Đừng vì những khẩu súng mà bắt chúng ta phải nhớ ơn!
Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đừng vì những khẩu súng giúp nhau trong thời chiến tranh mà bắt ta phải nhớ ơn. Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt.
Sáng 26/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (đơn vị số 1) khoá XIII đã có buổi tiếp xúc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, đông đảo các ý kiến đều bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia, hành động Trung Quốc gây hấn, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam. Các nhân sĩ, trí thức cũng bày tỏ tâm tư, tình cảm, đánh giá về kết quả của kỳ họp Quốc hội cũng như kiến nghị đối với các hệ thống luật để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với nhân sĩ, trí thức sáng 26/6 tại TPHCM
Ủng hộ khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã nói rất nhiều về mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam – Trung Quốc và hành xử của “láng giềng” trong suốt thời gian qua. Ông Lâm cho rằng, nên thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại tình đồng chí, tình láng giềng, tình bạn bè với Trung Quốc.
“Trung Quốc luôn tìm cách đưa lửa gần đến chúng ta với suy nghĩ lửa xa không cứu được lửa gần. Họ ép chúng ta không nên quan hệ với Nhật, Mỹ và Châu Âu. Họ nói chúng ta quan hệ như vậy là đi từ sai lầm này đến sai lầm khác rồi đến đại sai lầm”, ông Lâm nói.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, ông cũng như bao người dân khác cảm thấy buồn khi rất nhiều dự án, hàng hóa… trên thị trường hiện nay đều có yếu tố Trung Quốc. Ông thắc mắc tại sao thương lái Trung Quốc về đến tận các vùng quê để làm lũng đoạn nền nông nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn. “Một tấc đất, một tấc sông của Tổ quốc là không thể bán. Ai bán, sẽ lãnh hậu quả rất lớn. Thế kỷ 21 này chúng ta có nhiều hướng. Chúng ta phải làm sao thoát ra lệ thuộc. Dẫu có đau đớn nhưng rồi cũng vượt qua”, ông Lâm nói.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm cho rằng, tình hình gây rối ở Bình Dương vừa qua cho thấy công an, chính quyền yếu quá. Công ty bị đốt thì không thấy xe chữa cháy đến, bị đập phá thì không thấy công an can thiệp. Ông Mẫm đề nghị phải kỷ luật Đảng Ủy tỉnh này qua sự vụ nêu trên.
Ông Mẫm cũng đánh giá cao đối với các ý kiến phát biểu của TPHCM tại kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ông cảm thấy tiếc nuối khi kỳ họp này không ra được nghị quyết liên quan đến việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Video đang HOT
“Rõ ràng, hữu nghị là không còn. Nói là anh em khắng khít như môi với răng thì không thể cư xử như vậy. Chúng ta chơi bình đẳng. Tôi đề nghị kiện Trung Quốc ra tòa án”, ông Mẫm nói.
Nhìn nhận lại vụ gây rối ở Bình Dương, ông Trần Ngọc Hổ đồng tình với ý kiến của ông Huỳnh Tấn Mẫm khi cho rằng, lãnh đạo các cấp không chỉ có lời xin lỗi là xong mà đáng bị cách chức. Ông Hổ cho rằng, kỳ họp Quốc hội thành công nhưng sẽ tốt đẹp hơn nếu có các chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Ông Hổ bức xúc phản ánh việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Một số người người khoác áo quân đội, công an, đeo quân hàm cho oai để… chia đất. “Sân bay Long Thành (Đồng Nai), trước đây Mỹ không dám xây, Việt Nam xây là liều mạng. Đằng sau dự án này là gì mà sao bất chấp vậy?”, ông Hổ bức xúc.
Ông Đặng Văn Khoa (Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM) mong muốn cần có Luật Biểu tình để người dân có cơ hội biểu lộ tình cảm của mình với đất nước, thể hiện dân chủ lên tầm mới chứ không phải dân chủ bao cấp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay luật vẫn bất cập đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu. “Chúng tôi không sợ luật vì luật ngày càng tiến bộ nhưng sợ các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Luật mong sao càng ngày càng cụ thể, chi tiết để tinh giảm các hướng dẫn thi hành”, ông Bé nói.
