Đừng hủy hoại hôn nhân vì lời yêu có cánh
Được nghe lời ngọt ngào là nhu cầu chính đáng của mỗi người nhưng đừng vì quá khao khát nó mà khiến “nửa kia” thấy áp lực.
Hàng ngày, đi trên đường hoặc lướt mạng Internet, bạn có thể thấy vô vàn những lời quảng cáo về các lớp đào tạo “kỹ năng mềm”, “nghệ thuật ứng xử”, “kỹ năng hẹn hò”… Trong số những người quan tâm và đăng ký các khoá học này, chiếm một phần không nhỏ là nam giới. Phải chăng các nàng ngày càng quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài phe đối diện và ngay các chàng cũng muốn học cách ăn nói mượt mà như lụa?
Tuy nhiên, có bao nhiêu thực chất của sự quan tâm dưới cái vẻ ngoài bóng bẩy đó thật khó để biết được. Biết đâu, khi đặt nặng cái yêu cầu được nghe những lời thuận tai, thấy những điều thuận mắt, các chị em lại vô tình đánh mất đi cái tình thật, mộc mạc nhưng ấm áp, kiệm lời nhưng sâu sắc, vốn là một phần bản chất của người đàn ông Á Đông.
Một thực tế là các thế hệ về sau – có thể từ 8x và hậu 8x, được thụ hưởng điều kiện về kinh tế tốt hơn, có thời gian để phát triển cá tính hơn nên cũng tự tin để khẳng định bản thân nhiều hơn. Khi vui, khi yêu thì gõ lời yêu, bấm lời yêu chấp chới qua các mạng xã hội, qua tin nhắn điện thoại. Thói quen thể hiện cũng song hành với việc đòi hỏi bạn đời cũng phải thể hiện tình cảm theo những cách độc đáo, lãng mạn, hay quan tâm, chăm sóc khi cùng chia sẻ đời sống hôn nhân.
Các chị em hay than thở “anh ấy chẳng bao giờ tặng hoa cho vợ”, “chẳng bao giờ nói với vợ một lời yêu thương”, “chẳng khi nào khen vợ một câu”. Cũng không phải đến bây giờ những lời thở than này mới xuất hiện nhưng có vẻ như nó đang nhiều dần lên, thậm chí có khi trở thành nguyên nhân cho việc ngã lòng, tìm kiếm người thứ ba, hay đổ vỡ gia đình.
Ảnh: Corbis
Các chuyên gia khuyên phải biết thay đổi, phải thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương, phải tìm ra cách để tặng quà, hoa cho vợ. Những kết quả tốt đẹp, sự xúc động bất ngờ của các bà vợ thường được đem ra làm ví dụ cho sự thành công của phương pháp, nhưng những lần không thành công, những kết quả không mong đợi thì chẳng mấy ai đề cập.
Cùng với phim ảnh, những câu chuyện kể đi kể lại của bạn bè, những phụ nữ chưa được tặng hoa tặng quà bỗng thấy mình bất hạnh, bỗng thấy chồng mình sao mà khô khan, không bằng chồng của người khác, bỗng thấy mình khao khát một bó hồng, một lời yêu thương dịu dàng.
Nói cho cùng, đó là một dạng “bệnh tưởng” – “cơ thể” hôn nhân đang không đau ốm hoặc chỉ ốm xoàng thôi, lại bị làm cho nặng lên, trầm trọng thêm vì so sánh, vì muốn cho bằng chị bằng em và vọng tưởng tới những gì người khác có, người khác bày ra khoe.
Video đang HOT
Điều này cũng giống như một người xách giỏ vào siêu thị, cố gắng mua bằng được những thứ mà người đi trước mình mua, bất kể mình có cần hay không, mình có đủ tiền hay không, thứ đó có phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình mình hay không… Những mặt hàng đẹp đẽ, long lanh, lãng mạn thường có giá không thực nhưng vẫn cứ gây nên nỗi khát khao, thậm chí là nỗi đau khổ cho rất nhiều chị em.
Hàng độc khó kiếm
Chị Thanh Uyên kể chồng mình rất được lòng các em trẻ ở công ty. Anh có cả một kho những lời có cánh. Thế mà về nhà với vợ chẳng bao giờ nói được một câu nghe cho êm tai. Hôm rồi tính đổi không khí, rủ chồng đi ăn ở một nhà hàng, mình phải nói dối là ở nhà hàng đó đang có chương trình giảm giá, anh dẫn em đi ăn thử. Ai ngờ ông ấy bảo “Em không sợ béo à? Anh thấy dạo này em tăng cân đều đều. Vậy mà còn suốt ngày tính chuyện ăn uống”! Mình đã bị sốc.
Nhìn lại mình cũng đâu đến nỗi nào. Mình giận hết mấy ngày, trong khi ông ấy cứ phây phây. Cuối tuần rồi, tự nhiên hai cha con bày ra trò barbecue tại nhà, cũng nướng, cũng khói bốc mù mịt, chồng mình tự hào tuyên bố: “Anh nướng ngon bằng mấy lần cái nhà hàng mà em định đi ăn đó! Không tin em ăn thử đi”!
Lang thang vào blog một anh bạn cũ người Huế nổi tiếng dẻo mỏ, tán gái thành thần, thấy anh dành nguyên một trang thơ tặng vợ. Bao nhiêu “dáng ngọc” ngày xưa, bao nhiêu tình nghĩa ngày nay tuôn dạt dào như suối, bài thơ nào cũng đề “tặng vợ” da diết. Gọi điện chúc mừng chị có một người chồng yêu vợ, một người tình lãng mạn dù đã ở với nhau có mấy mặt con, chị trả lời tỉnh rụi: “Chị đâu bao giờ tin mấy thứ đó em ơi! Tin là chết! Em nào mà chẳng là em, anh ấy cũng bay bướm hết mấy cô rồi mới ra cái màu ướt át đó. Sống với nhau lâu, hiểu quá rồi. Thương vợ thương con đâu cần phải la lên cho cả thiên hạ biết. chị chỉ cần chung thủy, chỉ cần anh ấy có trách nhiệm với gia đình thôi”. Thì ra, chủ sở hữu hợp pháp của những “lời có cánh” chẳng hề đánh giá cao nó, vì người ta biết: cũng dễ làm thôi!
Lần khác, vợ chồng cô bạn cùng đến thăm sếp cũ. Anh chông mang tặng một bó hoa, cười đầy ngưỡng mộ:”Sao từ lúc chị về hưu đến giờ cứ trẻ ra trông thấy vậy? Có bí quyết gì hay là lại có anh nào theo rồi đấy?”.Sếp cũ đã ngoài 60, cười tít mắt. Ra về, cô vợ lầm bầm dấm dẳng: “Bà đó mà trẻ! Anh cũng thật là…”. Đến lượt anh cười tít mắt: “Nếu em gặp thằng nào khen em trẻ ra, đẹp ra, em nhớ vụ hôm nay nhé! Đàn ông khen là thế đó vợ ơi!”.
Cô bạn vẫn còn ấm ức, kể tội chồng ra ngoài thì mồm miệng tía lia, về nhà thì chả bao giờ khen vợ được một câu. Anh chồng im lặng một lúc rồi bảo: “Không có gì trong lòng thì mới khua môi múa mép được em ơi. Chứ yêu thương nhau thật lòng, chẳng ai muốn nói những lời hoa mỹ đó, giả dối lắm. Người ta đều biết đó chỉ là thứ hàng khuyến mãi, rao lên để đánh lừa người mua thôi mà!”.
Ảnh: Corbis
Chẳng biết sau đó cô vợ có nhận ra chất lượng của “hàng khuyến mãi” hay không, mà thấy chị bớt hẳn việc kể tội chồng, cũng bớt hẳn việc tìm cách giấu bớt tuổi tác. Chị bảo “Mình biết chồng mình, có những thứ ở sâu trong con người anh chỉ có riêng mình mới được, cũng chẳng nên đánh đồng mình với những cô nào đó ở bên ngoài chỉ chăm chăm hóng hớt những lời đãi bôi”.
Thực ra, việc nịnh vợ đôi câu, kể cả “diễn” một chút cho vợ vui lòng, đều không khó gì. Thành ra, nếu các chị không thấy cái “độc”, cái “đẳng cấp” của thứ hàng mình đang có, chỉ riêng mình mới có nếu chỉ chăm chăm những thứ xanh đỏ hoa lá bên ngoài cho được như người ta, các chị sẽ đánh mất cái thật, cái giá trị cốt lõi bên trong, nhận lấy cái giả, cái hoa hòe bề ngoài.
Để hạnh phúc thật hơn
Xét cho cùng, việc phụ nữ hay đàn ông cũng đều yêu thích những gì lấp lánh, đẹp đẽ, thích được khen, được tán, được quan tâm chiều chuộng… Nhu cầu này cũng không cần thay đổi vì nhu nó thực sự chính đáng. Chỉ có điều, đừng đẩy nó lên thành thiệt thòi, mất mát để rồi tự làm khổ mình, tự tạo thêm những lỗ hổng không đáng có, làm suy yếu thành lũy gia đình.
Những cặp vợ chồng sống với nhau và hiểu nhau, cũng đồng thời hiểu rằng lời yêu có khi không có cánh, lời có cánh có khi không phải là lời yêu. Mỗi người một tính, một cách thể hiện riêng đừng bắt người bạn đời phải bóng bẩy, phải mượt mà, phải kiểu cách hoa này quà nọ cho giống chồng người ta. Có khi tình yêu không cần đến lời nói, sự quan tâm chăm sóc thật lòng không cần phải gói bằng giấy gói quà.
Truyền thống “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” chưa bao giờ lỗi thời, nhưng xu hướng hiện đại đang là vật trang trí và mẫu mã bao bì bắt mắt. Hãy cẩn thận với những lời trang trí, bởi nếu mất cảnh giác, nó sẽ lấn át cái thực chất bên trong, nguy hiểm hơn, nó còn hình thành thói quen “trang trí” trong gia đình, khiến cho những gì mộc mạc, giản dị, thân tình dần biến mất.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng, cần xác định đúng giá trị của những thứ lấp lánh và “có cánh” ấy để không bị lừa và quan trọng hơn, để có thể khổ đau hay hạnh phúc thực hơn với cuộc đời này.
Vợ khôn!
Để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, một bí quyết vô cùng quan trọng là vợ chồng phải hiểu nhau.
Thưở còn tuổi... đang yêu hẳn không ít người thuộc lòng những câu đại loại như: "Yêu là hai trái tim cùng một nhịp đập, hai tâm hồn cùng nhìn về một hướng", "Nền tảng thật sự của tình yêu là sự hiểu biết lẫn nhau", "Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc"...
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, khi hai người quyết định trói đời nhau bằng hôn nhân, thì tất nhiên, điều đầu tiên là họ phải hiểu rõ nhau, biết về nhau và chấp nhận cả tính xấu lẫn tính tốt, không... hối tiếc!
Các nhà tâm lý luôn cho rằng, để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, một bí quyết vô cùng quan trọng là vợ chồng phải hiểu nhau. Lý thuyết là vậy, nhưng hiểu nhau như thế nào thì có lẽ mỗi gia đình có mỗi cách khác nhau. Và, thử xem từ hiểu đến biết chồng, có bao nhiêu phụ nữ đạt được cả hai tiêu chí đó?
Rất nhiều phụ nữ tự hào rằng mình rất hiểu chồng, con. Hiểu rõ, tường tận! Nhiều bà còn khẳng định là đi guốc trong bụng mấy ông. Có bà mạnh miệng tuyên bố, cầm khỉ biết khỉ múa, thậm chí khỉ chưa múa đã biết sẽ múa bài gì, con ruồi bay qua biết ruồi đực, ruồi cái...
Vợ chồng hiểu nhau là điều hạnh phúc, ai cũng mong muốn. Thế nhưng, các bà hiểu gì? Nhìn mặt chồng hơi quạu, đoán là có chuyện không vui bên ngoài. Chồng im lặng, hỏi không nói, chắc là có vấn đề gì ở công ty phải suy nghĩ để tìm cách giải quyết. Chồng về nhà la mắng con cái, càm ràm cái bình tưới cây đứa nào lấy đem đi đâu, làm xong phải để vào vị trí cũ chớ, con chó ăn bỏ mấy khúc xương tứ tung, ở nhà làm gì sao không quét, hồi sáng có mang cái lồng chim ra phơi nắng không... Tuôn ra những điều bực bội như vậy chắc chắn thể nào, một là có chuyện gì kìm nén ở cơ quan, về nhà trút đây, hai là đã trút ở cơ quan rồi chưa đã giận, còn mang về nhà...
Vợ hiểu chồng, nói nhỏ với con, ba mày đang bực mình đó, liệu mà dẹp cho gọn đi, cái bình tưới hồi sáng để đâu, lo rót nước vào tủ lạnh kẻo ổng mở ra thấy toàn chai không... Dặn con xong, vợ lẳng lặng xách cây chổi ra quét chỗ thức ăn con chó làm vương vãi. Cả nhà len lén không ai hở tiếng nào. Chỉ có con gái út (cưng) vô tư chạy ra, ba ơi, làm cho con bài thủ công nhen ba. Có hai tình huống xảy ra, một là, thấy con gái cưng, bực bội bỗng dưng tan biến, chồng dịu giọng ngay, ừ để ba làm cho. Hai là, đang cơn bực tức, ông bố nạt, tự làm đi, phải tự lực chớ. Đứa con gái sụt sịt, sao mấy kỳ trước ba cứ dành làm, nói để con được điểm cao. Ứ thèm...
