Dưới chân núi Mụ
Năm nay mùa đông đến muộn. Trời cứ nắng vàng mãi. Tôi trở đi trở lại vùng đất này chẳng nhớ đã bao nhiêu lần. Tôi và vài đồng nghiệp lặn lội từ trong một huyện xa để ra thành phố tỉnh lỵ lúc trời đã sẫm tối. Mặt trời lặn rồi, nhưng cái quầng sáng hồng hào quyến rũ bí ẩn của nó vẫn hắt một cách tiếc nuối lên nền trời phía tây, đằng sau một ngọn núi. Nguyên một bầu trời thẫm lại vì bóng tối đang chiếm lĩnh, chỉ có duy nhất một ngôi sao.
Người dẫn đường là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu. Ông nhìn qua cửa kính xe và nói: Đây là núi Mụ. Mụ tức Mẹ. Núi Mụ, là núi Mẹ. Hay là Mẹ của những ngọn núi?
Nếu như nhìn ban ngày thì núi Mụ cao hẳn lên, vượt lên trên những dãy, những ngọn thoai thoải khác. Và dưới chân núi là những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau. Núi rừng biếc xanh, ruộng đồng cũng biếc xanh. Còn bây giờ, núi Mụ chỉ là một khoảng tối được viền bằng thứ ánh sáng đẹp vào loại bậc nhất thiên hà.
Núi Mụ đứng ở giữa một vùng Mường.
Xưa, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình được chia làm bốn vùng: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Núi Mụ ở Mường Vang, tức huyện Lạc Sơn bây giờ. Người Mường chiếm khoảng 90% dân số ở Mường Vang. Tức là đặt chân đến đâu tôi cũng có thể gặp một người Mường.
Tôi thường bị mê hoặc bởi văn hóa truyền thống của các tộc người. Ở đâu có người dân tộc thiểu số sinh sống là ở đấy tôi bị hút chặt vào. Và mỗi khi muốn tiếp cận một nền văn hóa dân tộc thiểu số, tôi thường bắt đầu bằng kiến trúc nhà ở, phong tục ma chay, cưới xin, tín ngưỡng, thói quen canh tác, nghề truyền thống…
Ở vùng Mường, cái văn hóa ấy không, hay là không còn, nằm ở bề nổi. Hoặc là có, nhưng rất ít. Những ngôi nhà sàn đang mất đi, thay vào đấy là nhà bê tông, hoặc nhà sàn nhưng bằng bê tông… Người ta giữ lại những ngôi nhà bé nhỏ, cũ kĩ, mục nát ấy để làm kho chứa lương thực, cất nông cụ, hoặc làm bếp, để tách bếp ra khỏi căn nhà mới.
Tôi đứng nhìn những cái chân cột nhà sàn. Khi xưa, để chống mối mọt người ta thường kê chân cột lên những hòn đá. Tôi từng ví đời người đàn bà miền núi giống như hòn đá kê chân cột nhà chồng. Đã về làm dâu, đến cái tên cũng mất. Mới lấy chồng thì theo tên chồng, có con thì theo tên con. Sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Ở với mẹ đẻ lúc còn thơ bé, ở với mẹ chồng suốt cả cuộc đời. Và suốt cái cuộc đời làm dâu ấy, luôn nhẫn nhịn như hòn đá dưới chân cột. Và dưới gầm sàn một căn nhà cũ cũ bé bé còn sót lại ở đây, tôi thấy người ta kê chân cột, những cái chân cột đã mục, bằng những cục… bê tông. Những hòn đá từ ngày dựng nhà rốt cuộc đã bỏ đi đâu?
Video đang HOT
Tôi cũng thích trang phục Mường. Trang phục của nam giới thường khá đơn giản/đơn điệu, và đôi khi hơi khó phân biệt. Nhưng trang phục của nữ giới thì khác. Chưa kể trong trang phục còn có trang phục thường ngày, trang phục lễ hội, trang phục cưới.
