Đừng trở thành “mồi” của kẻ cướp
Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nạn trộm cướp ngày càng lộng hành. Nhiều đối tượng quyết liệt đeo bám để theo dõi và chờ cơ hội ra tay đối với những trường hợp mang tiền, vàng với một số lượng lớn lưu thông trên đường đến nơi cần giao dịch.
Dù sự việc xảy ra cuối năm 2010 nhưng khi nhớ lại, vợ chồng chị Kiều Thị H. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn còn cảm giác ớn lạnh. Hai vợ chồng chị vào TPHCM lập nghiệp hơn 10 năm trời, gom góp, dành dụm được 800 triệu đồng để mua nhà. Nhưng chẳng may, đúng ngày vợ chồng chị đem tiền để sang tên hợp đồng công chứng căn nhà thì bị cướp. Dù cũng sợ khi phải mang một lượng tiền mặt lớn đi trên đường nhưng phía chủ nhà không quen giao dịch qua ngân hàng, nên vợ chồng chị H. đành chiều theo. Sau khi đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, chị H. cẩn thận chia 800 triệu đồng ra nhiều phần, rồi gói kỹ và cất trong cốp xe. Trên đường đi, vợ chồng chị không hề biết rằng mình bị theo dõi. Khi cho xe rẽ vào KCN Tân Bình, vợ chồng chị bất ngờ bị bốn thanh niên đi trên hai xe Nouvo ép vào lề đường. Chúng rút dao dí vào mặt chị H. và yêu cầu chị lấy giỏ sách trong cốp xe ra. Không thể chống cự, chị H. đành làm theo lời chúng. Sau khi giật phăng giỏ xách, chúng biến mất trong làn xe cộ đông đúc, trong khi vợ chồng chị H. vẫn chưa kịp hoàn hồn. “Cũng may nhờ tính cẩn thận, chị H. chỉ mất 1/4 số tiền mua đất. Tuy nhiên, vợ chồng chị không còn đủ tiền để mua nhà, lại phải ở trọ chờ thêm một thời gian nữa” – chị H. buồn bã trần tình.
Băng nhóm Indonesia gây ra nhiều vụ “bắn đinh” xe chuyển tiền đi ra từ các ngân hàng, từng gây nên nỗi kinh hoàng ở TPHCM và Hà Nội
Mới đây, Công an quận 4 bắt được một băng cướp chuyên dàn cảnh va quẹt xe để lấy tiền của người đi đường. Trước đó, anh Nguyễn P.H (ngụ quận Thủ Đức), làm nghề buôn bán dụng cụ inox đã đến Công an quận Thủ Đức trình bày việc bị mất 20 triệu đồng. Anh H. kể: “Từ hướng chợ Thủ Đức, tôi đi về hướng quận 5 để mua hàng. Khi đến ngã tư Kha Vạn Cân – Quốc lộ 13 thì có một xe phía sau ép vào đầu xe tôi. Sau đó, chúng giả vờ bị đau khiến tôi chú ý. Nhưng khi chúng rồ ga bỏ chạy, tôi kịp định thần thì phát hiện 20 triệu đồng trong túi quần đã “không cánh mà bay”. Đã có rất nhiều trường hợp đến CAQ4 trình báo việc bị mất tiền với cùng một thủ đoạn như anh H. Tại ngã tư Đoàn Văn Bơ – Hoàng Việt, quận 4 , anh V.V.N cũng bị mất 60 triệu đồng vì cùng một chiêu thức này. Tuy nhiên, trong lúc các đối tượng chia nhau số tiền trộm được tại một quán cà phê ở quận 7 thì bị lực lượng trinh sát CAQ4 ập vào, bắt giữ. Sau đó, 8 đối tượng trong băng nhóm lần lượt sa lưới.
