Đường chục tỷ tan hoang: “Làm ăn như thế thiếu lương tâm quá!”
Đường vừa nghiệm thu, bàn giao mà mới mưa một trận đã hư hỏng, phải mang quân đi sửa là không thể chấp nhận. Làm ăn như thế, sẽ phải xem lại lương tâm của doanh nghiệp…
Đó là ý kiến thẳng thắn của ông Trần Phát Đạt – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) về tuyến đường giao thông 4,16km, chi phí đầu tư 40 tỷ đồng vừa mới bàn giao trên địa bàn đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Trần Phát Đạt – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Bằng mắt thường cũng thấy rõ chất lượng thi công không đảm bảo
Như Dân trí đã thông tin, tuyến đường giao thông đi vào các xã Hà Linh, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dài hơn 4km- được đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc ( Công ty Hoàng Ngọc, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê – PV) làm đơn vị thi công, Cty CP Xây dựng Á Châu làm đơn vị giám sát – chỉ mới đưa vào bàn giao sử dụng từ tháng 6/2016 nhưng đã hư hỏng nặng nề. Mặt đường bị bong tróc, nứt chân chim, thậm chí gãy ngang, tạo ra những đường rãnh lớn. Đặc biệt hạng mục hệ thống ta luy âm dài khoảng hơn 100m đã bị sụt lún, tan hoang.
Bờ taluy âm tuyến đường bị sụp đổ nghiêm trọng.
Ngay sau khi Dân trí phản ánh công trình bi đát nêu trên, ông Trần Phát Đạt – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) huyện Hương Khê – một người có nhiều phát biểu, phản biện thẳng thắn, không ngại va chạm trước các vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp tại Hà Tĩnh- đã liên lạc với PV Dân trí bày tỏ nhiều bức xúc trước thực trạng chất lượng của công trình này.
Ông Đạt cho biết, sau khi báo đăng, dù không phải là người quản lí nhà nước về dự án, nhưng bằng trách nhiệm của mình sáng ngày 1/10, đích thân ông đã tiến hành thị sát toàn bộ công trình nêu trên.
Video đang HOT
“Sáng nay tôi đánh xe vào công trình này để xem sự thực ra làm sao. Quả thực, báo chí đã phản ánh rất đúng thực trạng, trung thực, công tâm. Bằng mắt thường cũng thấy rõ chất lượng thi công không đảm bảo, có quá nhiều vấn đề. Nhà thầu thi công quá sơ sài, đầm nén không đảm bảo dẫn đến sụp đổ, nứt nẻ”- ông Đạt thẳng thắn nêu ý kiến.
“Sau khi thị sát tôi đã trao đổi thẳng với anh Cường, Giám đốc công ty Hoàng Ngọc, đừng đổ lỗi cho thời tiết, địch họa thiên tai là ở chỗ khác, ở đây chỉ có thể là chất lượng thi công không đảm bảo. Cái đó là doanh nghiệp phải nhận để khắc phục, sửa chữa, chứ đừng để một trận mưa là sửa, là mang quân đi làm. Thi công công trình mà cứ một trận mưa phải mang quân đi sửa thì không ai người ta chấp nhận cho đâu”- ông Đạt tiếp lời.
Cũng theo ông Đạt, việc đổ lỗi hoàn toàn cho nhà thầu là tác nhân khiến tuyến đường giao thông 40 tỷ đồng này kém chất lượng là chưa chuẩn xác, mà phải nói trách nhiệm của chủ đầu tư, bao gồm cả đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nghiệm thu, tiếp nhận công trình. “Xem hiện trạng công trình tôi không thể hiểu được đơn vị chức năng ở đâu? Các khâu tư vấn giám sát, nghiệm thu công trình bị bỏ qua?” – ông Đại đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông Đạt cũng đặt nghi vấn về vấn đề công trình bị đội vốn khi tuyến đường giao thông liên xã mà mỗi kilomet được đầu tư lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê đặt nghi vấn công trình đội vốn nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng.
Ông Đạt khẳng định, qua những bài báo như thế này, sắp tới tại diễn đàn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông sẽ có ý kiến. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, lần này tôi sẽ tiếp tục nói. Anh là doanh nghiệp, nhưng anh không thể kiếm tiền bằng mọi giá. Nếu mà làm ăn như thế thì lương tâm, trách nhiệm của doanh nghiệp trước tiền thuế nhân dân đóng góp cần phải xem xét lại” – ông Đạt chốt lại.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo làm rõ
Liên quan đến tuyến đường chất lượng thi công lộ rõ nhiều vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Đặng Quốc Khánh cho biết, đã nắm thông tin vụ việc, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, sớm báo cáo UBND tỉnh.
