Đuôi bò hầm đu đủ vườn xưa
Bây giờ thì từ đuôi bò người ta làm rất nhiều món ngon và hiện đại: đuôi bò nấu cà chua, đuôi bò sốt vang, đuôi bò hầm bạch quả, đuôi bò nấu mù tạt…
Nhưng sao khi chạy xe ngoài đường dưới cơn mưa nặng hạt, gió từ mặt sông thổi vào lành lạnh, lại cứ nôn nao thèm tô đuôi bò hầm đu đủ quê mùa năm xưa của mạ.
Từ đuôi bò người ta làm rất nhiều món ngon. Ảnh: Internet
Ngày đó đuôi bò ngoài chợ bán khá nhiều, đu đủ thì ngay sau vườn nhà bao giờ cũng có vài cây sai trái, có thể hái bất cứ lúc nào. Người xưa nói “bò chết gặp khế rụng”, nhưng loài đu đủ thì lại rất “đa năng”, làm món ăn thì hợp với tất tần tật các loại xương, trong đó có xương bò, xương trâu, dù có cứng đến đâu khi hầm với đu đủ đều mềm rục hết.
Trời mưa lành lạnh, mạ đi chợ về giở cái rổ lót lá chuối xanh, đã thấy mấy khoanh đuôi bò chặt khúc tròn trịa nằm gọn trên lá. Mạ nói đứa mô ra sau nương hái cho mạ vài trái đu đủ. Mấy chị em trong nhà vỗ tay hoan hô, trời như ri ăn đuôi bò hầm đu đủ là ngon hết sảy. Mấy đứa con trai đi hái đu đủ, mấy đứa con gái ngồi coi mạ làm bếp để còn mai mốt học theo trổ tài nội trợ.
Video đang HOT
Cách của mạ làm món ni đơn giản: Đuôi bò mua về đã được cạo sạch, chặt thành từng khúc nhỏ, bấy giờ đem rửa sạch để ráo nước. Đun sôi nồi nước rồi cho đuôi bò vào luộc vài phút thì vớt ra, đổ nước đi, rửa sạch lại đuôi bò bằng nước lạnh (làm như thế để nồi hầm không có mùi bò gay gắt). Đu đủ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Nếu có củ cà rốt thì cắt khoanh tròn cho đẹp.
Gừng để nguyên vỏ, hành củ bóc vỏ, rửa sạch; rồi đem cả hai nướng qua lửa, sau đó dùng một miếng vải sạch để bọc gừng, hành củ, hạt tiêu vào đó.
Bây giờ mới đến giai đoạn hầm kỹ. Cho đuôi bò và đu đủ cắt miếng vào nồi, đổ nước đầy, nêm các gia vị mắm, muối, bột ngọt… Cho túi vải bọc gừng, hành khô, hạt tiêu vào nồi hầm chung. Đun nồi hầm lửa lớn cho sôi rộn ràng, liên tục dùng vá vớt bọt, sau đó hạ lửa nhỏ và hầm cho đến khi đuôi bò chín mềm. Nếu cạn nước thì chêm thêm nước, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
Sau khi đuôi bò đã được hầm chín mềm, cho hành tây và rau răm vào, tắt bếp. Múc bò hầm đu đủ ra tô lớn, cho thêm hành ngò, vài lát ớt lên trên cho đẹp. Món này phải ăn nóng mới ngon, kèm với chén nước chấm là nước mắm gừng.
Đuôi bò hầm đu đủ chín mềm, cái vị thịt và quả hòa hợp nhau đem lại cái béo đậm đà và thơm ấm dậm, hòa với vị thơm cay của gừng, hạt tiêu, rau răm… chấm kèm với nước mắm gừng thì ăn là phải gật gù bởi ngon quá. Trời bên ngoài mưa bốc khói trên đường, bên trong nồi cơm bốc khói, nồi bò hầm bốc khói, mấy con mắt con nít hấp ha hấp hấy thì quả thế gian không có khung cảnh nào an bình hạnh phúc hơn. Ăn trong cái cảnh đó, trí nhớ khó quên, vị giác thấm đẫm vị đuôi bò được đu đủ hà hơi cho mà mềm, mà thơm, mà ngon, khiến cứ hễ trời mưa thì ai đã từng ăn rồi ắt phải nhớ nhung đến mức phải ghé chợ xem có còn cái khúc đuôi bò mô không. Song chợ bây giờ hiếm gặp xương đuôi bò, muốn ăn thì buổi sáng sớm ghé quầy thịt bên bờ nam cầu Bến Ngự, bao nhiêu thứ bò cái chi cũng có, nhưng phải sớm chứ sau 7 giờ sáng là đã hết hàng ngon …
Lại nhớ mạ vừa cùng các con gặm xương đuôi bò vừa giảng giải, theo đông y, thịt bò đuôi bò đều có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ thận, ích khí dưỡng huyết, mạch gân xương… Bị chứng chân tay yếu mềm thì dùng đuôi bò hầm khoai sọ, món đó bổ khí huyết, lợi gân xương, ngoài ra còn trị chứng phong thấp nhức mỏi, khó ngủ. Muốn chữa tóc khô, rụng, bạc sớm thì dùng đuôi bò hầm hạt sen. Muốn chữa xương gãy mau liền thì lấy đuôi bò hầm củ sen, cà rốt, khoai môn. Món ni còn dùng tốt cho trẻ em còi xương…
Vừa nghe mạ nói, vừa nhai sần sật nếm cái giòn của da đuôi bò, cái tiếng sần sật như tiếng mưa rơi trên tấm bạt, cứ vọng mãi về sau…
Sần sật càng cua
Tự nhiên sinh ra loài rau càng cua cũng lạ. Vì thân giòn rụm, lại nhiều nước, càng cua muốn ăn tươi thật ngon phải bóp, trộn với gia vị ngọt ngọt chua chua.