Trang phục nữ Mường nhìn bề ngoài chỉ có hai màu chủ đạo là đen và trắng, kể cả khăn vấn đầu. Nhưng lại có một bộ phận cực kì quan trọng, đó là cái cạp váy. Phụ nữ Mường mặc một chiếc váy cao tới tận ngực, và dài chấm gót chân. Trong chiếc váy này thì riêng phần cạp dành để ôm trọn cơ thể từ trên ngực xuống đến eo lưng, tức là ôm trọn phần số đo nữ tính nhất của một cô gái. Trong cái cạp váy lại có đến ba phần, được gọi là “rang trên”, “rang dưới” và “cao”. Ba phần này được dệt ba lần, rồi nối lại. “Rang dưới” là phần được cho là quan trọng nhất, và nó thường được dệt theo hình một số linh vật, phổ biến nhất là rồng.
Để dệt váy áo, trong nhà người Mường phải có hai khung cửi. Một khung cửi thông thường, và một khung cửi đặc biệt, chỉ để dệt mỗi cái cạp váy. Chưa hết, một chiếc cạp váy có thể được lưu truyền từ đời bà sang mẹ, sang cháu gái. Người ta có thể thay phần thân váy khi nó cũ, rách, nhưng riêng cạp váy thì được giữ lại.
Điều đặc biệt nữa là ở một số dân tộc ít người, sau khi dệt xong một miếng vải người ta mới trang trí. Có thể là thêu, có thể là vẽ sáp ong. Nhưng họa tiết trên cạp váy Mường lại được tạo ra từ khi dệt. Màu sắc cũng được tạo ra từ lúc đó.
Điều đó đòi hỏi một kĩ thuật dệt rất phức tạp, cầu kì, cẩn trọng. Thêu hỏng có thể dỡ ra thêu lại, dệt hỏng thì chỉ bỏ đi. Xưa, ở phiên chợ xứ Mường còn có người chuyên bán cạp váy. Tất nhiên cũng chẳng có nhiều, vì dệt mất công lắm. Cái câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” là xếp theo mức độ lớn nhỏ của các Mường. Trong số này, phụ nữ mường Vang được xem là khéo léo nhất. Cạp váy của mường Vang cũng đẹp nhất, cầu kì nhất.
Tất nhiên, giờ thì như nhiều tộc người khác, phụ nữ Mường cũng chỉ mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ tết mà thôi.
Nghề thủ công của người Mường vốn không được đánh giá cao, nhưng người Mường có một kho tàng truyện cổ, truyện thơ khổng lồ. Đặc biệt là mo Mường. Các ông Mo có thể hát liên tục 12 ngày đêm trong một đám tang. Một bài mo diễn xướng trong 12 ngày đêm, liệu sẽ chứa đựng trong đó bao nhiêu huyền thoại?
Có ý kiến cho rằng, nền văn hóa Đông Sơn đọng lại nhiều nhất, đậm nét nhất, chính ở dân tộc Mường. Tôi đến một nơi gọi là hang Xóm Trại ở huyện Lạc Sơn – tức là mường Vang xưa kia, cũng tức là nơi dệt những chiếc cạp váy đẹp nhất xứ Mường – đó là một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng trong quá trình tìm lại được những dấu vết của người Việt cổ cách đây 21.000 năm.
Trong quá trình khai quật hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ đã có những phát hiện quan trọng. Đó là các hạt quả. Những hạt quả ấy được hái trên những cây rất cao, phải đàn ông mới lấy được. Và lại tìm thấy rất nhiều vỏ ốc và dấu hiệu cho thấy đó là việc mà phụ nữ vẫn làm. Phát hiện này làm thay đổi quan niệm “đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm” vốn có trong nhiều tài liệu.
Tôi sẽ còn phải quay lại vùng Mường rất nhiều lần, thậm chí có thể sống ở đó nhiều năm. Người Mường có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với người Kinh, đặc biệt là tiếng nói.
