Đừng quá ‘xoắn’ về sán heo
Chuyên gia khẳng định người dân không nên hoang mang về sán dải heo, việc điều trị nó rất dễ dàng theo phác đồ của Bộ Y tế.
Xung quanh việc nhiều trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính khi thực hiện xét nghiệm máu Elisa để chẩn đoán sán dải heo, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Hồ Ngọc Quý, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, về vấn đề này.
Kết quả dương tính không hẳn đã bệnh
. Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao khi xét nghiệm Elisa dương tính thì chưa cần phải điều trị?
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Ngọc Quý
Bác sĩ Hồ Ngọc Quý: Xét nghiệm huyết thanh là một phương pháp xét nghiệm miễn dịch nhằm xác định sự hiện diện của kháng thể có trong máu (kháng thể được sản sinh để chống lại dị nguyên, ở đây là ấu trùng giun sán từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể) chỉ mang tính gợi ý. Do đó khi huyết thanh có kết quả dương tính với một loại giun sán nào đó cũng chưa thể xem đó là ca bệnh.
Để chẩn đoán xác định thường phải xem xét đến các triệu chứng lâm sàng kết hợp kết quả một số xét nghiệm khác như xét nghiệm phân, chức năng gan thận, siêu âm, chụp cắt lớp điện toán… để đưa ra chỉ định điều trị thích hợp với từng trường hợp. Mặt khác, kết quả xét nghiệm Elisa có thể dương tính chéo với một số loại giun khác. Vì vậy, các trường hợp dương tính mà không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng kèm theo như ngứa, nổi mề đay, đau bụng, đau đầu, giảm thị lực, đốt sán rơi ra ngoài qua đường hậu môn… thì chưa cần điều trị.
. Khi nào thì cần điều trị bệnh sán dây, thưa bác sĩ?
Sán dây gồm sán dải heo, sán dải bò, sán cá…, dân gian còn gọi là sán xơ mít. Khi có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng cũng như cận lâm sàng như đã nói ở trên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tùy từng trường hợp cụ thể như diệt ấu trùng trong máu, nội tạng hoặc tiến hành tẩy xổ đối với sán dây trưởng thành.
Xét nghiệm giun sán với thiết bị hiện đại tại BV đa khoa quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: BV
Người dân không nên hoang mang
. Khi nào thì cần xét nghiệm phân và khi nào thì cần xét nghiệm máu?
Xét nghiệm máu hoặc phân chủ động hàng loạt nhằm khảo sát tỉ lệ nhiễm giun sán trong cộng đồng. Đối với các trường hợp dương tính cần được thông báo cho y tế sở tại tiếp tục theo dõi, tổ chức can thiệp khi hội đủ các điều kiện ca bệnh xác định.
Đối với các trường hợp người bệnh đến khám tại cơ sở y tế, bác sĩ phải thăm khám kết hợp với khai thác tiền sử, yếu tố dịch tễ để chỉ định thực hiện các xét nghiệm có liên quan.
Thông thường, xét nghiệm miễn dịch huyết thanh mang tính gợi ý sự hiện diện ấu trùng trong máu. Xét nghiệm phân có giá trị chẩn đoán đối với các loại giun sán trưởng thành ký sinh ở đường ruột. Với môi trường ăn uống, thực phẩm như hiện nay, tỉ lệ người nhiễm giun sán cao là bình thường. Người bình thường không có triệu chứng gì vẫn có thể xét nghiệm phân để tầm soát giun sán.
Xét nghiệm phân là phương pháp dễ thực hiện, không đòi hỏi phải trang bị máy móc, vật tư, hóa chất và sinh phẩm như xét nghiệm máu. Tuy nhiên, khâu lấy mẫu, xử lý, bảo quản mẫu… phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ nhằm ngăn ngừa phát tán ra môi trường đối với các mẫu dương tính.
. Theo bác sĩ, việc sổ giun định kỳ có tác dụng không?
