Dừng viện trợ COVID-19 cho người thất nghiệp, Mỹ đối mặt khủng hoảng mới
Năm ngoái, Mỹ gia hạn gói viện trợ thất nghiệp khổng lồ khi dịch COVID-19 xảy ra. Nhưng từ ngày 6/9, gói này sẽ kết thúc, buộc hàng triệu người Mỹ phải đối mặt với khó khăn mới.
Bà Deborah Lee, một kỹ thuật viên lấy máu xét nghiệm ở bang Arizona đã thất nghiệp từ sau COVID-19, bày tỏ nỗi lo lắng về cuộc sống của gia đình, khi bà và ba đứa cháu chỉ sống bằng khoản lương của cô con gái.
Theo hãng tin AFP, những chương trình do chính phủ tài trợ nhằm tăng các khoản thanh toán hàng tuần cũng như hỗ trợ hàng triệu người thất nghiệp lâu năm cùng người làm nghề tự do, được cho là đã giúp nước Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn cả năm ngoái.
Hàng triệu người Mỹ có thể phải tiết kiệm chi tiêu dù chưa thể đi làm trở lại sau khi gói viện trợ COVID-19 kết thúc. Ảnh minh hoạ: AFP
Trong những tháng gần đây, chính sách này đã gây tranh cãi khi một số bang quyết định dừng sớm khoản viện trợ với lập luận rằng khi có tiền hỗ trợ, người dân sẽ không chịu đi làm trở lại, khi mà vaccine COVID-19 đã giúp tình hình trở nên an toàn hơn.
Từ ngày 6/9 tới đây, chương trình viện trợ tài chính cho người thất nghiệp sẽ kết thúc trên toàn nước Mỹ. Chuyên gia kinh tế cho rằng điều này chắc chắn sẽ gây áp lực lên người thất nghiệp.
Ông Andrew Stettner tại Tổ chức tư tưởng tiến bộ The Century Foundation cho rằng đây sẽ là một sự kiện không được đánh giá cao trong nền kinh tế và trở thành một cuộc khủng hoảng thầm lặng đối với 7,5 triệu người đang sống dựa vào các chương trình hỗ trợ tài chính.
Việc mở rộng mạng lưới an sinh dành cho người thất nghiệp diễn ra vào tháng 3/2020, khi Quốc hội gấp rút ngăn chặn đại dịch nghiêm trọng bằng khoản ngân sách 2,2 nghìn tỷ USD thông qua gói giải cứu Đạo luật CARES.
Mặc dù không phải là gói phúc lợi lâu dài, nhưng chương trình này đã được gia hạn hai lần, gần đây nhất là trong Kế hoạch giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành tháng 3 năm ngoái.
Video đang HOT
Một nghiên cứu của nhiều trường đại học Mỹ và Canada được công bố hồi tháng trước bởi cho thấy ở một số bang kết thúc viện trợ sớm, vấn đề tuyển dụng và thu nhập cải thiện ở mức khiêm tốn, trong khi chỉ số chi tiêu giảm 20%.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này vẫn có 5,3 triệu công việc chưa thể khôi phục. Theo dữ liệu chính phủ công bố hôm 3/9, trong tháng 8, các nhà tuyển dụng chỉ bổ sung 235.000 vị trí làm việc.
Tại Delaware, Ohio, bà Karen Coldwell cho biết mỗi tuần đều gửi đi khoảng 10 lá đơn xin việc nhưng vẫn chưa được tuyển dụng. Tất cả những cơ hội sẵn có đều là công việc lương thấp như mức bà đã làm khi còn trẻ.
Ở tuổi 64, bà Coldwell chưa muốn nghỉ hưu, song lo lắng sẽ phải tiêu vào khoản tiết kiệm hưu trí nếu như không tìm được công việc sau khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp dài hạn kết thúc.
Những người khác lại không thể quay trở lại lực lượng lao động, mặc dù biết rõ nguồn trợ cấp duy nhất đang kết thúc. Cô Brooke Ganieany ở The Dalles, Oregon, cho biết cô không có người phụ chăm sóc cho cậu con trai vừa tròn 1 tuổi để đi làm.
Những người đủ điều kiện sẽ tiếp tục nhận trợ cấp theo chương trình thất nghiệp thường xuyên của các tiểu bang, nhưng khi không còn khoản bổ sung 300 USD hàng tuần, chi tiêu của họ sẽ bị hạn chế.
Bà Karen Williams, 58 tuổi, nhà thiết kế đồ họa thất nghiệp ở Pennsylvania, cho biết: “Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Tôi sẽ phải bớt mua thức ăn”.
Chuyên gia Gregory Daco tại tập đoàn tư vấn Oxford Economics dự đoán việc cắt giảm phúc lợi sẽ khiến thu nhập hộ gia đình giảm khoảng 4,2 tỷ USD mỗi tuần trong tháng 9.
Ông Daco nhận xét: “Đây không phải là cú sốc khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đảo ngược, song các gia đình có thu nhập thấp và người thiểu số có nhiều khả năng bị tác động tiêu cực hơn”.
