Đường 250 tỉ đồng chưa bàn giao đã nứt toác
Đoạn đường hơn 10 km vừa hoàn thành, nghiệm thu đã nhiều vết nứt lớn kéo dài hàng trăm mét, sạt lở gần hết phần lòng đường.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê khởi công từ giữa tháng 5-2018. Mặc dù mới hoàn thành, nghiệm thu vào tháng 6-2019 nhưng đoạn đường đã hư hỏng nặng.
Ngày 3-9, theo ghi nhận đoạn đường tránh qua địa bàn thị trấn Chư Sê tại thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal dài khoảng hơn 100 m đã bị sụt lún nghiêm trọng. Nhiều nơi nứt toác rộng tới 50 cm, sâu hơn 1m. Hai taluy đường có nhiều tấm kè bê tông đã bị sụt lún, biến dạng.
Vết nứt rộng tới 50 cm, sâu hơn 1 m giữa đường
Là người thường xuyên đi qua đoạn đường này, Anh Lê Văn Thái (trú tại xã Ia Blang, Chư Sê) cho biết, trước đó, trên mặt đường mới chỉ xuất hiện những vết rạn nứt nhỏ. Tuy nhiên đến chiều 3-9, đoạn đường này đã bị nứt, và sạt lở nghiêm trọng.
Taluy đường có nhiều tấm kè bê tông đã bị sụt lún, biến dạng.
Sau khi đoạn đường tránh bị sạt lở, các cơ quan chức năng đã lập rào chắn, cắm biển báo “Công trường đang thi công” không cho xe lưu thông.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, ngay khi nhận được thông tin đường tránh bị sạt lở vào chiều ngày 3-9, chúng tôi đã thông báo với đơn vị thi công để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chúng tôi đã báo về Sở GTVT để có biện pháp thông báo, không để các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, ngay sau khi nhận thông tin phản ảnh từ người dân, chiều 3-9 chúng tôi đã đi kiểm tra. Tại đoạn đường này xuất hiện sạt lở mái ta luy, gây hư hỏng nặng, mặt đường có nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
“Chúng tôi đã đề nghị Ban quản lý dự án 6 – Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với UBND huyện Chư Sê và các đơn vị liên quan tổ chức, phân luồng giao thông nhằm đảm bảo cho người và phương tiện khi tham gia giao thông tại đoạn đường này” – ông Hạnh thông tin.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án 6 – Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km.
HOÀNG TUẤN
Theo PLO
Hiến kế chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long
Các chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời gợi ý một số biện pháp để hạn chế thực trạng này.
Có lẽ chưa bao giờ người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cảm thấy lo lắng, bất antrước tình trạng sạt lở như hiện nay. Sạt lở ngày càng mở rộng phạm vi, từ các tuyến biển, sông lớn đến kênh rạch rồi tràn vào cả nội đồng. Không chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất mà còn đe dọa tính mạng của người dân.
Thiếu cát và phù sa
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là do thiếu cát và phù sa. Còn nguyên nhân dẫn đến thiếu cát và phù sa chính là việc xây dựng đập thủy điện ồ ạt. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo ông Thiện, khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là "nước đói", có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ.
"Có thể thấy rằng các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL có một đặc điểm chung là thường xuất hiện vết nứt trước đó vài ngày và sau đó toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt sẽ trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống" - ông Thiện phân tích.
Cũng theo ông Thiện, về mặt ứng phó, nơi nào nguy cơ sạt lở cao thì trước khi sạt lở phải được xem là tình huống khẩn cấp, cần phải phản ứng nhanh để bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân. Khi đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa, việc khắc phục ở giai đoạn này không nên hấp tấp. Phải tính tới mọi phương án, đặt lên bàn cân, tính toán khả thi kỹ thuật và cân nhắc được và mất, độ chắc chắn và rủi ro của từng phương án rồi mới làm.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), phân tích việc thả cát lấp các hố xoáy khu vực sạt lở là chưa thật sự khả thi. Bởi nền đất khu vực này vốn đã yếu, nếu thả cát xuống thì cát dễ dàng trôi đi và khiến cho dòng sông trở lại trạng thái mất cân bằng như ban đầu. Như vậy, việc sạt lở sớm muộn gì cũng sẽ tiếp diễn.
"Không riêng gì QL91 hay Vàm Nao mà tôi nghĩ phương pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất hiện nay chính là rút lui thay vì tấn tới khi dòng chảy đang mạnh" - ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn cho rằng ở ĐBSCL sẽ còn sạt ở nhiều nơi khác nữa, vấn đề chỉ là thời gian. Thiên nhiên có thể mất mấy ngàn năm để hình thành ĐBSCL nhưng chỉ mất khoảng 70 năm để phá hủy. Trước đây lượng phù sa về ĐBSCL hằng năm là 160 triệu tấn nhưng hiện nay lượng phù sa đã bị sụt giảm một nửa.
