Đường 9 đoạn không hề tồn tại
Đó là khẳng định của chuyên gia hàng đầu Indonesia tại hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả quốc tế ở Singapore chiều 4.3.
Học giả Rizal Sukma bác bỏ cơ sở của yêu sách đường 9 đoạn – Ảnh: Thục Minh
Hội thảo về chính sách ngoại giao và an ninh biển của Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo (còn được gọi là Jokowi – NV) do Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam tổ chức, thu hút sự có mặt của hầu hết các học giả và chuyên gia về an ninh biển, luật biển và chính trị khu vực nổi tiếng tại Singapore. Diễn giả là tiến sĩ Rizal Sukma, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia. Ông Rizal cũng là thành viên nhóm vận động tranh cử và chuyển tiếp chính quyền của Tổng thống Jokowi. Một trong những “điểm son” trong đề cương tranh cử giúp ông Jokowi chiến thắng hồi tháng 7.2014 chính là quyết tâm xây dựng Indonesia trở thành một cường quốc biển. Chiến lược biển với những tuyên bố mạnh mẽ và chính sách quyết liệt của ông Jokowi tạo sự quan tâm lớn không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực, mà trên khắp thế giới kể từ khi lên cầm quyền.
Chiến lược cường quốc biển của ông Jokowi có tên gọi Điểm tựa an ninh biển toàn cầu (Global Maritime Fulcrum – GMF) được ông Rizal giới thiệu không chỉ là tầm nhìn đưa Indonesia trở lại vị trí của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới mà còn là học thuyết dẫn đường, một tập hợp lộ trình phát triển sắp tới của nước này. Dựa trên 5 trụ cột: văn hóa biển, nguồn lợi từ biển, hạ tầng và kết nối trên biển, ngoại giao biển và an toàn giao thông đường biển, Indonesia với vị trí nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ là sức mạnh bảo vệ an ninh khu vực và các lợi ích chính đáng của quốc gia, ông Rizal tuyên bố.
Khi được hỏi về chính sách của Indonesia ở biển Đông dưới thời Tổng thống Jokowi, ông Rizal chỉ rõ “4 quan điểm chính sách chủ đạo”. Đó là: Indonesia không là một bên trong tranh chấp biển Đông; có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và an toàn hàng hải ở biển Đông; sẵn sàng làm một “nhà môi giới trung thực” trong giải quyết tranh chấp; và mong muốn một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông được hoàn thiện sớm.
Ông Rizal cũng khẳng định GMF của Indonesia không mâu thuẫn với chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Theo ông, nếu Trung Quốc có tham vọng bá quyền bằng “Con đường tơ lụa” này thì khó có thể trở thành hiện thực bởi “không một cường quốc nào có thể một mình thống trị thế giới ngày nay”, và “Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) sẽ là nền tảng bảo vệ” các quốc gia còn lại.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan điểm của Indonesia trước tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc có phần cuối chồng vào vùng biển Natuna của Indonesia, ông Rizal thẳng thắn: “Đường 9 đoạn không hề tồn tại!”. “Indonesia không công nhận đường 9 đoạn. Chúng tôi đã gửi công hàm lên LHQ hồi năm 2009 nói rõ lập trường này”, ông xác quyết và nói thêm: “Đường 9 đoạn là cái gì? Chúng ta có nhìn thấy nó đâu?”. Chưa hết, ông Rizal chỉ trích: “Về phương diện ngoại giao, Trung Quốc chưa bao giờ giải thích về đường 9 đoạn thì làm sao có thể nói là nó chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác? Chúng tôi sẽ không để rơi vào cái bẫy nói rằng đường 9 đoạn chồng lấn với EEZ của Indonesia”. Ông cảnh báo: “Nếu bạn nói đường 9 đoạn chồng vào chỗ này chỗ khác, vô tình bạn đã thừa nhận nó, mà trên thực tế là nó không hề có một cơ sở pháp lý quốc tế nào cả”.
Video đang HOT
Cuối cùng, ông Rizal nhắc lại: “Lập trường chính thức của chúng tôi là rất rõ ràng: Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn vì nó không tồn tại. Và vì nó không tồn tại, không có chồng lấn gì lên vùng biển Natuna cả”.
Thục Minh
Văn phòng Singapore
Theo Thanhnien
RFA: Nhà báo Anh: "Bằng chứng đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô căn cứ"
Nhà báo Anh Bill Hayton, một trong những chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, khẳng định "những bằng chứng lịch sử về đường chín đoạn của Trung Quốc về chủ quyền tại vùng biển này là vô căn cứ" trong buổi giới thiệu cuốn sách mới mang tên "The South China Sea: The struggle for power in Asia" tại Đại học Georgetown ở Washington DC, Mỹ ngày 23/10/2014.
Nhà báo Bill Hayton: "Bằng chứng đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ"
Đơn phương tuyên bố chủ quyền
Trung Quốc lâu nay luôn đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Một trong những bằng chứng lịch sử mà họ đưa ra là bản đồ gồm đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò gần như ôm trọn Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đường lưỡi bò này còn chồng lấn lên các vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế của một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, độ chính xác của đường 9 đoạn này ra sao? Theo nhà báo Bill Hayton vào thập niên 30 khi tàu chiến Pháp cập cảng ở Trường Sa và bắn 21 phát súng tuyên bố chủ quyền ở đây, Trung Quốc đã tìm đến các nhà làm bản đồ để khẳng định chủ quyền do không thể điều quân ra khu vực này.
