Được mất của Tổng thống Putin năm 2014
Tổng thống Nga Putin năm 2014 đối mặt với khó khăn lớn về kinh tế và ngoại giao do bị phương Tây cô lập, nhưng ông cũng đã thành công trong việc bảo đảm an ninh chiến lược và khẳng định địa vị cường quốc của Nga.
Tháng 11, Tổng thống Putin được tạp chí Forbes bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp, ông chủ Điện Kremlin đứng đầu danh sách của tạp chí danh tiếng này.
Năm 2014 được giới phân tích đánh giá là một năm đầy khó khăn, có cả mặt được lẫn mặt mất đối với ông Putin, bởi căng thẳng Nga – phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine. “Nước Nga vừa trải qua một năm đầy khó khăn”, ông chủ Điện Kremlin thừa nhận trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 4/12.
Cục diện này trái ngược với năm 2013, khi ông được đánh giá là thành công trên cả hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Với chiến lược ngoại giao hiệu quả, Putin đã thành công trong việc ứng phó với các các vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp, góp phần nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.
Đảm bảo an ninh chiến lược
Việc sáp nhập Crimea tạo ra vùng đệm an ninh chiến lược giữa Nga và NATO. Đồ họa: BBC
“Crimea là vùng đất thiêng của Nga”, Tổng thống Putin tuyên bố trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Đây là quan điểm nhất quán của ông chủ Điện Kremlin từ trước tới nay.
Theo bình luận viên Sarah Rainsford của BBC, tuyên bố của ông Putin cho thấy quan điểm không thay đổi của Moscow về tình hình Ukraine và rằng việc sáp nhập Crimea là quyết định sáng suốt.
Ukraine, với tổng diện tích 603.700 km2 và dân số hơn 45 triệu người, là quốc gia lớn nhất nằm giữa Nga và EU. Cho đến trước năm 1991, Ukraine vẫn là một nước thành viên thuộc Liên Xô, và chỉ trở thành quốc gia có chủ quyền độc lập sau khi siêu cường của mặt trận phía Đông tan rã.
Chính vì vậy, Nga và bản thân Tổng thống Putin lo ngại rằng, nếu Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, điều này sẽ uy hiếp đến an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow, trong bối cảnh tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng khuếch trương về phía đông.
Về mặt địa chính trị, nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc tiếp quản Crimea, Nga có thể gây sức ép nhằm kiềm chế chính quyền Ukraine thân phương Tây tại Kiev thông qua Crimea. Theo Finacial Times, sau khi tiếp quản Crimea, Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng cường sức mạnh và có thêm các căn cứ quân sự vững chắc. Crimea cũng trở thành vùng đệm an ninh chiến lược vững chắc giữa Nga và NATO.
Về mặt chiến lược, Nga có thể sẽ kết thúc kiểu quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa nước này và Mỹ trong 25 năm qua, mà Moscow luôn ở trong thế bị động. Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng tuyên bố: “Thế giới đơn cực đã kết thúc. Nước Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn”.
Đối với cá nhân ông Putin, việc sáp nhập Crimea là một chiến thắng chính trị to lớn, với tỷ lệ ủng hộ trong nước tăng cao kỷ lục. Tỉ lệ ủng hộ trong nước tháng 6 với ông chủ Điện Kremlin đạt mức 85%. “Hình tượng cứng rắn của ông Putin đã một lần nữa được chứng minh, giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ người dân”, Giáo sư Tôn Hưng Kiệt thuộc đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận định.
Phương Tây cô lập
Tổng thống Vladimir Putin buộc phải rời khỏi Hội nghị G20 sớm, trước những áp lực từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Ảnh: Reuters
Trong mắt giới lãnh đạo phương Tây, quyết định sáp nhập Crimea nói riêng và thái độ cứng rắn của ông Putin trên vấn đề Ukraine nói chung, mở ra một thời kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu không phải là một cuộc chiến tranh Lạnh mới, thì cũng sẽ là giai đoạn đối kháng Nga – phương Tây lâu dài, với quá trình hàn gắn xa vời.
