Dưới Cột cờ Hà Nội nói với con về Tổ quốc
Cột cờ đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.
Hôm nay kỷ niệm tròn 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhắc đến Điện Biên Phủ trong ký ức của một cậu học trò Hà Nội, là nhớ đến ngày xưa trong sách tập đọc có bài thơ rất hay và cảm động, đó là “ Cột cờ Hà Nội” của tác giả Xuân Tửu.
Ai đã đến Hà Nội
Đi trên đường Điện Biên
hẳn nhìn thấy vút lên
cột cờ cao vòi vọi
Lá cờ màu đỏ chói
Trên cột thép hiên ngang
Lấp lánh ngôi sao vàng
Trên nền trời lịch sử
Nhìn cờ thấy Tổ quốc
Nhìn cờ thấy nhân dân
Dưới bóng cờ ta bước
Khắp nơi xa nơi gần
Ngôi sao vàng chỉ lối
Nền đỏ màu thắm tươi
Cột cờ Hà Nội
Video đang HOT
Trí nhớ con trẻ thật bền bỉ, đến tận bây giờ, sau 30 năm, cậu học trò năm xưa vẫn còn nhớ được từng câu chữ bài thơ. Mỗi lần nhớ đến bài thơ, niềm xúc động và tự hào về chiến thắng Điện Biên lịch sử và cả về hình ảnh Cột cờ Hà Nội, lại dâng trào.
Đưa con trai đến vườn hoa trước Cột cờ tập xe đạp, chính là bởi cậu học trò ấy muốn nói cùng con thật nhiều, thật nhiều về Cột cờ Hà Nội, về Tổ quốc.
Buổi sáng, ba chở cả con cùng chiếc xe ra vườn hoa. Con đạp hăng hái, vòng quanh bao nhiêu vòng.
“Ba ơi, cái tháp gì cao thế kia, mà lại có lá cờ ở trên hả ba?”
Cột cờ Hà Nội đấy con ạ. Cả đất nước ta có rất nhiều cột cờ. Có cột cờ ở Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc. Có cột cờ trên bến Hiền Lương ngày đêm mong ngày Bắc Nam sum họp một nhà.
Bây giờ con thấy cột cờ rất cao, như lúc bé, ông nội hay bà nội con chở ba bằng xe đạp qua đây, ba cũng thấy nó cao như vậy. Thực ra, nó thấp hơn nhiều cột cờ khác trên đất nước chúng ta.
Nhưng nó là Cột cờ Hà Nội, là Cột cờ của cả nước con ạ. Cả nước hướng về nó. Nó đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.
Hà Nội bây giờ có nhiều công trình cao hơn Cột cờ, thậm chí cao hơn nhiều. Nhưng nó vẫn là Cột cờ Hà Nội, không có gì thay thế được nó trong lòng người dân Việt Nam. Nhìn thấy Cột cờ là thấy Tổ quốc, con ạ.
Cũng như Tổ quốc của chúng ta có thể ngày nay đang nhỏ bé như chưa bao giờ nhỏ bé đến như thế nhưng vẫn là Tổ quốc của chúng ta – bất chấp mọi sóng gió thời đại. Hãy yêu Tổ quốc của chúng ta, hãy dũng cảm, hãy nhìn thẳng vào sự thật để làm cho Tổ quốc Việt Nam không còn nhỏ bé nữa.
Ba mừng vì con rất yêu môn lịch sử, và ba sẽ đưa con đi thăm Cột cờ, Hoàng thành nhiều lần nữa để kể cho con về Tổ quốc mình. Rồi dần dần, ba sẽ giảng con hiểu về câu đối trước đền Trung Liệt, thờ Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương:
“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên.”
(“Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.”)
Đúng vậy con ạ, dù chỉ là một thước đất, nhưng đó là máu thịt của Tổ quốc. Biển đảo cũng vậy. Từng tấc đất, tấc biển đều là máu thịt của Tổ quốc, mà để gìn giữ nó, các thế hệ đã đổ bao xương máu.
