Đường dây đẻ thuê và những chuyện không thể tin nổi
Những đứa trẻ sinh ra sẽ hạnh phúc hay bất hạnh? Những bà mẹ đau đớn xót xa khi giao “máu thịt” cho người khác hay hoan hỷ trước cọc tiền mình nhận được? Xung quanh câu chuyện đẻ thuê thật lắm bi hài.
Kỳ 1: “Cò” đẻ thuê và cuộc ngã giá
Đẻ thuê là chuyện vô cùng tế nhị. Không người phụ nữ nào muốn làm việc đó cả. Nhưng vì đường cùng, vì muốn kiếm được chút tiền giải quyết việc hệ trọng, mà họ phải nhắm mắt dấn bước.
Anh bạn tôi, giám đốc một doanh nghiệp, khá giàu, nhưng lấy vợ đã 10 năm, mà chưa có mụn con. Lý do: vợ vô sinh do u nang buồng trứng. Anh là con trưởng. Không còn cách nào khác, vợ anh chấp nhận phương án tìm người đẻ thuê. Mọi chuyện diễn ra bí mật tuyệt đối.
Một cô gái Việt trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan. Ảnh internet.
Bên ly cafê, anh than thở: “Bà cò dẫn đi chục cô rồi, nhưng chưa chọn được cô nào ưng ý”.
Cô nào xấu anh không có cảm xúc, không thể ngủ cùng được. Cô nào mắt la mày lét, nói chuyện miệng lệch một bên, anh cũng lắc đầu, vì anh tin rằng cô đó có tính giả dối. Những cô gái có quá khứ làm tiền anh không chấp nhận, sợ con mang gene của mẹ. Anh không cần một cô gái học nhiều, nhưng khuôn mặt phải toát lên vẻ sáng láng.
Kiếm một cô gái đẻ thuê, có hình thức, lại tướng đẹp, quả là chả khác gì mò kim đáy bể. Nhưng anh vẫn mang niềm tin là sẽ tìm được người ưng ý. Chuyện con cái là sự nghiệp lớn nhất trong đời, nên không thể vội vàng. Rồi anh rủ tôi đi gặp người đàn bà, là trùm môi giới, dẫn dắt các cuộc đẻ thuê.
“Cò” đẻ thuê
Người đàn bà đó tên Minh, sống góa cùng với cô con gái, ở ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội). Tôi đi cùng anh bạn, là khách quen của bà, nên bà không nghi ngại gì cả.
Bà bảo, bà làm nghề này đã ngót chục năm. Bà đến với nghề là cơ duyên. Ấy là lần 10 năm trước, một cô công nhân trọ cạnh nhà bà trót mang bầu, bị tên người yêu họ Sở trốn biệt. Thai quá ngày, không phá được. Thương cô, bà chu cấp cho cô ăn ở, rồi đẻ đái. Đẻ xong, bà gọi người nhà giàu bồng đứa bé về nuôi. Họ đặt lễ 50 triệu đồng. Bà chia cho cô gái 30 triệu. 20 triệu bà đã chi phí cho quá trình mang thai, sinh đẻ của cô.
Bà Minh – “cò” đẻ thuê.
Thế rồi, người đàn ông kia lại liên lạc với bà, rằng nếu bà thuyết phục được cô gái kia đẻ thuê cho anh ta một đứa con, anh sẽ mua cho cô một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Làm công nhân, vạ vật ở thủ đô, cả đời cũng chả mơ có một mái nhà, nên cô gật đầu đồng ý. Xong vụ đó, cô kia được anh ta tặng ngôi nhà ở ngoại ô, còn bà Minh được tặng 50 triệu. Tất cả cùng có lợi.
Bà bảo, công việc của bà, nghe cứ như là buôn người, nhưng làm lâu năm rồi, bà thấy nó mang lại rất nhiều ý nghĩa. Việc này giải quyết được khó khăn tài chính rất lớn cho những phụ nữ ở quê lên thành phố làm công nhân, gồng gánh thuê mướn, thậm chí là ôsin, gặp hoàn cảnh quá éo le.
Quan trọng hơn là nó mang đến niềm vui được làm cha, làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Với các cặp vợ chồng hiếm muộn, có được đứa con cùng dòng máu của chồng, thì tiền bạc không so được.
