Đừng thờ ơ với chứng quên trước quên sau!
Sa sút trí tuệ được khuyến cáo thường gặp ở người cao tuổi nhưng không phải là quá trình lão hóa bình thường mà là bệnh lý cần được chẩn đoán, điều trị sớm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sa sút trí tuệ giai đoạn trung bình – Ảnh: Nguyên Mi
Sợ bị ám hại, hóa ra do sa sút trí tuệ
Hơn 5 năm nay, bà N.T.N (84 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) luôn chỉ ở trong nhà. Bà không dám ra ngoài một mình, thậm chí không qua nhà hàng xóm thân quen hoặc nhà con cháu, vì sợ bị… ám hại.
Cho đến gần đây, bà N. phải nhập viện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với cơ thể suy kiệt. Người nhà cho biết, bà N. ăn kém và đã không biết cách nhai thức ăn, không có cảm giác đói. Tại Khoa Lão -Chăm sóc giảm nhẹ, các bác sĩ chẩn đoán bà N. bị sa sút trí tuệ giai đoạn trung bình. Bệnh sa sút trí tuệ của bà N. thực chất đã tiến triển âm thầm nhiều năm qua mà không được phát hiện. Bác sĩ nhận định, bệnh đã bắt đầu từ khi bệnh nhân có những dấu hiệu rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
“Dù sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi nhưng không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm”, tiến sĩ – bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cảnh báo.
Theo bác sĩ Thể, bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng thường hay bị bỏ sót, khi phát hiện thường đã bước vào giai đoạn trung bình – nặng. Hiện có tới 75% trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm khá lâu trước khi được phát hiện.
Diễn tiến âm thầm, ảnh hưởng lớn
Video đang HOT
Theo bác sĩ Thể: Sa sút trí tuệ là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động, nhận diện đồ vật và rối loạn chức năng thực hiện, khả năng lập kế hoạch, tổ chức… Sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Thể cho biết, triệu chứng của bệnh rất đa dạng tùy vào từng giai đoạn bệnh.
Bệnh ở giai đoạn nhẹ có triệu chứng nổi bật nhất là suy giảm trí nhớ ngắn hạn, quên trước quên sau, có những thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn, dễ nóng giận và kích động.
Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu biểu lộ những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian; các rối loạn hành vi trở nên nặng nề hơn, người bệnh bị hoang tưởng bị ám hại, trở nên nghi kỵ những người xung quanh hoặc vô cớ tấn công người khác.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng độc lập trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh mất trí nhớ, không còn nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo, tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu: chơi cờ, chơi games…
Bên cạnh đó, nên hạn chế các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá… và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ…
Hiện tại, theo thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức, tại Việt Nam có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 4,8-5%. Ghi nhận tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho thấy người bệnh sa sút trí tuệ thường nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng của bệnh, có khi nằm liệt giường kèm nhiều biến chứng như loét tì đè, viêm phổi hít…
Nhằm hưởng ứng Ngày sa sút trí tuệ thế giới (21.9), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tổ chức chương trình “Hưởng ứng Ngày Sa sút trí tuệ – Azheimer thế giới”, vào lúc 7 giờ – 11 giờ 30 chủ nhật 22.9 (tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM). Chương trình tặng phiếu khám miễn phí cho 300 người đăng ký sớm nhất qua số điện thoại (028) 3952 5449.
Theo Thanh niên
Lựa chọn thức ăn cho người bệnh mạn tính
Sự suy giảm của hệ thống tiêu hóa, răng miệng và không ít những bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn mỡ máu... khiến người bệnh có những khó khăn khi lựa chọn thức ăn.
Nhiều người lo lắng quá đến mức quá kiêng khem dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Vậy cần lựa chọn thức ăn thế nào cho phù hợp?
Thức ăn giàu chất xơ là lựa chọn hàng đầu
Đây là nhóm thức ăn được khuyến cáo cần thiết sử dụng cho nhiều bệnh mạn tính đang có xu hướng gia tăng như tim mạch, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid... Tất cả các chế độ điều trị không dùng thuốc cho những bệnh nhân này đều đề cập đến dinh dưỡng giàu chất xơ. Trong đó các chuyên gia cũng chú trọng nhiều hơn đến chất xơ có trong sản phẩm tự nhiên hơn là chất xơ có trong các thức ăn chế biến sẵn. Rau quả tươi, nhất là những rau màu xanh thẫm như cải xanh, súp lơ... đều giàu chất xơ. Không chỉ có tác dụng ngăn chặn tăng đường huyết sau ăn, ổn định huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, kiểm soát cholestrol, triglycerid... mà chất xơ còn vô cùng quan trọng cho người mắc các bệnh đường tiêu hóa như táo bón, trĩ, dự phòng ung thư đại tràng, chống táo bón, giúp vi khuẩn đường ruột cân bằng.