Nhưng từ trong sâu thẳm, rất sâu trong đời sống tinh thần, đặc biệt là tín ngưỡng, thì người Mường đã và đang lưu giữ những giá trị đặc biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào, và nó chứa đựng đầy những bí ẩn.
Ví dụ cái cạp váy của phụ nữ Mường cầu kì như thế, màu sắc như thế, khác biệt hẳn với toàn bộ trang phục, mà lại không hề được phô phang ra ngoài. Nó bó khít lấy cơ thể, nhưng lại được giấu ở bên trong chiếc áo cánh khoác ngoài.
Đây là điều tôi chưa thể nào lý giải nổi. Cũng chưa thấy tài liệu nào lý giải. Tại sao một thứ đẹp như thế, lại không được phô phang ra mà lại giấu đi thật kĩ? Nó chứa đựng thông điệp gì? Một quan niệm nào đó về cái đẹp, về giới, về đức hạnh… chăng?
Tôi đi tắt vào làng qua cánh đồng mùa đông buồn tẻ. Đường làng đầy phân trâu. Lâu rồi mới đi qua những ngôi làng mà nhà nào cũng đang còn có một vài con trâu. Lâu rồi chiều chiều mới nghe tiếng mõ trâu lóc cóc từ rừng về. Và lâu rồi mới thấy những nếp nhà bập bùng đỏ lửa. Ngang qua một ngôi nhà, bạn tôi bảo, đấy là nhà thầy cúng. Một ông thầy cúng có tiếng. Trong sân nhà ông ấy vẫn còn giữ cái xanh bằng đồng. Một cái xanh khổng lồ. Nó to tới mức có thể luộc một con trâu. Tôi hỏi, để luộc chín một con trâu thì mất bao lâu? Mọi người cười ồ. Rốt cuộc thì người ta vẫn phải mổ, cái gì ra cái nấy rồi mới luộc chứ nhỉ.
Dù có chút sờ sợ, nhưng tôi vẫn muốn gặp ông thầy cúng có cái sanh luộc được cả một con trâu ấy một lần. Tôi tin rằng, nếu gặp ông ấy, may mắn ra, ông sẽ khai sáng cho tôi phần quan trọng nhất trong thế giới tâm hồn của người Mường.
Núi Mụ lùi lại sau lưng, chìm dần trong bóng tối khi bầu trời và mặt đất đã chạm vào nhau. Chừng nào núi còn đứng đó thì vùng Mường vẫn còn những nhịp thở tĩnh tại, và vẫn còn chỗ cho những người như tôi, mến yêu một vùng văn hóa dù có bị khuất lấp đi thì muôn đời vẫn có chỗ đứng của nó.
Ngắm hoa tam giác mạch khoe sắc dưới chân núi lửa Chư Đang Ya ở Gia Lai
Những ngày này, khi đến tham quan núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), du khách có thêm sự lựa chọn để kéo dài cuộc du ngoạn khi được đắm mình cùng vẻ tươi mới của vườn hoa tam giác mạch khoe sắc ngay dưới chân núi.
Du khách khá thích thú chụp ảnh tại vườn hoa tam giác mạch ở Chư Đang Ya. (Ảnh: Chiêu Ly)
Vườn hoa tam giác mạch này là của gia đình chị Trần Thị Tuyết (làng Kó, xã Chư Đang Ya). Là hướng dẫn viên du lịch bản địa, chị Tuyết luôn trăn trở làm sao để quê hương mình thu hút đông đảo du khách. Năm 2018, chị tham gia đội xe ôm chuyên chở du khách lên đỉnh núi Chư Đang Ya tham quan, trải nghiệm. Năm 2022, với mong muốn làm phong phú thêm cảnh quan nơi chân núi, chị đã trồng vườn hoa cánh bướm để du khách chụp ảnh check-in.