Video đang HOT
Vụ cô gái kia kiếm được ngôi nhà nhờ đẻ thuê, đã khiến nhiều cô gái khác biết chuyện cũng nảy sinh ý định đẻ thuê và bà Minh bỗng nhiên trở thành người môi giới cho dịch vụ kỳ quái này.
Nhiều chị em vô sinh, phải chấp nhận phương án tìm người đẻ thuê cho chồng. Ảnh chụp tại một phòng khám hiếm muộn.
Xem mặt người đẻ thuê
Chiều tối, bà Minh hẹn ở phố Xã Đàn. Tôi và anh bạn đến đúng hẹn. Anh bạn dặn đi dặn lại rằng, phải giấu tuyệt đối tên tuổi, địa chỉ những nhân vật liên quan. Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thực (trừ tên thật của nhân vật), tôi ghi chép lại một cách trung thực, để độc giả có sự nhìn nhận khách quan về hiện tượng khá tế nhị đang tồn tại trong đời sống xã hội.
Bà Minh lên xe, rồi chúng tôi ra khỏi nội thành, ra đường 5, về thị trấn Như Quỳnh để xem mặt một cô gái.
Theo thủ tục, thì anh bạn tôi đặt cọc cho bà Minh 10 triệu đồng. Bà sẽ tìm đến khi nào được người anh đồng ý thì thôi. Không được ai thì bà hoàn lại tiền đầy đủ.
Nhiều nữ công nhân có hoàn cảnh éo le, cần số tiền lớn giải quyết khó khăn, nên chấp nhận công việc đẻ thuê.
Gặp mặt rồi, khách ưng ý, thì sẽ làm hợp đồng, thống nhất tiền công, cùng rất nhiều điều khoản, chi phí lặt vặt phát sinh khác. Khi nào ký vào hợp đồng, thì đặt cọc một khoản, chừng 30%. Đẻ xong thì trao tiếp 30% nữa. Khi bế con về thì trả hết tiền, rồi thưởng cho bà Minh bao nhiêu là tùy lòng thành.
Tất nhiên, hợp đồng này không được pháp luật công nhận, nhưng cứ phải thảo cho chắc ăn. Theo bà Minh, điều quan trọng nhất là sự tự nguyện và tin tưởng nhau. Bà ta phân tích thêm: Hầu hết người hiếm muộn đều khát khao có một đứa con và tiền nong bao giờ cũng không thành vấn đề. Có được đứa con kháu khỉnh, xinh đẹp thì kể cả khuynh gia bại sản cũng chấp nhận, nên không lo ngại chuyện họ “bùng”.
Cô gái mà bà Minh dẫn chúng tôi đến gặp tên là Hiền, hiện đang làm công nhân ở một công ty may. Dẫn vào cửa phòng trọ, bà Minh bỏ ra ngoài để Hiền tiếp tôi và anh bạn, tự bàn bạc thoải mái.
Hiền quê ở mãi Ninh Bình, năm nay mới 20 tuổi mà trông đã quá già dặn. Sự vất vả, lam lũ hiện rõ trên khuôn mặt cô. Hiền sống cùng 3 người bạn trong một căn nhà trọ độ 10m2 ở ven thị trấn Như Quỳnh.
Hiền ngồi nép sát góc giường, thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi như dò xét.
Tôi hỏi: “ Sao em ở nhà có một mình?”, Hiền nói: “Mấy chị ở cùng phòng đi làm thêm ca, em về sớm vì có hẹn với cô Minh”.
Dãy nhà trọ Hiền ở.
Nhìn vẻ hiền lành, chân chất của cô gái vừa tròn 20, tôi không tài nào hình dung nổi cô đang chuẩn bị làm một chuyện vừa quái gở, vừa động trời: làm vợ tạm kẻ hoàn toàn xa lạ để mang thai, đẻ con rồi bán.
Hiền kể cho tôi nghe rất nhiều về hoàn cảnh éo le của mình. Bố cô đã mất 5 năm trước vì tai nạn giao thông, mẹ suy nghĩ nhiều mà hóa điên. Thời gian bà ở bệnh viện tâm thần nhiều hơn ở nhà.
Hai đứa em nhỏ chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài người mẹ lúc tỉnh táo lúc u mê. Phận làm chị, Hiền phải bỏ học lên Hà Nội, rồi dạt về Hưng Yên làm may.
