Đứng từ Hàn Quốc nghe tiếng nhạc bên kia Triều Tiên
Cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 90 phút lái xe, phóng viên báo Australia đứng trên đài quan sát Ganghwa không chỉ thấy người dân Triều Tiên mà còn nghe rõ tiếng hát.
Brett McLeod đứng trên đài quan sát Ganghwa, phía sau bên kia sông là Triều Tiên. Ảnh: Brett McLeod
Đứng từ đài quan sát này, anh có thể thấy rõ quang cảnh Triều Tiên còn hơn đứng ở khu vực phi quân sự chia cắt bán đảo (DMZ). Không có lính Triều Tiên chặn tầm nhìn, họ đang ở trong căn cứ quân sự rộng lớn bên kia sông.
“Từ nơi tôi đứng, không chỉ thấy rõ người dân Triều Tiên mà còn nghe thấy tiếng hát nữa. Tiếng hát rất to”, Brett McLeod viết trong bài đăng hôm nay trên 9News.
Lính Triều Tiên có thể quan sát rõ những hoạt động trên đài Ganghwa qua ống nhòm chuyên dụng của quân đội, còn phóng viên thì đang cố nhìn rõ họ bằng ống nhòm du lịch giá 500 tệ (72 USD).
Trên vùng đất một thời do Vương triều Tiều Tiên (1392-1910) thống trị, người dân Triều Tiên đang cố gắng mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Sau chiến tranh, Triều Tiên luôn trong tình trạng thiếu lương thực. Vùng này cung ứng cho cả nước khoảng 30% lượng lúa gạo.
Lính Hàn Quốc nói những tòa nhà màu trắng là giả. Ảnh: Brett McLeod
Đây là khu vực chiến lược, dọc theo bờ sông là những tòa nhà thấp tầng trải rộng, giống như các tổ hợp chung cư loại nhỏ. Theo lời lính Hàn Quốc tháp tùng đoàn phóng viên, đó là những tòa nhà rởm, được Triều Tiên xây dựng vào những năm 1970 để chứng tỏ cho Hàn Quốc thấy họ đang sống tốt như thế nào.
Núi non trải dài phía sau nhà cửa và ruộng đồng. McLeod thấy cây cối trên núi bị đốn chặt gần hết. Có lẽ người dân chặt củi để đốt lửa sưởi ấm. Tiếng ca hát trên nền nhạc hào hùng vang ra từ núi, vượt khỏi thung lũng, bay sang biên giới Hàn Quốc.
Video đang HOT
Đồng nghiệp của phóng viên Mỹ đứng đọc nguyện vọng hai miền thống nhất dán trong một căn phòng ở đài quan sát. Ảnh: Brett McLeod
Thực tế, đó là tiếng hát phát ra từ loa phóng thanh. Theo McLeod, đó là thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi tới thế giới về một đất nước tuyệt vời với người dân sống hạnh phúc.
Bên trong đài quan sát là một căn phòng nơi khách tham quan dán đầy nguyện vọng. Hầu hết đều hy vọng hai miền thống nhất, giống như nước Đức thống nhất sau Chiến tranh Lạnh. Có lẽ lúc đó những âm thanh của dàn hợp xướng phát qua loa phóng thanh sẽ kết thúc, nhường chỗ cho âm thanh yên tĩnh, hòa bình.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trẻ em Triều Tiên qua ống kính nhiếp ảnh gia Anh
Nhiếp ảnh gia Pierre Depont đã đến Triều Tiên 6 lần và một trong những điểm khiến quốc gia này hấp dẫn ông là trẻ em.
"Tôi thích du lịch nhưng cố gắng tránh những nơi đông du khách. Đó là lý do khiến tôi tìm đến Triều Tiên", ông Depont nói. "Với tôi, du lịch và nhiếp ảnh luôn song hành. Triều Tiên có nhiều hạn chế nếu việc chụp ảnh vừa thách thức vừa thú vị".
Trong số những bức ảnh đã chụp tại đây, ông có nhiều ảnh ghi lại cuộc sống thường ngày của trẻ em.
Trẻ em đi qua một tòa nhà chính quyền ở thành phố Hoeryong, nằm dọc biên giới với Trung Quốc.
"Tôi nhận thấy những điều rất độc đáo ở người dân Triều Tiên. Họ dường như rất khiêm tốn, thật thà, không kiêu căng tự phụ", ông Depont nhận xét.
Quân đội đóng một vai trò lớn trong đời sống của người dân Triều Tiên và việc trẻ em nước này được mặc quân phục không phải là hiếm thấy. Tất cả nam giới ở Triều Tiên đều có nghĩa vụ phục vụ trong quân đội khi đủ các điều kiện.
Trẻ em thường xuyên có mặt ở hàng đầu trong các cuộc diễu binh, chào mừng quân đội Triều Tiên.
Người dân Triều Tiên, trong đó có đứa trẻ đáng yêu đang hóa trang thành một chú chuột này, là động lực thôi thúc Depont trở lại Triều Tiên nhiều lần.
Một bé gái ngồi trong căn nhà ở Bình Nhưỡng treo chân dung của các nhà lãnh đạo.
De Pont cũng chụp nhiều bức ảnh trong Ngày Mặt trời vào cuối tuần qua, khi người dân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Vào dịp lễ lớn này, các gia đình thường đưa con đến các tụ điểm vui chơi, thăm vườn thú hoặc đi bơi.
Công viên Mansudae ở trung tâm Bình Nhưỡng là địa điểm quen thuộc với các gia đình. Nơi này có nhiều tượng đài và vòi phun nước tri ân ông Kim, người sáng lập đất nước.
Một gia đình có điều kiện ở Bình Nhưỡng ngồi ở hàng ghế đầu thưởng thức buổi biểu diễn ca ngợi lịch sử đất nước.
Một bé gái đang giúp dọn tuyết trước tượng đài Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Núi Myohyang là một điểm du lịch nổi tiếng với truyền thuyết kể rằng tổ tiên của người Triều Tiên từng sinh sống ở đây. Trong hình, hai người mẹ đang cõng hai con đi chơi ở Myohyang.
Dù chính quyền Triều Tiên luôn cố gắng ngăn chặn các ảnh hưởng từ phương Tây, trẻ em trượt patin trong công viên Bình Nhưỡng vẫn đội những chiếc mũ có tên thương hiệu thể thao Đức...
...hay đeo những chiếc cặp sách in các nhân vật hoạt hình Disney mà trẻ em trên thế giới đều yêu thích.
Các lớp dạy nhạc chưa phổ biến với hầu hết với trẻ em Triều Tiên. Chỉ với một số gia đình ở Bình Nhưỡng có điều kiện hoặc được ưu ái, con cái họ mới có cơ hội học chơi nhạc cụ.
Anh Ngọc
Theo VNE
Mặc căng thẳng, dân Triều Tiên vẫn đi chơi "tưng bừng" Những bức ảnh dưới đây cho thấy cuộc sống vẫn tiếp diễn với người dân Triều Tiên, bất chấp căng thẳng leo thang trong khu vực. Người dân Triều Tiên ra ngoài đi chơi dịp nghỉ lễ Trong khi toàn bộ thế giới phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và căng thẳng Mỹ-Triều Tiên leo thang, người dân Triều Tiên...