Thông thường trong món gỏi, càng cua làm nền cho con tôm, lát thịt, cái trứng. Vậy mà với mạ tôi, bà biến rau càng cua thành "nữ hoàng" trên chiếc đĩa.
Rau càng cua trộn trứng. Ảnh: TL
Khi còn là một cô nhóc, tôi thường bị mạ la bởi tội trốn ngủ đi rong suốt trưa. Cùng đồng bọn (đều là trẻ ranh), chúng tôi lủi từ vườn đứa này sang nương đứa khác, khi thì lượm sa pô chê rụng, lúc quả chanh. Hôm nào may mắn, chúng tôi nhổ được nhiều càng cua, mừng húm, chắc mẩm tiền bán đủ để mỗi đứa xênh xang một cây kem.
Lúc trước làng tôi nương vườn tươi tốt, càng cua mọc lẫn quanh gốc chuối, mãng cầu, đu đủ. Rau càng cua láng o, hoa vươn mời gọi. Biết tính lâu dài thì kiên nhẫn ngắt ngọn, vội vội vàng vàng thì nhổ nguyên cây. Cứ mang về, chao rửa sạch sẽ là có ngay rá rau càng cua tươi non, bắt mắt.
Nhiều hôm trời gió, cha con trong nhà mỏi mỏi, mạ tôi lại lặng lẽ trổ tài với rau càng cua. Vị sần sật, giòn giòn, mùi tươi nguyên của cọng rau thấm vào người, đi đến đâu mát lòng hởi dạ đến đó. Món mạ hay làm nhất là càng cua bóp chua ngọt. Chút dầu phụng phi hành thơm phức, xíu chanh, nước mắm, ớt, đường, tỏi, lạc rang. Rau càng cua bắt cái béo thơm của dầu, ngậm vị ngọt, the the vị chua, cứ thế cả nhà phính phính bụng rau chứ chẳng mó đến niêu cơm đang nóng hổi.
Chẳng riêng bóp gỏi, loại rau này cũng thấm thía, đậm đà khi nấu canh, nhất là kết hợp với đủ thứ rau tập tàng. Giữa bộn bề hương vị, nào rau ngót, nào rau dền, rau lang, càng cua dịu dàng, đằm thắm với mùi thơm riêng. Gắp đúng nhúm càng cua, vị sần giòn bất ngờ ập đến, không báo trước mà gây hứng thú vô cùng.
Lâu lâu có dịp, tôi lại được đi ăn nhà hàng. Thực đơn gỏi bò rau càng cua cứ mãi lượn lờ trong tâm trí. Ôi cái tuổi thơ thiếu thịt của tôi, mạ gắng lắm mới có chút đạm, lấy đâu ra càng cua ăm ắp thịt. Thế mà hồ hởi ăn, hồ hởi nhớ về tuổi thơ nghèo khó, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một chút gì. Đĩa rau càng cua sang trọng, bắt mắt ấy ngon, đậm đà, nhưng nó không được làm bởi đôi tay tảo tần của mạ. Nước lèo của gỏi thơm béo, chuyên nghiệp ấy đầy đủ mùi vị, nhưng vẫn không bằng sự khéo léo, cái hồn mà mạ tôi đặt vào vì thương mấy cha con hao hao lúc trở trời. Thì ra cái ngon không chỉ nằm ở thành phần, gia vị, cái ngon còn là những ký ức gắn liền với món ăn.
Chính mạ đã biến rau càng cua trở thành "nữ hoàng" trong lòng tôi.
Bột khoai môn chiên trứng tại nhà Bột khoai môn chiên trứng giòn dai, chấm với nước tương đậm đà, ăn kèm củ cải và cà rốt muối đỡ ngán. Nguyên liệu: Phần bột: - Bột gạo: 370 gr - Bột năng: 45 gr - Khoai môn: 200 gr Các thành phần khác: - Trứng gà - Hành lá - Củ cải muối (cải xá bấu) - Đu đủ, cà...