Dũng sĩ săn Fulro một thời giờ hóa “người rừng”
Nhiều năm qua, ông K’Ten (59 tuổi, ở Lâm Đồng) đã không quản ngại nguy hiểm, ngày ngày lội suối, leo dốc để tuần tra, bảo vệ rừng thông đỏ quý hiếm.
Nhiều năm qua, ông K’Ten (59 tuổi, người dân tộc Cơ Ho, thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyệnĐức Trọng, Lâm Đồng) đã không quản ngại nguy hiểm, ngày ngày lội suối, leo dốc để tuần tra, bảo vệ rừng thông đỏ đặc biệt quý hiếm. Nhiệt huyết của K’Ten khiến bà con trong vùng cảm phục, gọi bằng cái tên đầy cảm mến “ Người rừng K’Ten”.
Dũng sĩ săn Fulro một thời
Sinh ra tại buôn Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), năm 17 tuổi, K’Ten là một trong số ít người Cơ Ho sớm giác ngộ cách mạng, chiến đấu tại khu vực núi Voi. Năm 20 tuổi, K’Ten lấy vợ và chuyển về thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Trong thời gian này, bọn phản động Fulro cực kỳ manh động, chúng sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ ai dám chống lại. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí, ông trở thành tổ trưởng lực lượng vũ trang chuyên săn Fulro, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt, lập nhiều thành tích.
Ông K’Ten bên gốc cây thông đỏ quý hiếm trong rừng nguyên sinh. ảnh: N.T
Năm 1981, trong một lần chiến đấu quyết liệt với 5 tên Fulro tại suối Tà Rèn gần khu vực thác Prenn, ông K’Ten không may bị thương, phải rời quân ngũ. Một thời gian sau, nhân chính quyền đang cần người bảo vệ rừng thông đỏ đặc biệt quý hiếm, ông K’Ten đã xung phong đảm nhận…
Theo nghiên cứu của Phân viện Sinh học Tây Nguyên, cây thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae), là loài thực vật rất quý hiếm, có giá trị lớn về đa dạng sinh học. Đặc biệt lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại bệnh ung thư. Cây thông đỏ được y học dân gian dùng trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; giun đũa, đau đầu…
Hiện, ông K’Ten bảo vệ 57 cây thông đỏ nằm trong rừng nguyên sinh rộng 32ha thuộc các tiểu khu: 268, 277 thuộc xã Hiệp An (Đức Trọng). Trước đây, rừng thông đỏ cổ thụ hay bị lâm tặc tàn phá. Rất nhiều cây hàng trăm năm tuổi đã bị chúng chặt hạ không thương tiếc. Nhưng kể từ ngày ông nhận bảo vệ, không còn thấy bóng dáng lâm tặc nữa. Năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp điện tử và đóng số vào những cây thông đỏ nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ loài thông quý hiếm, tuy vậy cuộc chiến bảo vệ loài cây quý này vẫn chưa hết gian nan…
Không nao núng trước lâm tặc
“Một tuần có 7 ngày thì ít nhất 5- 6 ngày tôi có mặt trong rừng, vậy mà không thấy mệt mỏi, ngược lại được thấy cây rừng xanh tươi, tôi càng thấy mình khỏe hơn” – K’Ten vừa nói vừa dẫn chúng tôi vào rừng sâu, tìm tới vị trí những cây thông đỏ cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ở tuổi gần 60, ông vẫn leo núi thoăn thoắt khiến chúng tôi phải mệt bở hơi tai mới theo kịp… Trên đường đi, thi thoảng lại thấy những gốc thông bị cưa nham nhở, mục nát. Ông K’Ten cho biết đây là những cây thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt phá từ thời ông chưa làm bảo vệ. Nghe câu chuyện của ông, chúng tôi phần nào hiểu được để giữ được những gốc thông đỏ quý giá này, ông K’Ten phải đối diện với biết bao vất vả, hiểm nguy.
