Dừng tái xuất lúa mì nhiễm cỏ, ngành thực phẩm thở phào
Các doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để thích ứng khi chưa phải tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11 như thông báo trước đó
Thông tin trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố tại cuộc họp giữa cục với Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM (FFA) và các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lúa mì sáng 17-10 tại TP Hà Nội, xung quanh các khó khăn của DN trong việc nhập khẩu lúa mì thời gian qua.
Lo trở tay không kịp
Trước đó, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản cho biết từ ngày 1-11 sẽ áp dụng biện pháp tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Đây là loại cỏ thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm 1 – nhóm sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật và sản ph ẩm thực vật, chưa có trên lãnh thổ Việt Nam. Từ tháng 5 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng trong tổng số hơn 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Nga.
Mới có thông tin phải tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, giá bột mì đã rục rịch tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, theo các DN, việc ban hành văn bản với thời hạn áp dụng quá gấp (ban hành ngày 5-9), áp dụng từ ngày 1-11, khiến DN không kịp tìm nguồn hàng thay thế. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, trước thông tin tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, giá bột mì trên thị trường đã rục rịch tăng làm ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng có sử dụng lúa mì làm nguyên liệu như bột mì, bánh mì, bánh kẹo… TS Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo doanh nhân APEC – cho rằng trước khó khăn của DN, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ để vừa bảo đảm mục tiêu ngăn chặn cỏ dại và bảo đảm vấn đề kinh tế – xã hội.
Tại cuộc họp, các DN đề xuất nên cho phép tỉ lệ lẫn cỏ kế đồng thay vì quy định cấm tuyệt đối như hiện nay. Thời gian qua, những lô lúa mì lẫn cỏ kế đồng đã được giám sát tốt, không để phát tán ra bên ngoài nên có thể duy trì tiếp tục mà không phải tái xuất để tránh thiệt hại cho DN và sản xuất.
Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Công ty Bột mì Thiết Lập (Vĩnh Long), cho hay đối tác bán hàng đồng ý xử lý cỏ trong lô hàng trước khi xuất khẩu với giá 5-10 USD/tấn nhưng tỉ lệ lẫn cỏ vẫn còn khoảng 0,5%, không đối tác nào dám bán hàng với điều kiện tỉ lệ cỏ kế đồng là 0%.
Chỉ tạm dừng
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, trong kiểm dịch thực vật, chỉ cần xuất hiện 1 cá thể (1 hạt cỏ kế đồng) là đã kết luận lô hàng bị nhiễm và áp dụng biện pháp xử lý, không cho phép tỉ lệ %. Ngoài ra, số liệu thống kê cũng cho thấy không phải lô lúa mì nào cũng bị nhiễm cỏ kế đồng, số lượng các lô đạt yêu cầu nhiều hơn.
Video đang HOT
Ông Hoàng Trung nói việc tổ chức giám sát lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng thời gian qua có tính chất “tình thế” để hỗ trợ DN. Cục Bảo vệ thực vật phải huy động rất nhiều nhân lực để giám sát lô hàng từ cầu cảng đến bốc dỡ, chuyển về kho, xay xát chế biến xong tại nhà máy. Có những lô hàng 60.000-70.000 tấn của nhiều chủ hàng, chia về hơn 40 điểm, cơ quan bảo vệ thực vật phải đến từng điểm để giám sát, rất vất vả.
Kết thúc cuộc họp, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông báo sẽ tạm dừng áp dụng biện pháp tái xuất lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11 nhưng đây chỉ là “giải pháp tình huống”, chưa biết sẽ tạm dừng trong bao lâu. “Sắp tới, cục sẽ đàm phán với các nước xuất khẩu lúa mì có vi phạm là Mỹ, Nga, Canada về vấn đề này để tìm hướng giải quyết. Các DN phải chuẩn bị tuân thủ quy định, chúng tôi sẽ thông báo cho DN 1 tháng trước khi có quy định mới” – ông Hoàng Trung kết luận.
NGỌC ÁNH
Theo nld.com.vn
Đau đầu xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium
Phải có giải pháp xử lý mạnh tay đối với lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium, nếu không sẽ gây hệ lụy lớn đến ngành nông nghiệp.
Oằn mình đi kiểm dịch
Giải pháp đối phó với lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium (cây kế đồng) trở thành vấn đề nóng tại Tòa đàm về nhập khẩu lúa mì của doanh nghiệp Việt tổ chức chiều 5/10 tại Hà Nội.
Lê Sơn Hà, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật: 10 tháng qua cơ quan BVTV đã căng mình kiểm định để ngăn chặn nguy cơ cỏ Cirsium thâm nhập và phát tán tại Việt Nam (Ảnh: Hồng Quang)
Ông Lê Sơn Hà, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu gần 4 triệu tấn lúa mì, trong đó hơn 1,2 triệu tấn, tức 30% lượng nhập khẩu có chứa cỏ Cirsium. Mới đây, đã phát hiện lô hàng hơn 500 tấn lúa mì nhập khẩu vào thành phố Hồ Chí Minh cũng chứa loại cỏ nguy hại này.
Lý giải về tính nguy hại của cỏ Cirsium, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết, loại cỏ này chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho 27 loại cây trồng khác nhau. Nhiều nước như Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ đã liệt Cirsium vào loại thực vật nguy hại và bị cấm.
Ông Lê Sơn Hà cho rằng đã có nhiều bài học về xử lý loại cỏ này. Đơn cử như Mỹ hàng năm thiệt hại hàng chục triệu USD do loại có này làm mất mùa. Hơn nữa, nếu dùng thuốc diệt cỏ thì sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường.