Lương công nhân may thì rẻ mạt, phải làm tăng giờ, tăng ca cũng chỉ được 3 triệu đồng. Dù em đã tằn tiện hết cỡ để cuối tháng có tiền gửi về quê, song cũng không đủ để mẹ chữa bệnh chứ chưa nói đến chuyện nuôi hai em nhỏ ăn học.
Tôi hỏi: “Em đã đẻ thuê cho ai bao giờ chưa?”, Hiền bẽn lẽn trả lời: “Ở công ty em cũng có 2 chị đã đẻ thuê mấy lần nhờ cô Minh dẫn mối. Thấy kiếm tiền dễ nên em cũng thử một lần. Cũng có mấy người đến gặp nhưng họ bảo em còn ít tuổi, chưa có kinh nghiệm chăm sóc thai nhi nên đến rồi không quay lại nữa. Em tính làm một lần lấy vốn rồi về quê nghĩ cách khác làm ăn lâu dài để kiếm tiền nuôi em, chăm mẹ. Ở đây xa nhà, công việc lại không ổn định nên chán lắm”.
Anh bạn tôi hỏi: “Vậy em tính lấy bao nhiêu?”. Hiền bảo: “Chắc cô Minh cũng đã nói với anh còn gì. Anh đưa em trước 100 triệu, khi nào em đẻ anh đưa 100 triệu nữa. Anh bế con đi thì đưa nốt 100 triệu. Tổng cộng là 300 triệu. Mấy chị đẻ thuê mà em tìm hiểu đều tính thế cả. Nếu đẻ con trai thì các chị ấy được bồi dưỡng thêm vài chục triệu nữa. Ngoài ra, các chi phí khác anh phải chịu giúp em vì lúc mang thai em không thể đi làm được”.
Những chi phí khác ở đây là tiền thuê nhà trọ, khám thai, thuốc bổ, dưỡng thai, chi phí sinh đẻ, hậu sản… Số tiền này phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của người đẻ thuê. Người đẻ thuê có thể chất tốt thì tốn kém không đáng kể, còn mang bầu khó, thì có thể tốn tiền trăm. Nếu sảy thai, thì làm lại từ đầu.
Theo VTC
Bi kịch những phụ nữ đẻ thuê
Dù không được luật pháp công nhận nhưng hiện nay, dịch vụ đẻ thuê vẫn diễn ra tràn lan. Để rồi khi bị lừa, những người phụ nữ trong hoàn cảnh này không biết cầu cứu ai.
Nỗi đau của người vợ bất hạnh
Chúng tôi gặp Xuân sau khi biết hoàn cảnh thương tâm của chị qua một diễn đàn trên internet. Xuân đang mang thai ở tháng thứ 6. Cái thai này là kết quả của hợp đồng (miệng) đẻ thuê cho một cặp vợ chồng hiếm muộn với giá 250 triệu đồng. Tưởng rằng số tiền đó sẽ giúp Xuân có chút vốn để làm ăn, nuôi 3 đứa con còn tuổi ăn, tuổi học nhưng ngờ đâu, khi cái thai ở tháng thứ 4, vợ chồng người ta ly dị, để mặc chị tự xoay xở mà tiền cũng chẳng đưa.
Trong làn nước mắt, Xuân kể rằng, gia đình chị là dân Q.4 gốc (TP.HCM) nhưng rất nghèo, từ đời ông bà tới giờ chỉ ở nhà thuê và đi làm mướn. Năm 20 tuổi chị lấy chồng và giờ 33 tuổi đã có 3 đứa con.
Chồng cũng nghèo như chị nhưng thay vì tu chí làm ăn, anh ta lại cờ bạc, rượu chè. Tiền chị và 2 đứa con lớn đi làm thuê được bao nhiêu, anh ta "trấn lột" sạch khiến con cái không có cơm mà ăn. Thế rồi có người đàn bà cầm đầu một đường dây "cái bang" rước anh ta về làm chồng hờ, hằng ngày có đám đệ tử lê lết đi ăn xin khắp nơi về dâng nạp của cải để hai người đó chơi cờ bạc. Mẹ con Xuân trút được của nợ nhưng cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn.
Thế rồi một lần lên bệnh viện phụ sản khám bệnh, Xuân gặp một phụ nữ đang đi chữa hiếm muộn. Chị ta tên Bích, đã chữa cả chục năm nay mà không có lấy một mụn con. Thấy Xuân trắng trẻo, xinh đẹp, hoàn cảnh lại khó khăn nên Bích đề nghị đẻ thuê cho vợ chồng họ bằng con đường tự nhiên, với giá 250 triệu đồng.