Mỹ có thể phải chọn điều trị bệnh nhân Covid-19
Ca Covid-19 tăng mạnh đang gây quá tải các bệnh viện Mỹ, khiến một số bang phải tính đến ban hành tiêu chuẩn chọn bệnh nhân điều trị trong trường hợp khủng hoảng.
Việc kích hoạt "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" đối với bệnh nhân là dấu hiệu báo động cho thấy mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Những tuần gần đây, hơn 10 bang đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao chưa từng có vì Covid-19, từ khu vực Đông Nam đến Tây Bắc Thái Bình Dương. Mỹ tiếp tục báo cáo trung bình hơn 160.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Y tá theo dõi tình trạng của một bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt bệnh viện SSM Health St. Anthony ở thành phố Oklahoma, bang Oklahoma, ngày 24/8. Ảnh: Reuters.
"Chúng ta đang ở vào tình thế vô cùng nguy hiểm với mức độ lây lan như hiện nay", tiến sĩ Bruce Siegel, chủ tịch nhóm thương mại Bệnh viện Thiết yếu đại diện cho hàng trăm bệnh viện công của Mỹ, cho hay. "Chúng ta đang đứng bên ngưỡng phải áp dụng tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng. Tôi mong chúng ta không chạm tới ngưỡng đó nhưng nó rất dễ xảy ra".
Về cơ bản, "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" là một lộ trình để đảm bảo phân chia dịch vụ y tế theo cách công bằng khi nguồn lực eo hẹp.
Dù có các hướng dẫn quốc gia về tiêu chuẩn khủng hoảng, kế hoạch thực tế vẫn khác nhau tùy thuộc từng bang, khu vực hay tổ chức. Việc ban bố tiêu chuẩn khủng hoảng không có nghĩa các bệnh nhân bị từ chối điều trị hoàn toàn, nhưng các bệnh viện sẽ linh hoạt hơn khi quyết định ưu tiên điều trị ai và bác sĩ cũng được bảo vệ về mặt pháp lý khi đưa ra quyết định này.
Ví dụ, một số bệnh nhân bị coi là ít có khả năng sống sót có thể không nhận được giường tại phòng chăm sóc đặc biệt, nhường chỗ cho người khác với cơ hội sống cao hơn. Bệnh nhân cũng có thể phải xuất viện sớm hơn và một số bệnh nhân trong hoàn cảnh bình thường sẽ được nhập viện chăm sóc nhưng nay có nguy cơ bị từ chối.
Bang Arizona từng phải kích hoạt kế hoạch này hồi năm ngoái. Nó có thể bao gồm một hệ thống "tính điểm" nhằm đánh giá cơ hội sống sót ở bệnh nhân dựa trên hoạt động của não, tim, thận hay những cơ quan chính khác.
Ngay cả khi tránh được kịch bản tồi tệ nhất là phải lựa chọn bệnh nhân điều trị, các bác sĩ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 cho biết tình trạng quá tải vẫn ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Số lượng y tá không đủ để đáp ứng công việc. Bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt nằm la liệt trong phòng cấp cứu. Bác sĩ phải vất vả rà soát trên hệ thống khắp cả bang mới có thể tìm được một giường bệnh còn trống. Đây là những cảnh tượng mà bác sĩ hồi sức cấp cứu Kenneth Krell không bao giờ nghĩ sẽ phải đối mặt vào cuối năm 2021, khi vaccine Covid-19 đã phổ biến.
"Mọi chuyện đang tồi tệ hơn bao giờ hết", Krell, bác sĩ điều hành khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở phía đông bang Idaho, nói.
Thống đốc Idaho Brad Little đã kêu gọi Vệ binh Quốc gia và nhân viên y tế liên bang tới hỗ trợ cho các bệnh viện thiếu nhân lực nhằm tránh phải kích hoạt tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng.
Nếu các tiêu chuẩn khủng hoảng được kích hoạt, bác sĩ sẽ phải quyết định "ai sẽ được chăm sóc tức thì dựa trên xác suất sống sót của họ", Krell cho hay. Chúng áp dụng cả với bệnh nhân Covid-19 và không Covid-19.
Tại bang Alabama, Thống đốc Kay Ivey tháng trước ban bố tình trạng khẩn cấp vì ca Covid-19 nghiêm trọng tăng đột biến. "Nó thực sự gây ảnh hưởng mạnh mẽ và làm phân tán mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe", tiến sĩ Aruna Arora, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Alabama, nhấn mạnh.
"Tất cả các bệnh viện đều thiếu y tá", bà nói. "Thời gian phản ứng cấp cứu đang chậm lại rất nhiều. Bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu trong phòng cấp cứu".
ILO: Hơn 50% dân số thế giới không được bảo trợ xã hội Hơn 50% dân số thế giới không được bảo trợ xã hội, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chính phủ các nước hỗ trợ nhiều hơn cho người dân. Đó là kết luận được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc LHQ đưa ra ngày 1/9 trong báo cáo về tình hình bảo trợ xã hội trên toàn cầu....