Video đang HOT
“Trên trường quốc tế, Nga đã chứng minh được sức mạnh của mình, nhưng cũng tự cô lập mình, đặc biệt với các đối tác châu Âu và Mỹ”, CBC dẫn lời Giáo sư chính trị học Aurelie Campana thuộc Đại học Laval bình luận.
Về mặt ngoại giao, các nước G8 tẩy chay hội nghị thường kỳ của khối vốn dự kiến tổ chức tại Sochi hồi tháng 6, rồi tuyên bố loại bỏ Moscow ra khỏi khối. Đây được coi là sự mở đầu cho một loạt hành động ngoại giao nhằm cô lập Nga của phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ.
Cao trào của chiến lược cô lập chính trị này diễn ra trên Hội nghị G20 tổ chức tại Australia hồi giữa tháng 11. Tổng thống Putin buộc phải rời hội nghị sớm với lý do chính thức là thiếu ngủ, mặc dù có thông tin cho rằng ông bỏ về trước khi hội nghị kết thúc do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây.
Moscow dường như cũng đang đi vào bế tắc ngay cả trong quan hệ với Đức, quốc gia vốn có liên hệ kinh tế mật thiết và rất chần chừ trước các quyết định trừng phạt Nga. Phát biểu trước Viện Chính sách Lowy ở Australia hôm 17/11, Thủ tướng Angela Merkel cáo buộc Nga đang xem thường luật pháp quốc tế với “lối tư duy cũ kỹ” thiên về coi trọng tầm ảnh hưởng.
Về mặt kinh tế, Mỹ và EU không ngừng leo thang các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin. Điều này kết hợp với tình hình giá dầu không ngừng giảm trong những tháng qua khiến nền kinh tế Nga đối diện với nguy cơ khủng hoảng sâu rộng. Kinh tế Nga phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Từ đầu năm 2014 đến nay, đồng rúp đã mất giá 40% so với đồng USD. Tỷ lệ lạm phát đạt mức 9% và được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Lượng tiền vốn thất thoát ra nước ngoài lên đến 128 tỷ USD.
Dự báo mới nhất của Moscow cho thấy quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015. Theo số liệu của bộ Phát triển kinh tế Nga, nền kinh tế nước này có thể sẽ phát triển âm 0,8%, chứ không phải là tăng trưởng 1,2% như kế hoạch trước đó đề ra. Trong khi đó, con số phát triển âm mà các tổ chức đánh giá tư dự đoán lên đến 2%.
“Điều mà Tổng thống Putin e ngại nhất là tình hình kinh tế Nga, nhất là khi quốc gia này đang hứng chịu hai tầng áp lực là lệnh cấm vận của phương Tây và tình trạng sụt giảm của giá dầu thế giới”, Financial Times dẫn lời bình luận của nhà phân tích Kirill Rogov thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Gaidar. “Uy thế trong nước của Tổng thống Putin đến từ cam kết của ông với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao”.
Phá vòng vây
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Reuters
Trước thế bao vây, cô lập của phương Tây trên cả hai lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, Tổng thống Putin đã có những bước đi chuyển hướng chiến lược quan trọng về phía đông.
Tháng 5, Công ty Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký kết bản hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Tháng 11, hai doanh nghiệp này đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới ở Siberia. Đường ống này dự kiến sẽ chạy dọc dãy núi Altai, qua Kazakhstan và Mông Cổ, nối thẳng vào đường dẫn khí Tây – Đông của Trung Quốc.
Đối với chính phủ của Tổng thống Putin, các thỏa thuận hợp tác năng lượng trên có ý nghĩa kinh tế chính trị quan trọng, nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga với thị trường châu Âu, nhất là khi Moscow đang trong thế bị cô lập.
