Dừng ngay sự phân biệt phi lý
Trước thông tin đơn vị hải quan cửa khẩu Arayaprathet (Thái Lan) buộc du khách Việt Nam phải xòe 600 USD (tương đương 20.000 Baht tiền Thái) ngang mặt trước camera đặt ở khu vực hải quan để chụp ảnh mới cho nhập cảnh, nhiều người dân Việt Nam và công ty lữ hành trong nước đã rất bất bình trước việc làm này.
Quy định vô lý ở cửa khẩu Arayaprathet sẽ làm mất đi hình ảnh đất nước
Thái Lan thân thiện, mến khách
Sự xúc phạm nặng nề với du khách Việt
Tại trang web http://www.thaiembassy.org (trang web của Đại sứ quán Thái Lan), trong phần du lịch miễn visa có nêu rõ: Người nước ngoài vào Thái Lan theo dạng miễn visa du lịch phải có đủ tài chính trong suốt thời gian lưu trú ở Thái Lan (nghĩa là 10.000 Baht – tương đương hơn 300 USD đối với một người và 20.000 Baht – tương đương 600 USD đối với gia đình). Tuy nhiên, tại trang web này cũng không ghi rõ đối với khách du lịch thuộc dạng miễn visa phải xuất trình số tiền mà mình mang theo tại cửa khẩu hải quan, đặc biệt là phải đưa tiền ngang mặt trước camera để chụp ảnh trước khi được phép nhập cảnh vào Thái Lan.
Trước thông tin trên nhiều bạn trẻ đã tỏ ra bức xúc, kêu gọi huỷ tour đi Thái nếu phía Thái Lan không bãi bỏ quy định vô lý này. Anh Trần Mạnh Hà – ở quận Long Biên nhận xét: “Nếu phía Thái Lan không bãi bỏ quy định phi lý này, tôi sẽ không chọn Thái Lan làm điểm đến trong thời gian tới. Đối với một số quốc gia không thuộc dạng miễn thị thực du lịch cho người Việt Nam khi nhập cảnh vào nước họ thì ngoài lý do buộc phải chứng minh tài chính, tôi chưa gặp trường hợp hải quan của bất cứ quốc gia nào buộc khách du lịch phải đưa tiền lên mặt rồi chụp ảnh như ở Thái Lan”. Cũng theo anh Hà, cơ quan có trách nhiệm tại Việt Nam nên tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc để có văn bản đề nghị phía Thái Lan chấm dứt ngay việc làm trên bởi, hành động của hải quan Thái Lan không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng du khách mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của 2 nước.
Video đang HOT
Về sự việc trên, theo một số công ty lữ hành tại Hà Nội, từ trước đến nay số lượng khách Việt Nam du lịch đến Thái Lan so với các nước khác trong khu vực luôn đạt tỉ lệ cao. Tuy vậy, từ khi biết được thông tin khách Việt bị phân biệt đối xử tại cửa khẩu nhập cảnh, lượng khách đăng lý tour đi Thái Lan có chiều hướng giảm. Theo đại diện của Công ty du lịch H.G – đơn vị thường xuyên tổ chức các tour đi Thái Lan, những khách du lịch bằng đường bộ sang Thái Lan sẽ xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh. Lượng khách tham gia tour này thường là những người thích khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm những điều mới lạ trên các cung đường trong suốt cuộc hành trình. Vài tháng trước, trung bình 1 tuần, công ty tổ chức 1 tour đi Thái Lan bằng đường bộ với số lượng từ 20-30 người. Tuy vậy, từ khi biết thông tin khi nhập cảnh Thái Lan người Việt phải xuất trình đủ 20.000 baht, hầu như không có khách đăng ký tour du lịch này nữa.
Cần có thái độ cương quyết
Là người đã từng tham gia nhiều tour du lịch tới các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…, chị Nguyễn Thu Thủy ở chung cư Sông Đà (đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm, lẽ ra trong cùng khu vực, các nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho du khách nước bạn đến tham quan, khám phá tìm hiểu nền văn hóa của nước mình. Đằng này, việc làm trên của phía Thái Lan chẳng khác nào đuổi khách. Đành rằng, đã có một số người Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan, sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Song đây chỉ là con số rất nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh” trong số hàng trăm nghìn khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan mỗi năm. “Tôi nghĩ rằng nếu phía Thái Lan không sớm dừng ngay việc làm vô lý tại cửa khẩu Arayaprathet thì ngày càng có nhiều người Việt quay lưng lại với du lịch Thái” – chị Thủy chia sẻ.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, ngày 6-5, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng đại diện Cơ quan Du lịch quốc gia Thái Lan (TAT) tại Việt Nam trong đó nêu rõ: Sự việc nêu trên của cán bộ xuất nhập cảnh và những quy định của cơ quan chức năng Thái Lan đã đi ngược lại những nỗ lực của Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác du lịch song phương về tạo điều kiện thuận lợi đi lại, du lịch, thông thương giữa các nước trong khu vực, làm tổn thương khách du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã yêu cầu Văn phòng đại diện Cơ quan Du lịch Thái Lan tại Việt Nam tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Thái Lan sớm xóa bỏ quy định phi lý nêu trên đối với khách du lịch Việt Nam khi nhập cảnh Thái Lan, đồng thời có thông tin chính thức để trả lời các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam về vấn đề này.