Nhân sĩ, trí thức TPHCM ủng hộ việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế
Không áp đặt mang ơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ rất thẳng thắn, cởi mở các vấn đề mà không chỉ nhân sĩ, trí thức mà cả dân tộc đều quan tâm. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam không lệ thuộc bất cứ vào nước nào khác. Quan điểm này xưa nay vẫn vậy, là nhất quán. Có chăng, là chỉ làm sâu sắc hơn, hiện thực hóa hơn đường lối này.
Với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia yêu chuộng hòa bình, hữu nghị trên cơ sở bình đẳng. Hòa bình, hữu nghị vốn là truyền thống tốt đẹp của 2 dân tộc có tự muôn đời. Việt Nam luôn quý trọng những gì Trung Quốc giúp đỡ trong thời gian qua. Nhưng, anh giúp tôi, tôi giúp anh. Chúng ta bình đẳng, tôn trọng.
Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam là nước nhỏ nhưng có trí tuệ và kiên định đường lối độc lập tự chủ chứ không ai chỉ dẫn. Nhờ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ nên kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt từng ngày.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ông đọc rất kỹ công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, không có câu chữ nào cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Về biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định, cái gì của chúng ta, có lịch sử, có luật pháp quốc tế công nhận thì đó là của chúng ta. Đời chúng ta đòi không xong thì đời con cháu chúng ta cũng đòi cho bằng được. Chủ tịch khuyên mọi người phải hết sức bình tĩnh, đừng để bị ai khiêu khích.
Về việc Trung Quốc nói từng giúp đỡ Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn, trong quá trình giành độc lập, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và nhân dân Việt Nam không quên sự giúp đỡ nghĩa tình đó. Tuy nhiên, không vì sự giúp đỡ này mà áp đặt.
“Ta không quên ơn bội nghĩa nhưng đừng vì những khẩu súng giúp nhau trong thời chiến tranh mà bắt ta phải nhớ ơn. Họ cũng phải cảm ơn ta, nếu ta không chống xâm lược thì giặc cũng tràn vào họ. Không nên hành xử mang tính chất áp đặt. Mang ơn thì có cách trả ơn chứ không áp đặt”, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Công Quang
Theo Dantri
Bằng chứng trên Biển Đông và câu trả lời kiểu Tần Cối
Trung Quốc vẫn tiếp tục lối hành xử ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam; những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.
Trong khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở Hà Nội, thì Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, cho biết ông "không tin là Trung Quốc hành động theo cách mà "tay trái không biết tay phải đang làm gì"" và nhìn nhận đây là "một sự khiêu khích mới".
Chưa biết giàn khoan thứ hai của Trung Quốc sẽ được hạ đặt tại đâu, nhưng rõ ràng nó đã gây nghi ngại lớn cho cộng đồng quốc tế và Việt Nam không thể không cảnh giác.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành xử như vậy. Cuối năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm Việt Nam và nhất trí trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề tranh chấp trên biển, hai bên cần cùng nhau kiểm soát tình hình, không có hành động mở rộng tranh chấp, nếu có vấn đề nảy sinh thì cùng nhau xử lý kịp thời, thỏa đáng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác phát triển giữa hai nước.
Theo GS Carl Thayer, giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược với tinh thần trên; "hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với Việt Nam ngay trong những đối thoại giữa hai Chính phủ, thế rồi đùng một cái, không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động đơn phương".
Không chỉ tiếp tục "nói một đằng, làm một nẻo", Trung Quốc còn tiếp tục vu khống, bịa đặt trắng trợn cho Việt Nam, khi tung tin các tàu Việt Nam chủ động đâm va, làm hư hỏng các tàu Trung Quốc. Nhưng bất kỳ ai có tư duy lành mạnh cũng đủ nhận thấy sự man trá và vô lý trong lời vu khống của Trung Quốc.