“Nếu như châu Âu chèn ép mạnh các công ty năng lượng của Nga, Moscow vẫn có nguồn thu đảm bảo từ các mỏ dầu ở vùng Siberia”, New York Times dẫn lời Phó giáo sư Yan Vaslavski thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow, cho biết.
Quan hệ hợp tác chiến lược Nga – Trung không chỉ dừng ở lĩnh vực năng lượng, mà còn mở rộng sang cả các lĩnh vực an ninh và quân sự. Bắc Kinh và Moscow đều nhận ra những lợi thế của việc tăng cường hợp tác trong thời điểm này. “Hai nước muốn cùng nhau làm suy giảm sức ảnh hưởng của Mỹ, từ đó mở ra không gian kinh tế, chiến lược rộng lớn hơn”, bình luận viên Brian Spegele thuộc tờ Wall Street Journal nhận định.
Theo đó, hai nước đang lên kế hoạch tổ chức tập trận hải quân chung quy mô lớn ở Địa Trung Hải và Thái Bình Dương vào năm sau. Một số nhà phân tích nhận định rằng một hiệp ước quân sự chung ngày càng trở nên hấp dẫn với hai bên, nhất là trong bối cảnh Nga cần tìm kiếm một đồng minh quân sự để đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng hợp tác quân sự Nga – Trung vẫn còn lâu mới đến mức có thể trở thành “NATO của phương Đông”, bởi mối quan hệ cạnh tranh chiến lược tự nhiên giữa hai nước, nay tạm thời lắng xuống do nhu cầu sách lược trước mắt.
“Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc bởi Moscow tin rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc mang lại cho Nga đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán với phương Tây”, tiến sỹ Christopher Miller thuộc Đại học Yale bình luận.
Đức Dương
Theo VNE
iPhone 6 sốt giá 70 triệu và Nokia từ giã hot nhất năm 2014
Bên cạnh iPhone 6 hay Nokia, hiện tượng Flappy Bird, sự cố khi mua iPhone 6 tại Singapore của một du khách Việt là những câu chuyện công nghệ thu hút cộng đồng mạng trong năm qua.
Hiện tượng Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird
Làng công nghệ Việt Nam chào đón năm 2014 bằng một sự kiện vui và thú vị, khi ứng dụng game Flappy Bird của lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông liên tục thống trị các bảng xếp hạng iOS và Android với hàng chục triệu lượt tải về. Được phát hành lần đầu trên App Store ngày 25/5/2013, 7 tháng sau, Flappy Bird đã trở thành hiện tượng toàn cầu, thu hút lượng lớn người dùng di động tại nhiều quốc gia trên thế giới. "Chú chim ngu" với phong cách đồ họa đơn giản nhưng cách chơi khó nhằn đã khiến nhiều người chơi trên thế giới mất ăn mất ngủ, thậm chí chửi thề trên các trang mạng và... dọa giết tác giả Nguyễn Hà Đông.
Flappy Bird gây sốt tại Việt Nam và trên toàn thế giới trong những tháng đầu năm 2014. Ảnh: Quốc Huy.
Đứng trước cơn bão truyền thông và sức ép đến từ những người chơi, tác giả của Flappy Bird đã bất ngờ gỡ bỏ tựa game này khỏi hai gian ứng dụng. Nguyễn Hà Đông cho biết việc nổi tiếng quá nhanh khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn và anh muốn chấm dứt tình trạng này. Với số tiền lớn kiếm được, Nguyễn Hà Đông dự định mua một chiếc Mini Cooper S, một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Hà Nội để chuyên tâm làm game, theo chia sẻ trên tờ Rolling Stone.
Sau "hiện tượng Flappy Bird", kho ứng dụng App Store và Google Play Store chứng kiến sự ra đời của hàng trăm tựa game nhái "chim ngu", từ cách chơi lẫn phong cách đồ họa 8-bit đơn giản. Tuy nhiên, những cái tên "ăn theo" vẫn chỉ đi theo cái bóng của Flappy Bird.