Tiếp theo đó, ngày 7-5, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã gửi thư tới bà Thanitta Savetsila Maneechote – Phó Tổng vụ trưởng, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan thông báo về vụ việc và đề nghị các cơ quan chức năng của Thái Lan sớm xóa bỏ quy định phi lý trên đối với khách du lịch Việt Nam khi nhập cảnh Thái Lan.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, hành vi trên của phía Thái Lan đã gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp và khách du lịch Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến ngành du lịch hai nước nói riêng và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Thái Lan nói chung. Tuy vậy, để đảm bảo uy tín cho khách du lịch trong nước, tránh những rủi ro không đáng có, các công ty lữ hành khi đưa khách ra nước ngoài cần quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng một số khách lợi dụng du lịch để nhập cảnh vào nước bạn với mục đích khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của người Việt Nam.
Việt Nam trao công hàm yêu cầu Thái Lan chấm dứt việc làm thiếu thiện chí
Trước thông tin cảnh sát Thái Lan yêu cầu khách du lịch Việt Nam phải xuất trình tiền mặt khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu đường bộ giữa Campuchia và Thái Lan, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Đại sứ quán tại Bangkok trao đổi với các cơ quan chức năng của Thái Lan và được biết: “Thời gian gần đây, trước tình trạng nhiều công dân nước ngoài vi phạm pháp luật Thái Lan trong lĩnh vực nhập xuất cảnh và cư trú tại Thái Lan, phía Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp mới nhằm quản lý chặt chẽ người nước ngoài. Theo quy định này, công dân của một số nước trong đó có Việt Nam, khi nhập cảnh Thái Lan với mục đích du lịch, phải xuất trình vé khứ hồi, xác nhận đặt chỗ tại khách sạn và tiền mặt (tối thiểu là 20.000 baht, tương đương 700 USD).
Đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao từ chiều 7-5 đã trao công hàm cho Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội về việc này. Công hàm nhấn mạnh: Việc phía Thái Lan không thông báo trước cho phía Việt Nam về quy định nói trên và việc Việt Nam là thành viên duy nhất trong ASEAN bị áp dụng quy định này không phù hợp với tinh thần hợp tác trong ASEAN cũng như với quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Thái Lan chấm dứt việc làm thiếu thiện chí đối với công dân Việt Nam và đề nghị tiếp tục tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân.
Theo ANTD
Để không bị "chặt chém" trong kỳ nghỉ 30-4 và 1-5
Mặc cho những khó khăn về kinh tế, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách du lịch cho các tour trong nước cũng như nước ngoài vẫn tăng từ 10-15%. Nhiều công ty lữ hành còn cho biết, đến thời điểm này họ đã phải từ chối khách do các địa điểm du lịch nổi tiếng không còn phòng khách sạn.
Nhu cầu đi lại của người dân trong kỳ nghỉ lễ được dự báo sẽ tăng cao,
đặc biệt là đường hàng không
Nhiều điểm du lịch đã "cháy" tour
Để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay sẽ kéo dài 5 ngày, từ 30-4 đến hết 4-5. Đây cũng là dịp để nhiều gia đình cùng nhau lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ ý nghĩa. Cũng bởi vậy mà nhiều công ty lữ hành cho biết, đến thời điểm này tại các địa điểm du lịch có tiếng, lượng khách đặt tour tăng cao hơn năm ngoái, nhiều khả năng các dịch vụ như thuê phòng khách sạn, phương tiện đi lại, nhà hàng... sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bà Phạm Minh Thuý - Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội - SaPa, ở quận Hoàn Kiếm cho hay, ngay từ cuối tháng 3, lượng khách đến đặt tour trong nước tại công ty đã tăng 20% so với ngày thường. Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, SaPa... đều đã kín chỗ. Tương tự, nhiều tour ngoài nước cũng không còn. Mặc dù, những ngày này công ty nhận được rất nhiều điện thoại của khách hàng đặt trọn gói một số tour trong nước nhưng đành phải từ chối do các địa điểm du lịch nổi tiếng, các khách sạn cao cấp số lượng phòng đặt trước chiếm tới 80%. Đối với các loại khách sạn từ 3 sao trở xuống, họ chỉ áp dụng giá ưu đãi cho các công ty lữ hành có ký hợp đồng từ trước, còn phần lớn các khách sạn loại này đều "om phòng" để bán cho khách du lịch lẻ với giá cao vào những ngày cao điểm.