Con ạ, không thế lực nào, dù nhân danh bất cứ cái gì, được quyền xâm phạm đến Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng. Thế hệ của cha, rồi của các con sau này, cũng như muôn thế hệ sau, sẽ đều phải ghi nhớ điều đó.
Càng phải ghi nhớ vào những ngày này, khi biển Đông đang dậy sóng bởi cả một giàn khoan trái phép đang ngang ngược mọc lên.
Ghi nhớ, để cờ Tổ quốc mãi tung bay trên Cột cờ Hà Nội….
Nhìn cờ thấy Tổ quốc
Nhìn cờ thấy nhân dân
Dưới bóng cờ ta bước
Khắp nơi xa, nơi gần.
Hà Nội, ngày 7 tháng Năm 2014
Người Lang Thang Cuối Cùng
Theo_VietNamNet
Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội
Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu.
Xem bài 1: Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội
Cũng hôm nay ngồi nói chuyện với "một ông anh" dân "củi rều" nhà ở Bồ Đề, anh em mới nhắc, rằng nhiều người cứ ca ngợi cầu Long Biên, một phần của Hà Nội, mà vẫn cứ quên những trụ giảm lũ chống gỗ trôi mà sau này người ta làm thêm những cái trụ rỗng bê tông hình tam giác, mà nếu đi từ Hà Nội sang Gia Lâm sẽ nhìn thấy rất rõ vì nó ở mạn cầu bên thượng lưu. Ngay từ cách đây gần 40 năm, trên đó đã mọc rất nhiều cây dại chắc là chỉ do gió mang tới mọc lên mà thôi... nhìn sang đó, cứ như một thế giới khác, khó với tới, nhất là với năng lực của trẻ con thì thật xa vời.
Nhưng cũng có rất nhiều ngày từ ngỡ ngàng đến dần quen mắt khi thấy bọn trẻ của bên bờ Gia Lâm, ngồi chót vót trên đỉnh của những tấm bê tông đó mà nhìn lên cầu. Còn có cả những đứa trẻ đứng trên đỉnh giàn chót vót mà nhảy xuống Sông Hồng trong mùa nước to nước chỉ cách mặt cầu vài mét. Cũng mùa lũ, dân "củi rều" thường bơi ra những cái trụ "chống lũ giảm tải" đó vào mùa lũ để vớt củi về đun.
Có bao nhiêu "nhiếp ảnh gia" trẻ tuổi để ý được đến những cái trụ "chống lũ" kia? Có bạn nào đặt câu hỏi trong đầu, rằng chúng được dựng lên từ bao giờ, và để làm gì? "Ông anh" kia bảo, chúng được dựng lên từ sau chiến tranh. Nhưng mình thì thấy chúng từ khi mình được đi trên cây cầu đó.
Sau này chỉ khi cầu Chương Dương gặp sự cố bị lún nứt gì đó, thì người ta mới cho xe máy lại đi sang cầu Long Biên sau mấy chục năm chỉ có xe đạp được đi. Tối đi xe máy lên cầu chơi, xem người ta câu cá trên cầu - không biết bây giờ có còn bác nào không, chứ hồi đó dân câu cá sông Hồng đông lắm. Ông bố mình, tay "sát cá" có hạng, cũng thi thoảng lên tham gia một "chân". Câu kiểu này không cần cần câu, cứ thả sợi dây xuống thôi mà có ngày được hàng xô cá. Còn nếu thử trèo ra ngoài mà ngó xuống phía dưới, sẽ không khỏi giật mình vì có cả một làng thu nhỏ với nhiều gia đình vẫn định cư trong khoảng không gian giữa mặt trên của trụ cầu và mặt dưới của những cây rầm thép.
