Đừng làm khó đường đi của “hạt vàng”
31 năm xuất khẩu gạo – những hạt gạo ấy đã đưa nước ta vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy có những thăng trầm khác nhau, nhưng hạt gạo đã làm nên danh lợi của ngành nông nghiệp, ngoại thương nước nhà.
Tiếc thay! Trong tháng Tư này, khi hạt thóc được cả mùa lẫn giá; hạt gạo có lắm khách hàng nước ngoài đặt mua, thì lại lắm chuyện lùm xùm, quanh co, nhiễu nhương! Có những công văn trao đổi của bộ, ngành, đã lộ ra những khiếm khuyết trong liên kết, phối hợp quản lý, điều hành, thậm chí tạo kẽ hở cho sự luồn lách, trục lợi.
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu tại công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food), TP.Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh
Lật lại mấy tuần trước, do không nắm được đầy đủ nguồn cung lúa, gạo còn tồn đọng trong dân, tại các kho dự trữ của doanh nghiệp, nhà xuất khẩu đến sản lượng lúa thu hoạch vụ xuân của Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, thế nên mới có chuyện tham mưu cho Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo. Thông báo được ban hành, ngay lập tức nhận được phản hồi gay gắt từ doanh nghiệp một số địa phương và phản ứng thị trường về giá lúa giảm 20 – 40 đồng/kg.
“Xuất khẩu gạo có kiểm soát” – một chủ trương đúng của Chính phủ về an toàn, an ninh lương thực hợp lòng dân. Ngỡ rằng, các Bộ NNPTNT, Công Thương, Tài chính và Hiệp hội Lương thực (VFA) sẽ nỗ lực dành “điểm cộng” trong xuất khẩu gạo tháng Tư, thì mới đây lại “tóe” ra chuyện ngành Hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo vào từ ngày 12/4. Thế là bung ra chuyện “kẻ khóc người cười”. Và phơi bày ra những chuyện xưa – nay hiếm: Có doanh nghiệp khai xong 102 tờ khai, dành được 96.200 tấn, chiếm tới 25% hạn ngạch xuất khẩu gạo được phép trong tháng Tư; trong khi, có doanh nghiệp còn 26.000 tấn gạo bị kẹt ở cảng, phải chi trả tiền lưu bãi, bảo quản… mất hàng trăm triệu mỗi ngày. Lại có doanh nghiệp về tay trắng; có doanh nghiệp trúng thầu mua gạo dự trữ, dám cả gan bỏ hợp đồng, “nhảy” xin tờ khai xuất khẩu gạo, nhằm giật “miếng bánh” hời.
Dõi theo hoạt động xuất khẩu gạo nhiều năm, mới thấy nhiều cơ chế điều hành khác nhau. Từ xuất khẩu theo đầu mối có hạn ngạch, xuất khẩu theo đầu mối có chỉ định, rồi báo cáo về VFA… đã sinh ra mất công bằng. Xuất khẩu gạo, tuy hình thức có khác nhau, nhưng mục đích chỉ xoay quanh hai nhiệm vụ: Tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với giá hợp lý và đảm bảo an toàn, an ninh lương thực quốc gia. Nhưng tiếc rằng, quyền định đoạt “số phận” hạt thóc, hạt gạo lại nằm trong tay một vài công ty lương thực lớn. Người trồng lúa, người làm ra hạt gạo, không có tiếng nói của chính mình, không có người đại diện cho mình được quyền tham gia định giá bán, thương thảo hợp đồng với khách hàng mua gạo; không được tham gia giám sát tài chính, phân phối lợi ích cho hài hòa của các bên tham gia.
Nhìn sâu vào những chuyện lùm xùm, quanh co của hoạt động xuất khẩu gạo tháng Tư này, nguyên nhân chính là những ràng buộc trong một số điều về cơ chế chính sách. Là trục độc quyền do một số “ông lớn” trong ngành gạo thâu tóm. Là cung cách làm việc buông trôi, qua loa… của công chức, viên chức một số ngành có trách nhiệm quản lý, điều hành, phục vụ, kiểm tra, kiểm soát… hoạt động xuất khẩu gạo.