Cũng GS Carl Thayer phân tích, Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, tính ra như vậy mỗi tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới không biết bao nhiêu lần. Và nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhiều đến vậy, chắc chắn tàu Việt Nam sẽ bị hư hỏng vì tàu Việt Nam nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều.
Quan trọng nhất, theo GS Carl Thayer, là bằng chứng đâu?
Câu trả lời là Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào thuyết phục. Ngược lại, các cơ quan chức năng, báo chí Việt Nam đã đưa ra rất nhiều hình ảnh, kể cả video clip chứng minh điều ngược lại. Ngày 26/5, việc các tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 khiến hàng chục ngư dân gặp nạn đã được ghi lại trong một clip và đó là bằng chứng không thể chối cãi. Mới nhất, báo chí Việt Nam tiếp tục đăng tải các clip cho thấy các tàu Trung Quốc uy hiếp, đâm "tơi tả" tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam như thế nào. "Vô nhân đạo", "như cướp biển", đó là cụm từ mà dư luận dùng để miêu tả hành vi sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc.
Và ngày 25/6, Trung Quốc công bố một bản đồ mới nhằm thực hiện cái gọi là "thể hiện rõ chủ quyền". Trong bản đồ phi pháp này, không còn "đường chín đoạn" nữa mà hoàn toàn phớt lờ, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã đánh dấu đường 10 đoạn nuốt trọn biển Đông, lấn tới sát vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Người Trung Quốc có một giai thoại khá nổi tiếng về những lời cáo buộc ngụy tạo. Khi bị tướng Hàn Thế Trung chất vấn đâu là bằng chứng để xử tội Nhạc Phi, Thừa tướng nhà Tống Tần Cối đã trả lời: Không có, nhưng cũng không cần có. Ba chữ "không cần có" (mạc tu hữu) từ đó đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo ngang ngược, bất chấp tất cả. Hàn Thế Trung tức giận: Ba chữ "không cần có" lẽ nào có thể khiến người trong thiên hạ phục được? và dân tộc Trung Hoa đã lên án cả nghìn năm nay câu trả lời cùng nhân cách "bất chấp tất cả" đó của Tần Cối.
Người Trung Quốc cũng đã nghìn năm ngưỡng mộ những điều mà bậc "vạn thế sư biểu" của họ, Khổng Tử, đã viết trong sách Luận Ngữ về cách ứng xử đúng đắn trước nghĩa và lợi: Quân tử hiểu rõ về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về điều lợi; quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi lộc.
Thế nhưng giờ đây Trung Quốc đang bất chấp luật pháp và chính nghĩa, dẫm đạp lên đạo lý để đoạt lấy lợi ích không phải của mình trên Biển Đông, đang lựa chọn cách hành xử mà bậc chính nhân quân tử không bao giờ làm!
Và với cách tư duy chỉ biết đến lợi ích phi pháp, phi nghĩa như vậy, dường như Trung Quốc nghĩ rằng có thể dùng lợi ích kinh tế để làm chùn ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam, khi có thông tin rằng Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu tại Việt Nam. Nhưng cần nhắc lại rằng, với Việt Nam, độc lập, chủ quyền là thiêng liêng nhất, những lợi ích kinh tế rất cần thiết nhưng không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Lịch sử đã bao lần chứng kiến người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả của cải để đợi đến ngày đánh đuổi tên xâm lược cuối cùng ra khỏi bờ cõi, từ thủa phá Tống, đuổi Nguyên, bình Ngô, diệt Thanh cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Đó là phẩm giá của dân tộc Việt Nam và như lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tuyên bố, một thước núi, một tấc sông cũng không thể nào vứt bỏ, Việt Nam quyết không đánh đổi độc lập, chủ quyền thiêng liêng lấy bất cứ điều gì.
Theo Kim Tuấn
Chinhphu.vn
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc quần thảo quanh giàn khoan Ngày 26/6, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 120 tàu các loại quanh khu vực giàn khoan Hải Dương - 981. Các tàu Trung Quốc bao vây, ép hướng, ngăn cản các tàu của Việt Nam ở khoảng cách gần nhất khoảng 150-200m. Đại diện Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hôm nay (26/6), vị trí...