Đường “đặc thù” tiết kiệm 70% chi phí đầu tư có gì lạ ở Yên Bái?
Lên thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên ( Yên Bái) những ngày này, PV Dân Việt không khỏi ngạc nhiên bởi những tuyến đường “đặc thù” đã thay thế cho những con đường dốc đứng, lầy lội, trơn trượt trước đây. Dù các tuyến đường này chỉ rộng 1m, dày 12cm nhưng đã giúp việc đi lại của đồng bào dân tộc nơi đây thuận tiện hơn, ai cũng phấn khởi…
Gọi là những con đường “đặc thù”, bởi chúng chỉ có ở các thôn, bản vùng cao của huyện Văn Yên (Yên Bái). So với những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa bằng nguồn ngân sách nhà nước thì đường “đặc thù” tiết kiệm được gần 70% chi phí đầu tư, trong khi thời gian thi công nhanh chóng, thuận tiện, diện bao phủ lớn nên số thôn, bản, người dân được hưởng lợi cũng vì thế mà nhiều hơn.
Ông Đặng Nho Tài cười rạng rỡ, phấn khởi khi bon bon trên con đường mới. Ảnh: Hoàng Hữu
Thấy cán bộ huyện và xã đang đo kiểm tra con đường mới được đổ bê tông, ông Đặng Nho Tài (trú tại thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, Yên Bái) cùng xúm vào với cán bộ, ngắm thước dây chỗ đất lề do bà con đắp. Ông Tài phấn khởi chia sẻ: “Có đường bê tông mới vui lắm chứ, bà con cả thôn đều ủng hộ, rồi còn góp tiền mỗi hộ 200.000 đồng để thuê máy xúc làm nền đường cho đẹp, cho chắc”.
Ông Đặng Nho Tài cho biết thêm: “Nhà có 3 đứa con, trước đây đi học rất khó khăn, nhất là những hôm trời mưa, quãng đường chỉ 2km nhưng toàn dốc, có hôm các con đi học về mà như đi tắm bùn. Rồi chuyện tư thương ép giá mỗi khi bán con gà, con lợn thường xuyên xảy ra. Ngay cả cây quế là cây trồng chủ lực của địa phương cũng bị ép giá, khi chưa có đường bê tông chỉ bán được 160.000 đồng/yến, thậm chí phải gánh bộ ra đường lớn. Nhưng từ ngày có đường bê tông, thứ gì bán cũng dễ hơn”.
Người dân đi lại trên các con đường dốc giờ đây đã đỡ vất vả hơn. Ảnh: Hoàng Hữu
Ông Đặng Nho Quan, cán bộ Tư pháp xã Mỏ Vàng chia sẻ, trước đây khi chưa có đường “đặc thù”, những cán bộ xã như ông đi xuống cơ sở rất khó khăn. Trước đây, mỗi lần đi tuyên truyền pháp luật đến các thôn Khe Sung, Khe Đâm thì phải đi mất 2 tiếng, nhưng nay chỉ mất 40 – 50 phút, từ đó hiệu quả công việc cũng được nâng lên.
Chia sẻ với PV, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng phấn khởi nói: “Từ tháng 5.2018 xã được triển khai thực hiện đường “đặc thù”. Đến nay địa phương đã có 9km từ thôn Khe Hóp đi Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 và vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng đoạn đi thôn Khe Đâm. Dù chưa bằng đường bê tông theo chương trình 135 là rộng 3m, dày 18cm nhưng nhân dân rất vui, rất phấn khởi vì đi lại thuận tiện hơn, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Cùng chung niềm vui với nhân dân xã Mỏ Vàng, tại các thôn: Ao Ếch (xã Châu Quế Thượng), Khe Dẹt (xã Phong Dụ Thượng), Khe Lép 1, Khe Lép 2, Khe Lép 3 (xã Xuân Tầm)…, các tuyến đường “đặc thù” cũng được triển khai đầu tư, xây dựng.