Video đang HOT
Ông kể: “Có lần tôi chở vợ đi khám bệnh, bọn lâm tặc tổ chức chặn đường gây sự, bảo tôi không được coi rừng thông đỏ nữa. Người nhà lo sợ khuyên nghỉ việc nhưng tôi vẫn không nao núng. Lần gần đây nhất, bọn người xấu đã “khủng bố” nhà tôi bằng cách bỏ thuốc sâu xuống ao làm cá chết hết. Tuy nhiên, dù chúng có giở trò gì cũng không thể khiến tôi nhụt chí. Để giữ những cây thông đỏ núi Voi, chỉ những người không sợ cái chết như tôi mới đủ dũng khí đối đầu với lâm tặc”. Chia tay chúng tôi, ông K’ Ten nói rằng: “Đối với tôi, bảo vệ rừng thông đỏ không chỉ là hoàn thành công việc được giao đơn thuần. Cánh rừng nguyên sinh với những cây thông đỏ này là ân nhân đã chở che tôi và đồng đội qua những ngày tháng chiến đấu chống bọn Fulro phản động. Và bây giờ là lúc tôi phải trả nghĩa cho những người bạn ấy…”.
Theo Dân Việt
Chuyện lạ về hai "người rừng" giữa miền... trung du
Giữa vùng trung du Lập Thạch (Vĩnh Phúc), có nhiều đồn thổi về hai chị em "người rừng" sống dị biệt với thế giới bên ngoài, 50 năm không biết đến bệnh viện... khiến không ít người tò mò.
Sống biệt lập suốt 50 năm
Tìm về thôn Ngọc Liễn, xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) trong cái se lạnh đầu xuân, khi hỏi về hai chị em "người rừng" Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Muôn, nhiều người dân nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên rồi nói: "Các anh tìm đến hai "người rừng" đó hả. Tốt nhất là các anh đừng lên đó, sợ lắm".
Con đường mòn lầy lội dẫn chúng tôi đến khu ốc đảo rộng lớn và vắng vẻ, có phần bí ẩn của hai "người rừng" như người dân ở đây vẫn quen gọi. Lần dò từng bước đi để tìm lối lên đảo, trong lòng có chút bất an khi chợt nhớ đến những lời cảnh báo của người dân.
Lên đến nơi, chưa kịp định thần, chúng tôi đã nghe tiếng ho húng hắng của một người đàn bà co ro vì lạnh từ phía vườn đi ra. "Cháu thông cảm, vì mọi người ở nơi đây đều gọi hai chị em cô là người rừng, nên có ai dám bước chân lên ốc đảo này đâu", người đàn bà này cho biết.
Trong căn nhà ngổn ngang đồ vật cũ, chỉ có bàn thờ tổ tiên được kê ngay ngắn và bài trí trang trọng. Người đàn bà tự giới thiệu: "Cô là Nguyễn Thị Ngọc, gia đình cô sống ở đảo này từ năm 1948. Lúc đó ông cụ sinh ra cô quê gốc Thanh Hoá làm thầy lang. Sau khi được người nhà bệnh nhân mời đến chữa bệnh, thấy ở đây thuận lợi cho việc sinh sống và hành nghề, nên cụ ông đã định cư.
Nguồn thực phẩm trên đảo được hai chị em cô Ngọc tự cung cấp để đảm bảo sức khoẻ. Ảnh: Đ.T
Do thực dân Pháp vào làng càn quét, nên hai cụ đã mua đảo này để ở. Đảo có diện tích 2,2 mẫu và cũng là nơi 7 anh em nhà cô sinh ra ở đây. Hiện nay 5 anh em đã sinh sống ở nơi khác, chỉ còn hai chị em không lấy chồng nương tựa vào nhau".
