Dùng phần mềm lên “thực đơn” cho… bò
Dựa trên các chỉ số hàm lượng dinh dưỡng của từng loại thức ăn được phần mềm máy tính đưa ra, người nuôi bò tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) sẽ trộn thức ăn khoa học để có chất lượng sữa cao hơn so với cách làm truyền thống.
Nâng cao chất lượng sữa bò
Những ngày đầu năm 2020, phóng viên báo điện tử DANVIET.VN đến thăm một số trang trại nuôi bò sữa của người dân huyện Đơn Dương cùng với đại diện của Chi cục Chăn nuôi, thú y, thủy sản tỉnh Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Quốc Khánh chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Văn Long
Anh Bùi Xuân Song (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi và mọi người ở địa phương đều thực hiện việc chăn nuôi theo cách truyền thống.
Việc phối trộn thức ăn cho bò sữa làm hoàn toàn theo cảm tính của người nuôi. Chính vì vậy, chất lượng sữa chưa được cao, nhiều lần mang sữa đi bán cho các đại lý họ trả về hoặc mua với giá rẻ do chất béo, chất khô hay tế bào sôma không đạt yêu cầu”.
Anh Song cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi bò từ năm 2004 với số vốn chỉ là 2 con bê, đến nay tổng đàn bò của anh đã lên đến 30 con. Năm 2019, Sở NNPTNT Lâm Đồng triển khai các chương trình tập huấn về chăn nuôi bò sữa nên anh biết được phải có phương pháp khoa học về chế độ dinh dưỡng cho bò.
Bên cạnh đó, anh Song tham gia thêm chương trình sử dụng phần mềm tính toán khẩu phần ăn cho bò. Phần mềm trên máy tính này giúp gia đình anh nắm bắt các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi loại thức ăn thô, từ đó anh phối trộn thức ăn phù hợp hơn để chất lượng sữa bò đạt chất lượng. Tại trang trại của mình, với bò cho 20 lít sữa/ngày, anh Song áp dụng công thức trộn gồm 20kg cám hỗn hợp, 2kg cám viên, 1kg bắp lên men cùng bột bắp ủ chua và cỏ.
Giống như gia đình anh Song, anh Nguyễn Quốc Khánh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cũng thực hiện phương pháp trên với đàn bò 30 con. Trong đó, có khoảng 13 con cho khai thác sữa với sản lượng 280 lít/ngày. Anh Khánh cho biết, từ khi áp dụng phương pháp tính toán khẩu phần ăn trên máy tính, sức khỏe của đàn bò được đảm bảo và thời gian đạt đỉnh sữa kéo dài hơn trước. Chi phí chăn nuôi giảm và công chăm sóc cũng được rút ngắn.
Video đang HOT
Đặc biệt, khi phối trộn thức ăn theo phương pháp khoa học thì chất béo, chất khô và tế bào sôma luôn đạt chuẩn nên sữa được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định 14.000 đồng/lít.
Nâng tổng đàn lên 23.000 con
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phi Long – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 22.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi tập trung. Năng suất sữa tươi bình quân 20 lít/con mỗi ngày và mỗi con đạt khoảng 6.000 lít/chu kỳ sữa.
Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển nuôi bò sữa bằng cách nâng cao quy mô trang trại. Ngoài ra, địa phương còn đang thực hiện đề án phát triển chăn nuôi và lai tạo giống chất lượng kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Trong năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch nâng tổng đàn lên 23.000 con với sản lượng sữa tươi ước đạt 84.000 tấn.
Ông Long cho biết thêm: “Mặc dù là ngành mũi nhọn của tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên, hiện nay người dân đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tính toán khẩu phần ăn, dinh dưỡng cho bò, chủ yếu phối trộn thức ăn theo cảm tính. Chính vì vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa và làm giảm giá sữa tại các điểm thu mua.
Với sự thành công của mô hình dùng phần mềm tính toán khẩu phần ăn cho bò trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp các huyện, thành phố đẩy mạnh việc tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất thức ăn hỗn hợp hiệu quả, nhằm nâng cao khả năng sinh sản, cải thiện thể trạng, tăng năng suất, chất lượng sữa cho tổng đàn bò sữa trong tỉnh”.
Hiện nay, tổng sản lượng sữa của tỉnh Lâm Đồng đã đạt trên 80.000 tấn/năm và được tiêu thụ bởi Công ty Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk). Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam – Trang trại Bò sữa Vinamilk Đà Lạt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu lực trong 5 năm.