Thuốc sổ giun định kỳ có tác dụng trên một số loại giun ký sinh ở ruột non của vật chủ là con người như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim…, ít hoặc không có tác dụng đối với các loại ký sinh trùng ký sinh lạc chỗ như giun đũa chó mèo, sán chó, sán xơ mít…
Việc điều trị một số loại giun sán thường không khó khăn do đã có phác đồ của Bộ Y tế ban hành, người dân không nên hoang mang. Đối với sán dây trưởng thành, bác sĩ sẽ cho người bệnh tẩy xổ (thường chỉ trong ngày). Đối với ấu trùng, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn tùy từng loại giun sán…
Đưa trẻ đi xét nghiệm là không cần thiết!
Liên quan đến sự việc nhiều trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính khi thực hiện xét nghiệm máu Elisa, ngày 21-3, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dải heo. Bộ Y tế nêu xét nghiệm này không thể khẳng định hiện tại cơ thể có mắc bệnh sán dải heo hay không mà nó chỉ mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và cần một số kết quả xét nghiệm xác định khác.
Những người có kết quả dương tính khi tiến hành xét nghiệm Elisa không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán xác định đang mắc bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa âm tính thì không cần phải xét nghiệm lại.
Trước đó, do quá lo lắng vì sợ con em mình nhiễm sán nghi do ăn thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Thanh Khương, hàng nghìn phụ huynh ở Bắc Ninh đã ồ ạt đưa con đến hai bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sán heo. Kết quả hơn 200 bé dương tính với kháng thể sán heo.
Mặc dù các chuyên gia đầu ngành và Bộ Y tế cho rằng tỉ lệ nhiễm sán heo ở Bắc Ninh không bất thường và việc đưa trẻ đi xét nghiệm là không cần thiết nhưng kết quả trên vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Họ tiếp tục đưa con đến bệnh viện xét nghiệm khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
GIA NGHI
Theo plo.vn
Xét nghiệm dương tính: Chưa thể khẳng định cơ thể có sán!
Theo PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, việc xét nghiệm huyết thanh để xác định kháng nguyên, kháng thể chỉ mang tính gợi ý, kết quả dương tính với sán cũng chưa thể xác định được bệnh
PGS.TS Lê Thành Đồng cung cấp thông tin về bệnh sán dây lợn
Cuối năm 2018, sau quá trình điều tra thực địa bằng phân tích, thăm khám, xét nghiệm, tổng hợp số liệu ca bệnh, PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM (cơ quan Bộ Y tế tại phía Nam) đã công bố thông tin về ổ bệnh sán dây lợn nhiễm cho hơn 100 người tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ổ bệnh trên đến nay về cơ bản đã được khống chế nhờ sự phối hợp giữa Viện và chính quyền địa phương trong việc nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng tránh nguy cơ.
Ấu trùng sán dây nằm trong não lợn được phát hiện tại ổ dịch ở Bình Phước
Mới đây, sán dây lợn một lần nữa lại khiến cộng đồng bấn loạn, nháo nhào đưa con em đi xét nghiệm sau khi một chùm ca bệnh được phát hiện ở học sinh tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Không chỉ gây hoang mang dư luận, ổ bệnh sán dây lợn ở phía Bắc còn khiến ngành y tế nháo nhác tìm các giải pháp xử lý với mức độ khẩn trương như một ổ bệnh truyền nhiễm cấp tính.
Sán dây lợn có thể phổ biến khắp cả nước
Tuy nhiên, ở góc độ dịch tễ, PGS.TS Lê Thành Đồng cho rằng: "Tại Việt Nam, với đặc thù của một nước nông nghiệp, tập quán chăn nuôi, sinh hoạt, ăn uống chưa hợp vệ sinh, dùng nhiều thịt sống, thịt tái, tiết canh... nguy cơ nhiễm giun sán còn ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm đồng bào các dân tộc miền núi".
Mẫu bệnh phẩm được lưu tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM
Xét riêng ở loại sán dây lợn, đến nay theo thống kê có hơn 50 tỉnh thành có bệnh lưu hành, tuy nhiên trên thực tế bệnh có thể đang phổ biến trên khắp cả nước vì chúng ta chưa có điều kiện khảo sát hết. Đây là bệnh bình thường, lưu hành trên diện rộng từ lâu chứ không phải dịch bệnh nguy hiểm mới nổi.
