Dũng mãnh tên lửa Việt Nam
Là đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ B-52 trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” và cũng là trong toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Tên lửa 93 giờ đây với hệ thống S-300 tối tân, luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Cùng đoàn cán bộ học viên Học viện Đà Lạt đến thăm Đoàn Tên lửa 93 (Sư đoàn Phòng không 367, Quân chủng Phòng không – Không quân), chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp như công viên của đơn vị. Doanh trại, trận địa chìm trong một màu xanh tươi mát của cây cỏ che phủ những ngôi nhà khang trang và những vũ khí, khí tài hiện đại đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc. Khu trung tâm của đoàn như được tô điểm bởi đài hoa phun nước cùng những búp sen hồng đang khoe sắc dưới ánh nắng chiều cùng những cây cảnh, chậu hoa được cắt tỉa chăm bón hết sức kỹ lưỡng.
“Toàn đoàn đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 40 chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Đơn vị chúng tôi có vinh dự là đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng đó”, thượng tá Lê Thanh Sơn, chính trị viên Đoàn Tên lửa 93, nói.
Trắc thủ nhanh chóng triển khai cọc đất bệ phóng – Ảnh: Vũ Quang Thái
Phát huy truyền thống
Video đang HOT
Thành lập năm 1965, Tiểu đoàn 93 (tiền thân của đoàn) thuộc Trung đoàn tên lửa 261 là một trong những đơn vị đầu tiên của binh chủng Tên lửa anh hùng đã từng tham gia chiến đấu gần 50 trận, bắn rơi 15 máy bay Mỹ. Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12.1972, tiểu đoàn đã chiến đấu hết sức dũng cảm, bắn rơi 6 máy bay, trong đó có 3 pháo đài bay B-52 Mỹ rơi tại chỗ. Nổi bật hơn cả là trận đánh lúc 20 giờ 5 phút ngày 20.12, kíp chiến đấu của tiểu đoàn đã xử trí linh hoạt, vận dụng sáng tạo phương pháp bám sát hỗn hợp bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52. Chiến tích này đã làm tan biến nỗi lo âu, căng thẳng sau đêm 19.12 (toàn bộ lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội không bắn rơi tại chỗ B-52) và củng cố lòng tin cho các kíp chiến đấu tên lửa khác. Kinh nghiệm quý của tiểu đoàn qua trận đánh đã được quân chủng phổ biến rộng rãi, kịp thời cho các tiểu đoàn khác. Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm, tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.
Trước yêu cầu của tình hình mới, cuối năm 2005, cấp trên quyết định nâng cấp Tiểu đoàn 93 lên thành Đoàn 93, đồng thời lựa chọn những người ưu tú nhất trong toàn sư đoàn gửi sang Nga huấn luyện chuyển loại, kết quả kiểm tra đánh giá của Trung tâm huấn luyện số 1 (Bộ Quốc phòng Nga) đối với các học viên Việt Nam sau 6 tháng miệt mài học tập là: 100% đạt yêu cầu, có 97,8% khá, giỏi.
Hệ thống ra đa có thể kiểm soát cả vùng rộng lớn
Khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, ở khu trận địa của Đoàn 93 không có những giàn tên lửa uy nghi trên bệ phóng luôn sẵn sàng và những xe khí tài thấp thoáng trong công sự như đã từng thấy ở các trận địa khác. Vậy mà, khi tiếng kẻng báo động từ Sở Chỉ huy đoàn vừa dứt, đã thấy cả đoàn xe khí tài, bệ phóng từ khu cất giấu rầm rập hành quân vào vị trí triển khai, chiếm lĩnh trận địa, rồi dựng ăng ten, ống phóng. Tất cả mọi thao tác đều được tự động hóa, chưa đầy 5 phút sau toàn kíp chiến đấu đã sẵn sàng tác chiến. Tình huống chiến đấu đưa ra là: cùng lúc có 5 tốp mục tiêu địch (có máy bay tiêm kích đa năng, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo) bay ở các giải độ cao khác nhau (từ 10 m đến 21.000 m), có sử dụng nhiễu tiêu cực và tích cực, tên lửa chống ra đa, xâm phạm vùng trời phía nam Tổ quốc. Dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng – thượng tá Lâm Xuân Hải, chỉ trong vòng 4 phút với 6 đạn tên lửa, các sĩ quan, trắc thủ trên đài điều khiển và chiếu xạ 30H6E1 đã nhanh chóng xử lý nhiễu, tiêu diệt mục tiêu trước tuyến hoàn thành nhiệm vụ của địch, vô hiệu hóa tên lửa chống ra đa, bảo vệ an toàn khí tài, trang bị của đoàn.
