Đừng than trời vì sự thay tính đổi nết khi con lên 3, cha mẹ nên hiểu nguyên nhân sâu xa này để đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp
Khi trẻ bước vào độ tuổi lên 3, không ít cha mẹ đã phải “than trời” vì các bé trở nên ương bướng, khó bảo, khó chiều.
Nhà tâm lý học V. Keler đã chỉ ra một số biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 3: Bướng bỉnh, ngang ngạnh, ngoan cố, thích nói ngược, làm ngược, tự tiện, vô lễ… Đương nhiên, với hàng loạt thay đổi theo chiều hướng không mấy tích cực của trẻ thì cha mẹ nào chẳng… hãi hùng.
T ại sao trẻ trở nên ương bướng tuổi lên 3?
Không phải tất cả mọi đứa trẻ đều đúng 3 tuổi là bắt đầu thay tính đổi nết. Tùy thuộc vào sự phát triển cơ thể và nhận thức khác nhau mà giai đoạn khủng hoảng này cũng sẽ đến sớm hay muộn. Và việc trẻ “ nổi loạn” cũng có thể ít nhiều tùy tính cách từng bé.
TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia cho rằng: Những biến đổi về tâm lý của trẻ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo về khoa học người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hơn nữa, sự thay đổi môi trường, không được thỏa mãn một số điều ở trường nên khi về nhà cháu sẽ “bùng phát” và đòi được đáp ứng nhưng chính trẻ lại rất mơ hồ về mong muốn của mình. Chính vì thế người lớn đưa cho gì cũng lắc đầu và cách duy nhất mà nhiều trẻ làm đó là khóc ăn vạ…
Trẻ em độ tuổi lên 3 ương bướng, ngang ngạnh và hay khóc lóc, ăn vạ (Ảnh minh họa).
Xét chung nguyên nhân khiến trẻ “khủng hoảng tuổi lên 3″ có thể giải thích bởi 3 lý do sau:
1. Tăng nhận thức về thế giới xung quanh
Ở độ tuổi lên 3, thế giới quan của trẻ phát triển mạnh mẽ nên các bé luôn muốn thể hiện sự độc lập, khẳng định cái tôi của mình. Tuy nhiên, do chưa nhận thức được đầy đủ về hậu quả nên trẻ khăng khăng hành động theo ý mình, thậm chí bố mẹ càng ngăn cản con càng muốn làm bất kể đúng – sai, tốt – xấu. Và cũng bởi lẽ đó, các bậc phụ huynh hầu hết cảm thấy “khủng hoảng” khi các con bước sang tuổi lên 3.
2. Sự phát triển của thể chất
Video đang HOT
Khi 3 tuổi, trẻ cũng bắt đầu hoàn thiện dần chức năng của các cơ tay, ngón tay trở nên khéo léo, bước đi vững vàng, tăng cường một số kỹ năng vận động nên khả năng tự phục vụ mình rất tốt. Trẻ thích được khám phá, mày mò và tự làm mọi việc từ đi tất, mặc quần áo, xách đồ… Đặc biệt, trẻ sẽ so sánh mình với người lớn, muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, các bé chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột.
3. Kỹ năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện
Ở tuổi này, do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn dẫn đến bố mẹ không hiểu ý. Ngược lại, trẻ cũng chưa hiểu hết lời giảng dạy, khuyên can của người lớn nên cứ khăng khăng làm theo ý mình. Chính sự phát triển chưa đầy đủ về mặt ngôn ngữ là rào cản giữa cha mẹ và các bé độ tuổi lên 3, khiến các con càng dễ cáu bẳn và nổi khùng.
Cha mẹ nên làm gì trong giai đoạn con khủng hoảng?
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM khẳng định: “Trẻ lên 3 bắt đầu ý thức về cái tôi và có khuynh hướng muốn được hành động theo ý thích của mình.
Vì vậy, nếu cháu có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện. Trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục làm, người lớn có thể giả vờ không quan tâm tới (trẻ con dễ quên và dễ bị phân tâm bởi những điều mới lạ khác). Khi cần xử phạt có thể sử dụng cách không được đi chơi bên ngoài với ba mẹ hoặc không được đọc truyện, kể chuyện cho nghe thay cho hình thức đánh đòn sẽ phản tác dụng khiến trẻ trở nên ương bướng hơn”.
Theo Helino
7 biểu hiện chứng tỏ con đang "khủng hoảng tuổi lên 3": Ăn vạ, ích kỷ và đủ điều khiến bố mẹ sợ khiếp vía
Giai đoạn khủng hoảng này của trẻ thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau.
