Dùng xe cứu hỏa chở nước “giải khát” cho người dân Bến Tre
Khi Bến Tre lâm vào tình trạng hạn mặn khốc liệt, Cảnh sát biển, Cảnh sát PCCC đã dùng sà lan, xe cứu hỏa chở hàng chục nghìn lít nước ngọt đến “giải khát” cho người dân xứ dừa.
Khi Bến Tre rơi vào đợt hạn mặn khốc liệt, hàng chục nghìn hộ dân không có nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, cuộc sống nơi xứ dừa đảo lộn. Để giúp người dân ổn định đời sống, duy trì sản xuất, các cấp các ngành của Bến Tre tích cực vận động nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến ứng cứu hàng chục nghìn mét khối nước; hỗ trợ máy lọc nước, bồn chứa nước…
Một trong những hình ảnh gây ấn tượng được phản ánh trong nhiều ngày qua là cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Bến Tre dùng xe cứu hỏa chở nước ngọt đến cho người dân.
Phòng Cảnh sát PCCC Công an Bến Tre đã tận dụng xe chữa cháy chở nước ngọt cho người dân
Lính cứu hỏa còn tận tình hỗ trợ người dân chở nước về nhà
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bến Tre cho biết, nhằm giúp người dân trên địa bàn khắc phục phần nào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trong đợt hạn, mặn gay gắt, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC tăng cường phương tiện, lực lượng hỗ trợ việc vận chuyển nước ngọt đến người dân.
Cụ thể, vào ngày 15/3, Cảnh sát PCCC phối hợp với Công ty Cấp thoát nước Bến Tre tổ chức cấp phát miễn phí 5.000 lít nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân ở khu vực phường Phú Tân.
Đến nay, Phòng cảnh sát PCCC Công an Bến Tre vẫn duy trì cung cấp 10.000 lít nước mỗi ngày cho người dân.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ tại TP Bến tre) cho biết: “Hồi nào tới giờ chỉ thấy mấy chú lính cứu hỏa chạy xe đi chữa cháy, còn bây giờ lần đầu tôi thấy mấy chú lái xe chữa cháy chở nước đi cứu người dân “khát nước” chúng tôi. Điều này đối với bà con chúng tôi là rất quý”.
Thượng tá Phong cũng cho biết, hiện đơn vị đang duy trì chương trình cấp nước ngọt cho người dân. Mỗi ngày Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bến Tre phát miễn phí 10.000 lít nước ngọt bà con tại các địa bàn thiếu nước nghiêm trọng.
Các đoàn viên thanh niên Công an Bến Tre cũng luôn xung phong trong công tác vận động, hỗ trợ vận chuyển nước ngọt cho người dân
Tham gia hoạt động hỗ trợ người dân trong đợt hạn mặn lịch sử lần này, những ngày qua Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn trên địa bàn.
Với tinh thần “cứu mặn như cứu hỏa”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre đã vận động các Mạnh Thường Quân chở nước ngọt từ đầu nguồn về, sau đó dùng xe chuyên dụng và máy bơm để vận chuyển và cấp phát miễn phí cho người dân tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành.
Bà Nguyễn Thị Dân (phường Phú Tân, TP Bến tre) chia sẻ: “Thấy thương các cháu công an lắm, mấy ngày qua, các chú chẳng ngại nắng như lửa đốt tham gia vận chuyển nước ngọt đến tận nhà bà con chúng tôi. Ngoài ra, các chú ấy còn tham gia đào giếng khơi và chỉ cách người dân chúng tôi biết cách sử dụng nước tiết kiệm cũng như những cách dự trữ nước cho mùa sau”.
Ngoài việc hỗ trợ nước cho người dân, các bạn đoàn viên, thanh niên Công an Bến Tre và thanh niên các xã phường còn tham gia đào giếng khơi giúp người dân trữ nước
Thiếu tá Phan Thị Ngọc Diệu, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh và các Chi đoàn trực thuộc sẽ tiếp tục tranh thủ vận động các nguồn lực, điều kiện hỗ trợ nước ngọt cho người dân. Từ đó, góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp, về vai trò xung kích, tính tiên phong của tuổi trẻ Công an quê hương Đồng Khởi”.
Theo thống kê, tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 57.000 hộ dân, với 205.000 người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ.
Sáng 20/3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vận chuyển 450m3 nước ngọt về giải khát cho người dân huyện Bình Đại. Trước đó, lính cứu hỏa, công an Bến Tre vận chuyển hàng nghìn lít nước cho người dân vùng hạn mặn.
Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đợt xâm nhập mặn năm 2020, sáng 20/3 Đội Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an huyện Bình Đại, chính quyền 02 xã Vang Quới Đông và Định Trung đã vận chuyển 450m3 nước ngọt đến cung cấp cho bà con trên địa bàn.