Chúng khai đã sử dụng xe gắn máy để quan sát người đi đường, nếu phát hiện ai mang theo nhiều tiền để ở túi quần hoặc giỏ xách sẽ dàn cảnh va quẹt xe với mục đích trộm tiền. Trong thời gian tháng 7 và tháng 8-2011, chúng đã thực hiện trót lọt gần chục vụ trộm tiền, số tiền dao động từ 20 đến 200 triệu đồng. Sau khi nghe tin Công an quận 4 triệt phá được băng nhóm này, ông Nguyễn Văn M. (ngụ quận Thủ Đức) đã đến trình báo việc bị mất 47 triệu đồng tiền của hợp tác xã cũng với thủ đoạn tương tự.
Video đang HOT
Một trong những giao dịch tiền mặt số lượng nhiều nhất hiện nay phải kể đến lĩnh vực mua bán nhà đất hay các nhà đầu tư vàng vật chất. Anh T. – một giám đốc công ty môi giới nhà đất tại quận 2 – cho biết có đến 95% số khách hàng cá nhân chọn phương thức đặt cọc mua nhà đất bằng tiền mặt (từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng). Do vậy, thực tế là có rất nhiều rủi ro vì địa điểm giao dịch có thể là tại căn nhà mua bán, quán cà phê hay một nơi khác. Nhiều khi, giữa hai bên mua bán còn phải kiểm tra số tiền lớn giữa chốn đông người là không an toàn. Dù thường khuyên khách nên mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng nhưng nhiều người không chịu không có thời gian, lại ngại thủ tục rắc rối. Trong khi đó, bọn cướp thường lảng vảng ở các khu dự án, nhà đất đang bán để theo dõi “ con mồi”. Anh T. chia sẻ: không ít trường hợp khách hàng trên đường đi đặt cọc mua nhà đất đã bị bọn chúng chặn xe cướp trắng trợn. Đã có một khách hàng nữ của anh suýt bị mất 1,2 tỷ đồng, nếu không phát hiện kịp thời có ba thanh niên bám sát phía sau và tìm cách nhờ người giúp đỡ.
Để tránh làm mồi cho bọn cướp, ý thức chính vẫn là từ những người dân, cần phải thận trọng khi đi giao dịch ở các ngân hàng và một số địa điểm khác với số lượng tiền lớn. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn nhất hiện nay là ý thức phòng chống tội phạm của người dân, người đi đường khi chứng kiến các vụ cướp còn quá kém. Có nhiều vụ người dân chẳng đả động gì đến việc tham gia bắt cướp mà còn chúi đầu vào việc hôi của của nạn nhân.
Theo CATP
Nhóm bạc bịp 'bẫy' đại gia lĩnh án
Giả là doanh nhân, nhóm cờ bạc bịp tìm các giám đốc giàu có vờ hợp tác làm ăn để dụ họ đến khách sạn 5 sao ký hợp đồng. Tại đây chúng dàn cảnh ép "con mồi" chơi bài rồi lừa sạch tiền và tài sản.
Ngày 6/9, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thạch Bách (37 tuổi, ngụ Bắc Ninh) mức án 4 năm tù; Trần Sỹ Phương (34 tuổi, ngụ Quảng Bình) 20 tháng tù về các tội "cưỡng đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là mức án nhẹ hơn rất nhiều so với khung hình phạt.
Tương tự, 5 bị cáo khác cũng chỉ nhận từ 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù về các tội trên và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Băng cờ bạc bịp tại tòa. Ảnh: Vũ Mai.
Tại tòa, Bách, Phương và đồng bọn khai đã cấu kết với nhau giả là doanh nhân, giám đốc giàu có rồi chủ động làm quen với các sếp ở những doanh nghiệp lớn tại TP HCM. Sau đó chúng đặt vấn đề hợp tác làm ăn rồi dụ họ đến căn biệt thự sang trọng (đã thuê trước đó) hoặc các khách sạn "Vip" để ký hợp đồng.
Tại đây, bọn chúng giả là các "đại gia" Hà thành ngồi đánh bài giải trí chờ ký kết hợp đồng. Khi "con mồi" đến, một người sẽ vờ đứng lên đi lấy hợp đồng, để lại một số tiền lớn và nhờ vị khách cầm bài hộ cho đủ tay.