Video đang HOT
Người dân xã Phong Dụ Thượng, Văn Yên tham gia làm tuyến đường “đặc thù”.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Trong những năm qua, tranh thủ các nguồn lực, Văn Yên đã kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên tỷ lệ được kiên cố hóa đạt thấp, nhất là các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Xác định việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường là nhiệm vụ cần phải làm, huyện có chủ trương triển khai xây dựng các tuyến đường “đặc thù” đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn với quy mô bề rộng 1m, dày 12cm. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản.
Cán bộ Phòng KTHT huyện Văn Yên cùng cán bộ xã kiểm tra đường “đặc thù”. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 – 2020, huyện Văn Yên triển khai làm trên 200km đường “đặc thù”, trung bình mỗi xã sẽ có từ 2 – 3 thôn, bản được hưởng lợi từ dự án này. Trong đó, năm 2018 đã có 31km đường “đặc thù” được đầu tư xây dựng với kinh phí 9 tỷ đồng. Định hướng trong giai đoạn 2018 -2020 huyện Văn Yên phấn đấu mỗi năm đổ được 25km đường “đặc thù”, cả giai đoạn là 75km.
Ngân sách huyện sẽ bảo đảm đầu tư 100% kinh phí cho việc làm mới các tuyến đường này, người dân đóng góp ngày công để làm mặt đường, khơi thông cống rãnh và đắp lề đường.
Ông Vũ Quang hải Chủ tịch UBND Huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu
“Trước mắt chúng tôi làm theo thứ tự ưu tiên những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cự ly từ cụm dân cư đến trung tâm xã trên 5km, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, triển khai đến các thôn bản khó khăn. Trên cơ sở đó, huyện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng cử cán bộ tổ chức khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đường và xây dựng các kế hoạch thực hiện hàng năm cũng như cả giai đoạn”, ông Vũ Quang Hải – Chủ tịch UBND Huyện Văn Yên cho biết thêm.
Theo Danviet
Bán vỏ cây tỏa mùi hương, người xứ này thu nhập khủng 600 tỷ đồng
Huyện Văn Yên (Yên Bái) với diện tích trên 40.000ha quế, được coi là "thủ phủ" quế vùng Tây Bắc, sản lượng khai thác mỗi năm trên 9.000 tấn quế vỏ, 300 tấn tinh dầu, 65.000 m3 gỗ, tổng giá trị thu nhập trong nhân dân gần 600 tỷ đồng.
Có một HTX mỗi năm thu mua chế biến hơn 1.000 tấn quế vỏ cho người dân, đó là HTX Quế Sơn...
Phơi quế đã nạo vỏ trong nhà kính
Chủ nhiệm HTX Quế Sơn là ông Nguyễn Văn Tám, ông vốn là cán bộ thu mua quế của Cty Ngoại thương tỉnh Yên Bái. Trước đây phần lớn quế của người dân được Cty Ngoại thương thu mua, khi Cty này giải thể thì tư nhân thao túng thị trường, khiến nhiều năm thị trường quế Văn Yên trở nên èo oặt, người dân bị ép giá đến khổ sở.
Năm 2007 sau nhiều đêm trăn trở ông Tám cùng với 9 người bạn góp vốn thành lập HTX Quế Sơn, đặt tại thôn Cửa Ngòi, xã An Thịnh. Vốn điều lệ của HTX ban đầu chỉ có 300 triệu đồng, để đầu tư nhà xưởng, kho bãi, máy móc, thuê đất... HTX phải huy động vốn của các thành viên và vay ngân hàng hơn 2 tỷ để kinh doanh.
Sản xuất quế tại HTX Quế Sơn (Ảnh: Hồng Vân)
Có hai vụ khai thác vỏ quế, vụ một từ tháng 3 đến tháng 6, vụ hai từ tháng 7 đến tháng 11, hộ dân nào có điều kiện thì phơi khô trước khi bán, hộ không có điều kiện thì bán vỏ tươi ngay sau khi khai thác. HTX Quế Sơn đã tổ chức mạng lưới thu mua quế vỏ đặt tận các thôn bản, tạo điều kiện cho người dân bán quế được dễ dàng.
