Đừng vô tình tiếp tay cho bạo lực
Trong một thời ngắn, đã có 2 clip nhuốm màu bạo lực lan truyền trên mạng, điều đáng nói là dưới góc độ nào đó, clip thứ nhất là nguyên nhân dẫn đến clip thứ hai.
Câu chuyện bắt đầu khi trên mạng lan truyền những hình ảnh được cho là một người cha ngồi võng vừa tra hỏi vừa tát liên tiếp lên mặt con mình – một đứa trẻ.
Khi những hình ảnh này lan truyền chóng mặt cũng là lúc những lời lăng mạ, mạt sát dành cho người cha tăng với cấp số nhân. Nhiều người bắt đầu nguyền rủa và giống như nhiều clip gây chú ý bức xúc trước đó, nhiều nhân vật tỏ ý muốn “ăn thua đủ” với người trong clip.
Thậm chí, một tài khoản của một ca sĩ khá với rất nhiều người đăng ký theo dõi đã đưa ra lời “hiệu triệu” kêu gọi cần phải sử dụng bạo lực để xử lý người trong clip. Hơn thế, người này còn treo giải thưởng lên đến 20 triệu đồng cho người nào đến tát người cha trong clip như anh ta đã tát con mình kèm với lời nhắn “nhớ quay clip”.
Chưa có kết luận chính thức có phải vì lời hiệu triệu vì giải thưởng 20 triệu hay không nhưng đúng là ngay sau đó, đã có một toán người hùng hổ đến tìm người cha trong clip và dạy cho anh này một bài học bằng chân tay. Thậm chí người này đã bị tát đến chảy máu miệng. Sự việc cũng được nhiều người quay lại, thậm chí livestream cẩn thận trên mạng xã hội.
Nhưng tất cả chỉ “ngớ người” sau khi có thông tin đưa ra, clip người cha đánh con đã được quay trước đó 2 năm.
Video đang HOT
Câu chuyện này, tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” và cũng rất nhanh chóng bị chìm đi trong “biển” thông tin mỗi ngày, để lại nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm.
Trong thời gian gần đây, điện thoại thông minh tích hợp chức năng ghi hình đã trở thành một công cụ làm phong phú thêm đời sống cho dân cư mạng. Trong nhiều trường hợp, những clip ghi lại các hành vi vi phạm pháp luật, những vụ bạo hành gia đình, bạo lực trường học, những cư xử thiếu văn minh, cả những sai phạm của người thi hành công vụ… được đăng tải và góp phần vào việc đấu tranh, lên án cái xấu.
Tuy nhiên, cách chúng ta tiếp nhận và phản ứng với những hình ảnh này đòi hỏi sự bình tĩnh và thận trọng, bởi nhiều khi, những hình ảnh đó phản ánh không đầy đủ thực tế diễn ra, chưa nói đến không ít khi chúng được dàn dựng theo những mục đích, chủ ý khác nhau.
Vì vậy, những người vội vã đặt trọn vẹn niềm tin vào những thông tin trên mạng xã hội và vội vã quyết định cho hành động của mình chắc chắn cũng khó tránh khỏi sự nông cạn và nhiều khi là “việt vị”. Ngay sau khi “xuống tay” “xử lý” người cha trong clip, khi nhận ra sự quá đà của mình và hành động cha bạo hành con đã diễn ra trước đó 2 năm, những người tham gia đã phải lên tiếng xin lỗi và nhận sai. Ngay cả vị ca sĩ nổi tiếng nói trên cũng đã phải đăng đàn và nói lời xin lỗi về những phát ngôn quá khích cổ động bạo lực của mình trên trang cá nhân.
Rõ ràng, phản ứng của công chúng là cần thiết nhưng cũng phải trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Những clip chỉ nên là những chứng cứ cơ sở ban đầu mang tính thông báo về sự việc để cơ quan chức năng nắm bắt, vào cuộc và xử lý theo các trình tự, quy định pháp lý.
Mỗi con người có quyền đưa ra quan điểm đúng sai, có quyền lên án cái xấu, thậm chí là ngăn chặn nó, nhưng không ai có quyền được làm thay toà án, thay lực lượng thực thi pháp luật, tự mình đưa ra “bản án” và thi hành những hình phạt, nhất là những hình phạt cũng đầy tính bạo lực.
Cuối cùng thì sự kích động, kêu gọi bạo lực sẽ rất khó để chấm dứt bạo lực, khi vòng xoáy thù hận được hình thành mà thiếu đi công lý.
