Dungeons and Dragons – Cội nguồn của những cội nguồn
Khi nói về game nhập vai, những game thủ kì cựu sẽ nói đến Dungeons and Dragons.
Ngày này, hầu như mọi game thủ đều biết game nhập vai (Role-playing game/RPG) bắt nguồn từ một loại game để bàn có nguồn gốc từ một loại game chơi trên giấy cực kì phổ biến vào thời kì những năm 1970: Dungeons and Dragons (D&D).
Trên thực tế, tất cả những ai đã từng thử chơi D&D đều hiểu RPG và những tổ tiên “trên bàn” của mình cũng khác nhau như đá bóng cho đội của trường với chơi “Be a Star” trên PES 10 vậy. Một tựa game nhập vai thông qua các phương tiện điện tử (Computer Role-playing game/CRPG) không còn là một “Role-playing game” thông thường. Có lẽ đây cũng là một thể loại game có tên chung dễ gây nhầm lẫn nhất.
Nhìn chung, ngay cả khi chơi những retro kinh điển như Pac-man hay Space Invaders (Bắn ruồi) hay thậm chí Tetris (Xếp gạch), bạn vẫn phải đóng một vai trò nhất định trong toàn bộ kịch bản. Nếu theo sát nghĩa của từ role-playing game, có lẽ những tựa game với góc nhìn thứ nhất có lẽ sẽ mang nhiều tính nhập vai hơn những game như Icewind Dale hay Baldur Gate, nơi bạn chỉ có thể gián tiếp điều khiển một nhóm nhân vật.
Trong CRPG, gameplay chủ đạo của người chơi thông thường đều liên quan đến một lượng chiến thuật thường xuyên trong mỗi trận đụng độ, một số CRPG gần đây như Dragon Age hay Last Remnant còn đưa cả yếu tố chiến trận và sắp xếp đội hình chi tiết vào game.
Với sức mạnh của công nghệ hiện đại, CRPG thậm chí còn sử dụng cả yếu tố hành động, như trường hợp của Borderlands để làm giá trị cốt lõi. Vậy đâu mới là định nghĩa thực sự cho cái tên RPG? Trong loạt bài viết này, chúng tôi muốn đưa đến các bạn một cái nhìn cơ bản nhất về lịch sử lâu dài của một trong những dòng game quan trọng nhất trong ngành công nghiệp game – một thể loại quá quen thuộc với tất cả mọi người nhưng rất ít được hiểu biết tường tận.
Một thực tế không thể chối cãi, là những CRPG đầu tiên đều được thiết kế dựa trên Dungeons and Dragons. Không rõ khi tạo ra D&D, hai nhà thiết kế Gary Gygax và Dave Arnerson sẽ nghĩ gì khi biết được ảnh hưởng của nó đến cả một thế hệ và nền công nghiệp game sau này.
Tuy nhiên, ngay cả những RPG kinh điển của Gygax và Arnerson cũng phải có bắt nguồn của nó, mà trường hợp gần nhất là các game chiến tranh để bàn như Tactic II (1958) của Avalon’s Hill hay giả lập thể thao như Strat-o-Matic (1961). Dĩ nhiên D&D còn vay mượn của rất nhiều những dòng sản phẩm trước đó. Điều quan trọng nhất là, thay vì tạo ra một phiên bản của Thế Chiến trên giấy, mọi D&D đều sử dụng một thế giới Fantasy, với Elf, người lùn râu rậm và rồng.
Vào thời kì đó, các tiểu thuyết high fantasy (fantasy với một hoặc nhiều thế giới riêng) như bộ ba cuốn Lord of the Ringscủa J.R.R Tolkien cũng là những món ăn tinh thần chủ đạo của giới trẻ. Khó có thể làm rõ tác phẩm kinh điển đó đã ảnh hưởng thế nào đến quá trình phát triển của Dungeon and Dragon, cho dù có một thực tế là phần lớn người chơi D&D đều là fan hâm mộ “hardcore” của thế giới Middle Earth.
Video đang HOT
Tác giả Brad King và John Borland của cuốn “Dungeons and Dreamer: From Geek to Chic” đã khẳng định “Không có định nghĩa nào là quá cường điệu khi nói đến vai trò của Dungeons & Dragon trong sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử!”. Đúng vậy, những gamer đầu tiên và những nhà phát triển lỗi lạc nhất của chúng ta đều trưởng thành dưới ảnh hưởng của D&D.
Nhìn theo khía cạnh xã hội, D&D có thể được coi là một lựa chọn về lối sống thay vì sở thích. Nó cũng giống như trò chơi đóng giả làm người lớn, khi lũ trẻ ngồi cùng nhau và tưởng tượng mình là bác sĩ, cao bồi hay siêu anh hùng.