Với một phụ nữ nghèo như Xuân, số tiền đó quá lớn nên cô nhận lời ngay. Bích đưa trước cho Xuân 30 triệu đồng. Xuân đem tiền cho mẹ ruột và nhờ trông hộ 3 đứa con để "đi làm ăn xa". Khi Xuân có thai, chị ta thuê cho cô một căn phòng khang trang, đầy đủ tiện nghi và hằng tuần đến chăm sóc.
Đến tháng thứ 4, Xuân đi khám và biết là con trai mới gọi điện báo tin cho vợ chồng Bích. Nhưng gọi mãi mà vẫn không liên lạc được với ai. Một tháng sau, Bích mới gọi cho Xuân và bảo rằng, Xuân tự xoay xở với cái thai đi, có gì thì liên hệ với chồng Bích, còn Bích không còn trách nhiệm gì nữa, vì họ đã ly dị. Xuân cầu xin Bích hãy nói với chồng giúp kinh phí cho cô sinh con, vì giờ thai đã lớn, không thể bỏ được. Bích lạnh lùng bảo là cứ thẳng tay bỏ thai đi, vì anh ta đã có con riêng mấy năm nay rồi mà Bích không biết.
Thế là từ đó Xuân không thể nào liên lạc được với vợ chồng Bích. Bỏ con thì không nỡ, tiền thì mới lấy được 30 triệu cũng đã đưa cho mẹ nên Xuân đành vác bụng về nói hết sự thật với gia đình. Đã nghèo khổ nay càng trở nên éo le, Xuân phải đi phụ quán ăn để kiếm đồng tiền ít ỏi chuẩn bị cho ngày vượt cạn.
Bùi Thị Thanh T. sang Thái Lan đẻ thuê được đưa khỏi bệnh viện ở Bangkok - Ảnh: Minh Quang
Nạn nhân của những người thích đùa
Không phải chỉ những trường hợp đẻ thuê... nghiệp dư như Xuân mới rơi vào bi kịch trên. Có những người phụ nữ đẻ thuê "chuyên nghiệp" bị "đối tác" bỏ rơi, xù hợp đồng.
Phòng kế hoạch gia đình của một bệnh viện phụ sản trên đường Hùng Vương, Q.5, TP.HCM đông nghẹt bệnh nhân, phần lớn là phụ nữ. Ai vào đây cũng rụt rè, có những cô gái còn khá trẻ thì khẩu trang che mặt kín mít.
Trong số những người phụ nữ đang trầm tư kia có một cô gái khoảng 27 tuổi trông điệu bộ khá nóng ruột. Bụng cô đã nhô lên, người bắt đầu mập mạp. Cô ta luôn miệng chửi thề. Khi chúng tôi lại gần bắt chuyện, không ngại người lạ, cô ta chửi bới cặp vợ chồng ở Q.11, TP.HCM là đồ mất dạy, đồ lừa đảo.
Số là cô được cặp vợ chồng nọ, đã trên 40 tuổi đến đặt vấn đề đẻ thuê với giá 50 triệu đồng. Cô ta đã 2 lần mang thai hộ rồi nên chẳng ngại ngần gì, nhận lời ngay. Tuy nhiên, sự cố xảy ra là thấy cô đẻ thuê xinh đẹp lại trẻ trung hơn vợ ở nhà nhiều nên gã chồng thường xuyên mò đến. Hắn ta biện lý do là bác sĩ nói tinh trùng hắn yếu nên phải gặp gỡ thường xuyên mới có cơ may thụ thai. Cô này tin nên cũng cứ vài ngày lại cho hắn đến nhà trọ qua đêm một lần.
Thế rồi hơn 3 tháng mà cô vẫn không có thai, người vợ nghi ngờ khả năng sinh sản của cô nên bắt đến bệnh viện kiểm tra. Khi làm các xét nghiệm thì mới hay, cô đã dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Người vợ nổi máu tam bành chửi cô có ý định giựt chồng. Cô thề độc là không có ý định đó. Lúc này gã chồng lúng túng thú nhận là đã hòa thuốc tránh thai khẩn cấp vào ly nước, mỗi lần xong việc là dâng tận miệng cho cô uống nhằm "câu giờ" để có thêm thời gian hồi xuân với người đẹp. Vì đã lỡ nhận nửa số tiền nên cô gái đành cắn răng chịu đựng lần cuối cùng để hy vọng có thai và lần này có người vợ... giám sát.