Mắc bệnh cần có quá trình
Khi phát hiện bệnh, công đồng có tâm lý hoang mang là do dân trí thấp nhưng không được các đơn vị, cơ quan y tế truyền thông tốt, đứng trước một loại bệnh rất bình thường nhưng việc ứng phó đã gây rối loạn chẳng khác gì một trận đại dịch.
Mặt khác, mức độ trầm trọng, nguy cấp của của sán dây lợn là không đáng ngại, đây là bệnh kéo dài, tồn tại lâu trong cơ thể, để mắc được bệnh phải có các quá trình như: bệnh nhân ăn phải trứng khi vào cơ thể sẽ mắc ấu trùng lợn gạo; ăn phải ấu trùng khi ăn vào cơ thể sẽ phát triển thành con sán trưởng thành.
Con sán trưởng thành dài 5,2m được xổ khỏi cơ thể người bệnh
Mỗi thể bệnh đều có một mức độ nguy hiểm hoặc không nguy hiểm cũng như cách điều trị khác nhau. Với những bệnh nhân ăn phải ấu trùng hầu hết là không nguy hiểm, gần như song hành tồn tại cùng người bệnh, nhiều bệnh nhân mắc cả chục năm cũng không biết mình nhiễm sán cho đến khi các đốt sán đột nhiên từ hậu môn rơi ra hoặc đi cầu ra đốt sán.
Với bệnh nhân ăn phải trứng có thể sẽ có mức độ nguy hiểm hơn nếu trứng phát triển thành ấu trùng di chuyển đến mắt, não, tim và các cơ quan nội tạng khác.
Chưa có tiêu chí xác định cơ thể nhiễm sán dây lợn
Việc xét nghiệm huyết thanh để xác định kháng nguyên, kháng thể chỉ mang tính gợi ý, kết quả dương tính với sán cũng chưa thể xác định được bệnh vì đó có thể là kết quả dương tính chéo với một số loại giun sán khác. Muốn xác định người bệnh có mang bệnh hay không phải thực hiện thêm xét nghiệm phân, bạch cầu, khám lâm sàng, sinh thiết bệnh nếu ấu trùng nằm dưới da, cơ, não hoặc siêu âm, chụp CT cắt lớp.
Sán dây lợn là bệnh phổ biến, lưu hành khắp cả nước, cộng đồng không nên hoang mang
Hiện nay vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể để xác định bệnh nhân nhiễm sán dây lợn hay không. Tổ chức Y tế Thế giới đang trong quá trình thiết lập một bộ tiêu chuẩn đánh giá bệnh dựa trên nhiều vấn đề khác nhau từ đời sống xã hội, văn hóa phong tục cho đến những phân tích, đánh giá, xét nghiệm, lâm sàng.
Điều trị không khó
Trường hợp cá thể mắc bệnh thì việc điều trị cũng không khó khăn, thuốc điều trị hiện tại ngoài sán dây lợn còn có tác dụng với nhiều loại giun sán khác.
Nếu ấu trùng sán nằm ở những vị trí nguy hiểm như mắt, tim, não thì bệnh nhân mới cần phải nhập viện để được theo dõi, điều trị, can thiệp về mặt y tế.
Với cộng đồng cần phải có sự can thiệp của chính quyền để tuyên truyền cho người dân ăn chín uống chín, sinh hoạt hợp vệ sinh, xổ giun sán định kỳ 6 tháng một lần; đội ngũ y tế cơ sở cần phối hợp cùng chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể trang bị kiến thức để người dân hiểu về bệnh tránh hoang mang, lo lắng khi phát hiện ca bệnh.
Vân Sơn (lược ghi)
Theo Dân trí
Cách nào giúp trẻ Việt hay ăn, chóng lớn, không suy dinh dưỡng, thấp còi? Tại Việt Nam, tỷ lệ thấp còi suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng 23,8%, tỷ lệ nhẹ cân chiếm 13,8%. Như vậy, cứ bốn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng. Cứ bốn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi...