Đứng xem hoa mận, bị rắn lục lao vào cắn
Đang đứng rung cành mận để nước trên cành rơi xuống, bất ngờ ông Năm bị con rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay. Hiện bàn tay của ông Năm đang có nguy cơ bị hoại tử.
Rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công người dân ĐBSCL (ảnh bác sĩ Kiên cung cấp)
Ngày 11/10, ông Hồ Văn Năm (SN 1951) ở Tân Lộc – Thốt Nốt, Cần Thơ nhập viện 121 (Cần Thơ) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, tay phải sưng phù, đau nhức do rắn lục đuôi đỏ tấn công. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu thấp. Bác sĩ cho bệnh nhân truyền huyết thanh kháng nọc rắn, truyền tiểu cầu, cho dùng kháng sinh giảm đau.
Ông Năm cho biết, sáng 11/10, ông thấy cây mận trong vườn nhà đang thì trổ hoa nhưng nước đọng lại trên lá cây nhiều, sợ thối hoa sẽ không ra quả nên ông đưa tay rung nhẹ cành cây mận để nước rụng xuống. Bất ngờ một con rắn lục màu xanh đuôi đỏ lao vào cắn vào bàn tay phải của ông.
Bàn tay ông ông Năm bị nhiễm trùng nặng do rắn lục đuôi đỏ tấn công
Sau khi bị rắn cắn, ông đến nhà thầy lang để điều trị. Sau khi được thầy lang “chăm sóc”, tay ông bị đau nhức nhiều hơn và sưng phù nên đến chiều 11/10 người nhà đưa ông đến bệnh viện để cấp cứu.
Sáng 14/10, tiếp xúc với PV Dân trí, bác sĩ Phan Văn Trung – khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ – xác nhận, bệnh nhân Năm đang bị nhiễm trùng, tay phải sưng nề do sau khi bị rắn cắn bệnh nhân không đến bệnh viện để điều trị mà đến thầy lang trị nọc rắn, dẫn đến bàn tay bị nhiễm trùng, biến chứng và có nguy cơ hoại tử.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên – quyền trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện 121 Cần Thơ – chia sẻ, trước đây, những người trong độ tuổi lao động khoảng 20 – 50 tuổi mới hay bị rắn cắn, và tỉ lệ nam giới thường chiếm nhiều hơn nữ giới. Thời gian bị rắn cắn thường vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, đó là những lúc rắn ra ngoài kiếm ăn. Nhưng thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, có thể cắn bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ đang kiểm tra và thăm khám lại vết thương cho ông Năm
Video đang HOT
Bác sĩ cũng khuyến cáo, diễn biến lâm sàng và những thay đổi cận lâm sàng phụ thuộc vào từng loại rắn và mức độ nhiễm độc của nọc rắn. Vì vậy sau khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời. Thời gian nhập viện và việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến cho triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng diễn biến nặng, thời gian điều trị lâu hơn.
“Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục phải được chỉ định sớm, hiệu quả nhất là trong 24 giờ đầu sau khi bị rắn cắn. Sử dụng huyết thanh sớm kịp thời sẽ làm giảm các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh sẽ ít diễn biến nặng hơn, làm giảm thời gian điều trị và chi phí nằm viện cho bệnh nhân” – Bác sĩ Kiên nói.
Phạm Tâm
Theo Dantri
Rắn độc tràn về làng tấn công người dân ở Nghệ An
Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều rắn lục không biết từ đâu đã xuất hiện hàng loạt ở Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) tấn công nhiều người dân, thậm chí rắn lục còn bò vào tận nhà.
Rắn nhan nhản, xóm làng bất an
Thời gian qua, người dân Khánh Sơn thực sự bất an trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của loại rắn lục đuôi đỏ. Nhiều người dân đã bị rắn tấn công.
Trao đổi với phóng viên, người dân địa phương cho hay, rắn lục xuất hiện liên tiếp, lúc ở bụi cỏ trong vườn, lúc trên bờ rào, thậm chí rắn bò vào cả trong nhà. Theo mô tả, loại rắn lục xuất hiện nhiều bất thường trong thời gian qua thân màu xanh dài chừng 60cm, đuôi đỏ.
Rắn lục đuôi đỏ bò quanh nhà dân vào ban đêm.
"Trước đây, khi làm vườn tôi đã từng gặp và đập chết rất nhiều loại rắn khác nhau trong đó có rắn lục. Nhưng loại rắn lục đuôi đỏ thì chỉ mới xuất hiện trong thời gian qua", ông Đào, một người dân địa phương cho biết.
Ông Đào nói thêm, có nhiều người dân trong lúc đi làm đã bị rắn lục cắn. Thậm chí gia đình anh Hà Văn Nhàn (SN 1972, xóm 1, Khánh Sơn) có đến 6 người bị rắn cắn. Rất may các nạn nhân đều được chữa trị kịp thời nên giữ được tính mạng.
Xóm trưởng xóm 1 Hà Văn Cường tỏ ra lo lắng khi có nhiều người dân bị rắn cắn. Theo ông Cường, hiện tình trạng này vẫn đang diễn ra nhưng không có biện pháp nào để ngăn chặn.