Theo trung tá Nguyễn Đình Mùi – Đoàn phó Kỹ thuật, thì bộ khí tài của đoàn hiện thuộc loại hiện đại trên thế giới: Tổ hợp tên lửa S-300PMU1 là hệ thống tên lửa phòng không đa kênh, có khả năng cơ động cao với thành phần chính là đài điều khiển và ra đa chiếu xạ cùng lúc có thể bám sát điều khiển 12 đạn đến 6 mục tiêu có cự ly từ 5 đến 150 km, đài ra đa phát hiện mọi độ cao với hệ thống ra đa đa kênh – đa chức năng, có thể phát hiện, bám sát tự động đến 100 phương tiện bay từ cự ly 300 km, xe địa hình để xác định chính xác tọa độ điểm đứng của các thành phần trong tổ hợp giúp cho việc định hướng đài bệ chính xác tuyệt đối. Đoàn còn được trang bị thiết bị thông tin liên lạc trong điều kiện địch dùng các thủ đoạn tác chiến điện tử.
Xe bệ phóng triển khai sẵn sàng chiến đấu – Ảnh: Vũ Quang Thái
Với công nghệ tiên tiến, S-300PMU1 có thể chống được tất cả các loại nhiễu của đối phương. Nếu so sánh với tên lửa Patriot của Mỹ thì S-300PMU1 vượt trội ở 3 điểm quan trọng: Thời gian triển khai chiến đấu ngắn hơn (5 phút so với 15 phút), phương thức phóng (thẳng đứng so với phóng nghiêng điều khiển được cùng lúc 2 tên lửa đến một mục tiêu (Patriot chỉ điều khiển được 1).
Làm chủ khí tài
Thượng tá Sơn cho biết: Lãnh đạo, chỉ huy đoàn luôn hết sức coi trọng làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho bộ đội, coi truyền thống vẻ vang năm xưa là bệ phóng của toàn đoàn hôm nay. Truyền thống là động lực giúp cho đoàn vượt qua khó khăn, thử thách trong những năm qua.
Ở Đoàn 93, chúng tôi đã tâm sự với những cán bộ, sĩ quan còn rất trẻ như thiếu úy Trương Quang Hiệp (quê ở Bình Thuận) là SQ hiện hình luyện tập, đại úy Ngô Minh Vương (quê ở Quảng Bình), kỹ sư tên lửa… và đồng đội của họ, tất cả chỉ mới ngoài 20 tuổi. Ở Đoàn 93 còn có thiếu tá Mè Đức Thiện, trợ lý tham mưu đoàn, là con trai của trung tá Mè Văn Thi, nguyên trắc thủ góc tà của kíp chiến đấu Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử. Tất cả họ đều bày tỏ niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình để xứng đáng với truyền thống của cha ông, của đoàn.
Từ năm 2006 đến nay đoàn luôn đạt tiêu chuẩn “đơn vị huấn luyện giỏi”. Vừa qua, thực hành diễn tập MN-12, có thực binh do quân chủng đạo diễn với những tình huống khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cao, nhưng đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tư lệnh tặng bằng khen.
Theo TNO
Dâng hương tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên
Sáng 20-12, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, phối hợp cùng Hội Phụ nữ, Ban cán sự Công đoàn Sở đã tổ chức Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên (quận Đống Đa), tưởng niệm các nạn nhân trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" 40 năm về trước; thăm quan Bảo tàng Chiến thắng B-52 (phường Đội Cấn, quận Ba Đình).
Đại diện Sở Cảnh sát PC&CC cho biết: Trong không khí nhân dân Thủ đô và cả nước tưng bừng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Điện Biên phủ trên không", Đoàn Thanh niên Sở Cảnh sát PC&CC, phối hợp với Hội Phụ nữ, Ban cán sự Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cho CBCS về sự kiện trọng đại, có giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc này, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ và công đoàn viên phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tích cực góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp giữ gìn ANCT-TTATXH.
Theo ANTD
Mít tinh kỷ niệm chiến thắng B52 Sáng 18-12, tại hội trường Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) 167 Trường Chinh, Hà Nội diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Tham dự lễ kỷ niệm có Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng PKKQ; Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ,...