Đừng vội đổ oan cho game Việt
Từ trước tới nay, các game online được phát hành ở Việt Nam vốn không mấy nhận được thiện cảm từ một bộ phận game thủ nước nhà. Chính vì vậy, luôn tồn tại một lượng game thủ (dù không nhiều) không chơi những game trong nước mà chu du ở những MMO ngoại và tất nhiên cũng được quản lý bởi các NPH nước ngoài.
Điều đáng nói là hiện nay, không ít game thủ lại quay ra đả phá game Việt, cho rằng những game online của các NPH trong nước là không đáng để chơi và thậm chí là chụp mũ luôn cộng động game thủ Việt là những người vô ý thức và không đáng để họ chơi cùng. Không chỉ có vậy, các game online trong nước còn bị đánh giá thậm tệ về cả chất lượng đồ họa, gameplay…
Tôi xin khẳng định nhận xét này không sai, nhưng nó cũng không hoàn toàn đúng. Cái họ nhìn thấy mới chỉ là mặt xấu trong khi những cái mặt tốt, cái phần mà những kẻ “thích soi mói” thường phớt lờ đi để kiếm cái nói cho sướng miệng lại không được đề cập tới.
Đầu tiên, chúng ta cần phải biết rằng, gần như tất cả các game online được phát hành ở Việt Nam đều là “hàng nhập khẩu”. Đây là hiển nhiên nhưng rất ít game thủ chịu hiểu những “rắc rối” của một “game nhập khẩu”, đó chính là những vấn đề về kĩ thuật. Khi một game online bị dính bug, lỗi… game thủ thường ca thán, phàn nàn NPH sớm khắc phục nhưng trên thực tế, không phải NPH muốn là có thể khắc phục được luôn.
Có nhiều lỗi, bug khá lớn mà đội ngũ kĩ thuật không thể sửa được, và tất nhiên, họ sẽ phải gửi yêu cầu hỗ trợ sang phía đối tác và chờ phàn hồi. Nói thì nhanh nhưng thực tế, quá trình này tốn rất nhiều thời gian và công sức bởi sau khi phiên bản hiện tại được khắc phục lỗi, đội ngũ kĩ thuật còn phải tiến hành update mới cùng rất nhiều công việc linh tinh khác. Do vậy, việc game Việt thường xuất hiện lỗi khi chơi cũng là chuyện không quá khó hiểu.
Video đang HOT
Thứ hai, trong suốt 2 năm vừa qua, làng game Việt luôn phải nhận sự giám sát khá nghiêm ngặt từ phía các Nhà Quản Lý. Và đương nhiên, điều này đã khiến các NPH Việt phải nhận lấy bao nhiêu khó khăn, khi mà các MMO Client không thể xin được giấy phép pháp hành, không thể cho ra mắt game mới, vậy câu hỏi được đặt ra là họ lấy đâu ra lợi nhuận để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển?
Lúc này, Webgame trở thành cứu cánh cho các NPH Việt. Tất nhiên, trong tình trạng chưa biết đến bao giờ mới có thể phát hành các MMO Client, NPH Việt chỉ còn biết trông chờ vào các Webgame để tạo thêm “công ăn việc làm” cho mình. Chính vì vậy, việc hàng loạt Webgame được phát hành liên tục ở nước ta trong thời gian gần đây âu cũng chỉ là phương pháp cứu vãn “tạm thời” trước khi cánh con đường pháp lý được khai thông.
Còn về ý thức game thủ Việt, nhiều người bảo rằng khi chơi game thường bị lừa đảo, thường bị hack… nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Tất nhiên, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của game thủ nên nhiều người hay bàn tán, hay nhắc đến. Thế nhưng, vẫn còn đó rất nhiều thứ tốt đẹp chúng ta có thể tìm thấy trong game online Việt.
Đó chính là tình bạn. Trong bất cứ game online nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy bất cứ một bang hội với những thành viên tâm huyết. Thậm chí, những thành viên trong bang dù chưa gặp mặt nhưng đều coi nhau như bạn thân, có thể sẵn sàng chia sẻ từng bình máu, từng đồng bạc lúc khó khăn hay cho nhau mượn hẳn account để cùng đi làm nhiệm vụ, đi săn Boss…
Tính cộng đồng luôn là đặc điểm thu hút nhất của game online và quả thực, bạn sẽ khó có thể tìm được điều này ở những game online nước ngoài bởi khi chơi game Việt, ta được chơi với game thủ Việt, được sống trong bầu không khí đầy chất “Việt Nam”. Nếu như có một bộ phận nhỏ game thủ Việt quay lưng lại với những game trong nước thì lại có không ít người Việt sống ở nước ngoài tha thiết các NPH sớm quan tâm hơn đến họ, những người thường bị chặn IP khi tham gia chơi các game online trong nước.
Và một lời cuối, xin đừng vội chụp mũ game Việt là xấu!