Theo ông Tuấn, trước đây hai quá trình sạt lở và bồi lấp xen kẽ nhau, thậm chí bồi nhiều hơn lở, nhờ đó mà ĐBSCL mới được nâng cao và mở rộng ra biển được. Nhưng hiện nay lượng phù sa sụt giảm kéo việc bồi cũng giảm, ngược lại quá trình sạt lở lại gia tăng.
Sạt lở nghiêm trọng ở quốc lộ 91 (tỉnh An Giang). Ảnh: H.DƯƠNG
Một vụ sạt lở ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: H.DƯƠNG
Nên quy hoạch quản trị bờ sông, biển
GS-TSKH Lê Huy Bá, Khoa môi trường và biến đổi khí hậu, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận định: Hiện nay công tác quy hoạch phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL vẫn làm chưa đến nơi đến chốn, hiện chỉ giải quyết tình hình tạm thời chứ không giải quyết tận gốc của vấn đề. Điển hình, hiện chúng ta sạt lở đến đâu thì xử lý đến đó mà chưa có biện pháp phòng.
Một số nguyên nhân dẫn đến sạt lở hiện nay là do tác động của dòng chảy trên các sông, lượng mưa, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác cát trái phép... Trong những nguyên nhân này, chúng ta cần tìm nguyên nhân chính để khống chế, không phải chỗ nào sạt lở là đóng cọc, đổ bê tông ở đó. Theo đó, đối với mỗi dòng sông chúng ta nên có cách phòng chống khác, với biển chúng ta nên có cách phòng chống khác. Phòng cần đi trước, chống đi sau. Nếu chỉ chống mà không phòng thì hiệu quả không cao.
"Cơ quan chức năng nên quy hoạch quản trị bờ sông, bờ biển. Trong đó, cần có sự tham gia của các nhà khoa học có tâm huyết, có năng lực tham gia vào vấn đề này" - ông Bá góp ý.
Theo GS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL là chế độ thủy văn, nguyên nhân phụ là do tác động của con người. Theo đó, tác động của dòng chảy, tình hình khai thác cát và tình hình thời tiết, thủy văn tiếp tục có những diễn biến bất thường gây ra sạt lở. Chính vì thế, giải pháp tốt nhất là tránh tăng tải ở các bờ sông (không nên xây dựng dọc bờ sông vì sẽ tạo nên áp lực) nên có quy hoạch dời vào trong. Vì hiện nay dân cư ở ĐBSCL chủ yếu ở dọc bờ sông.
Theo ông Phi, những giải pháp tạm bợ như be bờ chống sạt lở cũng chỉ là biện pháp tạm thời, vì đất ở ĐBSCL rất yếu nên cần tránh gây nặng nề thêm cho nền đất. Thêm vào đó, việc khai thác cát, việc lấn chiếm bờ sông phải tuyệt đối cấm.
Không nên "giật gấu vá vai"
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, gợi ý ba cách phòng, chống sạt lở ĐBSCL.
Thứ nhất: Có thể nghĩ tới là đem bao cát lấp như đang làm ở QL91 nhưng phải hiểu rõ cơ chế dòng sông, tính đến rủi ro thất bại của phương án. "Cát cũng có thể lấy từ nơi nào đó trên sông Cửu Long, lấy cát nơi khác đem lấp nơi này thì tạo ra thiếu hụt cát nơi khác, giật gấu vá vai, dù vai có lành thì gấu cũng rách" - ông Thiện nói.
Thứ hai là nếu thấy rằng không thể bảo vệ thì tính tới phương án rút lui, chấp nhận bỏ khu vực đó, tìm khu tái định cư dân và làm đường tránh.
Thứ ba là chỉnh trị nắn dòng, đưa tim sông ra giữa hoặc sang bờ kia, chấp nhận mua đất, bồi thường và cho sạt lở đất nông nghiệp bờ kia ít giá trị hơn bờ này.
H.DƯƠNG - N.CHÂU
Theo PLO
Thủ phạm khiến đồng bằng hứng chịu thảm họa "mối đe dọa kép" Đi vào tiềm thức là vùng sông nước miệt vườn, cây lành trái ngọt nhưng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nguy cơ 'biến mất" trong tương lai không xa. Chỉ ra "thủ phạm giấu mặt" gây tổn thương cho vùng châu thổ, các chuyên gia cho rằng đó là biến đổi khí hậu; khai thác cát, nước ngầm...