Được tuyên vô tội sau hơn 8 năm bị khởi tố
Hôm qua 3.7, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, tuyên Đồng Khắc Luật (52 tuổi, ngụ xã Long Tân, H.Bù Gia Mập, Bình Phước) không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Đồng Khắc Luật tại phiên tòa phúc thẩm – Ảnh: Kỳ Duyên
Theo cáo trạng, năm 2002, TAND tỉnh Bình Phước xét xử vụ kiện tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa Đồng Khắc Luật và bà N.T.S, HĐXX tuyên, giao toàn bộ đất rẫy (trị giá trên 62,5 triệu đồng) cho ông Luật; buộc ông Luật trả cho bà S. hơn 32 triệu đồng. Sau khi án có hiệu lực, ông Luật không chấp hành án nên Phòng Thi hành án (THA) tỉnh Bình Phước (nay là Cục THA dân sự tỉnh Bình Phước) tiến hành kê biên rẫy điều (rộng 12.000 m2) của ông Luật để phát mãi.
Ngày 7.6.2004, Trung tâm bán đấu giá tỉnh bán rẫy điều này cho ông Bùi Văn H. với giá 62,5 triệu đồng. Sau đó, ông H. sang nhượng lại cho ông Nguyễn Văn C. (ngụ xã Long Hà, H.Bù Gia Mập) với giá 100 triệu đồng.
Vào tháng 10, 11 và 12.2004, ông C. cho người vào xịt thuốc điều thì bị Luật cầm rựa đe dọa, ngăn cản không cho ai vào rẫy đất. Ngày 9.4.2007, Cơ quan CSĐT Công an H.Phước Long (nay là H.Bù Gia Mập) khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản, vì cho rằng ông Luật đã dùng vũ lực đe dọa người khác để chiếm đoạt 3 vụ điều (từ 2004 – 2007) trị giá 27,2 triệu đồng.
Ngày 11.3.2011, TAND H.Bù Gia Mập xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đồng Khắc Luật 12 tháng tù giam. Bản án sau đó bị hủy do vi phạm tố tụng.
Video đang HOT
Ngày 28.5.2014, vụ án được TAND H.Bù Gia Mập đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên bố bị cáo Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản vì xác định vụ việc liên quan đến bị cáo chỉ là tranh chấp dân sự.
Bản án sau đó bị Viện KSND H.Bù Gia Mập kháng nghị. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua, TAND tỉnh Bình Phước nhận định tương tự án sơ thẩm và đã tuyên bị cáo Luật không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Hoàng Tuấn – Kỳ Duyên
Theo Thanhnien
Tòa án có được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự?
Có ý kiến lo ngại các tranh chấp dân sự thường đa dạng, phức tạp. Nếu quy định như vậy có thể gây nên sự tùy nghi, gây bế tắc trong giải quyết.
Ngày 15/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi. Đây là dự thảo luật quan trọng quy định trình tự, thủ tục tố tụng để bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các tranh chấp, vụ việc dân sự.
Một nội dung nhận được ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội là quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng". Có thể nói, quy định này khá mở với mục đích nhằm bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong các tranh chấp, vụ việc dân sự. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên còn nhiều quan điểm khác nhau.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy là cần thiết để đảm bảo thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì trong trường hợp này, trách nhiệm vẫn thuộc về nhà nước.
"Chúng ta có quy định không được từ chối giải quyết việc dân sự vì không có điều luật áp dụng. Trách nhiệm này thuộc về nhà nước, không thuộc về người dân. Người dân đưa một vấn đề trước tòa án vì chưa có luật tòa án từ chối từ là chưa phải với người dân. Tôi đề nghị tòa án tối cao tiếp tục củng cố những căn cứ để tiếp tục thảo luận trước Quốc hội vì đây là việc vì người dân nhưng có khả thi hay không thì đề nghị cân nhắc thêm tính toán thận trọng thực tế khi đưa vấn đề này ra", bà Trương Thị Mai nêu ý kiến.
Đảm bảo tính khả thi của điều luật là một yêu cầu vì nếu không nó sẽ gây nên hiệu ứng ngược, làm mất niềm tin của người dân vào công lý, vào pháp luật. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng lo ngại các tranh chấp dân sự thường đa dạng, phức tạp. Nếu quy định như trong dự thảo có thể gây nên sự tùy nghi, gây bế tắc trong giải quyết.
"Nếu chúng ta quy định điều này thì đòi hỏi đội ngũ thẩm phán phải thật giỏi, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nếu không thì họ sẽ phán xét lung tung bởi vì có luật họ xử còn sai, huống chi dự án quy định nếu có luật thì xử theo luật, không có luật thì xử theo sự thỏa thuận của hai bên, nếu không có sự thỏa thuận của hai bên thì xử theo nguyên tắc tương tự, không có nguyên tắc tương tự thì xử theo nguyên tắc chung của bộ luật dân sự và nếu nguyên tắc chung không áp dụng được thì vì lẽ công bằng của xã hội mà anh phán xử", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Nghe âm thanh tại đây:
Tuy nhiên, không ít đại biểu cho rằng cần thiết phải có quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của thẩm phán trong xét xử án dân sự. Nếu không thẩm phán sẽ rất dễ "buông xuôi", còn người dân bị thiệt thòi, ấm ức. Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể thêm khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì đối với những vụ việc đơn giản, Tòa án có thể áp dụng tinh thần Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật để giải quyết vụ án. Còn đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quan trọng là cơ quan soạn thảo cần phân định rõ các công cụ pháp lý cũng như thứ tự sử dụng các công cụ pháp lý để tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước giải quyết các yêu cầu của người dân trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Để tạo thuận lợi cho việc xét xử án dân sự khi không có điều luật áp dụng, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) đề nghị dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) cần làm rõ việc áp dụng án lệ như thế nào; về tiêu chí, điều kiện để áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự.
"Việc phát triển án lệ ghi nhận thành nguyên tắc trong dự thảo nguyên tắc Bộ luật tố tụng dân sự. Để phát triển án lệ, Quốc hội tiếp tục giao quyền cho Tòa án Nhân dân tối cao và trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao phải được xây dựng các tiêu chí hết sức cụ thể để xác định một bản án hay quyết định của tòa án được coi là án lệ để trở thành nguồn căn cứ để áp dụng", đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình nêu quan điểm.
Việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự phải bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự..../.
Minh Trang
Theo_VOV
Vụ kiện kéo dài 40 năm, đã thi hành án vẫn bị kháng nghị Vụ tranh chấp dân sự thửa đất 13m2 có địa chỉ 589 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) kéo dài từ năm 1976; bản án phúc thẩm cuối cùng có hiệu lực pháp luật của TAND thành phố Hà Nội đã được thi hành án gần một năm, thế nhưng VKSND tối cao vẫn ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm trong...