Đã có trụ nằm sóng soài ra rồi
Cả tháng trước cứ nghe chuyện cầu Long Biên cần phải phá đi làm mới, lại nhớ ngày xưa người Pháp người ta có cái phim hoạt hình "Je T'aime Paris" kể về tình yêu của Paris với tháp Eiffel, đấy, cái tình yêu của Paris với tháp Eiffel nó thế, liệu tình yêu của Hà Nội với cầu Long Biên có được như thế không? Thế giới cũng tranh cãi về việc phá cái gì và giữ cái gì trong hàng bao nhiêu đời nay rồi, chẳng cứ gì Việt Nam ta. Nhưng người ta thì chắc chắn làm được, mới bàn phá, còn ta, chưa chắc đã làm được, nhưng cứ thích phá cái đã.
Cái gì cũng đến lúc cũ, hỏng, và người ta sẽ nghĩ đến chuyện phá bỏ nó đi, cầu Long Biên cũng thế. Cách đây đến 15 năm và hơn nữa khi thành phố của chúng ta đầy chặt xe đạp, mỗi khi tàu hỏa chạy về ga Hàng Cỏ là người ta lại hỏi, tại sao cái nhà ga bao nhiêu năm thành phố phát triển mà vẫn duy trì ở trong thành phố làm biết bao người mất thời gian.
Ngày hôm nay thay vì xe đạp là hàng nghìn cái xe máy và ô tô đẹp, trong khi đoàn tàu hỏa vẫn lừ lừ chạy qua, ngạo nghễ và thách thức sự phát triển. Không những thế, nó vừa mới lên tiếng góp phần vào đề nghị phá cầu Long Biên vì không đáp ứng được "nhu cầu" của nó. Lạ nhỉ, một bà cụ già khú đế, tự dưng đòi li dị ông chồng tuổi cũng cả trăm để đòi lấy giai trẻ. Cả hai cụ đều xứng đáng được lên bàn thờ để con cháu nó qua mà chụp ảnh kỷ niệm chứ!
Vì thế giữ cầu Long Biên, cũng phải là giữ như thế nào... người ta muốn có một cây cầu mới, có thể vẫn "cong mềm mại" như cây cầu cũ (giống như năm 1990 chợ Đồng Xuân cũ với năm cái vòm cong cong được phá đi làm thành có ba cái cong cong như bây giờ đang thấy) nhưng "đáp ứng" được cả tàu hỏa, lẫn ô tô... Nhưng vì cầu Long Biên không chỉ dành cho ô tô đẹp sang trọng, mà bao năm nay, những người hàng rong vẫn từ bên kia mang những món hàng ít ỏi của mình sang bán cho người nội thành, ấy thế mà vẫn cứ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ngày ngày vẫn vào phố bán hàng...
Hà Nội ngoài cầu Long Biên, còn có nhiều cái khác làm biểu tượng, vì cầu Long Biên không thể có được vị trí như tháp Eiffel của Paris, vì thế mà người ta vẫn có lý khi muốn phá nó đi. Hà Nội hoàn toàn có thể mất cầu Long Biên, cũng như nó đã từng mất đi quá nhiều thứ. Hôm nay chúng ta đang sống trong lòng thành phố, có thể mệt và chán vì nó quá lạnh, mặc bao nhiêu cũng không đủ; và nó quá nóng, ngày càng nóng với vô số máy điều hòa cố định và cả di động; nó quá ẩm ướt nhem nhép và chỉ kéo lại được có một tháng mùa thu nắng và gió... nhưng nếu ta xa thành phố, chắc chắn tất cả những điều đó sẽ làm chúng ta nhớ nó đến quay quắt.
Nếu không có cầu Long Biên, chúng ta vẫn nhớ Hà Nội bằng những cái đó, bằng những "ánh đèn qua ô cửa sổ", bằng mùa xuân cây thay lá, và bằng những ký ức của tôi và của bạn. Nhưng xin nhớ rằng, "người Hà Nội hôm nay ra đi, mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ" và "người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" thì người ta nhớ đến những bước chân đi bộ qua cầu Long Biên để lại thành phố ở sau lưng, chứ không nhớ đến "những cánh chim Xì-kai Tim" hàng ngày chở "hàng xách tay" và bị túm cổ ở bên xứ Phù Tang kia đâu.