Trong cuốn “Homo Ludens” của mình, tác giả Johan Huizinga đã cho rằng những trò chơi giả tưởng như thế sẽ làm phát triển trí óc của trẻ nhỏ, rằng càng chơi nhiều trò đóng giả người lớn, chúng sẽ càng trở nên thông minh.
Gameplay của D&D là sự kết hợp của trò chơi tuổi thơ đó, cộng với khả năng logic, toán học và một hệ thống luật lệ, và theo cơ sở đó, tác giả của cuốn “Everything Bad is Good for you” – Steven Johnson, sẽ nói rằng chơi D&D cuối cùng sẽ làm cho đầu óc của bạn sắc sảo hơn!
Khi một trào lưu xuất hiện và phát triển, sẽ có nhiều luồng ý kiến trái ngược về nó. Rất nhiều người cho rằng sự lôi cuốn của D&D đối với giới trẻ sẽ dẫn đến những hành động nguy hiểm, như việc thờ phụng Satan hay các hành động quá khích. Khi đứng ở hai lập trường khác nhau, việc nghiên cứu cùng một chủ đề sẽ đem đến hai kết quả trái ngược.
Mọi dẫn chứng về D&D của những người này thường chỉ phục vụ cho mục đích chỉ ra rằng nó rất nguy hiểm đến tinh thần của người chơi, ví dụ, những hình ảnh của D&D mang yếu tố bạo lực, dị giáo và tà thuật…
Trong khi đó, văn hóa đồi trụy và những dòng nhạc phản đạo từ châu Âu vẫn tiếp tục thịnh hành, và thực tế lượng người chăm chỉ sưu tập những rác rưởi đó còn đáng sợ hơn bất kì ác quỷ người chơi có thể đụng độ nào trong một phiên bản D&D.
Tuy nhiên, bất chấp những nhận định bất công về D&D, không ai có thể phủ nhận vai trò của nó trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử – sản sinh ra một khái niệm mới – game thủ, và một thế hệ với mầm mống của khả năng sáng tạo.
Phỏng theo D&D đã trở thành một trong những tôn chỉ đầu tiên của ngành công nghiệp, và mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã cho rằng Akalabeth của Richard Garriott là tựa game CRPG đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể bắt đầu bằng những người khởi nguồn đầu tiên của chúng, sớm hơn, trên các hệ máy tính sơ khai.
Theo Gamek
E3 2010 - Các vị đại gia đã chuẩn bị những gì?
E3 luôn là sự kiện được trông đợi nhất năm bởi tại đây, những tên tuổi hàng đầu sẽ "lộ mặt".
Trong 3 ngày từ 15 đến 17 tháng 6 năm nay, E3 2010 - một trong những sự kiện được chú ý số một trong năm sẽ được tổ chức tại trung tâm triển của bang Lost Angeles nước Mỹ. Từ khi mở cửa trở lại dành cho tất cả mọi người vào tham quan, sự kiện này đã nhanh chóng gây dựng lại sức hút của mình và càng ngày càng nổi tiếng. E3 có một lợi thế hơn hẳn những sự kiện khác là nó được tổ chức sớm nhất trong năm.
Tại đây, các game thủ sẽ có dịp được xem những đoạn trailer mới nhất và chơi thử những bản demo nóng hổi đến từ các nhà sản xuất danh tiếng. Không chỉ vậy, có một thứ mà các game thủ luôn mong ngóng tại E3 chính là buổi họp báo của ba vị đại gia Microsoft, Nintendo, Sony và nhiều hãng game lớn khác như EA hay Ubisoft. Những buổi quan trọng này là lúc mà những dự án trọng điểm sẽ lần đầu xuất hiện trước mắt báo giới.
Còn nhớ tại E3 2009, Microsoft đã khiến cho những người không phải là game thủ cũng phải sững sờ ấn tượng bởi công nghệ Natal mà họ đang phát triển. Đồng thời, Metal Gear Solid - dòng game từng là độc quyền của PlayStation cũng đã "nhảy dù" sang mảnh đất mới của Xbox 360. E3 năm nay liệu có được những thông tin nào bất ngờ hơn thế? Chúng ta hay cùng xem.
Microsoft
Buổi họp báo của Microsoft luôn được tổ chức sớm hơn so với những hãng game khác. Lợi thế này đôi khi khiến cho những dự án game đa nền lần đầu đặt chân lên hệ máy Xbox 360 cũng được công bố tại buổi họp báo của hãng này. Thế nên, Microsoft thường có một màn "khoa trương" để lại nhiều ấn tượng nhất với người xem. Tuy vậy, chấn động mà họ gây ra thường không để lại hiệu quả lâu dài.