Vào cuộc, cả nhóm sẽ cho "con mồi" thắng liên tiếp nhiều ván để câu nhử. Sau đó bằng chiêu cờ bạc bịp, chúng dần lột sạch số tiền có trong tụ người kia để lại. Khách sẽ bị dụ chơi tiếp để gỡ nhưng cuối cùng bị thua sạch tiền bạc và tài sản có trong người.
Không những thế, một đồng bọn của Phương với vai trò chuyên cho vay tiền đánh bạc sẽ ép khách mượn "nóng" để tiếp tục sát phạt. Đến khi số nợ cao ngất ngưởng thì cả bọn giải tán để tên giang hồ cho vay tiền ép khách phải viết giấy nợ. Nếu khách chậm trả bọn chúng đến tận nhà đe dọa, chửi bới gây áp lực.
Theo đó, ngày 15/12/2009, một đàn em của Phương giả là nhân viên công ty xây dựng tại Hà Nội gọi điện cho ông Bằng (Chủ tịch HĐQT một công ty xây dựng lớn trụ sở tại quận 1) để mời ký hợp đồng xây nhà máy chế biến gỗ ở Long An. Tưởng mối ngon, ông Bằng mời hắn đến trụ sở để gặp mặt và xem hồ sơ chứng minh năng lực kinh tế.
Hai ngày sau tên này mời ông Bằng đến khách sạn Rex để ký hợp đồng với "sếp" của mình vừa từ Hà Nội vào. Trong khi chờ "con mồi" đến, Phương bỏ ra 60 triệu đồng và 5.000 USD chia đều cho đồng bọn làm tiền đánh bạc. Ngoài ra, kẻ này còn gói một cọc tiền ghi là 10.000 USD nhưng thực chất chỉ có 2 tờ bên ngoài là 100 USD, còn bên trong toàn tờ 1 USD.
Với thủ đoạn trên, khi ông Bằng vừa đến khách sạn đã bị dụ thay chỗ đánh bài cho một nhân viên để anh này đi soạn hợp đồng. Ban đầu nhóm bạc bịp để ông này thắng hơn 100 triệu đồng. Nhưng không lâu sau, họ đã lột sạch tiền và tài sản ông Bằng mang theo bằng chiêu bạc bịp, buộc ông này phải ký thêm giấy nợ 15.000 USD.
Ngày 18/12/2009, Phương nhiều lần gọi điện buộc ông Bằng phải thanh toán khoản nợ kia nếu không sẽ bị cắt lỗ tai, chặt tay chân và cho người đến công ty quậy phá. Sau nhiều lần thỏa thuận, Phương đồng ý cho ông Bằng trả 100 triệu đồng. Biết mình rơi vào bẫy của nhóm giang hồ cờ bạc bịp, nạn nhân đã trình báo công an.
Đến ngày 6/1, tại một quán cà phê gần khu vực Hồ Con Rùa, khi Phương và 2 đàn em vừa nhận cọc tiền thì bị công an bắt quả tang. Những tên còn lại cũng sa lưới ngay sau đó khi chúng đang giăng bẫy một đại gia khác.
Theo VKSND TP HCM, trong năm 2009, Phương và đồng bọn đã 4 lần dùng chiêu thức trên để chiếm đoạt 160 triệu đồng và 3.300 USD. Đây chỉ là số ít nạn nhân đến trình báo với cơ quan điều tra, còn hầu hết họ sợ mang tiếng, mất uy tín nên dù bị lừa tiền cũng đành "ngậm bò hòn làm ngọt".
Theo VNExpress
Khi đại gia trở thành 'mồi' của những 'tay săn người' Sở hữu những khối tài sản kếch xù khiến nhiều kẻ thèm muốn nên đại gia cũng như người thân của mình dễ dàng trở thành nạn nhân của những kỳ án. Giám đốc biến thành con tin Vào khoảng 9h ngày 8/7 vừa qua, khi đang ngồi trong quán café gần công ty, ông N.H.K - Giám đốc một Công ty có...