Sau Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông đã tung thêm tựa game Swing Copter, cách chơi có phần giống Flappy Bird nhưng cách điều khiển khó khăn hơn. Tựa game này cũng gây được sự chú ý nhưng không thành công như Flappy Bird.
Cáp quang biển AAG liên tục đứt
Trong năm 2014, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia-America Gateway) đã 3 lần gặp sự cố đứt cáp, khiến truy cập từ Việt Nam đi quốc tế bị gián đoạn trong nhiều thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom, một trong bốn nhà mạng Việt Nam đang khai thác tuyến AAG, tuyến cáp này thường xuyên gặp sự cố vì không được thiết kế tốt ngay từ đầu. Tại những vùng biển chồng lấn, lượng tàu bè thả neo nhiều và khi di chuyển quên kéo neo lên nên dễ vướng, gây đứt cáp.
Những lần tuyến cáp quang AAG gặp sự cố đều gây thiệt hại lớn đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước lẫn người dùng. Ảnh minh họa.
Để tránh gây thiệt hại cho khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đã phải thuê thêm các tuyến cáp trên bộ để giảm tải cho tuyến cáp quang biển mỗi khi gặp sự cố, với giá cao hơn gấp vài lần.
Hiện tại, FPT Telecom, Viettel và VNPT đang tham gia vào một dự án tuyến cáp mới mang tên APG (Asia Pacific Gateway), nhằm giảm sự lệ thuộc vào tuyến cáp AAG. Theo lịch trình, đến năm 2016, tuyến cáp này sẽ được đưa vào sử dụng.
Du khách Việt gặp sự cố khi mua iPhone 6 tại Singapore
Câu chuyện anh Phạm Văn Thoại - một du khách Việt Nam - bị lừa mua iPhone 6 giá cao tại Sim Lim Square, Singapore là đề tài nóng cuối năm 2014. Trong chuyến du lịch, anh Thoại đến cửa hàng Mobile Air, thuộc khu mua sắm Sim Lim Square để mua một chiếc iPhone 6 làm quà sinh nhật cho bạn gái. Chiếc iPhone có giá 950 SGD nhưng anh đã bị "bẫy" phải trả thêm 1.500 SGD cho phí bảo hành.
Dù khóc lóc van xin, nhưng anh này sau đó chỉ được cửa hàng trả lại 400 SGD, dưới sự trợ giúp của cảnh sát và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore, trong khi vẫn chưa mua được chiếc iPhone 6 cho bạn gái.
Du khách Việt bị lừa mua iPhone giá cao tại Sim Lim Square, Singapore. Ảnh: Zaobao.
Khi vụ việc được một tờ báo địa phương đăng tải, cộng đồng mạng Singapore và Việt Nam đều đã "dậy sóng". Nhiều người dân tại đảo quốc sư tử đã lên án mạnh mẽ hành động lừa đảo của chủ cửa hàng Mobile Air. Một mặt, họ tìm cách gây quỹ để giúp anh Thoại, mặt khác truy tìm chủ cửa hàng Mobile Air để chỉ trích, thậm chí trả đũa bằng nhiều hình thức.
Câu chuyện trên chính thức khép lại khi anh Thoại gặp doanh nhân Gabriel Kang, người đã gây quỹ để mua tặng anh một chiếc iPhone 6. Tuy nhiên, anh Thoại đã từ chối nhận chiếc điện thoại và cảm ơn tấm lòng của những người đã giúp đỡ anh. Hành động này được cộng đồng mạng Singapore đánh giá cao. Về phía cửa hàng Mobile Air, thân nhân chủ cửa hàng này đã phải lên tiếng xin lỗi và đối mặt với một cuộc điều tra từ các nhà chức trách.
iPhone 6 gây sốt với giá ban đầu từ 50-70 triệu đồng
Trong ngày 19/9, ngày đầu tiên Apple bán ra iPhone 6 tại một số thị trường trên thế giới, số lượng máy mang về Việt Nam khan hiếm nên có giá lên đến 50-70 triệu đồng. Nhiều chủ cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội cho biết có những khách "sộp" sẵn sàng chi ra mức giá gấp 3-4 lần giá thông thường để sở hữu chiếc iPhone 6 Plus đầu tiên về Việt Nam.
