“Đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và không có cơ sở pháp lý
Sau hai ngày làm việc với gần 40 tham luận và gần 100 ý kiến thảo luận, chiều 12/11/2013, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã thành công tốt đẹp.
Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 11/12. (Ảnh Nam Hằng)
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò của ASEAN, các nước lớn và luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển 1982 nói riêng. Các đại biểu đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm giảm bớt khác biệt, tăng cường hợp tác khu vực, phương hướng áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông và khu vực.
Nhiều học giả đánh giá tình hình Biển Đông năm 2013 có phần được cải thiện, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, đã đạt thỏa thuận với Ấn Độ kiểm soát tốt hơn đường biên giới, đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam, có động thái tích cực khởi động tham vấn với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. ASEAN đã lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông. Các đại biểu cho rằng trong những năm tới, Biển Đông vẫn tiếp tục là khu vực tồn tại tranh chấp, bị tác động của sự cạnh tranh Trung – Mỹ, vì vậy, ASEAN cần duy trì đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của mình.
Thảo luận về vai trò của Công ước luật biển LHQ 1982 trong tranh chấp Biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng. Nhiều học giả là luật sư uy tín quốc tế đều cho rằng yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, các bên khác trong tranh chấp Biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Yêu sách rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông. Bên cạnh đó, trong khi tranh chấp chưa được giải quyết hoàn toàn, các bên cần thúc đẩy việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột tại Biển Đông.
Về những diễn biến pháp lý gần đây, các học giả dành nhiều thời gian tranh luận về quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông căn cứ vào một số phán quyết mới nhất của Tòa án quốc tế và nhấn mạnh đến vai trò của đảo trong yêu sách chủ quyền và vùng biển. Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về diễn biến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và phát triển mới về yêu sách thềm lục địa mở rộng.
Video đang HOT
Đánh giá về quá trình thực thi DOC và triển vọng đàm phán và ký kết COC, các học giả nhận định đã có những tiến triển tích cực, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất được Hướng dẫn thực thi DOC và trên cơ sở đó các dự án hợp tác bước đầu đã được triển khai. Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, các quy định của DOC chưa đủ sức mạnh để tạo ra một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hành động của các bên tại Biển Đông. Vì vậy, ASEAN và Trung Quốc nên tích cực tham vấn và đàm phán để đi kết ký kết một Bộ luật ứng xử có giá trị ràng buộc. COC cần có các quy định rõ ràng theo các lĩnh vực và các bên có lợi ích liên quan nhằm điều chỉnh các hành vi trong các khu vực biển chồng lấn, đồng thời có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện của các bên.
Song song với quá trình đàm phán tiến tới COC, các học giả cũng đề xuất các biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình, tiến hành nghiên cứu khoa học chung, khảo sát về các điều kiện địa lý tại các đảo trong Biển Đông … trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp và biện pháp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông.
Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Các kinh nghiệm này cho thấy tranh chấp đã được giải quyết thành công thông qua đàm phán và các cơ quan tài phán.
Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất với mong muốn đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Theo Dantri
"Nhật Bản nên giúp ASEAN đẩy nhanh COC"
Trong lúc ASEAN và Trung Quốc đang đi "những bước đi đầu tiên" thương lượng về Bộ qui tắc ứng xử cho Biển Đông, tờ Thời báo Nhật Bản (Japantimes) cho rằng Tokyo nên giúp để bộ qui tắc này sớm được kí kết và ngăn chặn Trung Quốc gia tăng phạm vi kiểm soát với vùng biển này.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 8 diễn ra vào ngày 10/10 vừa qua bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 8 quốc gia khác trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đã hoan nghênh "những tiến bộ tích cực" đạt được trong các cuộc thương lượng chính thức về Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trên đây là khẳng định được đưa ra trong tuyên bố chung của Hội nghị nhằm mục đích "xoa dịu" sự thù địch ngày càng tăng giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN về tranh chấp chủ quyền đã kéo dài nhiều năm. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ liệu Bộ qui tắc ứng xử (COC) có sớm được kí kết không do Trung Quốc không tỏ vẻ hào hứng lắm.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei chụp hình lưu niệm.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán về COC không có tiến bộ cụ thể nào, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng nên đều đặn tiến hành các cuộc thương lượng để ít nhất cũng làm giảm nguy cơ một cuộc giao tranh quân sự vô tình nổ ra.
Bản thân các cuộc đàm phán đó cũng sẽ giúp hai bên tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở kí kết Bộ qui tắc.
Nhưng thực tế còn xa mới tiến tới tình trạng lí tưởng như trên. Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ các quốc gia ASEAN để chống lại chiến lược "Trục châu Á" của chính quyền Mỹ còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì nỗ lực củng cố quan hệ với các quốc gia ASEAN.
Hiện Trung Quốc đang có lập trường đặc biệt cứng rắn với Philippines, quốc gia Đông Nam Á đã đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc để kiện Trung Quốc vì cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông là "phi pháp và vô giá trị".
Kể từ khi ông Tập Cận Bình chính thức trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines chưa tiến hành cuộc hội đàm cấp cao nào.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tạo dựng ảnh hưởng mạnh mẽ với Lào và Campuchia bằng viện trợ kinh tế hết sức "hào phóng" cho hai quốc gia này.
Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Thái Lan và thông báo rằng nước này sẽ giúp Thái Lan xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc để đổi lấy gạo từ quốc gia Đông Nam Á này.
Theo, thời báo Nhật Bản trong bối cảnh đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Nhật Bản nên cẩn thận trong cách tiếp cận về Trung Quốc và ASEAN. Sẽ là không khôn ngoan nếu Nhật Bản tỏ ra như đang lôi kéo các quốc gia ASEAN đối đầu ngoại giao nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Điều đó sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, một đối tác kinh tế mà các quốc gia ASEAN không thể bỏ qua.
Nhật Bản nên giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy các cuộc thương lượng về Bộ qui tắc với lập trường thống nhất và cứng rắn để ngăn Trung Quốc gia tăng kiểm soát đối với Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không nên quên tầm quan trọng của nhiệm vụ cải thiện mối quan hệ của chính mình với Trung Quốc.
Theo Infonet
Trung Quốc ra cẩm nang về "du lịch văn minh" Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã công bố "Cẩm nang du lịch văn minh" dày 64 trang với mong muốn sẽ cải thiện hình ảnh của người Trung Quốc ở nước ngoài - CNN mới đây đưa tin. Hình ảnh thường thấy của du khách TQ ở nước ngoài. Vào năm 2015, dự kiến có 100 triệu du khách Trung Quốc sẽ...