Đừng quá tin vào những con số đánh mã trên hoa quả nhập khẩu
Theo Giám đốc viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, mã PLU được sử dụng tự nguyện và Việt Nam hiện nay chỉ quản lý đầu mã Quốc gia 893. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lại cho rằng, những mã số khi không có cơ quan chức năng đứng ra chịu trách nhiệm thì người tiêu dùng không nên quá tin tưởng.
Dân mạng xôn xao bàn tán về ý nghĩa những con số được gắn trên hoa quả nhập khẩu
Mỗi khi đi siêu thị hoặc đến cửa hàng hoa quả nhập khẩu để lựa chọn trái cây cho bản thân và gia đình, có bao giờ bạn để ý đến những con số được gắn trên chúng và tự hỏi, mã số ấy có ý nghĩa gì?
Theo kinh nghiệm của nhiều người, những mã số này được gọi là PLU (price look up), hiển thị các thông số về chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh thực phẩm sạch và bẩn đang tồn tại lẫn lộn như hiện nay, những con số này được nhiều bà nội trợ đặc biệt quan tâm, coi nó là cách giúp phân biệt chất lượng các loại hoa quả.
Chia sẻ của nickname T.N về mã PLU nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo chia sẻ của nickname T.N, “bí kíp” khi đi siêu thị mua hoa quả nhập khẩu là nhất định phải nhìn vào mã vạch trên từng loại quả. “Nếu trên tem có 4 chữ số bắt đầu bằng số 3, đây là trái cây được xử lý bằng công nghệ ION hóa”, T.N viết.
Theo thông tin trên nhiều trang mạng khác, hoa quả sử dụng công nghệ này được nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian bảo quản. Liều lượng chiếu xạ ion tùy thuộc theo luật của từng nước. Ví dụ như Mỹ theo quy định của FDA, Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế. Vì thế, theo T.N, nếu nhìn thấy mã vạch này, người tiêu dùng có thể tin tưởng và chọn mua sản phẩm.
Trái cây được gắn đầu mã 4 chữ số, bắt đầu bằng số 4 được cho là kém an toàn vì được canh tác theo phương pháp truyền thống.
Nếu trên tem có 4 chữ số bắt đầu là 4, kí hiệu này cho biết trái cây có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong khi trồng và có chất bảo quản khi hái xuống. Vì vẫn sử dụng cách gieo trồng truyền thống, nên rất có thể trong các loại hoa quả này vẫn tồn dư các chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mã số 3 được cho là “tạm ổn”.
Đáng nói nhất là nếu trên tem có dãy số bắt đầu bằng 8 là loại trái biến đổi gen, tuyệt đối nên tránh. Trái cây đáng được mua nhất, theo T.N và nhiều bà nội trợ khác chính là khi trên tem có 5 chữ số bắt đầu bằng số 9. Lý do là các loại hoa quả này được canh tác theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học và rất ăn toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, vì có tiêu chuẩn cao nên chúng thường có giá rất đắt.
“Vậy nên chị em mua trái cây nhập, cho con nít ăn, có tiền thì chơi luôn số 9 cho lành. Loại số 4, người ta hay biếu tặng trong giỏ, nếu ăn nhớ ngâm nước muối và gọt vỏ”, nickname này đưa ra lời khuyên.
Video đang HOT
Ngay sau khi chia sẻ trên trang cá nhân, những thông tin mà T.N cung cấp lập tức nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người. Không ít bình luận cho rằng bản thân họ cũng từng nghe qua về mã PLU, tuy nhiên lại ít khi để ý đến nó. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, mã PLU chỉ nên xem như một kênh tham khảo chất lượng, không nên quá tin tưởng vào nó.
Người tiêu dùng không nên “đặt tất cả trứng vào một giỏ”
Trao đổi với chúng tôi, ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn & Đo lường chất lượng) cho biết, mã tra cứu giá PLU là loại mã của Hiệp hội tiêu chuẩn nông sản quốc tế (international Federation for produce standards-IFPS). Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng của tổ chức này thì mã PLU được sử dụng cho các nông sản được bán dạng rời, tự do, theo cân hoặc từng sản phẩm ví dụ quả táo hay bó rau. Mã PLU gồm 4 hoặc 5 ký tự, mã này thường được sử dụng tại quầy thanh toán để xác định giá của sản phẩm gán mã.
Mã PLU bản chất chỉ được sử dụng một cách tự nguyện.
“Việc sử dụng mã PLU là tự nguyện và có các dải mã 3000-4999, 93000-94999 và sẽ có thể mở rộng dải 83000-84999 trong tương lai”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, tiền tố 9 (đứng đầu) của mã PLU 5 ký tự dùng để chỉ thị các sản phẩm gán mã thuộc nông sản nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ (nông sản hữu cơ). Đối với PLU 4 chữ số thường để gán cho các nông sản được nuôi trồng theo cách phổ thông, thông thường.
Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, theo tài liệu hướng dẫn thì không thấy đề cập đến số 3 của mã PLU 4 ký tự là để chỉ nông sản được xử lý bằng công nghệ bức xạ i-on hóa như thông tin lan truyền trên mạng.
