Đường Hà Nội ngập nửa mét do thủy điện xả lũ
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, trong ngày 29.7 đã ghi nhận ở các tỉnh Bắc bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có giông.
Nước sông Bùi dâng ngược gây ngập lụt tuyến giao thông huyết mạch của H.Quốc Oai
ẢNH: TRẦN MẠNH CƯỜNG
Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ có nơi mưa rất to. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo khu vực các tỉnh vùng núi phía bắc có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Dự báo đợt mưa này có khả năng kéo dài đến ngày 1.8, sau đó sẽ giảm dần.
Cùng ngày 29.7, ông Đỗ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (H.Quốc Oai), cho biết đoạn đường tỉnh lộ 421B qua địa phương này đã bị ngập lụt lần thứ hai trong tháng 7, nguyên nhân là do nước sông Bùi dâng ngược khi thủy điện Hòa Bình xả lũ. Nước bắt đầu dềnh lên từ chiều 28.7, mực nước sâu khoảng 0,2 – 0,5 m khiến các phương tiện giao thông rất khó khăn khi qua đây. Trong ngày 29.7, nước bắt đầu rút chậm, nếu thủy điện không tiếp tục mở thêm cửa xả lũ, dự kiến đến hết ngày 30.7, nước sẽ rút cạn.
Video đang HOT
Tối 29.7, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (H.Tương Dương, Nghệ An), cho biết chiều tối cùng ngày, hơn 20 hộ dân trên địa bàn xã đã phải sơ tán trước khi thủy điện Bản Vẽ dự kiến xả lũ vào sáng nay (30.7). Sáng 30.7, xã sẽ tiếp tục sơ tán thêm 10 hộ dân nằm trong nguy cơ bị sạt lở đất. Đây là địa bàn nằm giữa hai thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn, nằm trong tình trạng đe dọa do bị sạt lở đất. Theo thông báo của thủy điện Bản Vẽ, thủy điện này sẽ bắt đầu xả lũ lúc 9 giờ ngày 30.7 với lưu lượng từ 340 – 1.000 m3/giây.
Ngày 29.7, Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang dự báo vài ngày tới, mực nước các sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh do lũ thượng nguồn sông Mê Kông về kết hợp với đợt triều cường. Mực nước lũ lên nhanh đã ảnh hưởng hơn 7.543 ha lúa và hoa màu; trong đó trên 2.000 ha lúa hè thu bị thiệt hại từ 30 – 70%; 321 ha lúa bị thiệt hại trên 70%; trên 5.000 ha hoa màu bị đổ ngã…
Theo TNO
Các tỉnh ĐBSCL đã có phương án đối phó sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào
Các địa phương đầu nguồn trong khu vực ĐBSCL đã có phương án đối phó với trường hợp nước dâng cao do vỡ đập thủy điện ở Lào.
Trước thông tin vỡ đập thủy điện ở Lào có thể ảnh hưởng đến các tỉnh ĐBSCL, trao đổi với VOV, ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: Ngay từ đầu năm địa phương đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn.
Trong điều kiện lũ về sẽ kịp thời thông tin cho người dân nắm về lũ, mưa, bão. Vụ lúa Hè Thu năm nay huyện An Phú có hai vùng sản xuất kiểm soát lũ và một vùng đê bao chưa an toàn cần phải bảo vệ trong mùa lũ với diện tích hơn 8.000ha.
Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
"Qua thông tin tình hình diễn ra vỡ đập thủy điện ở Lào với cái huyện đầu nguồn ở tỉnh chắc có lẽ bị ảnh hưởng, trong điều kiện hiện nay đang thu hoạch vụ Hè Thu thì huyện cũng đã chủ động kiểm tra hệ thống đê bao. Những đoạn xung yếu thì cần phải gia cố, chỉ đạo các địa phương gia cố thêm, để bảo vệ bờ bao bảo vệ lúa, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao toàn tuyến để mà có cái xử lý kịp thời", ông Thuận cho biết.
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đã có nhiều phương án đối phó với lũ ở thượng nguồn đổ về.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết: Hàng năm để đối phó với lũ địa phương cũng đã có kế hoạch chủ động rà soát đê bao, gia cố các điểm xung yếu, vận động các chủ đầu tư máy bơm chuẩn bị các trang thiết bị máy bơm sẵn sàng bơm khi có lũ kết hợp với mưa đổ về. Đồng thời bố trí các lực lượng tuần tra, canh gác sẵn sàng khi các sự cố vỡ đập, vỡ cống xảy ra.
Các tỉnh đầu nguồn thường xuyên theo dõi thông tin để chủ động ứng phó với lũ.
"Vấn đề lũ lúc nào cũng tuyên truyền thường xuyên, đưa bản tin về dự báo khí tượng thủy văn hàng tuần, rồi hàng ngày đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai ở cấp huyện, để tuyên truyền ra đến cấp xã để cho người dân không có lơ là, lúc nào cũng cảnh giác cao", ông Ngoan cho biết.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thì vào khoảng ngày 28 - 29/7, lượng nước từ sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào sẽ về hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp với mực nước tăng thêm từ 7 - 8 cm. Tuy nhiên với mực nước này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh đầu nguồn bởi các địa phương đã có hệ thống đê bao vững chắc.
"Dư luận hiện nay rất là quan tâm đến tác động của việc vỡ đập thủy điện ở Lào, thì tính toán mới nhất của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thì cho thấy khoảng cuối tuần này nước sẽ về đến An Giang và Đồng Tháp với mực nước có thể tăng lên từ 7 - 8cm. Đó là cái tính toán như vậy, ảnh hưởng sẽ không lớn tới các tỉnh này", ông Sơn cho hay.
Để chủ động ứng phó với lũ ở thượng nguồn đổ về, các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
Theo VOV
Mùa lũ ở ĐBSCL (bài 3): Hoa màu "xé rào" chìm trong nước lũ Năm nay, nước lũ dâng cao bất ngờ, mang về nhiều cá tôm và sản vật cho nhà nông, nhưng mặt khác cũng đã khiến cho nhiều diện tích hoa màu và lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Những diện tích này phần lớn do nhà nông "xé rào", nằm ngoài vùng đê bao khép kín, không có chủ trương sản xuất...