Video đang HOT
Những câu chuyện lùm xùm, những hành vi gây “nhiễu” đã tiến đến giới hạn cuối cùng. Không thể kéo dài hơn nữa! phải sớm chấn chỉnh, thậm chí loại bỏ ngay những cá nhân, tổ chức dựa cơ mà “đục nước béo cò” hay buông trôi trách nhiệm… đang làm ảnh hưởng đến đường ra thị trường của hạt gạo – “hạt vàng” của Việt Nam.
Hoàng Trọng Thủy
Đủ sản lượng xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 vẫn đảm bảo đạt 6,5 - 6,7 triệu tấn.
Giảm trung gian
Sau 2 tuần tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đánh giá lại sản lượng, nguồn cung cho thị trường nội địa và xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương về phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo văn bản ngày 6/4, tức là xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.
Thu hoạch lúa đông xuân ở Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Ngay sau quyết định của Thủ tướng, ngày 10/4/2020, Bộ Công Thương cũng có Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020.
Theo đó, nguyên tắc quản lý hạn ngạch sẽ được thực hiện như sau, thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan, thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.
Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan vượt mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan, thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - lâm TP.Hồ Chí Minh, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo có kiểm soát là bước đi thận trọng và vô cùng cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
"Tình hình dịch bệnh đang khiến cung lương thực (cả lúa gạo, lúa mì) thấp trong khi cầu cao hơn trước ở nhiều quốc gia sẽ đẩy giá lương thực đi lên, đây là một lợi thế với một nước dồi dào lương thực như Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chức năng cần đẩy mạnh truyền thông về thị trường nhằm giúp nông hộ tiếp cận với giá thị trường, giảm thiểu khâu trung gian không cần thiết, tránh tình trạng ép giá của thương lái hoặc của doanh nghiệp để cải thiện thu nhập cho nông dân" - ông Lý nói.
Đảm bảo đủ sản lượng
Hiện, vẫn còn ý kiến băn khoăn việc Thủ tướng đồng ý nối lại xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều nước tăng dự trữ lương thực, hạn chế xuất khẩu có ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực cho thị trường nội địa.
Về vấn đề này, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, với diễn biến mùa vụ hiện nay, chúng ta hoàn toàn chủ động đủ sản lượng lương thực cho tiêu dùng trong nước và dư 6,5 - 6,7 triệu tấn phục vụ xuất khẩu.
Dự kiến, đến 30/6/2020 cả nước sẽ thu hoạch xong vụ đông xuân với diện tích gieo trồng 3,014 triệu ha, năng suất bình quân 66,9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc. Trong đó, riêng vùng ĐBSCL, diện tích đã đạt 1,538 triệu ha, năng suất bình quân 70 tạ/ha; sản lượng 10,8 triệu tấn.
"Trong điều kiện rất khó khăn, hạn mặn lịch sử nhưng khu vực ĐBSCL vẫn được mùa do chủ động nhận định sớm cùng tập trung các giải pháp tổng hợp. Đến nay, căn bản diện tích lúa đông xuân các vùng miền đều khá tốt, sẽ đạt kế hoạch với sản lượng khoảng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm. Với kết quả đó sẽ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng và công tác xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Theo Bộ NNPTNT, từ tháng 7 đến hết năm 2020 sẽ sản xuất 3 vụ, gồm: Hè thu, thu đông và vụ mùa với tổng diện tích gieo cấy dự kiến 4,350 triệu ha, năng suất bình quân 53,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,3 triệu tấn thóc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ thời tiết, sâu bệnh để có các biện pháp kỹ thuật kịp thời, đảm bảo được kế hoạch sản xuất lúa năm 2020.
"Bộ NNPTNT sẽ bám sát thực tế để có biện pháp chỉ đạo tập trung, nhằm đạt năng suất, sản lượng cao nhất, đặc biệt là vụ thu đông ở ĐBSCL. Đến cuối quý II và đầu quý III, trên cơ sở tín hiệu thị trường và điều kiện sản xuất sẽ tăng diện tích giao cấy để tăng sản lượng, khai thác lợi thế thị trường" - ông Tiến nhấn mạnh.
Khánh Nguyên
Thủ tướng: Sẽ giữ 3,5 triệu ha đất để trồng lúa Trong phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta chăm sóc công dân Việt Nam, quan tâm cả người nước ngoài, xử lý vấn đề nhân văn, "chứ không phải chạy theo đồng tiền". Trong nông nghiệp nông thôn và an ninh lương thực cũng phải làm như vậy, để không ai bị bỏ lại phía sau, không...