Chị Nguyễn Thanh Tú, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho hay, năm trước do quyết định đặt tour đi Nha Trang quá muộn, công ty du lịch thông báo "cháy" tour Hà Nội - Nha Trang vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 nên gia đình chị phải tự túc lo từ A đến Z cho cả chuyến đi. Điều đáng nói, phương tiện di chuyển đến các điểm du lịch, các tour khám phá mà gia đình chị Tú đã chọn trong kỳ nghỉ cũng bị nâng giá... khiến chuyến đi của cả gia đình kém vui. Ngoài ra, gia đình chị Tú còn bị lỡ chuyến bay từ Nha Trang về Hà Nội bởi không thể đặt được vé. Do vậy, rút kinh nghiệm năm nay, ngay từ đầu tháng 4 chị Tú đã tìm kiếm thông tin từ nhiều công ty du lịch những tour du lịch khuyến mãi, có giá ưu đãi để cùng gia đình nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ lễ. Tuy vậy, hơn một tuần nay, chị Tú vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía công ty du lịch bởi một số tour đã có đủ khách, công ty không thể ghép tour cho gia đình chị được.
Khách hàng nên có sự chuẩn bị trước
Dù chưa thực sự bước vào kỳ nghỉ lễ, nhưng những thông tin về nạn "chặt chém" ở các khu du lịch trong nước đã bắt đầu nóng lên. Nhiều du khách kêu trời vì càng đến gần ngày nghỉ, giá dịch vụ càng tăng. Và dù chưa khởi hành nhưng nhiều du khách đã nhận được điện thoại của khách sạn báo sẽ tăng tiền phòng lên 30% so với dự kiến. Nhiều người do đã đặt vé máy bay từ trước và sợ sẽ khó kiếm được khách sạn khi kỳ nghỉ lễ đến gần, khó tìm được giá tốt hơn nên đành chấp nhận.
Một số công ty du lịch uy tín cho biết, tình hình bất ổn của Thái Lan đã khiến nhiều hành khách trả lại vé tour du lịch đến nước này trong thời điểm 30-4 và 1-5 vì lo lắng vấn đề an ninh ở Thái Lan. Tuy nhiên, các công ty này cũng cho biết, đối với trường hợp này, khách không bị phạt tiền. Đại diện một hãng hàng không giá rẻ trong nước cũng cho biết, lượng khách đi Thái trong kỳ nghỉ lễ năm nay không đông như những năm trước. Ở một số thành phố du lịch của Thái Lan vẫn còn phòng trống. Tuy vậy, các tour du lịch trong nước ngắn ngày đều kín chỗ, tăng 10-15% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc một công ty du lịch ở quận Hai Bà Trưng, các đoàn tour cũng như khách lẻ đã đặt phòng tại các điểm du lịch tập trung lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đã tăng từ một tháng trước. Sở VH-TT&DL nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu du khách. Các cơ sở lưu trú được xếp hạng cam kết giữ nguyên giá phòng trong dịp lễ. Một số khác, hưởng ứng chương trình khuyến mãi thu hút khách áp dụng cho một số tour liên kết với các công ty lữ hành cũng giảm giá dịch vụ. Do vậy, khách du lịch trong nước nên tìm hiểu kỹ thông tin và đặt tour tại các công ty lữ hành có uy tín, cần có sự chuẩn bị kỹ về điểm đến, phương tiện đi lại, khách sạn, điểm vui chơi... để có một kỳ nghỉ ý nghĩa, vui vẻ cùng người thân trong gia đình, tránh tình trạng vừa mất tiền, vừa chuốc bực vào thân.
Theo ANTD
Du lịch cuối năm: Giảm giá vẫn đìu hiu Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối năm, các công ty lữ hành lại tung ra những chiêu kích cầu như giảm giá, khuyến mại các tour du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, năm nay số lượng du khách đặt tour không nhiều, người tiêu dùng có vẻ đã "thông minh" hơn. Sapa là một trong những điểm đến...