Ông Sơn cũng cho rằng, để trả câu hỏi người tiêu dùng có nên tin tưởng vào các nhãn dán trên sản phẩm không, đó là một câu hỏi vô cùng khó, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của người bán hàng.
Theo ông Sơn, trên thị trường hiện nay còn có một loại mã khác, đó là GS1. “Trên sản phẩm nông sản bán theo dạng rời, tự do đề cập trên đang được các nước khuyến khích áp dụng mã vạch GS1 databar của tổ chức mã số mã vạch quốc tế GS1. Mã vạch GS1 databar có ưu điểm mang được nhiều dữ liệu hơn so với các mã vạch thuộc họ mã EAN/UPC (thường in trên bao bì sản phẩm hàng hóa bán lẻ có đo lường cố định thông thường) bao gồm mã thương phẩm toàn cầu GTIN và các dữ liệu bổ sung liên quan sản phẩm như hạn sử dụng, số lô, ngày thu hoạch…”
Ngoài mã PLU, có lẽ người tiêu dùng vẫn cần nhiều yếu tố khác để đưa ra nhận định về chất lượng sản phẩm. Mã PLU cũng có thể được mã hóa theo mã vạch GS1 databar này. Theo khuyến nghị của IFPS, các đơn vị gán mã GTIN cho thương phẩm mang mã PLU nên để PLU là một phần (mã phân định vật phẩm) cấu tạo của mã GTIN.
Hiện nay một số thị trường như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand đã tham gia và sử dụng hệ thống mã PLU của IFPS, nên nông sản nhập từ nước này về Việt Nam có thể có nhãn chứa mã PLU và mã vạch GS1 databar. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ KHCN giao là đại diện của Việt Nam tham gia vào Tổ chức MSMV quốc tế GS1 và được Tổ chức GS1 quốc tế cấp mã quốc gia có đầu số 893, hiện tại Tổng cục đang tổ chức cấp và quản lý MSMV có đầu số 893.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú (chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) cho rằng, người tiêu dùng không nên “đặt tất cả trứng vào một giỏ”, hoàn toàn tin tưởng vào tính xác thực của mã PLU.
Theo ông Phú, các thông số trên sản phẩm, nếu không được các cơ quan có uy tín chứng nhận, không trở thành quy định bắt buộc, xuất hiện trong các văn bản pháp quy và có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm thì người tiêu dùng chỉ nên xem nó như một cách để tham khảo khi mua hàng.
“Hiện nay công tác nhập khẩu của chúng ta còn khá lỏng lẻo nên theo tôi, các thông số này chỉ nên xem để tham khảo. Tôi cũng cho rằng, trước khi đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái thì các cơ quan chức năng nên siết chặt quản lý, bảo vệ người dân tốt hơn”, ông Phú nói thêm.
Theo_VietNamNet
Đại gia chọn hoa quả chống nóng: Hồng New Zealand thống lĩnh
Cherry đỏ Mỹ đang vào mùa, nho đen không hạt Úc, hồng Hàn Quốc, kiwi vàng là những thực phẩm giải nhiệt, bổ dưỡng, hài lòng cả
Dạo một vòng quanh các shop hoa quả nhập khẩu và hàng hoa quả nhập khẩu qua đường bay được bán trên Facebook theo đơn đặt hàng, những thức quả giải nhiệt năm nay được giới "có tiền" ưa chuộng gồm cherry Mỹ, nho Úc không hạt, hồng New Zealand
Chị Hạnh, nhân viên bán hàng lâu năm ở shop hoa quả nhập khẩu cao cấp có tiếng trên phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: "Năm nay, hồng đang được ưa chuộng nhất vì vừa ngọt, mát, lại bổ dưỡng, hàm lượng vitamin C cao. Trái với hồng ở Việt Nam hay Trung Quốc vốn không hấp dẫn với trẻ em mà hồng New Zealand thì ngay khi ăn thử, các bé đã thích và đều chạy tới chọn đầu tiên khi được bố mẹ chở đi chọn hoa quả về cho gia đình".
Hồng New Zealand chứa nhiều Vitamin C nhưng vẫn ngọt và giải nhiệt tốt.
Theo chị Hạnh, hồng có nhiều vitamin PP, chống đỡ mệt mỏi, stress và cải thiện làn da do ngồi điều hòa hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng, khói bụi, magie và đường trong hồng cũng bổ ích với người bị bệnh tim.
Hiện nay, cửa hàng chị Hạnh đang bán hồng ở mức giá ~ 500.000 đồng/kg. Mỗi trái có trọng lượng từ 200-400gram. Hồng ở New Zealand đang vào chính vụ (từ tháng 4-6) nên hoa quả đạt chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc, hương vị.
Đứng thứ hai trong lựa chọn của những khách hàng sang là cherry Mỹ và nho không hạt Úc.