Bước vào thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ thường có nhiều sự thay đổi trong tâm tính, trở nên ương bướng khó bảo khiến nhiều bố mẹ vô cùng mệt mỏi.
Vậy khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
Khủng hoảng tâm lý là một khái niệm thường gặp trong Tâm lý học. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu trong "Lý thuyết về sự phát triển Tâm lý xã hội" của nhà Tâm lý học người Đức Erik Erikson.
Theo Erikson, cuộc đời mỗi người trải qua 8 giai đoạn riêng biệt: Sơ sinh đến 1 tuổi rưỡi; Thời thơ ấu; Tuổi vui chơi; Tuổi đến trường; Tuổi mới lớn; Thanh niên; Trung niên và Cao niên. Mỗi giai đoạn sẽ có khủng hoảng tâm lý đặc trưng riêng và "Khủng hoảng tuổi lên 3" thuộc giai đoạn 2 là Thời thơ ấu.
Trẻ lên 3 sẽ trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý. Ở độ tuổi này, trẻ đã nhận thức được mình là một cá nhân độc lập và cố gắng khẳng định sự tự chủ trong mọi hành động.
Trẻ biết được mình có nhiều khả năng, kỹ năng và mong muốn được tôn trọng, được làm nhiều thứ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, trẻ vẫn bị kiểm soát quá mức ở người lớn nên dẫn đến những phản ứng tiêu cực.
Khủng hoảng tuổi lên 3 kéo dài trong bao lâu?
Giai đoạn khủng hoảng này của trẻ thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau. Vì mỗi trẻ có thể chất, tình cảm, sự phát triển khác nhau.
Trái ngược với thời kỳ ổn định, giai đoạn khủng hoảng này thường không kéo dài, thậm chí có thể chỉ xảy ra trong một vài tháng.
7 dấu hiệu trẻ đang trong giai đoạn "Khủng hoảng tuổi lên 3"
Trong cuốn sách "Về nhân cách trẻ 3 tuổi", nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky đã chỉ ra 7 dấu hiệu khủng hoảng của trẻ trong giai đoạn này như sau:
Phản ứng tiêu cực: Thông thường trẻ sẽ nghe lời và làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của bố mẹ. Nhưng ở giai đoạn này, trẻ không nghe lời và có phản ứng chống đối vô cùng mạnh mẽ, tiêu cực.
Bướng bỉnh: Trẻ khẳng định về một vấn đề gì đó liên quan đến thế giới quan của mình và nhất định không đồng ý với cách giải thích khác, thậm chí chống đối lại sự hướng dẫn, quy tắc, lối sống của người lớn.
Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thỏa mãn, đòi hỏi của bản thân. Nhiều khi trẻ đòi làm cho bằng được, không phải vì thật sự thích mà là muốn bố mẹ phải chịu thua mình.
Ích kỷ: Trẻ tỏ ra ích kỷ và chuyên quyền với mọi thứ xung quanh, muốn tất cả phải thuộc về mình và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai.
Ăn vạ: Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ phản kháng bằng cách khóc lóc, mè nheo, thậm chí đập phá đồ đạc, tự làm mình bị thương để đạt được mục đích. Đây là sự phản kháng mang tính chất ngang ngạnh và cố chấp nhất.
Tự tiện và tò mò: Đây được coi là biểu hiện muốn thoát khỏi sự quản lý của người lớn. Trẻ tự mình quyết định làm gì đó mà không cần sự đồng ý của bố mẹ.
Chẳng hạn như tự cắt tóc, tự chọn quần áo mặc, lấy son vẽ lên tường,...
Vô lễ với người lớn: Khi không vừa lòng với điều gì đó, trẻ bắt đầu nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn. Một số trẻ thậm chí còn cấu véo, cắn, giơ tay đánh bố mẹ.
Theo Nhịp sống Việt
"Con ghét bố!" - một ngày trẻ bỗng hét lên khiến người mẹ giật thót, lập tức sửa đổi sai lầm của bản thân Cô con gái 4 tuổi của chị còn hét lên với mẹ: "Con ghét bố!" để tỏ thái độ phản đối kịch kiệt. Chị sững sờ còn chồng chị cũng phải giật thót khi nghe con nói như vậy. Vợ chồng chị qua đó mới ý thức được mình đã thật sự sai lầm. Cha mẹ là những người gần gũi nhất với...