Sau lần đó cô gái có thai thật. Nhưng cũng từ đó vợ chồng kia lục đục, suốt ngày cãi cọ dẫn đến ly dị. Cả tháng trời không thấy hai người đến, cô gái gọi điện thì không liên lạc được. Mãi mới tìm được địa chỉ, khi đến nơi cô này mới hay, vợ chồng họ đã bán nhà chia xong tài sản, đi đâu không ai biết. Lúc này cái thai đã đến tháng thứ 4 nhưng cô gái vẫn đi phá. Khi đến lượt, cô gái nhờ chúng tôi giữ đồ để vào giải quyết.
Gần một tiếng đồng hồ sau mới thấy cô đi ra. Việc đầu tiên là cô nhảy phốc lên bàn cân rồi hớn hở thông báo: "Xuống được 4 kg lận". Khi kiểm tra đồ đạc xong, cô gái nói là bác sĩ bảo thai lớn quá nên dễ gặp biến chứng, không biết còn có đường mà... hành nghề nữa không!
Hiện nay ở TP.HCM, những người phụ nữ hành nghề đẻ thuê không phải là hiếm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một vài nơi ở ngay quận 1 là nơi đang diễn ra các giao dịch đẻ thuê rầm rộ. Tuy nhiên, đây là nơi tập trung nhiều gái mại dâm nên giá thấp và khách hàng là những gia đình quá khó khăn hoặc những người đàn ông "quá lứa lỡ thì", không kiếm được vợ mà muốn có đứa con riêng cho mình.
Với phụ nữ ở đây, chỉ cần bỏ ra 10 - 15 triệu đồng sẽ có một đứa con. Còn những người phụ nữ mạnh khỏe, "sạch sẽ" hơn thì mỗi ca đẻ thuê họ được 50 triệu đồng.
Vì thế, có một số cô coi đây là một cái nghề mặc cho nhiều rủi ro, đau thương và cả bi kịch đang chờ phía trước. Như trường hợp của Ph., trọ ở Q.6, TP.HCM, mới 25 tuổi mà đã mang thai hộ 3 lần. Thấy Ph. ngoan ngoãn, hiền lành nên các gia đình hiếm muộn giới thiệu cho nhau. Nhưng lần thứ 4, cô bị một gã đàn ông già lợi dụng để qua mặt vợ vui vẻ ngoài luồng một cách hợp pháp. Khi bà vợ phát hiện ra, Ph. bị một trận đòn ghen chí mạng, may mà cô chưa có thai, nếu không sẽ phải một mình nuôi con.
Còn anh H. thì đồng ý cho vợ đi đẻ thuê vì hoàn cảnh... khó khăn. Vợ anh cũng đã 3 lần mang thai, lần nào gia đình hai bên cũng mừng rỡ. Thế nhưng, khi sinh xong phải đưa con cho người ta, vợ chồng H. phải nói dối là đứa bé qua đời...
Còn bao nhiêu bi kịch đang diễn ra hằng ngày nhưng một bộ phận phụ nữ vẫn chấp nhận đẻ thuê chỉ vì đồng tiền. Họ bất chấp dư luận, pháp luật và luân thường đạo lý để làm một việc mà chắc chắn bản thân họ cũng không ít trăn trở.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, khi luật pháp chưa định danh được hành vi này, cơ quan chức năng rất khó can thiệp. Mặt khác, những "hợp đồng" chỉ bằng miệng, các bên tham gia "thực hiện hợp đồng" lại "bí mật", luật pháp càng khó ngăn chặn.
Bà Hạnh nói: "Tình trạng này lan rộng, tôi e rằng nguy cơ thoái hóa đạo đức xã hội sẽ thấy rõ, chất lượng nòi giống bị tổn thương và người phụ nữ không được tôn trọng".
Theo Thanh Niên
Dịch vụ đẻ thuê: Rủi ro không mong muốn Quan hệ cha mẹ, con cái là tình cảm thiêng liêng gắn bó cả cuộc đời. Việc đứa trẻ sinh ra từ hợp đồng đẻ thuê, vì những ràng buộc về mặt pháp lý hay vì một lý do nào đó mà chúng không thể trở về với chính cha mẹ có cùng huyết thống sẽ gây nhiều bất lợi về mặt tinh...