Nói về biệt danh "người rừng", cô Ngọc cho biết: "Thực ra, hai chị em cô vẫn bình thường như bao người dân trong làng này, nhưng không hiểu tại sao đi đến đâu họ cũng gọi các cô là "người rừng". Có thể mọi người cho rằng: Trong làng điều kiện sinh hoạt thuận lợi không ở, lại ra khu ốc đảo hoang vắng, cây cối um tùm này ở chăng?
Lúc đầu ra đây ở, mọi người nhìn các cô với ánh mắt khác thường, cứ nhìn thấy các cô đi ở đâu đó là họ lại tụm năm tụm ba, chỉ trỏ kể đủ thứ chuyện về các cô. Họ cho rằng các cô là những người lập dị không giống những người ở đây. Rồi những câu chuyện thêu dệt ma quái để nói về các cô và cái tên "người rừng" cũng xuất hiện từ đó".
"Thấy mọi người gọi các cô như vậy và đi đâu cũng trở thành đề tài bàn tán, các cô bức xúc lắm, nhưng biết làm thế nào được khi họ mọi người không hiểu mình và có quyền được nói. Nói nhiều, nghe nhiều đâm thành quen" - cô Ngọc tâm sự.
Hơn 50 năm chưa biết đến bệnh viện
Đang trò chuyện với cô Ngọc, chúng tôi thấy một người phụ nữ thân hình nhỏ bé, nở nụ cười tươi rói đi vào sân. "Cô Môn, em gái cô vừa đi cấy về đó. Cô Môn ở đây với cô vài chục năm nay rồi. Hai chị em cô không xây dựng gia đình, nương tựa vào nhau mà sống" - Cô Ngọc giới thiệu.
Theo chân cô Môn đi hái những lá thuốc trên đảo để về làm thuốc, cô cho biết: "Lúc mới ra đảo này nhiều ổi lắm, nên các cô gọi là đảo ổi. Nhưng đảo cũng có rất nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh, mấy năm trước, nhiều người ở mọi nơi tìm đến đây để đào trộm cây thuốc về bán và phá đảo,các cô phải đấu tranh nhiều lắm mới giữ được đó". Đưa chúng tôi đi thăm ốc đảo giữa những cơn mưa phùn không ngớt và cái rét lạnh thấu xương. Cô Môn cho biết: "Tất cả những thứ có trên đảo này các cô đều tự trồng, tự làm. Từ đồ dùng, vật dụng đến nguồn thực phẩm phục vụ cho bản thân. Cho nên hơn 50 năm nay các cô chưa biết đến bệnh viện hay viên thuốc để chữa bệnh".
Cô Ngọc vốn là giáo viên THCS nghỉ hưu, được đọc và tiếp cận với nhiều sách khoa học nên nhiều kiến thức được cô áp dụng thực hiện theo. Mặt khác, nhà cô có nghề thuốc Nam gia truyền nên cô đều tự chữa bệnh cho mình bằng các cây thuốc trên đảo. Ngay cả chuyện ăn uống, sinh hoạt các cô cũng tuân theo tự nhiên nên bệnh tật bị đẩy lùi.
Để xác nhận lời nói của mình, cô Ngọc chỉ cho chúng tôi mọi thứ đang hiện hữu trên ốc đảo. Từ các loại rau xanh như xu hào, bắp cải, súp lơ, rau thơm đang xanh non mơn mởn đến ao thả cá và khu chăn nuôi gà vịt.
Chỉ tay về phía khu nuôi chim bồ câu, cô Ngọc chia sẻ: "Đây là giống chim bồ câu thuần chủng, ngày trước cô được một người bạn đồng nghiệp cho một đôi, sau đó cô nhân giống dần. Đến nay cô có khoảng gần 300 đôi chim. Ngoài có trứng chim để ăn hàng ngày, hàng tháng cô đều bán cho lái buôn ở tỉnh".
Nụ cười tươi rói của hai "người rừng" giữ ốc đảo hoang vắng.