Theo đó, đến tận năm 1933, Trung Quốc còn không biết có những đảo gì, tên gì ở Biển Đông. Vào năm 1935, Trung Quốc mới bắt đầu đặt tên cho 132 đảo lớn nhỏ ở khu vực này và phần lớn là dịch ra từ tên tiếng Anh trên bản đồ quốc tế.
"Lần đầu tiên vào năm 1936, đường 9 đoạn được công bố. Bản đồ đó được sinh ra hoàn toàn do hiểu lầm" - nhà báo Bill Hayton
Người giới thiệu đoạn lưỡi bò hình chữ U với Trung Quốc là một người có tên Bạch Mi Sơ. Bill Hayton cho ông Bạch là một nhân sĩ yêu nước và ham mê địa lý. Năm 1930, Bạch Mi Sơ từng vẽ bản đồ miêu tả những phần lãnh thổ của nước này đã bị đánh cắp và gọi đó là "sự sỉ nhục quốc gia" của Trung Quốc.
Vào năm 1936, ông Bạch vẽ bản đồ với đường lưỡi bò ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông và ngang ngược tuyên bố khu vực nằm trong đường lưỡi bò là "những nơi mà ngư dân của Trung Quốc kiếm sống và hiển nhiên là nó thuộc về chủ quyền của chúng ta".Nhà báo Bill Hayton phát biểu: "Lần đầu tiên vào năm 1936, đường 9 đoạn được công bố. Bản đồ đó được sinh ra hoàn toàn do hiểu lầm."
Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do Trung Quốc đơn phương tuyên bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, cũng như vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do Trung Quốc ngang ngược đưa ra vùng biển này hồi tháng 6 năm 2014.
Bill Hayton cho rằng sở dĩ có bản đồ trên cũng như các bản đồ về "sự sỉ nhục quốc gia" mà Trung Quốc đưa ra là do sự hiểu lầm về quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trước đó. Các học giả Trung Quốc khi đó đánh đồng việc các nước thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc là hành động cống nạp với tư cách là nước chư hầu cho quốc gia này.
Nhà báo Hayton lấy ví dụ về ghi chép liên quan tới quan hệ giữa Trung Quốc và Hà Lan. Theo ghi chép của Trung Quốc thì Hà Lan khi đó là một vương quốc, phải cống nạp cho vương triều Trung Quốc và nhún nhường trước nhà vua ở đây. Tuy nhiên, thực tế Hà Lan là một nước cộng hoà và việc cống nạp thực chất là trao đổi để được quyền giao thương ở quốc gia đông dân và rộng lớn là Trung Quốc.
Hayton từ đó đặt câu hỏi, có lẽ các nhà học giả Trung Quốc hiểu lầm rằng các nước Đông Nam Á là chư hầu của họ khi cũng phải "cống nạp" cho vương triều.
Đường lưỡi bò được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đưa lên bản đồ vào năm 1947. Lúc này, nó có 11 đoạn. Qua thời gian, hai đoạn được bỏ đi. Nó chứng tỏ Trung Quốc không hề có một cơ sở pháp lý cụ thể nào cho đường lưỡi bò này. Về pháp lý mà nói, đường 9 đoạn không định nghĩa biên giới trên biển của Trung Quốc.
Theo đó, để hoàn thành cuốn sách về Biển Đông, Bill Hayton đã mất hơn hai năm rưỡi đào sâu các tài liệu lịch sử. Theo ông, ngoài Trung Quốc, các nước như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Philippines cũng tuyên bố một phần chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên không nước nào ngang ngược như Trung Quốc trong việc khẳng định quyền sở hữu gần như ôm trọn biển Đông, thậm chí ngang nhiên xâm lấn hải phận của nước khác theo luật quốc tế.
Liệu có cách nào giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay không? Bill Hayton cho rằng khó có thể có một giải pháp hợp lý cho tất cả các bên, vì không một bên nào chịu nhượng bộ cũng như không bên nào sẵn sàng thống nhất một quy chuẩn pháp lý. Trung Quốc, một bên lớn trong xung đột, chỉ muốn đối thoại song phương trong khi các nước khác muốn đối thoại đa phương.
Bill Hayton cho rằng xung đột ở Biển Đông sẽ lại căng thẳng nhưng ông phản đối một cuộc chạy đua vũ trang lớn trong khu vực này. Theo nhà báo, Trung Quốc đã bỏ xa các đối thủ trong nỗ lực hiện đại hóa vũ khí.
Bill Hayton cũng có một cuốn sách khác về Việt Nam có tên " Vietnam - the rising dragon"("Việt Nam- con rồng đang trỗi dậy"). Đây là cuốn sách mới về Biển Đông của ông vừa được xuất bản.
Mặc dù cuốn sách " The South China Sea: The struggle for power in Asia" còn nhiều điều cần bàn luận thêm nhưng ít ra cũng cho thấy sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời chứng minh được tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn là hoàn toàn vô căn cứ.
Theo ntd/RFA
Học giả Trung Quốc bác bỏ quan điểm sai trái về Biển Đông Mới đây, học giả Lê Oa Đằng, chủ trang Blog có tới hơn 4.039.130 người đọc trên diễn đàn mạng Sina.com lớn hàng đầu Trung Quốc, đăng bài "Nam Hải từ xưa đến nay là của Trung Quốc ư?", thẳng thừng bác bỏ những luận điểm sai trái của chính quyền Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đầu tháng 8 vừa qua,...