Quang Lê
Theo baochinhphu.vn
Giang hồ mạng!
Một clip cha đánh con cách nay đã 2 năm vừa tung lên mạng ngay lập tức được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Tiếp đó, "500 anh em giang hồ" đã lần ra nơi ở trọ của người cha, đánh ông ta bầm mặt.
Hành vi của người cha sẽ có cơ quan công an xác minh và xử lý. Thế nhưng, hành động đánh người của nhóm người trên lại được cổ vũ và tiếp tục hả hê tung lên mạng và chia sẻ. Họ trả đũa bằng tâm lý, bằng hành động phát tán hình ảnh, xúi giục người khác mà không cần biết rõ ngọn nguồn và ranh giới của câu chuyện. Một đám đông đã mượn mạng xã hội để hành xử tùy tiện, bất chấp hậu quả là người đàn ông này có thể bị suy sụp tinh thần, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe...
Với lượng người khổng lồ tham gia, mạng xã hội thể hiện được ưu thế chia sẻ tuyệt đối nhưng cũng dần phơi bày mặt trái đáng sợ của nó. Một câu chuyện về cảnh đời nghèo khó, bệnh tật cần giúp đỡ được cộng đồng mạng chung tay cưu mang, đã cứu được nhiều người trong cơn ngặt nghèo. Nhưng tiếc rằng bên cạnh mặt tốt đẹp, tích cực, vẫn còn những mặt trái, mà trường hợp trên là một trong những ví dụ điển hình. Không ít người đã lợi dụng tâm lý đám đông, sự ẩn danh để mưu lợi cá nhân, thậm chí gieo rắc cái ác. Một câu chuyện không đầu, không đuôi đặt vào thời điểm nhạy cảm lập tức được đám đông hô hào, tỏ bày thái độ một cách cực đoan, ném đủ "gạch đá" bằng lời lẽ và cả những hành động với người liên quan nếu xác định được địa chỉ người đó.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi lực lượng chức năng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế xây dựng trái phép của Công ty Alibaba tại thị xã Phú Mỹ, nhiều nhân viên của công ty này vu vạ, hô hào chống đối. Clip này được nhân viên Alibaba tung lên mạng, ban đầu rất nhiều người vào chửi mắng lực lượng chức năng, quy chụp đủ kiểu. Sau khi vụ án được khởi tố và tiếp đó là bắt hàng loạt lãnh đạo của công ty này về hành vi lừa đảo, nhiều người mới vỡ lẽ.
Tâm lý đám đông này cũng sớm được nhiều kẻ lợi dụng mà điển hình là những Khá "bảnh" với 600.000 người theo dõi, "thánh chửi" Dương Minh Truyền, Huấn "hoa hồng"... Toàn nói phét, giở giọng lưu manh, ngông nghênh, văng tục... nhưng luôn có một đám đông hùa theo. Khi lực lượng công an bắt và xử lý nghiêm khắc những nhân vật trên thì các giang hồ bàn phím cũng lặn mất tăm.
Luật pháp tại nhiều quốc gia đã quy định rất rõ hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Khung hình phạt không hề nhẹ với các hành vi lăng nhục người khác, bôi xấu, vu khống trên mạng. Còn những kiểu côn đồ như dọa giết, kéo tới nhà hành hung người khác như vụ việc đánh người cha như trên thì pháp luật không thể nương nhẹ được.
Cũng có thể thấy rằng lợi dụng đám đông là để dễ ẩn nấp, dễ trốn tránh người khác và cả bản thân mình. Phán xét người khác thì dễ, có đám đông hùa theo lại càng dễ. Khó là phải tự phán xét mình.
Hãy tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, tiếp nhận và chọn lọc thông tin, thẩm định thông tin một cách khách quan và có chính kiến rõ ràng. Từ đó có ứng xử đúng mực, chống cái ác, cái xấu và cùng nhau hướng đến, tạo lập những giá trị tốt đẹp.
Gia Khang
Theo nld.com.vn
Nam thanh niên đến nhà xin lỗi ông bố say xỉn tát con nhỏ sau khi cùng dân mạng kéo đến dạy bảo trút giận Sau khi cùng hàng chục người tìm đến nhà người cha say xỉn bạo hành con trai, nam thanh niên đã nhận thức được hành vi của mình là sai và tìm tới nhà anh Tí để gửi lời xin lỗi, đồng thời chủ động lên cơ quan công an tường trình về sự việc. Những ngày gần đây, đoạn clip ghi lại...