Đừng mang lòng yêu nước để biện minh cho sự lãng phí
Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc, tượng đài bất diệt trong lòng mỗi người dân đất Việt. Nhưng đáng tiếc thay, chính tình yêu thiêng liêng ấy lại là lí do để lãnh đạo tỉnh Sơn La biện minh cho đề án xây dựng Đề án tượng đài Hồ Chủ tịch 1.400 tỷ đồng. Con số không thể tin được đối với một tỉnh nghèo như Sơn La.
Những em bé nhếch nhác bệnh tật, người dân nghèo khổ quanh năm với thức ăn chính là mèn mén ngẹn đắng để sống qua ngày. Những con đường gập ghềnh nguy hiểm, cây cầu treo chơi vơi trên dòng sông chảy xiết, thiên tai liên miên cướp đi bao nhiêu tính mạng và tài sản của người dân. Nhưng, bấy nhiêu đó cũng không quan trọng bằng việc xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chủ tịch với lý do “đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.
Dù thức ăn chỉ là mèn mén nhưng các em vẫn vui khi được đến trường
Nếu xưa kia Bác đã dùng chính chén cơm của mình để chia sẻ với người dân thì nay lãnh đạo Sơn La lại dùng chính Bác làm lí do xây lên tượng đài vô cùng lãng phí đó. Trước ý kiến của dư luận, lãnh đạo Sở VH-TT-DL đã nói: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”. Đúng là chưa bao giờ người con dân Đất Việt thôi nhớ và biết ơn Bác nhưng việc lãng phí hay không lại là một chuyện đáng bàn.
Lãng phí là sử dụng nguồn vốn không hợp lí, gây thất thoát và không có hiệu quả. Trong tình hình chung của tỉnh: trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường, cuộc sống người dân vô cùng khốn khó, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ đầy, trẻ con bữa đói bữa no. Số tiền 1.400 tỷ theo ước tính tương đương với thu nhập một tháng của 1 triệu người dân Sơn La, tức ngót nghét toàn tỉnh. Như thế vẫn chưa gọi là lãng phí ư?
“Quá lãng phí! Bác tiết kiệm cho dân, cho nước liệu Bác có vui khi biết người ta lãng phí để dựng lên hình tượng khi dân còn đói còn nghèo, đặc biệt 1 tỉnh còn nghèo như Sơn La. Với phần lớn là đồi núi vùng sâu vùng xa, 1400 tỉ đó phát triển cở sở hạ tầng, thêm con đường vào bản, thêm ngôi trường cho học sinh nghèo, giúp đỡ người nghèo có phải ý nghĩa hơn không? Trước khi làm phải tự đặt mình vào vị trí của người dân, xem đang thiếu thốn cái gì, đang cần gì, cái gì cấp bách thì làm ngay, làm kịp thời. Có như thế thì hình ảnh của Bác trong lòng dân mới trường tồn, xây tượng Bác hùng vĩ mà dân xung quanh nghèo xơ xác, chắc Bác đau lòng lắm…” – bạn Hoài An bức xúc lên tiếng.
Thiết nghĩ, một tỉnh còn quá nghèo như Sơn La tại sao không lo cải thiện đời sống dân sinh mà lại tập trung vào nâng cấp bộ mặt thành phố. Đúng là sự phát triển của một vùng cũng có thể đánh giá qua bộ mặt đô thị, nhưng cái gì cũng phải đúng với thực chất của nó. Khi một công trình hoành tráng ra đời mà dưới chân còn bao nhiêu người dân đói khổ, thì có phải là quá kịch cỡm và giả tạo hay không?
Sinh thời, Bác là người giản dị, tiết kiệm dù chỉ là một que diêm. Nhưng lãnh đạo Sơn La lại muốn xây nên một tượng đài hoành tráng và lãng phí để thể hiện tình cảm đối với Bác, như vậy có phải là đi ngược lại với tôn chỉ của Người. Muốn tôn vinh Người, trước hết hãy hoàn thành ước nguyện của Người là diệt giặc đói, giặc dốt.
Video đang HOT
Có lẽ bấy nhiêu thiên tai vẫn chưa đủ để lãnh đạo”vô cảm” nhìn thấy cái khổ của dân.
Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, thành phố. Trên thực tế, hầu hết các quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Vậy ngân sách của địa phương ở đâu ra? Chẳng phải từ những giọt mồ hôi mặn chát, bàn tay nứt nẻ và rớm máu của người dân trên mảnh đất vùng cao này hay sao? Khi người dân còn nghèo, bữa đói bữa no sống qua ngày, thì sao lại đành lòng mang những giọt mồ hôi và nước mắt của họ để xây dựng một đề án quá xa xỉ?
Thay vì, quan tâm lo lắng làm cho người dân đủ ăn đủ mặc thì lãnh đạo tỉnh lại vô cảm tới mức “đua đòi” xây dựng một đề án thật to, thật hoàng tráng. Để phục vụ cho nhu cầu và nguyện vọng của ai? lãnh đạo hay người dân, khi mà vắt kiệt họ đến từng củ khoai, củ sắn. Xin đừng lấy lý do “lòng dân” hay “vì Bác” để biện mình cho sự lãng phí của một đề án mà cả dân và Bác không bao giờ đồng tình.
Theo truongtansang.net
Muốn thì tìm cách...?
Khi thông tin tỉnh Sơn La sẽ xây công trình gồm tượng đài Bác Hồ, quảng trường, trung tâm hành chính... lên đến 1.400 tỷ vấp phải làn sóng phản ứng quyết liệt từ dư luận, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sơn La tìm đủ mọi cách lý giải. Thậm chí, vì không muốn công trình "đình chỉ", họ còn dũng cảm đến mức dựng chuyện - đẩy người dân Sơn La ra làm lá chắn...
Vấp phải phản ứng của người dân cả nước, ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cho biết, mục đích chính của Đề án là nhằm "đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu". Có thật, việc xây dựng tượng đài 1.400 tỷ là "nguyện vọng" của người dân Sơn La như lời ông Quyền nói không? Hay đó là nguyện vọng của lãnh đạo tỉnh Sơn La? Khi mà, trên địa bàn tỉnh Sơn La, trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường nhiều vô kể, cuộc sống người dân vô cùng khốn khó - nhiều người sống đến nửa đời mà đến con chữ còn không biết; khi cái ăn, cái mặc còn chưa đủ đầy, trẻ con bữa đói bữa no thì liệu ông bà, cha mẹ của chúng có hồ đồ, lãng phí đến mức ấp ủ "nguyện vọng" xây công trình văn hóa lên đến 1.400 tỷ???
Nhìn những hình ảnh này, lãnh đạo Sơn La có biết đâu là "nguyện vọng" của dân?
Công trình ngàn tỷ như lạc lõng giữa núi rừng Tây Bắc, giữa những lớp học rách nát, xiêu vẹo. Liệu có có vui không?
Thầy Tòng Văn Dịn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sam Kha, Bản Búng Báng, xã Sam Kha, Huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết sự thật: "Khoảng 70% các em học sinh là từ gia đình thuộc diện nghèo, tức thu nhập dưới 400 nghìn/người/ tháng"; "Quần áo tư trang cá nhân nhiều em cả năm chỉ mặc một bộ. Những ngày trời nắng mới giặt được, còn trời mưa thì đành chịu"; "Sách giáo khoa thì trước kia được cấp hoàn toàn, sau Nghị định 49 về thì vận động học sinh mua rất khó vì gia đình không tự giác mua, các em học sinh thiếu sách giáo khoa từ 30 tới 40%"; "Bếp ăn và nhà bán trú hiện nay cũng do người dân dựng tạm bằng tre, rồi đặt 2-3 giường cho các em nằm trong đó"; "Hiện nay chỉ có 4 điểm trường có điện lưới, ba điểm trường không có"; "Các thầy cô phải thường xuyên vận động gia đình các em cho đi học. Họ làm láng trại trên nương, đến mùa gặt hoặc mùa gieo cấy thì học sinh vắng nhiều lắm"; "Đến mùa bão lũ đi lại rất khó khăn, chủ yếu gia đình phải đưa đi. Các cầu treo, cầu tạm do nhà nước đầu tư để băng qua suối, qua sông, nhưng ọc ạch lắm..."
Sơn La được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Số tiền 1.400 tỷ sẽ giải quyết đáng kể những khó khăn trên-sẽ giúp người dân vùng đất Sơn La có điều kiện làm kinh tế, chăm lo cuộc sống gia đình... những điều này liệu lãnh đạo tĩnh Sơn La có biết??? Chi số tiền xây dựng công trình văn hóa hoành tráng đến mức có thể giúp toàn thể người dân tỉnh Sơn La vượt khó, giúp tất cả trẻ em Tây Bắc đều được đến trường, được mặc ấm, không phải bữa đói bữa no; vậy mà ông Quyến lại dám mạnh mẽ khẳng định: "Cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng. Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được"?
Liệu việc làm này có phù hợp với tinh thần tiết kiệm và lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có lẽ, khi phát ngôn câu nói này: "Với tình cảm biết ơn sâu sắc với lãnh tụ, chúng tôi đề xuất với tỉnh, Bộ VH-TT-DL và được Trung ương nhất trí cho phép xây dựng tượng đài tại Sơn La"và "kinh phí xây dựng tượng đài 1.400 tỷ do Trung ương hỗ trợ", ông Quyền đang nghĩ, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Sơn La đã làm một việc vô cùng có ý nghĩa???
Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn gần gũi dân, nhất là dân nghèo; Bác sống giản dị, đi dép lê, mặc chiếc áo rất bình dân và tất cả những việc làm của Người xuyên suốt cuộc đời luôn gắn với nguyện vọng nhân dân Việt Nam đủ cơm ăn, áo mặc; sống ấm no, hạnh phúc. Nếu như biết ơn Bác thì đáng lẽ ra, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Sơn La nên học theo tấm gương, đạo đức Bác Hồ đặt mục tiêu chăm lo cuộc sống người dân lên hàng đầu-đó mới là việc làm thiết thực và có ý nghĩa.
Lời nói của ông Quyền không những không hợp tình, hợp lý mà còn phơi bày sự giả dối. Đến thời điểm này, Trung ương chưa từng ký bất kỳ quyết định nào hỗ trợ 1.400 tỷ để Sơn La xây dựng công trình văn hóa đồ sộ; có chăng chỉ là cho phép xây dựng tượng đài Bác Hồ - dĩ nhiên là chỉ trong khuôn khổ, phù hợp với cuộc sống người dân vùng Tây Bắc. Vậy mà ông Quyền dám khẳng định chắc nịch "kinh phí xây dựng tượng đài 1.400 tỷ do Trung ương hỗ trợ"???
Mỗi người dân Việt Nam đều đã có tượng đài của Bác Hồ trong lòng của mình rồi. Các vị hãy dùng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân làm những việc cần ưu tiên hơn, để người dân có đủ niềm tin mà tiếp tục đóng thuế.
Cơn lũ hồi tháng 06/2015 đã khiến thành phố Sơn La ngập chìm trong nước
Số tiền 1.400 tỷ nên dùng để hỗ trợ người dân sau cơn bão dữ, như thế thiết thực hơn nhiều
Điều đáng nói ở đây là, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Sơn La thừa biết sự thật: "Sơn La là một tỉnh nghèo", ấy vậy mà các vị ấy lại có những hành động vô cảm đến lạ thường-điều mà một vị quan có Tâm sẽ không bao giờ làm thế! Giá như mà, thay vì tìm đủ mọi lý do để xây dựng công trình văn hóa 1.400 tỷ, lãnh đạo sở VH-TT-DL Sơn La kiên quyết, tìm mọi cách để Trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ giúp bà con nghèo, giúp trẻ em có cơm ăn áo mặc, đến trường đàng hoàng thì người dân Sơn La có lẽ sẽ cảm kích vô cùng, dân tộc Việt Nam sẽ biết ơn vô cùng. Đằng này, các vị lãnh đạo Sở VH-TT-DL Sơn La lại không nghĩ cho dân; trong khi đó, các vị được trả lương từ thuế của dân-từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt trong đó có của dân nghèo Sơn La đóng góp.
Tên Bác phải được xướng lên trong sự kính trọng và yêu thương của dân tộc. Làm ơn đừng để người đời gọi tên Bác trong những chuyện thị phi này!!!
Theo truongtansang.net
Cận cảnh khu đất sẽ xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La có mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng với tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 20ha. Khu đất xây dựng tượng đài Bác Hồ có tổng diện tích sử dụng đất phục vụ đề án...