Dùng thảo mộc giải nhiệt, chữa bệnh
Nhiều bà nội trợ thường mua các bó lá bán sẵn về nấu nước uống để thanh nhiệt, giải độc. Tuy nhiên, mỗi loại có những lưu ý và kiêng cử riêng, khi sử dụng cần phải nắm rõ.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay, Trưởng bộ môn Bệnh học, Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM cho biết, nước mát là tên dân gian dùng để gọi các loại nước nấu từ dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, làm cho mát, hạ sốt, thường được nấu và dùng trong gia đình vào mùa nắng nóng.
Nguyên nhân làm cơ thể bị nhiệt là uống không đủ nước, do ảnh hưởng của khói, bụi, sức nóng của môi trường, do nhiễm siêu vi, vi trùng, mất nước do táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra còn là do chức năng giải độc của cơ thể kém, mắc các bệnh mãn tính, phải dùng thuốc dài ngày… Vì thế, việc thanh nhiệt, giải độc là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, nhiều bà nội trợ thường mua các bó lá bán sẵn ngoài chợ, thường có các loại rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, rau bắp, cây thuốc dòi… về nấu uống với mục đích thanh nhiệt, giải độc. Đây là những thảo mộc có công dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Có thể nấu riêng từng thứ hoặc kết hợp với nhau. Tuy nhiên, mỗi loại đều có những lưu ý và kiêng cử riêng khi sử dụng cần phải nắm rõ.
Cây thuốc dòi hay còn gọi là cây bọ mắm
Cây thuốc dòi (bọ mắm).
Theo đông y, cây thuốc dòi có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho do viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu… Liều dùng trung bình cho mỗi ngày từ 10 đến 20 g, sắc uống. Loại thuốc này còn được dùng như thuốc điều kinh và cả để gây sẩy thai. Vì vậy phụ nữ có thai không nên uống nhiều loại thảo dược này.
Rễ cỏ tranh
Trong đông y, thuốc từ rễ cỏ tranh có tên gọi là mao căn. Tùy mục đích sử dụng mà được bào chế và có tên gọi khác nhau, ví dụ:
- Bạch mao căn (rễ cỏ tranh): Rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô, sàng bỏ chất vụn…
- Mao căn thán (rễ cỏ tranh sau khi đốt): Lấy những đoạn bạch mao căn cho vào nồi sao tới màu nâu đen, phơi khô…
- Sinh mao căn (rễ tranh tươi): Rửa sạch, thái nhỏ.
Rễ cỏ tranh.
Rễ cỏ tranh đã được dùng làm thuốc từ 2000 năm trước và là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cỏ tranh có ở nhiều quốc gia và ở mỗi nước, nó lại được dùng để chữa trị các loại bệnh khác nhau. Rễ cỏ tranh được kết hợp với vài loại thảo mộc khác để trị bệnh trĩ. Ngoài ra, rễ loại cây này được dùng để hạ sốt, trị nôn ói, phù thũng, trị bệnh lậu và các rắc rối ở đường tiết niệu.
Video đang HOT
Rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh Tâm, Phế, Tỳ, Vị và Bàng quang. Có công năng thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế nhiệt. Chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu… Lưu ý người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.
Cây mía lau
Theo đông y, mía lau vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Mía lau trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, tân dịch bất túc, táo bón.
Nước uống ngày nắng nóng: Mía lau 3 khúc, bỏ vỏ, chẻ ra thành những miếng mỏng, rễ cỏ tranh 20 g, nấu lấy nước uống.
Lưu ý: Ho do phong hàn (ho kèm đờm màu trắng) thì không nên dùng. Nếu mía mốc, có mùi rượu là mía đã bị axit hóa không ăn được, nếu không có thể bị ngộ độc.
Cây mã đề
Còn gọi là mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhả én.
Xa tiền tử là hạt mã đề phơi khô hay sấy khô. Mã đề thảo (xa tiền thảo) là toàn cây mã đề bỏ rễ phơi hay sấy khô. Lá mã đề tươi hoặc sấy khô cũng có công dụng rất tốt.
Toàn thân mã đề chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin còn gọi là aucubozit. Trong lá có chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K yếu tố T. Trong hạt chứa chất nhầy, axit plantenolic, adnin và cholin.