Cá, đặc biệt là những cá béo như cá hồi rất nhiều DHA (Docosaheaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là những acid béo rất cần thiết cho sức khỏe.
Bổ sung các vi chất bằng thức ăn
Hiện là nhóm thức ăn chức năng phổ biến nhất. Việc bổ sung vi chất có tính toàn cầu như bổ sung iốt, sắt, vitamin A vào thực phẩm đã có tác dụng phòng được các bệnh bướu cổ, thiếu máu thiếu sắt, nguy cơ mù lòa do thiếu vitamin A. Nhiều quốc gia đã có chủ trương bổ sung iốt vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường. Thức ăn được bổ sung vitamin, khoáng chất nhiều là bột mì, gạo, muối, bột trẻ em, sữa, nước uống, gia vị, đường. Nước trái cây là thức uống được khuyến nghị bổ sung các nhu cầu về vitamin C,E, bêta - carôten. Sữa có bổ sung acid folic, vitamin và khoáng chất cho phụ nữ có thai cũng được sử dụng ở nhiều nước. Thực phẩm có bổ sung canxi, vitamin D cho người già, phụ nữ mãn kinh đề phòng loãng xương.
Tìm kiếm acid béo thiết yếu
DHA (Docosaheaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là những thành phần acid béo thiết yếu, có nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, dầu đậu nành, là thành phần quan trọng của màng tế bào, thành phần quan trọng của não và võng mạc. Đây là những acid béo rất cần thiết cho sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em.
Súp lơ xanh nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ ngăn ngừa xơ vữa động mạch, kiểm soát cholesterol trong cơ thể.
Tăng cường sự tổng hợp vitamin từ vi khuẩn đường ruột
Ngoài chất xơ, các thực phẩm có tác dụng phòng chống táo bón là nhóm thức ăn có bổ sung vi sinh vật sống có lợi cho cơ thể, làm cân bằng vi khuẩn đường ruột, tăng cường miễn dịch ở niêm mạc ruột và miễn dịch hệ thống, cải thiện dinh dưỡng, giảm nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiêu cabonhydrat, chống táo bón, chống dị ứng, giảm cholesterol máu, chống sinh u, tăng hấp thụ canxi, tăng cường sự tổng hợp vitamin do vi khuẩn đường ruột. Bình thường, đường ruột của cơ thể có trên 400 chủng vi khuẩn sinh sống, tạo ra một hệ vi khuẩn ruột. Hệ vi khuẩn ruột có thể chia thành hai nhóm: nhóm vi khuẩn có lợi, làm tăng cường sức khoẻ và nhóm vi khuẩn có thể gây bệnh. Bình thường, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế, chiếm đa số, có từ 106 đến 1010 vi khuẩn/gam phân, còn nhóm vi khuẩn gây bệnh là nhóm thiểu số, chỉ có dưới 106 vi khuẩn/gam phân. Một khi nhóm vi khuẩn gây bệnh chiếm ưu thế hơn nhóm vi khuẩn có lợi thì sẽ gây bệnh cho cơ thể. Vi khuẩn có lợi chính ở hệ vi khuẩn ruột là Lactobacilli và Bifidobacteria. Các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe có chức năng cạnh tranh không cho vi khuẩn gây bệnh định cư ở đường ruột, kích thích miễn dịch chống nhiễm khuẩn, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, tổng hợp một số vitamin nhóm B và vitamin K. Sữa chua là một đồ ăn có chứa lactobacillus.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm sức khỏe không chỉ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học mà còn phải có sự kết hợp tập luyện thân thể hằng ngày và một tinh thần thoải mái.
BS. Thu Hương
Theo suckhoedoisong
6 điều cấm kỵ tuyệt đối không được làm đối với trẻ nhỏ Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - addmine nhóm Bác sĩ Yêu con nít tại TP.HCM cho biết cách đây 1 tháng, anh đã tiếp nhận một bé viêm phổi hít khá nặng do bà nội vắt chay vào miệng bé khi cháu đang lên cơn co giật. Ảnh minh họa. Sở dĩ cháu bé bị viêm phổi hít vì trong lúc bé đang...