Vĩnh Cửu đã quy hoạch thêm 3 dự án du lịch sinh thái miệt vườn ở khu vực 2 xã Bình Lợi, Tân Bình. Đây là khu vực có nhiều vườn bưởi trĩu quả nổi tiếng trong tỉnh.
* Du lịch sinh thái miệt vườn
Hiện nay, điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng nhất huyện Vĩnh Cửu là Làng bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình. Đến với Làng bưởi Tân Triều, du khách sẽ được tận hưởng không gian trong lành của một làng quê ven đô vẫn còn giữ được những vườn bưởi xanh tốt. Vào tháng 7, 8 âm lịch hay gần Tết Nguyên đán là thời điểm các vườn bưởi trĩu quả. Sau khi tham quan miệt vườn, du khách có thể thưởng thức trái bưởi và những đặc sản làm từ bưởi như: rượu bưởi, nem bưởi, gỏi bưởi, gà hấp bưởi, trà bưởi, chè bưởi.
Chị Lê Thị Hà (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: "Tôi và bạn bè rất thích du lịch miệt vườn nên vào cuối tuần thường cùng bạn bè rủ nhau đi về những điểm du lịch vườn để nghỉ ngơi. Làng bưởi Tân Triều là nơi tôi đã nhiều lần đến. Ngoài tận hưởng không khí trong lành, nơi đây còn nhiều món ngon làm từ bưởi để thưởng thức".
Vào dịp cuối tuần, du khách đến với Làng bưởi Tân Triều khá đông, trong đó có cả khách nước ngoài.
Xã Bình Lợi, Bình Hòa là nơi có nhiều vườn bưởi khá đẹp nằm ven sông Đồng Nai, là nơi rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái vườn. UBND huyện Vĩnh Cửu, phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch quy hoạch 2 dự án du lịch lớn gồm: điểm du lịch sinh thái miệt vườn Bình Thạch, ở ấp Bình Thạch xã Bình Hòa, quy mô khoảng 30 hécta, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư.
Tại xã Bình Lợi quy hoạch điểm du lịch sinh thái miệt vườn Bình Ninh có diện tích 40 hécta, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.
Xã Tân Bình quy hoạch thêm điểm du lịch vườn Vĩnh Hiệp khoảng 40 hécta nằm gần điểm du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều. Vốn đầu tư cho điểm du lịch sinh thái Vĩnh Hiệp khoảng 500 tỷ đồng. Đánh giá được tiềm năng của du lịch miệt vườn nên UBND huyện Vĩnh Cửu đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng cho du lịch miệt vườn.
* Hòa mình với rừng, hồ
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, khách du lịch đến với Vĩnh Cửu ngày một nhiều, có cả khách trong nước lẫn khách nước ngoài. Nơi thu hút đông khách tham quan nhất là Chiến khu Đ, rừng tự nhiên và hồ Trị An. Những năm gần đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tập trung đầu tư để thu hút du khách. Khách đến ngoài tìm hiểu về những giá trị lịch sử có thể thám hiểm rừng tự nhiên có đa dạng sinh học vào bậc nhất Đông Nam bộ. Sau đó, thưởng thức những món ngon từ rừng.
Hồ Trị An là điểm đến được nhiều khách du lịch chọn lựa. Khách có thể thuê tàu đi dạo trên hồ rộng 32 ngàn hécta, tận hưởng cảm giác thanh bình, mênh mông của sông nước. Trên hồ có 74 đảo lớn nhỏ gắn với nhiều giai thoại nửa thực, nửa hư như mời gọi du khách khám phá.
Theo các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, 3-4 năm trở lại đây, khách đến hồ Trị An, Chiến khu Đ ngày một đông. Trong đó có khách đi theo đoàn, nhóm, cá nhân song thường là đi về trong ngày.
Ông Nguyễn Anh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH du lịch thương mại dịch vụ Kỳ Nghỉ Việt (TP.Biên Hòa) cho hay: "Công ty thường xuyên tổ chức các tour du lịch về Vĩnh Cửu, khách thường chọn thăm rừng tự nhiên và khám phá hồ Trị An. Xu hướng của du khách hiện nay là thích du lịch sinh thái đến những nơi thiên nhiên còn trong lành. Nếu các điểm du lịch tạo ra được những sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, các công ty lữ hành sẵn sàng hỗ trợ giới thiệu, tổ chức tour đưa khách đến".
Đảo Ó, đảo Đồng Trường trên hồ Trị An cũng là điểm đến của nhiều du khạch. Khoảng 3 năm trở lại đây, đơn vị liên tục đầu tư cải tạo nâng cấp cảnh quan trên 2 đảo nên lượng du khách đến khá đông.
Bài, ảnh: Nguyệt Hạ
Theo baodongnai.com.vn
Hoa giấy khoe sắc trên góc phố Sài thành Đầu hè, những bông hoa giấy đủ màu đỏ, hồng, cam, trắng khoe sắc trên mái hiên, rụng đầy trước sân nhà, bung tỏa rực rỡ dưới cái nắng chói chang của Sài thành. Ảnh: Tiên Tí Tởn. Mùa hoa giấy ở Sài thành có ở quanh năm nhưng đẹp nhất là khi vào hè. Hoa được trồng trên giàn leo, trong chậu...