Mức giá cao kỷ lục của bộ đôi iPhone mới trong ngày đầu đã thu hút sự chú ý của những tín đồ "quả táo" nói riêng và cộng đồng yêu công nghệ trong nước nói chung. Phần lớn đều cho rằng những chiếc iPhone đầu tiên về Việt Nam có giá trị để làm thương hiệu cho cửa hàng hoặc một thứ quà tặng xa xỉ trong giới thượng lưu.
iPhone 6 và 6 Plus là hai mẫu điện thoại ồn ào nhất trong năm 2014.
Sau ngày đầu tiên, mức giá iPhone 6 tại Việt Nam nhanh chóng hạ nhiệt và giảm mỗi ngày hàng triệu đồng. Chỉ trong vòng hai tuần, giá bán của bộ đôi này nhanh chóng về gần với giá nhập do sức mua không cao như dự kiến. Nhiều cửa hàng lỡ "ôm" iPhone 6 xách tay với giá cao "than trời" vì lỗ khi mặt bằng giá iPhone 6 giảm không phanh.
Sự biến mất của Nokia gây tiếc nuối lớn cho người dùng Việt
Nokia bán mảng di động cho Microsoft từ đầu năm 2014, nhưng phải đến cuối năm, sự chuyển dịch mới diễn ra rõ ràng và mạnh mẽ. Tại Việt Nam, Nokia được đổi tên thành Microsoft Việt Nam. Các nhà bán lẻ thân thiết với Nokia âm thầm đổi sang logo Microsoft. Website, Facebook, Twitter của Nokia đều "sang tên đổi chủ". Các máy Lumia có thêm logo Microsoft bên cạnh logo Nokia, và rồi thương hiệu Phần Lan mất hẳn kể từ chiếc Lumia 535. Đó là những bước đi khá từ tốn và cẩn trọng của hãng công nghệ Mỹ tại Việt Nam - một trong những thị trường trọng điểm của Nokia trong quá khứ.
Đối với người tiêu dùng, cái tên Microsoft dường như khó có thể đánh bật được thương hiệu Nokia vốn đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Tại Việt Nam, Nokia phần nào giống như Honda, Google... đã trở thành một tên gọi chung để chỉ một ngành hàng, một khái niệm. Nhiều độc giả của Zing.vn cho biết họ mua những chiếc Lumia chỉ vì "nó là Nokia".
Hai lần đến Việt Nam trong năm 2014, các đại diện cấp cao của Nokia, Microsoft luôn khẳng định sự "kế thừa" những gì đã xây dựng tại thị trường hơn 80 triệu dân. Không còn Nokia hiện diện trên các sản phẩm di động, nhưng "phong cách Nokia" được cam kết sẽ thể hiện ở chất lượng sản phẩm cũng như khâu hậu mãi. Việc Microsoft có tiếp tục thành công tại Việt Nam hay không vẫn cần thêm thời gian mới có câu trả lời.
Duy Tín
Theo Zing
Những đôi uyên ương mặc đẹp nhất 2014 Beyonce và Jay Z, Adam Levine và Behati Prinsloo, Johnny Depp và Amber Heard... là những cặp sao được khen ngợi với gu thời trang sành điệu, ăn ý và ổn định. Ca sĩ Beyonce và rapper Jay Z luôn xuất hiện ăn ý trong mọi sự kiện. Cả hai thường mặc cùng tông cả về màu sắc lẫn phong cách. "Người đàn...