Đặc biệt, hạt cỏ Cirsium rất nhỏ, với khả năng lây bệnh rất cao bởi hạt cỏ này có thể tồn tại 20 năm trong nước mà vẫn nảy mầm. Nếu loại cỏ này xâm nhập vào nước ta thì nguy cơ hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi một số nước sẽ bị cấm, bởi đã có nước cấm loại cỏ này.
Tháng 5/2018, cơ quan BVTV Việt Nam đã gửi thông báo tới các nước xuất khẩu lúa mì có chứa cỏ Cirsium. "Từ nhiều tháng nay, mỗi ngày chúng tôi huy động hơn 30 cán bộ căng mình xử lý các lô hàng lúa mì chứa cỏ Cirsium," ông Hà chia sẻ.
Đánh đổi lợi ích để nhập khẩu?
Đại diện Cục BVTV cho biết, bằng chứng trên thế giới và thậm chí kiểm nghiệm trong nước về tác hại loại cỏ này là rất rõ. Nếu loại cỏ này xâm nhập vào Việt Nam, thì hậu quả và thiệt hại là rất lớn.
Do đó, đại diện Cục BVTV kiến nghị, cần xử lý cỏ Cirsium bằng các biện pháp thông thường như làm sạch bằng quạt thổi, sàng lọc... để tránh ảnh hưởng môi trường; hoặc lựa chọn nguồn nhập khẩu lúa mì khác từ Brasil, Australia, Kazakhstan không lẫn loại cỏ này.
Cần phải có biện pháp mạnh tay ngăn chặn cỏ Cirsium thâm nhập vào Việt Nam, tránh để vấn đề trở nên nan giải và khó xử lý như ốc bươu vàng, và hơn nữa là bảo vệ lợi ích chung của ngành nông nghiệp và hàng triệu hộ nông dân, đại diện Cục BVTV khuyến cáo.
Để đối phó với cỏ nguy hại Cirsium, các biện pháp như yêu cầu tái xuất hoặc cấm nhập khẩu lúa mì có chứa cỏ Cirsium cũng sẽ được xem xét, ông Lê Sơn Hà nhấn mạnh.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu lúa mì, bột mì để phục vụ sản xuất mì tôm, bánh, sữa, thức ăn gia súc, làm keo cho ván ép công nghiệp... những năm qua đều tăng cao.
Ông Phan Thông Cường, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mỳ: Rất khó tìm kiếm nguồn nhập khẩu lúa mỳ có chất lượng tốt mà đảm bảo không chứa cỏ nguy hại Cirsium. (Ảnh: Hồng Quang)
Theo ông Phan Thông Cường, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mỳ, doanh nghiệp này đã điều chỉnh nguồn nhập khẩu lúa mì bằng việc xúc tiến nhập khẩu lúa mì từ các nước khác như Australia và Brazil.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là giá cả, mà nằm ở chất lượng lúa mì bởi nguồn lúa mì từ Canada và Nga có chất lượng tốt hơn và khó thay thế. Trong khi đó, nguồn lúa mì nhập khẩu từ Argentina và Brazil khá bấp bênh, nếu không được mùa họ sẵn sàng để tiêu dùng trong nước thay vì xuất khẩu, ông Cường cho biết.
"Chúng tôi đã đề nghị các nhà xuất khẩu từ Canada và Nga xử lý và cam kết xử lý cỏ Cirsium trong hợp đồng cung cấp, nhưng phía Canada đã phản hồi sẽ không bán sang Việt Nam nữa", ông Cường nói.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, nếu áp dụng ngay các quy định cấm nhập khẩu hoặc tái xuất lúa mì chứa cỏ Cirsium sẽ kéo theo những khó khăn về nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp, thậm chí là ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nếu không nhập khẩu được nguồn lúa mì có chất lượng, dẫn đến hệ lụy về hoạt động sản xuất, việc làm của công nhân lao động.
Chuyên gia kinh tế nông nghiệp Trần Duy Khanh nhận định, nếu lúa mì có chứa cỏ Cirsium được nhập khẩu về làm hạt giống thì nhất định phải cho tái xuất hoặc cấm nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu lúa mì nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi, đều phải nghiền và xử lý nấu chín, thì cần xem xét kỹ lưỡng khi áp dụng biện pháp tái xuất, cấm xuất hoặc tiêu hủy, bởi lẽ doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, vừa yếu về tiềm năng tài chính và công nghệ, cần phải linh hoạt trong áp dụng các biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ông Khanh lập luận.
Ở góc độ khác, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đặt vấn đề: "Nguy hại sẽ ra sao, hàng triệu nông dân sẽ ra sao khi cỏ dại Cirsium thâm nhập vào Việt Nam?"
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: "Nguy hại sẽ ra sao, hàng triệu nông dân sẽ ra sao khi cỏ dại Cirsium thâm nhập vào Việt Nam?". (Ảnh: Hồng Quang)
Ông Thủy cho biết, hiện khoảng 75% sản lượng nhập khẩu phục vụ chế biến thực phẩm còn lại 25% sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. "Thức ăn chăn nuôi gắn liền với người nông dân, liệu nông dân có treo niêu không khi hoạt động nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi cỏ Cirsium?"
Cần đánh giá tác hại của cỏ Cirsium thật cụ thể và cẩn trọng trước khi đi đến quyết định áp dụng các biện pháp đối với nhập khẩu lúa mì, ông Thủy kiến nghị./.
Theo CTV Hồng Quang/VOV.VN
BÁO ĐỘNG ĐỎ: 2,2 triệu ha đất bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ Trong những năm qua, việc lạm dụng và sử dụng phân bón vô cơ diễn ra tràn lan đã hủy hoại ít nhất 2,2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp (đất bạc màu, chua, mặn...). Trước thực trạng đó, hôm nay (9.3), Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ. Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã có...