Hàm lượng Vitamin C cao và nhiều dinh dưỡng, vị quả ngọt trong khi màu sắc đẹp luôn khiến những thượng khách hài lòng. Nho đen, theo chị Hạnh có tính mát, ngọt chát và nhiều Vitamin C, giải nhiệt cho mùa nóng rất hiệu quả.
Giá cho mỗi kg cherry đỏ Mỹ là 500.000 - 700.000 đồng, nho (đen, đỏ) không hạt Úc là 300.000 đồng. Ngoài ra, vị ngọt của kiwi vàng New Zealand cũng thu hút trẻ em.
Cũng bán loại hoa quả đẹp mã này, chị Hoa, chủ mart hoa quả tại Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) tiết lộ, có ngày chị bán được hơn 10kg cherry nhập khẩu chính hãng từ Mỹ khi hiện nay đang vào mùa.
"Sáng hôm chủ nhật, chị bán được 5kg cho một khách đặt mang tới nhà loại cherry đỏ size 8,5- 9,5. Đây là size đẹp và hiếm khi có nhiều hàng về. Sau đó tới chiều cũng có một khách nữa tới mua một lúc 3kg và 2kg mang đi biếu", chị Hoa nói.
Mỗi kg cherry ở cửa hàng chị đang bán ở mức 420.000 đồng/kg. Nếu mua nguyên thùng 5kg thì giá còn 1.950.000 đồng.
Cherry Mỹ vẫn hút hàng cho người sang.
Khẳng định hàng ngon, đẹp, chị Hoa cho hay, hàng chị nhập bằng đường bay nên tươi, cứng quả và được đảm bảo nên không bị dập trong quá trình vận chuyển.
Trong khi đó, cửa hàng hoa quả thông minh ở Cầu Giấy thì hiện vẫn bán nguyên giá Cherry Mỹ ở mức 690.000 đồng/kg. Giới thiệu về loại quả đắt tiền này, chị Hiền cho hay, dựa vào màu sắc, kích cỡ của từng quả có thể biết được giá trị dinh dưỡng và hương vị tới đâu.
Mùa thu hoạch cherry vào tháng 5- 8, thời điểm hiện nay mua cherry vẫn còn vị hơi chua chút ít bởi khả năng thu hoạch sớm. Song tới trung tuần tháng 6, quả sẽ cho màu da láng bóng, thịt quả cứng, chắc, đỏ tím rất sang trọng, hương thơm nhẹ, cắn vào quả hạt róc không dính thịt.
Trên Facebook, thị trường hoa quả nhập khẩu xách tay đường hàng không cũng "hot" khi quả đẹp, giá cao vẫn có khách mua. Cô Khánh có con gái làm tiếp viên hàng không, bản thân cô cũng quen biết rộng rãi, kể: "Hàng hoa quả bao lâu nay cô bán có tiếng ở đường Hồng Phúc này cô thấy năm nay hút nhất vẫn là cherry đỏ Mỹ và nho không hạt Úc.
Cherry không phải quảng cáo nhiều vì ăn rất ngọt, thơm, giòn, nhiều vitamin, đẹp da lại giúp ngủ ngon. Cherry của Mỹ giờ đang vào vụ còn của Úc và New Zealand thì đã hết vụ rồi. Ăn cherry của Mỹ những người tinh ý mới thấy vị ngọt hơi khác của New Zealand một chút, vị ngọt đậm hơn và tươi hơn.
Còn nho của Úc thì tùy từng người có sở thích thích ăn ngọt tươi hay ngọt chát. Nếu ngọt chát thì nên chọn quả nho đen. Nho này mỏng vỏ, đen nhánh chứ không đen dở đỏ như những loại khác.
Nho đen không hạt Úc chính hãng không hề chát.
"Nhìn những chùm nho mà nửa đen nửa đỏ thì một là giống lai, hai là trồng chưa có kỹ thuật nên chất lượng quả từ hình thức đã không chuẩn", cô Khánh tiết lộ.
Theo cô Khánh, Cherry Mỹ size 9 ( compai Premium) 520k/1 kg thùng 5 kg giá 2.500.000 đồng. Còn Cherry Mỹ size 9,5 giá bán 2.350.000/1 thùng bán nguyên thùng 5kg.
Không chỉ là hồng, cherry hay nho không hạt, bưởi da xanh hữu cơ Bến Tre, quýt Úc, táo Envy Mỹ cũng được một số gia đình chọn lựa "đổi món" cho những ngày hè nóng. Song độ "hot" của những sản phẩm này không đủ hấp dẫn những vị sành ăn, "sang chảnh" để đặt lên bàn cân.
Quế Lan
Theo_Báo Đất Việt
Ý nghĩa đằng sau những con số dán trên hoa quả nhập khẩu Trên hoa quả nhập khẩu, bạn thường thấy có 1 chiếc tem dán, mã số trên tem được gọi là PLU code. Biết được mã PLU sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm mà gia đình mình ưu tiên dùng. Tại quầy hoa quả của siêu thị hay các cửa hàng chuyên thực phẩm nhập khẩu, người ta thường thấy trên mỗi trái...