Nếu không giữ được cầu Long Biên, thì Hà Nội sẽ tiếp tục mất đi những tài sản cuối cùng của nó. Hai chục năm trước, chúng ta chỉ biết đến Tam Cốc, Bích Động, cố đô Hoa Lư mà đến ngày hôm nay chúng ta đau đầu về cái sự PR cho chùa Bái Đính to đại, hoành tráng vừa trí trá muốn thay thế cái chùa bé cũ kỹ và một khu "di sản Tràng An" nào đó, thì chẳng có lý gì mà cầu Long Biên không được nhận một cái "bằng" di sản như thế cả.
Ảnh chụp theo môtíp cũ rích. Bây giờ khoảng nước giữa bãi giữa và bờ phía Hà Nội, thành cái ao tù xanh lè thế này
Cầu Long Biên nếu có được giữ lại, thì phải là như cũ, như người Pháp vừa mới khánh thành và chỉ dành cho người đi bộ, khách du lịch và các "nhiếp ảnh gia", nên có một đầu máy hơi nước cùng vài toa tầu thời "Anh Pha, Anh Chí, Chị Dậu" đỗ ở trên và thỉnh thoảng kéo vài hồi còi... Để nuôi nó, khách du lịch có thể thả tiền vào các "hòm công đức" như ta thấy đầy trong các ngôi chùa, đồng thời đánh thuế lên cầu theo đầu máy ảnh, riêng các tay máy đi chụp mẫu khỏa thân trên cầu thì miễn phí...
Mình cũng như bạn, trở thành người Hà Nội chỉ trước và sau, và cũng như biết bao thế hệ, đến với Hà Nội mà vẫn tự hào về truyền thống vùng quê của mình, chúng ta mang theo tất cả những "đất lề quê thói" lên với Hà Nội để "Hà Nội có được những sắc mầu và hương vị thực sự đặc trưng của nó", nhưng chúng ta chưa bao giờ làm cái điều mình vừa mở ngoặc kép đây một cách có ý thức - vì chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu. Và vì thế mà chúng ta mãi mãi sẽ còn phải tranh cãi xem, Hà Nội đẹp hay không đẹp, văn minh hay nhếch nhác... chỉ tiếc là ngay cả những người đang phải chịu trách nhiệm với thành phố, cũng chẳng bao giờ hiểu Hà Nội hết.
Chừng nào mà những người yêu nhau tìm hiểu tất cả những gì về cây cầu và chọn được chỗ đẹp hơn để khóa cái khóa tình yêu... Chừng nào mà các bạn trẻ đang bấm máy và làm dáng trên những thanh ray của cây cầu kia, biết được những điều mà bao thế hệ trước vì thế mà yêu cây cầu, thì lúc đó, câu chuyện "Tôi yêu Hà Nội" của cây cầu Long Biên mới thực sự có ý nghĩa, và lúc đó hẵng bàn đến chuyện nên giữ nó lại...
Còn với mình, sẽ không bao giờ quên được cảnh mặt trời lặn ở phía "Hà Nội" nhìn từ phía "cây cầu "của tôi"" vào mỗi chiều thứ Bảy.
Người Lang Thang Cuối Cùng
----
*Tiêu đề của toàn bộ bài viết là Cây cầu "của tôi". Ảnh trong bài do tác giả chụp.
Theo_VietNamNet
Lòng bao dung của người vợ trẻ bị chồng tiêm thuốc độc Người vợ nhân hậu, vị tha xin toà giảm án cho người chồng đã hoà thuốc diệt cỏ lẫn thuốc diệt chuột tiêm vào người vợ với mong muốn vợ chồng, con cái sớm được đoàn tụ. Giờ nghị án, công an thương tình, để cho gia đình Thiện hội ngộ. Thiện bồng đứa con trên tay mà đôi mắt ướt lệ. Thấy...