Ngày 20/3, Đội Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an huyện Bình Đại vận chuyển 450m3 nước cho người dân
Trong ngày đã có gần 1.000 lượt người dân trong 2 xã và các khu vực lân cận đến để nhận nước. Người dân nơi đây rất phấn khởi khi Đội Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an huyện Bình Đại, chính quyền 02 xã Vang Quới Đông và Định Trung đã đến cung cấp nước ngọt cho người dân trong đợt xâm nhập mặn này. Giúp bà con có nước sạch để sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe.
Cũng trong dịp này, đoàn cũng đã phối hợp phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 và phát khẩu trang miễn phí cho người dân khi đến nhận.
Được biết, từ khi biết người dân Bến Tre thiếu nước sinh hoạt, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã nhiều lần dùng sà lan chở hàng nghìn mét khối nước cho người dân Bến Tre.
Nguyễn Hành
Sài Gòn chia nước ngọt cho 'rốn mặn' miền Tây
Sà lan vượt 320 km đường sông, chở 3.500 m3 nước ngọt từ TP HCM đến cho 5.000 người dân hai xã Phú Khánh và Mỹ An, huyện Thạnh Phú, Bến Tre.
Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, việc vận chuyển lượng lớn nước ngọt xuống Bến Tre chỉ có thể thực hiện bằng đường thủy. Bởi xe bồn trọng tải 14-15 tấn, chở khoảng 5 m3 (5.000 lít) nước rất khó chạy ở đường nông thôn.
Sawaco đã phối hợp Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) vận chuyển nước ngọt từ hôm 22/2. Nước được tập kết tại cầu cảng đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM) và Cát Lái (quận 2), rồi bơm lên bồn chứa trên sà lan, đưa tới người dân Bến Tre đang chịu hạn hán. Thời gian tới Sawaco tiếp tục cung cấp khoảng 2.000 m3 nước ngọt cho người dân miền Tây.
Bến Tre được xem là "rốn mặn" của miền Tây. Hồ trữ nước Kênh Lấp (huyện Ba Tri), trữ lượng một triệu m3 sau 6 tháng đưa vào sử dụng đã bị nhiễm mặn. Người dân phải dùng xe hoặc sà lan đi vài chục km mua nước ngọt, giá mỗi m3 cao gấp 10 lần ngày thường. Hơn 4.500 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị nhiễm mặn, chết héo, nhiều nông dân phải cắt cho bò, dê ăn.
Người dân xã Phú Khánh nhận nước ngọt và vận chuyển về nhà. Ảnh: Vương Vũ.
Theo ông Khuyên, hiện công suất xử lý nước của Sawaco mỗi ngày khoảng 2,4 triệu m3, nhu cầu sử dụng của người dân TP HCM khoảng 2 triệu m3, số còn lại được xem như nguồn dự phòng và cung cấp cho một số tỉnh thành lân cận khi cần. Dù một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của thành phố chưa có nước sạch nhưng vẫn cố gắng cấp hàng nghìn m3 nước ngọt để chia sẻ, giúp người dân miền Tây vượt qua hạn mặn.
Trước ý kiến cho rằng cần đề xuất thành phố xây dựng mạng lưới cấp nước cấp một, từ huyện Bình Chánh chạy dọc cao tốc TP HCM - Trung Lương về Tiền Giang cấp nước cho các tỉnh miền Tây, ông Khuyên nói khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, bởi quy định các tỉnh thành đều có đơn vị cấp nước riêng.
"Sawaco là doanh nghiệp nhà nước không thể tự mình thực hiện mà phải được nhà nước giao. Mạng lưới cấp nước của vùng cũng cần quy hoạch cho phù hợp", ông Khuyên nói và cho hay việc cung cấp nước như trên chỉ là biện pháp tạm thời chứ chưa phải chiến lược lâu dài.
Giữa tháng 3, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-110 km, vượt mốc lịch sử 2016 từ 2 đến 8 km. Nguyên nhân là toàn lưu vực sông Mekong năm 2019 có lượng mưa thấp kỷ lục, cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin khiến hạ nguồn khô kiệt.
5 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống hạn hán khẩn cấp, tập trung ứng phó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện ghi nhận khoảng 20.000 ha lúa miền Tây bị mất trắng do hạn mặn, chiếm khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh thành ở miền Tây phải công bố thiên tai.
Hà An (vnexpress.net)
Miền Tây 'gồng mình' với hạn mặn Người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn mặn tấn công làm đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong 13 tỉnh, thành miền Tây ban bố tình huống khẩn cấp, mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2 do hạn hán, nước...