Được miễn vẫn xung phong nhập ngũ và hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma
Hai anh đầu đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cựu binh Trần Văn Thu không ngờ rằng chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội đi TP.HCM dừng ở ga Đồng Văn (Hà Nam) 3 phút vào một buổi sáng tháng 3.1985 là những giây phút cuối cùng bố mẹ anh được thấy người em út Trần Văn Bảy – người đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Câu chuyện bi tráng này tác giả ghi được trong một lần anh Trần Văn Thu (SN 1963, quê xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, Hà Nam) được mời về Đà Nẵng dự chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa-Trường Sa” và giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Giữa những người đồng chí và đồng đội của em trai mình, anh Trần Văn Thu rất xúc động khi kể về người em trai-liệt sĩ Trần Văn Bảy (SN 1964).
Thân nhân, cựu binh trận chiến Gạc Ma gặp gỡ tại Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước khi có bố là chiến sĩ giải phóng Điện Biên, bản thân anh Thu cũng là cựu binh khi tham gia trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) bảo vệ biên giới phía Bắc. Còn 2 người anh đều đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ – một người hy sinh ở Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1967, còn một người hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam năm 1968.
“Em trai tôi – Trần Văn Bảy thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ với một suy nghĩ đơn giản: Khi Tổ quốc cần thì phải lên đường. Hơn nữa, gia đình có truyền thống yêu nước, bản thân nó muốn noi gương, muốn đóng góp chút sức lực cho đất nước” – anh Thu cho hay.
Tháng 3.1985, anh Bảy có lệnh nhập ngũ vào Lữ đoàn Hải quân 125, đóng quân ở TP.HCM. Khi đó anh Bảy mới 19 tuổi, vẫn chưa có bạn gái. “Ngày tiễn chân Bảy vào Nam, tại sân ga Đồng Văn chỉ có tôi và vài người thân trong gia đình. Tàu chỉ dừng ở ga có 3 phút cho hành khách lên tàu nên cả nhà chỉ kịp dặn dò Bảy phải cố gắng huấn luyện thật tốt và lâu lâu viết thư về cho gia đình. Không ngờ đây là lần cuối cùng cả gia đình được thấy Bảy” – anh Thu nghẹn ngào.
Anh Trần Văn Thu – anh trai liệt sĩ Trần Văn Bảy – xúc động khi kể về em trai mình. Ảnh: Đình Thiên
Video đang HOT
Ngồi bên cạnh anh Thu, cựu binh Dương Văn Dũng (nay đã mất), đồng đội của liệt sĩ Trần Văn Bảy rơm rớm nước mắt cho chúng tôi biết, giữa tháng 3.1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Công binh E83 được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ. Đến chiều tối 13.3.1988 tàu HQ-505 đến đảo Cô Lin, tàu HQ-605 tiến lên đảo Len Đao, còn tàu HQ-604 chở anh Dũng, anh Bảy cùng đồng đội tiến thẳng đảo Gạc Ma.
Ngày 13.3.1988, khi cách đảo khoảng 0,8 hải lý bất ngờ tàu HQ-604 gặp tàu Trung Quốc. “Khi đó tôi cùng một số đồng đội đang vận chuyển vật liệu ra đảo. Tàu của Trung Quốc xua đuổi nhưng chúng tôi không nao núng. Đến rạng sáng 14.3.1988, lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Cuộc đụng độ đang xảy ra quyết liệt thì bất ngờ tàu Trung Quốc xả súng sàn sạt vào chúng tôi khiến nhiều chiến sĩ bị thương và tàu HQ-604 chìm dần xuống biển. Hàng chục đồng đội của tôi, trong đó có Bảy, đã bị trúng đạn và lênh đênh trên biển. Bản thân tôi bị lính Trung Quốc bắt giữ” – anh Dũng kể lại.
“Đúng 29 năm đã trôi qua, nhưng thi thể của Bảy vẫn chưa tìm thấy. Còn hai người anh Trần Văn Uộng và Trần Văn Uổng đã hy sinh năm 1967 – 1968, hiện nằm lại ở đâu cũng chưa tìm được. Nguyện vọng đằng đẵng mấy chục năm nay cho đến lúc qua đời, mẹ tôi chỉ muốn Nhà nước tìm được thi thể của 3 anh em tôi về quê hương khói” – anh Thu xúc động.
Theo Danviet
Trận chiến Gạc Ma ám ảnh suốt đời
Sống sót sau trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa (ngày 14.3.1988), cựu binh Lê Minh Thoa quay về với cuộc sống thường nhật và mưu sinh bên quán phở (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Quán phở do anh làm chủ mang tên Gạc Ma - Trường Sa và ký ức bi tráng từ trận chiến 29 năm trước vẫn mãi ám ảnh người cựu binh này...
Không thể nào quên!
Sinh ra trong gia đình thuần nông tại vùng đất võ Tây Sơn (Bình Định), tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Minh Thoa tạm gác lại giấc mơ, từ giã ghế nhà trường để xin đi bộ đội. Anh bắt đầu học sửa chữa máy móc tàu thủy và được nhận công tác tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 11.3.1988, anh Thoa nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma - Trường Sa (Việt Nam). Với anh, đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời mình.
Cựu binh Lê Minh Thoa luôn nhớ về đồng đội ở trận chiến Gạc Ma - Trường Sa. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo anh Thoa, tàu chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16h chiều 13.3.1988 thì thả neo cách đảo Gạc Ma chỉ chừng 500 mét. Thế nhưng, vài chục phút sau, tàu Hải thám Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói giọng lơ lớ rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe vậy nhưng anh Thoa cùng tất cả đồng đội đều bỏ ngoài tai điều phi lý đó, tiếp tục triển khai nhiệm vụ chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền, cắm cờ Tổ quốc đúng 24h khuya khi thủy triều rút xuống.