Theo Game Thủ
Tâm sự của một GM Việt Nam về game online
Từ cái hồi còn bé tí, cái hồi mà nhà còn chưa có máy tính, vẫn phải dành dụm từng vài nghìn tiền ăn sáng, tiêu vặt một để trả tiền điện tử, tôi đã biết tới game. Tuy vậy, lúc đó, tôi vẫn chỉ biết đến các game offline như đế chế, Quake, Counter-Strike, StarCraft, DDay... Những trận chiến tưởng chừng như không bao giờ dứt ấy đã theo cùng tôi trong suốt quãng thời gian tiểu học cho đến tận cấp 2.
Nhưng rồi, bước vào cấp 3, khi mà làn sóng game online tràn về Việt Nam với những Gunbound, Võ Lâm Truyền Kỳ... cùng với những đứa bạn, tôi chuyển từ những game off kia sang những tựa game online. Ở đây, tôi tìm thấy một thế giới khác, một cảm giác bị cuốn hút ngay từ những lần chơi đầu tiên. Kể từ đó, tôi bắt đầu bước vào những cuộc chơi đầy thú vị nhưng cũng mất đi nhiều thứ.
Quả thực, trong suốt một thời gian dài, tôi lao đầu vào cày kéo game online một cách hăng say, không ngừng nghỉ. Tôi có thể ngồi cả ngày liền bên máy vi tính để điều khiển nhân vật Võ Lâm của mình. Từ làm nhiệm vụ dã tẩu, luyện cấp, tống kim cho đến những trận công thành chiến đầy hào hùng cùng các anh em trong bang. Một thế giới với những cảm giác mới lạ, cuốn hút hơn rất nhiều so với các game offline.
Lúc ấy, hạnh phúc của tôi là khi được thấy nhân vật của mình lên một level, là khi đánh bại những người chơi khác hay ngẫu nhiên nhặt được một món đồ xịn... và rất nhiều những thứ khác nữa. Ngoài thời gian đến trường thì tất cả thời gian còn lại của tôi đều dùng để ngồi trước máy vi tính. Và cũng qua game online, tôi quen thân được những người bạn mà bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay đi nhậu cùng nhau.
Vậy còn những cái đã mất. Thú thật, phải khi đã trở thành một GM, tôi mới nhận ra là mình đã mất quá nhiều khi chơi game online. Là khi tôi biết được rằng hóa ra những món đồ ảo "khủng" mà tôi từng ao ước, cày kéo vài tháng trời mới sắm nổi được tạo chỉ trong vài phút. Khi đó, tôi chợt cảm thấy thời gian mình đổ vào chơi game thật lãng phí biết bao. Và tôi bỗng nhận ra mình đã mất quá nhiều khi lao đầu vào cày kéo game một cách vô tội vạ.
Đó là sức khỏe, từ thị lực bình thường, giờ đây tôi đã cận một bên tới 4 độ. Đi đâu cũng phải đeo kính, vướng chết đi được. Rồi còn những lần thức đêm, bỏ bữa khiến mặt tôi nhợt nhạt, nổi mụn... Đó là thời gian, khi mà tôi cứ lao đầu vào cày game, bỏ bê việc học đến nỗi suýt trượt đại học. Nếu như người khác hàng ngày chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoại khóa thì tôi ngồi nhà, cắm đầu vào chơi game đến mờ cả mắt.
Và tiền bạc. Chỉ khi đi làm, kiếm được tiền rồi, tôi mới nhận ra số tiền mình bỏ vào game để sắm những món đồ "ảo" trước kia thật là phí. Cuộc sống còn biết bao việc mình phải làm, mình còn bao thứ đáng phải chi tiêu trong khi game online như một cái hố vô tận hút lấy thời gian, sức khỏe và cả tiền bạc.
Là một người đang kiếm tiền dựa vào game online, hàng ngày tiếp xúc với những bạn trẻ tuổi vẫn đang hăng say cày kéo game online, vẫn đang dần mất đi sức khỏe, thời gian lẫn tiền bạc của mình vào game online, tôi không thấy ghét hay phê phán gì game online, tôi chỉ thấy buồn và tiếc rằng mình đã từng đánh mất nhiều thứ khi chơi game quá độ.
Game online sẽ giúp ta học và biết được rất nhiều điều nếu bạn sử dụng nó đúng cách. Đừng lạm dụng game online quá độ để nó mất đi ý nghĩa đơn thuần ban đầu của mình là "giải trí". Lúc ấy, đó sẽ là nơi bạn được thể hiện bản thân mà chẳng phải sợ điều gì, là nơi để bạn gặp gỡ, kết giao cùng những chiến hữu thân thiết.
Đôi khi, chúng ta cũng phải học cách "dừng lại" để có thể "đi tiếp". Đừng lạm dụng game online quá độ để xã hội có thể nhìn nó với một ánh mắt thiện cảm, ít định kiến hơn hiện nay.
Theo Game Thủ
Quan điểm trái chiều về Giáng Long Chi Kiếm tại VN Sau khi những hình ảnh Việt hóa đầu tiên của trò chơi xuất hiện, cộng đồng game thủ Việt đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về sản phẩm của FPT Online. Trước những thông tin đầu tiên về phiên bản Việt của Giáng Long Chi Kiếm, những tín đồ của trò chơi, bao gồm cả một bộ phận đang "chinh chiến"...