Ông Khánh cho biết, doanh nghiệp làm sai, chủ đầu tư làm sai phải chịu trách nhiệm, phải tự bỏ tiền khắc phục, sửa chữa.
Dũng Sinh
Theo Dantri
Không kịp chạy lũ, nông dân gặt lúa về... cho gà
Do không chạy kịp đợt mưa lũ vừa qua nên hàng nghìn héc ta lúa của bà con nông dân Hà Tĩnh bị ngập úng, đổ gãy. Hàng chục tấn thóc bị đen mốc, nảy mầm khiến người nông dân xót xa, phải đổ cho gà vịt ăn.
Người dân đưa lúa ra sông để rửa nhưng lúa đã nảy mầm, mốc đen
Thống kê của Sở NN&PTNT, trong đợt mưa lũ vừa qua (19 - 22/9) toàn tỉnh chỉ mới thu hoạch được hơn 26.200 ha trong tổng số hơn 43.700 ha lúa hè thu. Trong số này hàng nghìn ha lúa của bà con bị mưa, gió làm đổ gãy ngập úng trong nhiều ngày. Mặc dù các ngành chức năng đã huy động lực lượng như đoàn viên, công an hỗ trợ gặt lúa giúp bà con, song đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều diện tích lúa bị ngã, ngập úng.
Bà Nguyễn Thị Bình, ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc chua xót nói: "Nhà tôi có gần 1 mẫu ruộng. Gia đình chỉ mới gặt về được hơn 3 sào thì gặp thời tiết mưa liên tục. Bây giờ thứ ở ngoài đồng nhiều diện tích đã bị đổ gãy, ngập úng".
Những người nông dân cố gắng cứu lấy số thóc bị ngập lụt nhưng không được. Lúa hầu như đã nãy mầm, chỉ còn cách đưa về cho gà, cho vịt ăn
"Nhà neo người gặt không kịp, nhiều nơi lúa đã nảy mầm. Giờ cái này cũng chỉ để cho gà vịt ăn thôi", bà Bình nói.
Thậm chí nhiều gia đình lúa đã gặt về nhưng gặp mưa không thể phơi khiến lúa bị đen mốc, nảy mầm. Người dân phải đưa lúa thóc ra sông rửa nhằm cố cứu lấy số lúa thóc này nhưng đa phần đã hư hỏng, không thể sử dụng được nữa.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, ở xã Hương Giang, huyện Hương Khê cho biết: "Đợt vừa rồi gia đình gặt lúa xong thì gặp mưa. Ủ trong nhà 3 đến 4 ngày nên lúa bị đen mốc, nảy mầm. Giờ phải đưa ra sông rửa nhưng lúa hầu như đã nảy mầm. Giờ chỉ đưa về cho gà, cho vịt ăn thôi. Khổ lắm các chú à".
"Nhà tôi làm hơn 1 mẫu ruộng. Số lúa gặt trước thì bị đen mốc, nảy mầm. Số diện tích bị ngập, đổ gãy thì năng suất chắc chắn sẽ giảm. Năm nay xem như thất bát", anh Hùng buồn bã nói.
"Suốt mấy tháng dành công chăm sóc, chỉ một trận mưa lũ là mất hết các chú ơi. Mấy ngày nay, bà con kéo nhau ra sông để rửa lúa chú à mong có thể phơi sử dụng lại nhưng lúa đã nảy mầm, mốc hết rồi", chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Hương Giang nói.
Đến nay nhiều diện tích lúa bị ngã, ngập úng ở các huyện Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà... vẫn chưa được thu hoạch xong. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất của lúa
Một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết, đợt mưa lũ vừa qua toàn huyện có hơn 600 ha lúa bị ngập, trong đó có 200 ha bị ngập sâu, kéo dài ảnh hưởng nặng nề về năng suất.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Đoạn đường hàng chục tỷ đồng tan hoang sau vài tháng bàn giao Tuyến đường dài hơn 4km được đầu tư 40 tỷ đồng, thế nhưng chỉ mới đưa vào bàn giao sử dụng được chưa đầy 4 tháng, nhiều hạng mục đã hư hỏng, tan hoang. Đó là thực tế xảy ra tại dự án đường giao thông đi vào các xã Hà Linh, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)....