Cây mã đề.
Mã đề có tác dụng lợi tiểu, chữa ho, kháng sinh…
Tác dụng lợi tiểu: Uống nước sắc mã đề, lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng ure, axit uric và muối đều tăng.
Tác dụng chữa ho: Nước sắc mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ.
Tác dụng kháng sinh: Nước mã đề có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng bệnh ngoài da.
Râu bắp (râu ngô)
Râu bắp còn có tên gọi là ngọc mễ tu. Râu bắp loại có sợi dài, dai, màu nâu hung, vị ngọt, khô mà mềm được coi là loại tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình. Quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết. Râu bắp tươi và râu bắp khô đều dùng được.
Râu bắp.
Râu bắp có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (, vitamin H (biotin), vitamin C, vitamin PP, các chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác. Vì thế khi uống nước râu bắp, có cảm giác ngọt, ngậy và mát..
Uống nước râu bắp hàng ngày có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng, ngoài ra còn làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông. Sử dụng thường xuyên nước luộc râu bắp cho người sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
Cây lẻ bạn lá lớn
Cây lẻ bạn lá lớn hay còn gọi là cây hoa sò huyết, là một cây thảo, sống nhiều năm. Thường dùng hoa hoặc lá làm thuốc, dùng tươi hay phơi khô.
Cây lẻ bạn lá lớn.
Theo y học cổ truyền, cây lẻ bạn vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.
Hoa cúc – cúc hoa
Theo đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt.
Cúc hoa.
Một số nghiên cứu còn cho thấy hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon.
Như vậy, theo phó giáo sư Bay, các loại thảo dược trên đều thuộc vào nhóm thanh nhiệt, lợi tiểu… nên sẽ có tác dụng làm mát, giải độc cho cơ thể. Công thức phổ biến thường dùng thay nước uống hàng ngày trong mùa nóng là lá thuốc dòi 100 g, mã đề 100 g, rễ tranh 100 g, râu bắp 50 g, mía lau 2-3 khúc, cây lẻ bạn lá lớn 2 lá. Tất cả đem rửa sạch rồi nấu trong 2-3 lít nước đến khi sôi, giữ sôi thêm 10-15 phút là dùng được.
Ngoài ra có thể dùng vài khúc mía lau, phối hợp với các loại tùy địa phương có sẵn như kèm một nắm râu bắp, hoặc rễ tranh hay mã đề… rửa sạch nấu với 2-3 lít nước để sôi rồi giữ lửa sôi thêm 10 phút, để nguội uống dần.
Theo VNE
Cây vối thanh nhiệt, giải độc
Cây vối thuộc họ sim, là loại cây mọc nhiều ở nhiệt đới. Theo Đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn.
Từ lâu, cây vối (lá, nụ, vỏ, rễ) được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Đặc biệt, nụ vối hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường rất tốt. Theo nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường nếu uống thường xuyên chè nụ vối sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh đái tháo đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vối
Hỗ trợ điều trị tăng mỡ máu: Nụ vối 15 - 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Uống thường xuyên sẽ cho kết quả điều trị tốt.
Hoặc dùng 5 loại hoa, gồm nụ vối, kim ngân hoa, hoa cúc, hoa đại, hoa mộc miên (hoa gạo), chế thành dạng trà, uống mỗi ngày, rất tốt cho người bệnh mỡ máu cao.
Vối có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn
Trị đau bụng đi ngoài, phân sống: Lá vối 3 cái, vỏ ổi 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 - 3 ngày.
Chữa đầy bụng, không tiêu: Vỏ thân cây vối 6 - 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày hoặc dùng nụ vối 10 - 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lá vối vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu.
Hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da: Dùng rễ vối 200g sắc uống mỗi ngày.
Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ, thường xuyên đi phân sống: Lá vối tươi 200g, vò nát, thêm 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
Theo VNE
Ăn cà tím tốt cho sức khỏe Theo Đông y, cà tím có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu viêm, thông mật, nhuận tràng, điều hòa tiêu hóa, thông tiểu. Cà tím (cà dái dê) có tên khoa học là Solanum melongena, họ cà. Quả dài lòng thòng với hình dáng như tinh hoàn dê đực nên có tên cà dái dê. Gọi...