Cô Ngọc cho biết, trong một hôm đi chợ mua thức ăn, không may mua phải thực phẩm có hoá chất, sau khi ăn xong cô phải đi cấp cứu. Từ đó trở đi, các cô không bao giờ mua bất kỳ thực phẩm gì ở chợ nữa.
Xác định tự cung tự cấp để đảm bảo sức khoẻ, hai chị em cô Ngọc đã tạo cho mình lối sống hòa hợp với tự nhiên, cảnh vật nơi đây. Trên đỉnh ốc đảo cao gần 100m, các cô đào giếng khơi lấy nước ăn và để sinh hoạt. Cũng theo cô Ngọc cho biết: Nước ở trên ốc đảo này trong và rất mát ngọt. Nước ở đây không cần qua hệ thống xử lý lọc nào, bao nhiêu năm nay hai chị em cô vẫn sống khỏe với nguồn nước này.
Được biết, ngoài những cây cối và nguồn thức ăn có sẵn trên đảo, hai cô còn có hơn 2 sào ruộng để cấy lúa lấy gạo ăn.
Chưa bao giờ mua thực phẩm ở chợ
Cứ khoảng 1 tháng các cô mới đi chợ để mua những đồ nhu yếu phẩm, riêng thực phẩm thì không bao giờ mua. Có thể do lối sống gần gũi với thiên nhiên, có thực phẩm sạch từ ốc đảo, nên hơn 50 năm nay hai chị em cô Ngọc không phải đi bệnh viện bao giờ.
Ngày trước từ thời ông cụ thân sinh ra cô, có nhiều bài thuốc quý để chữa bệnh, trong khi đó trên ốc đảo này lại có nhiều nguồn dược liệu quý, nên hàng ngày các cô vẫn đi lấy những cây thuốc đó về bào chế thành các đơn thuốc để uống. Thậm chí những con vật nuôi nhà cô cũng được điều trị bằng những bài thuốc đó mỗi khi bị dịch bệnh.
Đang cắt từng cây thuốc quý, cô Môn cho biết: "Năm 2014 trên đảo này mất nhiều cây thuốc quý lắm. Không biết làm sao mà rất nhiều người lạ ở đâu tìm về lên đảo chặt phá cây. Họ hái thì không sao, nhưng đằng này họ đào tận gốc mang về. Nhiều lần hai chị em cô đã phải đấu tranh rất lâu để quyết giữ những cây thuốc quý. Vất lắm cháu ạ".
Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBND xã Liên Hoà cho phóng viên biết: "Cô Ngọc và cô Môn là hai người bình thường, sống giản dị và không có gì bất thường như mọi người đồn thổi. Cô Ngọc là giáo viên cấp 2 về hưu hiện đang tham gia Hội Cựu giáo chức xã và rất nhiệt tình với công việc, phong trào".
Chuyện về hai "người rừng" sống giữa ốc đảo hoang vắng và 50 năm họ không biết đến bệnh viện, được mọi người dân ở đây cho là hiện tượng lạ. Nhưng chúng tôi lại rất ấn tượng với cách sống gần gũi với thiên nhiên và tấm lòng gìn giữ mảnh đất cha ông của hai người phụ nữ thuần hậu này.
"Ai cũng có sở thích riêng, các cô cũng có sở thích được sống tự do thoải mái, được sống trong môi trường với không khí trong lành xanh mát, gần gũi với thiên nhiên thì tại sao lại gọi các cô là người rừng cơ chứ", Cô Ngọc thắc mắc về điều mà người dân nơi đây nói về chị em cô.
(Theo_Eva
Một ngày cùng "người rừng" lên núi Sau hơn 2 năm trở về hòa nhập cuộc sống cộng đồng, cha con người rừng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) vẫn kiếm sống bằng nghề săn bắt, bẫy thú trong những cánh rừng hoang sơ. Ngày 7-8-2013, lực lượng chức năng huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đã đưa hai cha con ông...