Theo Danviet
Nghề "ăn cơm đứng" ở Lâm Đồng: Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai
Nhờ tức thời chuyển đổi khi thấy giá trị cao cùng với những lợi thế của địa phương nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thu nhập hơn 100 triệu/năm
Đến các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc... vào những ngày tháng 10, thay vì những cánh đồng lúa, đồi cà phê bạt ngàn trước đây là những vườn dâu xanh tốt. Nhờ đánh giá được lợi thế của địa phương cũng như sự giúp đỡ của Hội nông dân, chính quyền địa phương mà người dân đã biết chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trồng dâu, nuôi tằm được xem là nghề đã có từ lâu của tỉnh Lâm Đồng. Chính vì vậy, khi người dân bắt đầu chuyển đổi phát triển ngành này cũng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ.
Người dân ở Lâm Đồng đã có thu nhập hàng trăm triệu/năm nhờ trồng dâu nuôi tằm.
Cầm trong tay nắm lá dâu đang hái dở, bà Nguyễn Thị Dung (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) vui mừng cho biết: "Vài năm trở lại đây, nhờ giá kèm tằm cũng khá cao nên chúng tôi đã thoát cảnh đói nghèo, túng thiếu. Với 2.000m2 đất trồng dâu tằm, gia đình bà Dung nuôi liên tục, gối đầu và có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm".
Ông Lê Quang Thôn (chồng bà Dung) gần đó tiếp lời: "Những năm trước đây, làm ăn đâu có để dư được đồng nào, từ năm 2016, thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm được nên tôi đã bàn với vợ phá 2 sào đất trồng cà phê để trồng dâu giờ mới thấy quyết định của mình là đúng".
Trồng dâu nuôi tằm đang là nghề được người dân quan tâm, phát triển.
Cũng như gia đình ông Thôn, anh K'Tiêu (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) cũng có của ăn, của để, dành được tiền gửi xuống TP. Hồ Chí Minh cho 3 người con ăn học. "Thấy nhiều người ở địa phương nuôi tằm rất ổn nên tôi đã quyết định đầu tư chuyển đổi 2.000 ruộng trồng lúa và 2.000m2 đất trồng cà phê đã già cỗi để trồng dâu siêu cành. 16 ngày nuôi là có kén để thu, nhà tôi lại nuôi liên tục gối đầu nên có tiền tiêu xài hàng tháng, dư thì đầu tư thêm phân bón vào vườn cà phê. Ngoài ra, phân tằm cũng được tôi tận dụng bón lại cho cây dâu nên rất tốt", anh K'Tiêu chia sẻ.
Anh K'Tiêu (áo trắng) đã thoát nghèo, có tiền cho các con ăn học nhờ trồng dâu, nuôi tằm.
Hiện nay, giá kén tằm tại Lâm Đồng giao động từ 130 - 150 ngàn đồng/kg nên thu nhập của người dân khá ổn định. Bên cạnh đó, kỹ thuật, công cụ nuôi tằm đơn giản và rẻ nên giá thành đầu tư của người dân cũng thấp so với các ngành nghề khác.
Phát triển bền vững
Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích dâu khoảng 6.800ha (chiếm gần 67% diện tích dâu cả nước). Chính vì thế, địa phương đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023 với sản lượng kén khoảng 14.000 tấn.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn cho biết, trên địa bàn thị trấn đã có khoảng 1.000 hộ dân người dân tộc thiểu số K'ho chuyển sang trồng dâu nuôi tằm trong thời gian qua. Đến nay, địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Người dân đã biết áp dụng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023.
"Hiện nay, chính quyền thị trấn Đinh Văn đang hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây dâu 500.000 đồng/sào để bà con có kinh phí đầu tư giống, mua phân bón chăm sóc dâu. Bên cạnh đó, địa phương đang tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất", ông Sơn thông tin.
Giá kén tằm ở Lâm Đồng đang giao động ở mức 130 - 150 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện địa phương đang triển khai đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023. Bên cạnh đó, tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên đã sản xuất được giống tằm lưỡng hệ quanh năm với chất lượng tốt hơn so với cả nước cũng như một số quốc gia trong khu vực.
Theo Danviet
Cúm gia cầm gây ra 34 ổ dịch, người chăn nuôi cần nắm rõ điều gì? Dịch cúm gia cầm đến thời điểm này đã xuất hiện tại 10 tỉnh thành, với 34 ổ dịch, hơn 100.000 con gia cầm bị tiêu hủy. Để ngăn chặn và phòng chống bệnh dịch này hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã ra công điện đề nghị các địa phương tổ chức, đôn đốc công tác chống dịch, trong đó một trong những giải...