Vườn hoa này đã thu hút lượng lớn khách tham quan, song chị Tuyết vẫn muốn đổi mới để khu vườn ấn tượng hơn, đẹp hơn. Đầu tháng 8/2023, chị bắt đầu trồng hoa tam giác mạch, loài hoa nổi tiếng được du khách yêu thích ở vùng núi phía Bắc.
"Gia Lai cũng có một số người trồng hoa tam giác mạch, hoa cũng rất đẹp nhưng không có được khung cảnh núi non hùng vĩ như Tây Bắc. Năm nay, tôi chọn hoa tam giác mạch để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn người dân và du khách", chị Tuyết chia sẻ.
Chị Tuyết tìm mua hạt giống tam giác mạch Tây Bắc gieo ở 2 khu vực với những thời điểm nở hoa khác nhau, trong đó khu vườn lớn nhất có diện tích khoảng 4 sào. Để tạo thêm điểm nhấn vườn hoa, vợ chồng chị đã tạo hình biểu tượng Olympic với 5 vòng tròn. Thời tiết thuận lợi nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, vườn hoa tam giác mạch đã bắt đầu nở rộ. Những cánh hoa mỏng manh, màu trắng xen lẫn hồng nhạt tạo nên khung cảnh thơ mộng giữa mênh mông núi đồi.
"Sau khi tìm hiểu thời gian cây nở hoa với thời điểm tổ chức lễ hội hoa dã quỳ, tôi đã tính toán cân đối diện tích để khi hoa dã quỳ bắt đầu tàn thì du khách không thất vọng vì đã có hoa tam giác mạch. Hiện vườn đang thu vé chụp ảnh check-in 20 ngàn đồng/người, chủ yếu để bù chi phí giống, công trồng trọt, chăm sóc"-chị Tuyết thổ lộ.
Sau khi những hình ảnh vườn hoa tam giác mạch dưới chân núi Chư Đang Ya được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã tìm đến tham quan. Hầu hết người dân và du khách đều bày tỏ sự thích thú khi được chiêm ngưỡng loài hoa này giữa Tây Nguyên hùng vĩ.
Vườn hoa tam giác mạch rộng khoảng 4 sào đang khoe sắc dưới chân núi Chư Đang Ya. (Ảnh: Văn Ngọc)
Chị Phạm Thị Hà (phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: "Vào dịp cuối tuần, tôi cùng bạn bè đi tìm những nơi có phong cảnh đẹp để chụp hình check-in. Dịp này ở Chư Đang Ya, dã quỳ mới bắt đầu nở. Thêm vào đó là vườn hoa tam giác mạch. Khu vườn khá rộng và đẹp, đường đi thuận lợi, đặc biệt là nằm ngay dưới chân núi. Khi chụp ảnh có view núi lửa không khác gì đang ở Tây Bắc".
Với những du khách phương xa thì đây là một trải nghiệm khó quên. Chị Nguyễn Thu Hương (TP. Hồ Chí Minh) hồ hởi: "Nhân chuyến công tác tại Gia Lai, tôi ghé lên núi lửa Chư Đang Ya tham quan. Tuy hoa dã quỳ chưa nở rộ nhưng núi lửa vẫn có vẻ đẹp rất riêng với khung cảnh hùng vĩ. Đặc biệt là có vườn hoa tam giác mạch. Tôi rất thích loài hoa này vì nó nhỏ bé, tinh khôi đặc trưng Tây Bắc. Không ngờ ở đây cũng trồng được tam giác mạch, hoa rất đẹp".
Vì sao du khách Hàn Quốc đang đổ về Việt Nam? Thời nay, mọi người thường có xu hướng thích đi du lịch dài hạn để thư giãn, trốn khỏi cuộc sống thành phố ồn ào, vội vã. Theo The Korea Herald, cứ 4 du khách đến Việt Nam có một người tới từ Hàn Quốc. Người Hàn Quốc do vậy được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sinh...