Từ giờ đến cuối năm, hệ máy Xbox 360 chỉ còn khoảng 3 tựa game lớn chưa được ra mắt là Halo: Reach, Fable III và cái tên nhỏ bé - Crackdown 2. Thế nên, cùng với một số tên tuổi khác như Alan Wake và một số khách mời đặc biệt khác Metal Gear Solid: Rising và phiên bản console của The Witcher 2 thì Microsoft chỉ còn hai con bài tẩy duy nhất là Gears of War 3 và Natal.
Những chi tiết chưa từng được công bố và độc đáo nhất của những tựa game lớn cũng sẽ được công bố tại sự kiện này. Vì thế mà nó rất đáng để trông đợi tại E3 năm nay. Tuy nhiên, đằng sau thái độ bàng quan như thể họ đang dẫn đầu cuộc đua những hệ máy console luôn là nỗi lo về việc phải cố gắng mua được càng nhiều tựa game độc quyền từ Sony càng tốt.
Nintendo
Buổi họp báo của Nintendo lại thường được tổ chức cùng ngày với Sony và thậm chí là chỉ trước đó vài tiếng. Nếu bạn không phải là một fan của những tựa game có tính giải trí cao được phát triển bởi hãng này thì rất khó có thể hứng thú được với buổi họp báo của họ bởi nó sẽ rất ngắn ngủi và chóng vánh.
Điều này cũng là hiển nhiên bởi Nintendo không có nhiều đầu game được hỗ trợ bởi những hãng phát triển thứ 3. Tại E3 năm nay, khả năng rất cao là hãng game này sẽ công bố một phiên bản tiếp theo của những dòng game đình đám của họ như Mario hoặc Zelda. Bên cạnh đó là sự xuất hiện lần đầu của Nintendo 3DS. Thiết bị phần cứng gây tò mò này mới là thứ được mọi người chú ý nhất tại buổi họp báo của Nintendo.
Đồng thời, hai vị chủ tịch của Nintendo tại Bắc Mỹ (ông Reggie Fils Aime) và Nhật Bản (Satoru Iwata) cũng sẽ ra mặt để quảng bá về những chiến lược chăm sóc khách hàng và sản phẩm mới của Nintendo trong thời gian tới.
Sony
Jack Tretton - chủ tịch của Sony tại Bắc Mỹ.
Được tổ chức sau cùng, buổi họp báo của Sony dường như luôn thầm lặng hơn cả so với hai đối thủ kia. Thế nhưng, mọi người cũng phải hiểu rằng phong thái "tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi" của hãng này đã quá nổi tiếng trong những năm gần đây. Họ không có được một sản phẩm có thể trở thành hiện tượng lớn như Natal nhưng những tựa game được Sony công bố thì sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý sau đó.
Năm nay, hãng này có thể sẽ đưa ra vũ khí bí mật của mình là Killzone 3 để cạnh tranh với những tựa game bắn súng của Microsoft. Không chỉ vậy, phiên bản PSP2 với phần cứng vượt trội so với người tiền nhiệm cũng có nhiều khả năng sẽ được công bố rằng đang phát triển. Bên cạnh đó, mọi người cũng không thể xem nhẹ những tựa game độc quyền cho PS3 mà Sony sẽ công bố trong buổi họp báo này.
Dẫn đầu những cái tên trong danh sách đó đương nhiên sẽ là Final Fantasy Versus XIII, tựa game còn được mọi người chú ý hơn cả Final Fantasy XIII của Square Enix. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tại E3 2006, tựa game này vẫn chưa lần nào được công bố chính thức trên toàn thế giới.
Hiện tại, rất nhiều trang web đang để ngày phát hành của tựa game này là quý 4 năm 2010 nhưng phải sớm nhất là mùa hè năm sau, tựa game này mới có thể được phát hành. Không chỉ có thế, Sony vẫn còn rất nhiều dự án game bí mật chưa được công bố. Từ sau E3 2009 đến nay, theo những tài liệu bị lộ ra, hãng này đang bí mật phát triển gần 10 dự án game độc quyền khác. Thế nên, buổi họp báo của Sony sẽ là bí ẩn nhất năm nay.
Năm 2010 cũng là thời điểm thế giới đã khôi phục lại sau cuộc khủng hoàng kinh tế của thời gian trước. Vào tháng 6 năm nay, ngành công nghiệp sẽ vùng dậy một lần nữa để tiếp tục tỏa sáng hào quang.
Theo Gamek
Câu cá thư giãn với Fishing Kings Được "đóng dấu" bởi nhà phát triển game uy tín Gameloft, Fishing Kings hứa hẹn đưa đến cho game thủ những phút giây thú vị về những cuộc đi câu cá trên đại dương số kỳ ảo. Đã từ lâu kể từ khi Flick Fishing ra đời, người dùng iPhone mới có thêm một lựa chọn chất lượng ở một game câu cá....