Là người từng chứng kiến rắn lục bò trong vườn nhà, ông Cường rùng mình khi nhớ lại cảnh rắn bò bên bờ rào. Theo ông Cường, rắn đã phát triển thành từng ổ với số lượng rất nhiều.
"Chuột, muỗi thì còn có thuốc mà diệt chứ rắn lục thì dân làng chịu. Mùa này tiết trời ẩm ướt lại rất phù hợp để rắn sinh sôi nữa. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì chẳng còn ai dám ra vườn.
Người lớn có khi còn tránh được, lỡ trẻ con mà dẫm phải rắn thì chết mất", ông Cường bày tỏ.
Bà Quyền, một người dân trong xóm cũng lo lắng nói: "Hôm trước đi làm vườn tôi hoảng hồn khi phát hiện liên tiếp 3 con rắn màu xanh. May mà kịp nhìn thấy để đập chết chứ lỡ dẫm phải thì chắc bị rắn cắn rồi".
Theo người dân địa phương, năm 2013 rắn đã cắn chết 2 em nhỏ ở địa bàn.
Cả 6 người trong gia đình bị rắn lục cắn
Gia đình anh Hà Văn Nhàn sinh sống ở vùng xa nhất của xã, sát chân núi và cách xa khu dân cư. Vợ chồng anh là nông dân quanh năm làm lụng nuôi 4 đứa con.
Nhớ lại hôm bị rắn cắn, chị Hiền (vợ anh Nhàn) kể: "Hôm đó, ngày 3/10, sau khi cắt cỏ xong tôi đang ngồi nghỉ mệt, thì không biết nó ở đâu bò đến cắn ngay vào chân tôi một phát đau điếng người, tôi gọi chồng thất thanh khi phát hiện ra là rắn lục đuôi đỏ. Thật may cho tôi là đã đi bệnh viện kịp thời", chị Hiền (vợ anh Nhàn) rùng mình kể lại.
Người dân địa phương hoang mang trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ cực độc xuất hiện nhan nhản.
"Khi đó trời tối om mà tôi không mang đèn, tôi lội qua suối thì giật mình vì dưới chân đau nhói. Biết mình bị rắn cắn, tôi đành xé vội áo rịt chặt vết thương rồi được hàng xóm chở đi viện trong đêm", anh Nhàn hoảng sợ kể lại.
Quá lo lắng, vợ chồng anh Nhàn đã đưa con nhỏ đi gửi nhà người thân để tránh bị rắn cắn. Được ít hôm, anh chị vừa đón con về &'cho đỡ nhớ' thì lập tức đã bị rắn cắn.
Người dân địa phương hoang mang trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ cực độc xuất hiện nhan nhản.
Anh Nhàn cho biết: "Do nhà gần đồi, con cái bữa nào cũng phải đi chăn trâu bò nên dù hết sức đề phòng nhưng cũng không được. 4 đứa con liên tiếp bị rắn tấn công. Đến nỗi 2 đứa con nhỏ của tôi ở trong nhà, đang nằm trên giường cũng bị rắn lục đuôi đỏ bò vào cắn".
Không chỉ gia đình anh Nhàn, rất nhiều người dân khác tại Khánh Sơn đã bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Xóm làng trở nên bất an khi mối nguy hiểm rình rập khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Hòa, trú xóm 2, xã Khánh Sơn cũng là một trong những nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ tấn công vào đầu tháng 9.
Bà Hòa cho biết, lúc ấy khoảng 12h trưa, bà ra chặt bỏ cây khế mọc hoang giữa vườn thì nắm phải thân rắn.
"Tôi chưa phản ứng kịp thì nó đã quay ra cắn ngay vào ngón tay. Lúc ấy tôi đau nhói ở cánh tay, may mắn được hàng xóm đưa đi bệnh viện", bà Hòa kể.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Tranh, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn xác nhận sự xuất hiện nhiều bất thường của loài rắn lục đuôi đỏ. Dù nhiều người dân đã bị rắn cắn nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khả thi để ngăn chặn.
"Nhiều bà con bị rắn lục cắn khi đang làm vườn, hái rau, cắt cỏ. Hiện chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn, chỉ phát động, tuyên truyền bà con phải mặc đồ bảo hộ, đi ủng, bao tay để tránh những điều đáng tiếc xảy ra", ông Tranh cho biết.
Rắn lục đuôi đỏ (danh pháp hai phần: Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae), bộ Có vảy (Squamata).
Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60 cm với cân nặng khoảng 300gram. Tổng chiều dài con đực 600mm, con cái dài 810mm; chiều dài đuôi con đực 120mm, con cái 130mm.
Theo một số chuyên gia, rắn lục đuôi đỏ là một trong các loài rắn có nọc độc chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa.
Theo Vietnamnet
2 nữ sinh bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ tấn công trong khuôn viên ĐH Cần Thơ Sáng nay (29/9), tin từ Bệnh viện Quân Y 121 Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu, kịp thời cứu sống 2 nữ sinh viên bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Theo đó, hai nữ sinh gồm em Trần Xuân Th, 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai khoa Sư phạm và em Nguyễn Thúy V, 21 tuổi, sinh viên năm...