Anh Thoa kể: Đến sáng sớm ngày hôm sau (ngày 14.3.1988), lính Trung Quốc tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sĩ ta đã cắm xong. Anh em chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ cờ. Sau một hồi giằng co khốc liệt, lính Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh giữa biển. Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc đứng 3 phía chĩa súng vào tàu của ta và liên tục bắn. Chỉ chừng trong vòng 15 phút thì tàu ta bị chìm. Khi phát hiện đồng đội nào của ta còn sống mà ngoi lên mặt nước thì lập tức lính Trung Quốc tỉa súng liên hồi cho đến chết.
Quán phở Gạc Ma - Trường Sa của cựu binh Lê Minh Thoa ngày 14.3. Ảnh: Dũ Tuấn
"Tôi bị thương ở chân, bỏng lưng nhưng cũng may vớ được 2 quả bí (1 xanh, 1 đỏ) để làm phao. Đến 5h chiều 14.3, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi (trên xuồng có 1 tên lái, 2 tên cầm súng) và ra dấu cho tôi đầu hàng, nhưng tôi quyết không chịu, lính Trung Quốc bắn xả nhưng tôi không sợ. Khi thấy tôi ôm 2 quả bí thì lính Trung Quốc không dám đến gần mà dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy nằm bên cạnh mình là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu bởi những mảnh đạn thấu xương", anh Thoa hồi tưởng.
Lúc đó, anh Thoa chỉ mặc áo ba lỗ, quần đùi bị rách tả tơi. Lính Trung Quốc chở anh cùng đồng đội đi mấy ngày đêm chẳng ăn uống gì, máu cứ tuôn chảy, ai cũng xót xa, chịu đựng. Khi đến đảo Hải Nam thì lính Trung Quốc chuyển tàu chở về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Nhiều đồng đội của anh Thoa bị thương, lính Trung Quốc dùng dao để mổ lấy từng mảnh đạn trong người nhưng không có 1 viên thuốc giảm đau nào.
Khi bị giam giữ tại nhà tù Lôi Châu, anh Thoa cùng 8 đồng đội bị nhốt riêng biệt, mỗi tuần chỉ có 2 bữa cơm đạm bạc, còn lại toàn cháo trắng. Lính Trung Quốc bắt anh cùng đồng đội lao động rất nặng nhọc như đổ bê tông, chẻ củi... Mãi đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. ến tháng 11.1991, anh Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.
Cuộc sống thường nhật
Cựu binh Lê Minh Thoa bên đồng đội của mình. Ảnh: Dũ Tuấn
Khi trở về, cựu binh Lê Minh Thoa có nguyện vọng phục vụ trong quân đội và nguyện vọng của anh đã được chấp nhận. Sau 6 năm tham gia ngành sửa chữa máy tàu thủy thuộc Lữ đoàn 125 - Bộ Tư lệnh (tại TP.HCM), cuối năm 1996, anh Thoa mới xuất ngũ và bôn ba mưu sinh. Năm 2005 anh về phố biển Quy Nhơn lập nghiệp và bắt đầu học lớp nấu ăn để mở quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa.
Sáng sớm 14.3, khi chúng tôi tới ghé thăm, cựu binh Lê Minh Thoa vẫn đang tất bật với quán phở Gạc Ma - Trường Sa của mình. Anh bảo: "Tôi phải tranh thủ bán xong sớm để chạy xe máy vào Phú Yên, hôm nay anh em Trường Sa, Gạc Ma có buổi gặp mặt trong đó. Thực sự, đã 29 năm trôi qua nhưng tim tôi vẫn luôn hướng về đồng đội và dấu ấn 14.3.1988 là một ngày không thể quên trong cuộc đời".
Cựu binh Lê Minh Thoa đang tất bật với việc bán phở để mưu sinh. Ảnh: Dũ Tuấn
Hiện tại, cuộc sống cựu binh Lê Minh Thoa rất chật vật. Gia đình anh sống nhờ vào nhà của bố mẹ. Hằng ngày, anh mưu sinh bên quán phở, máy nước mía... để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Ngày đông khách thì được trên 100 bát (20.000 đồng/bát), ngày ít thì chỉ bán được vài bát, thu nhập rất bấp bênh.
"Lần khám sức khỏe mới đây, bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người tôi (ở đầu và bả vai), luôn hành hạ đau nhức. Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này. Khi làm hồ sơ giám định lúc ấy chỉ thương tật 11%, chế độ chỉ nhận một lần. Điều tôi mong muốn là cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi được đi giám định lại để hưởng chế độ thương binh. Những vết thương mà tôi đang mang làm sao so với máu xương của đồng đội tôi đã quyện vào nước biển ở Gạc Ma - Trường Sa", anh Thoa chia sẻ.
Theo Danviet
Cựu binh Gạc Ma nghĩa tình vượt hơn 400km viếng bạn Nghe tin cựu binh Dương Văn Dũng, một trong 9 người bị Trung Quốc bắt trong sự kiện Gạc Ma năm 1988, vừa qua đời vì bạo bệnh, những người đồng đội đã vào Đà Nẵng viếng bạn. Chiều tối 3/3, nhiều đồng đội của cựu binh Trường Sa Dương Văn Dũng đã vượt hàng trăm km tới thắp hương viếng ông Dũng...