Với sự xuất hiện HTX Quế Sơn các tư thương không còn mặc sức thao túng thị trường, ép giá người dân như nhiều năm trước. Giá thu mua liên tục được đẩy lên, khiến người bán quế không bị thiệt thòi và đặt niềm tin vào HTX.
Chị Phạm Thị Hương, lao động chế biến quế
Sau khi mua về, HTX thuê người phân loại, cạo vỏ, phơi, cắt... theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm quế của HTX Quế Sơn rất đa dạng, hiện có trên 10 mặt hàng: Quế ống sáo, ống điếu, quế thanh, quế băm, quế kẹp, quế nghiền... đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm của HTX Quế Sơn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Ấn Độ và một số nước Trung Đông. Bà Lê Thị Mai Hương, vợ ông Tám cho hay: Mỗi năm HTX xuất khẩu trên 600 tấn quế các loại, tính ra số quế tươi thu mua của dân trên 1.200 tấn. Doanh thu bán hàng mỗi năm 25 - 30 tỷ, nhưng mỗi cân quế cũng chỉ được lãi 1.000 đồng sau khi trừ hết chi phí, thuế má các loại.
Ông Tám nhà tôi đi khắp nơi tìm kiếm thị trường và các đối tác làm ăn, mang sản phẩm quế của HTX đến các hội chợ thương mại, để giới thiệu hàng hóa tới khách hàng. Hiện chúng tôi vẫn phải bán qua trung gian, nên giá cả phập phù. Nếu xuất khẩu trực tiếp được, chắc chắn chúng tôi sẽ mua quế của bà con với giá cao hơn...
Lao động chế biến quế của HTX Quế Sơn (Ảnh: Hồng Vân)
Đến hết tháng 8/2018 HTX Quế Sơn đã thu mua, chế biến và bán ra trên 400 tấn quế hàng hóa, doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Từ 300 triệu vốn điều lệ, đến nay vốn của HTX Quế Sơn đã là 6 tỷ đồng. Cơ sở vật chất của HTX đang được xây dựng, nào nhà kho, khu vực chế biến, máy cắt, máy sàng, máy nghiền... Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì HTX xây dựng sân phơi lợp tấm nhựa trắng, giống như nhà kính trồng các loại rau cao cấp.
Bà Lê Thị Mai Hương trao đổi cách cắt quế điếu với lao động
Hỏi ra mới biết, quế đã nạo vỏ nếu phơi trên sân xi măng ở ngoài trời gặp mưa quế sẽ mốc thâm đen chất lượng sẽ giảm. Vì thế, quế phơi trong nhà kính sẽ không dính nước mưa, chất lượng quế đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng, nhất là quế xuất khẩu, khách hàng đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã và chất lượng...
Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên nhận xét: Huyện chúng tôi có hàng trăm hộ và đơn vị thu mua, chế biến quế. HTX Quế Sơn đứng đầu về sản lượng thu mua quế vỏ cho nông dân, chất lượng quế của HTX cũng thuộc tốp đầu. Chính vì thế mà sản phẩm của HTX bán với giá cao, nhất là không bị tồn đọng. Huyện rất cần những HTX kiểu HTX Quế Sơn, thu mua hết sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu cho người lao động và các thành viên HTX...
Theo Thái Sinh (Nông nghiêp Viêt Nam)
Yên Bái: Kịp thời dập ổ dịch lở mồm long móng bùng phát đầu năm Từ ngày 25.12 tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) xuất hiện một ổ dịch ở mồm long móng trên đàn lợn. Đến nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh và huyện kịp thời khống chế dập dịch. Đã mấy ngày nay, gia đình bà Cù Thị Khoa, ở thôn Cầu Khai, xã...