Dương Chí Dũng chủ mưu vụ tham ô hàng triệu đô
Ngày 4/11, Viện KSND Tối cao đã ký cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Các bị can gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines;
Lê Văn Dương, đăng kiểm viên; Mai Văn Khang, cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines; Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức, đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Trần Hải Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Dương Chí Dũng bị bắt vào ngày 4/9/2012 sau gần 3 tháng lẩn trốn và bị truy nã quốc tế
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines tiến hành triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M – một hạng mục quan trọng trong dự án – gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng, tham ô hơn 28 tỉ đồng.
Cụ thể, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga). Tính đến thời điểm Vinalines mua đưa về VN (tháng 6/2008), ụ nổi này có tuổi là 43 năm, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động
Ụ nổi 83M đến giờ không thể đưa vào khai thác. Tình trạng hiện tại là đống sắt thép gỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vinalines đã đề xuất phương án cuối cùng là bán thanh lý để thu hồi vốn nhưng đến nay không có đối tác nào chào mua.
Thiệt hại tính đến tháng 5/2012 là xấp xỉ 367 tỷ đồng. Sau thời điểm này, Vinalines vẫn phải tiếp tục chi trả lãi ngân hàng tiền vay mua ụ, thuê chỗ neo đậu, bảo quản, trực sự cố… nên số tiền thiệt hại do đầu tư dự án vẫn chưa dừng lại
Video đang HOT
Thời điểm mua, Nakhodka bán với giá 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2008), tuy nhiên Vinalines không mua chiếc ụ nổi này qua Công ty Nakhodka mà lòng vòng qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Tổng mức đầu tư chiếc ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD.
Ụ nổi 83M hiện là 1 đống sắt gỉ vẫn đang ngốn tiền tỷ mỗi năm tiền lãi, tiền bảo dưỡng, thuê chỗ đậu…
Dương Chí Dũng và 9 bị can trong vụ án biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.
Hành vi trên của các bị can đã phạm vào tội cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó, Dương Chí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, các bị can có vai trò đồng phạm tích cực.
Theo cáo trạng, lợi dụng vào việc “thổi giá” ụ nổi 83M, các bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn đã được đối tác nước ngoài “lại quả” 1,66 triệu USD, khoảng hơn 28 tỉ đồng.
Trong đó, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được chia nhau mỗi người 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Các bị can phải chịu trách nhiệm về khoản tiền tham ô này và cùng các bị can còn lại liên đới bồi thường khoản thiệt hại gần 339 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định Bộ GTVT đã không làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines nên để sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó lãnh đạo Bộ GTVT cần phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cán bộ có liên quan.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có các hành vi bất minh nên đã đề nghị hỗ trợ tư pháp từ nước bạn để tiếp tục làm rõ.
Theo Đất Việt
Dân đóng tiền cho "quan" nuôi... bồ nhí!
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho "quan" nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án "thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự..." với mức án "nhẹ hều" thì càng xót xa, đau đớn!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Sáng 14/10, cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ án tham nhũng trong việc mua ụ nổi 83M tại Vinalines.
Theo đó, Dương Chí Dũng và đồng bọn cố ý làm trái trong đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD. Cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho bồ nhí 2 căn hộ chung cư.
Cụ thể, theo báo Thanh niên ngày 16/10, bài "Ăn 1 phá 10", để biển thủ số tiền ấy, chúng đã mua một "đống sắt vụn" với giá 37 tỉ đồng, chỉ sau một hồi "nhào nặn" khối sắt vụn này được thổi giá lên thành 9 triệu USD (theo tỷ giá năm 2008 tương đương 144 tỉ đồng):
"Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo Vinalines đã móc nối với cơ quan đăng kiểm, hải quan "vẽ" cục sắt này thành một con tàu để đủ điều kiện hoạt động hàng hải, đủ điều kiện thông quan. Báo cáo của Vinalines cho thấy chỉ tính riêng việc vận chuyển chiếc ụ nổi này theo đường biển về VN đã lên tới hơn 73 tỉ đồng, tính đến tháng 5.2012, tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này lên tới 525 tỉ đồng...
Trong phi vụ nói trên, lãnh đạo Vinalines "chỉ" được chia người nhiều nhất 10 tỉ đồng, người ít 340 triệu đồng nhưng con số thiệt hại họ gây ra đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Điều cay đắng hơn để ăn được những khoản tiền này, lãnh đạo Vinalines phải chấp nhận lại quả cho người nước ngoài. Theo kết luận điều tra, trong khoản chênh lệch 9 triệu USD mua ụ nổi với thực giá 2,3 triệu USD, lãnh đạo Vinalines đã phải "biếu" không do các doanh nghiệp nước ngoài hàng triệu USD".
Đọc những dòng tin trên không khỏi bất bình và uất ức bởi sự nhẫn tâm, sa đọa của bọn quan chức tham nhũng.
Bất bình hơn bởi lúc này đây, kinh tế đất nước đang cực kỳ khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp thua lỗ, phá sản vì thiếu vốn, hàng chục vạn công nhân không có việc làm đang phải ngày đêm bươn chải kiếm từng đồng, từng cắc để nuôi gia đình và góp vào ngân sách nhà nước....
Uất ức bởi trước áp lực về ngân sách, Bộ Tài chính vừa phải đề xuất giảm 100.000 đồng lương tối thiểu trong số tiền còm cõi của công chức bởi không thể cân đối thu chi.
Nhẫn tâm bởi để có được hơn 30 tỉ đồng (1,6 triệu USD), Dương Chí Dũng và đồng bọn đã cấu kết với nhau ăn cắp số tiền gần 400 tỉ đồng tiền thuế của dân, trong đó có hàng triệu USD được bọn chúng "lại quả" cho người nước ngoài.
Không chỉ bất bình, uất ức thậm chí là cảm giác nhục nhã bởi số tiền đó được ông Dũng dùng để mua nhà cho bồ nhí ở các chung cư đẹp nhất Hà Nội. Nói trắng ra, dân chúng ta đã phải còng lưng chắt bóp để ông ta đem tiền đi nuôi gái, mua nhà cho gái.
Thế nhưng càng thất vọng hơn, nếu như rồi đây, cái án ông Dũng chịu rất nhẹ so với những gì mà ông Dũng gây ra. Lý do có thể lại vẫn là những lập luận quen thuộc như thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ...
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng không nên "Cầm đèn chạy trước ô tô" nhưng còn nhớ vụ ông Phạm Thanh Bình Vinashin, số tiền lên tới 500 tỉ đồng song cũng chỉ có án 20 năm tù, thì không biết án của ông Dũng sẽ như thế nào?
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho "quan" nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án kiểu: Thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ... với mức án "nhẹ hều" thì không chỉ bất bình, uất ức mà còn xót xa, đau đớn và thất vọng!
Theo Dân trí
"Việc xử lý Dương Chí Dũng sẽ là phép đo quyết tâm chống tham nhũng" GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận xét như vậy về vụ việc của Dương Chí Dũng tại Vinalines. Theo GS. Thuyết, những hành vi phá hoại của Dương Chí Dũng khiến nhiều người hết sức phẫn nộ... Thưa ông, theo như kết luận của cơ...