Bà vợ lúc này mới thật hiểu chồng đây. Vừa dỗ con gái cưng, để đó, ba đang mệt, khi nào khoẻ ba làm, rồi quay sang nói với chồng, ba mày nghỉ đi, em làm giúp cho con. Bảo con gái rót cho ba ly nước, con trai bật cho ba cái quạt... Vậy là êm! Bữa cơm gia đình hứa hẹn sẽ không nặng nề!
Hiểu chồng như vậy, nhưng, kết quả một cuộc điều tra xã hội học về phụ nữ cho thấy, với câu hỏi, bạn hãy liệt kê những điểm tốt của chồng thì đa phần các bà vợ viết rất ít, có bà còn không thấy chồng có điểm gì tốt. Tuy nhiên đến câu hỏi, liệt kê khuyết điểm thì các bà "tràng giang đại hải", rất chi tiết!
Nhưng, chồng xấu đến mức ấy, nhưng sao bà vợ lại... thương, sống với nhau đến răng long đầu bạc? Đó, tức là các bà hiểu chồng qua cảm tính của phụ nữ. Hiểu ở đây còn có ý nghĩa "đầu ấp tay gối", sống với nhau lâu thì biết ý nhau...
Một bài tập trắc nghiệm về hiểu chồng với các câu hỏi như: kể tên bạn thân nhất của chồng, biết chồng đang đối mặt với khó khăn gì, có biết tên những người gây cho chồng bực bội trong thời gian gần đây hay không, ước mơ của chồng, quan niệm sống của chồng... Mới thấy, cho dù có hiểu chồng đến đâu, nhiều bà vợ rất lúng túng khi không biết trả lời thế nào.
Từ đó, có thể thấy một điều, phụ nữ hiểu chồng, biết cư xử tế nhị, giữ hòa khí trong gia đình kiểu như trên cũng chỉ mới là hiểu và biết những thứ bày ra trên bề mặt tảng băng. Người ta cho rằng, vợ hiểu chồng vậy đó, nhưng có nhiều bà vợ không biết chồng. Từ hiểu đến biết là một khoảng cách khá xa. Thực tế cho thấy, có nhiều chuyện bên ngoài xã hội của chồng, người biết sau cùng luôn là vợ, khi ấy mọi sự đã vỡ lở, cả làng biết vợ mới biết. Không thể trách vợ được vì làm sao bà biết hết hành vi, đường đi nước bước của chồng bên ngoài xã hội, chồng làm gì, quen những ai làm sao vợ "cập nhật" thông tin được?
Cái khôn khéo của người phụ nữ là đây. Tài lấy thông tin hay dở ở chỗ này. Điều tra sao cho khéo, đối tượng điều tra không biết mình bị điều tra... Và khi mọi chuyện ì xèo, tài thao lược của bà vợ là biết giải quyết êm thắm, không ồn ào, không hình sự, lèo lái con thuyền gia đình không va vào đá ngầm, đá tảng... Đó mới thật sự là hiểu và biết chồng!
Hiểu và biết còn có ý nghĩa về niềm tin. Nhiều người phụ nữ ra sức bảo vệ chồng khi mọi chứng cứ gần như hoàn toàn không thể chối cãi. Chồng tui không có tính đó, chồng tui không làm việc đó, tui tin chồng tui... Đó không chỉ là sự khéo léo mà còn là cách giải quyết rất thông minh ra tay giúp chồng. Để rồi sau đó, có thể bên trong họ sẽ có nhiều điều cần giải quyết với nhau nhưng bề ngoài, dư luận khó có thể bồi thêm đòn nào nữa!
Như vậy, điều cần thiết ở người phụ nữ là phải hiểu và biết chồng, cái biết còn hàm nghĩa cả việc xử sự. Trên đời này, không có việc gì không thể xảy ra và không giải quyết được, vấn đề quan trọng ở chỗ cần phải hiểu và biết một cách bình tĩnh, sáng suốt, từ từ, đâu còn có đó...
Theo Bưu Điện Việt Nam
Em sẽ chỉ giữ lại những điều đẹp đẽ Nụ cười rạng rỡ có thể che mắt mọi người nhưng không khiến em nguôi bớt nỗi buồn, nỗi nhớ anh. Dù đã dặn lòng mình quên anh đi nhưng sao trong em vân nhớ? Đôi lúc em tự trách rôi lại hỏi bản thân mình sao cứ mãi nhớ anh như thê? Có những lúc nôi nhớ ùa vê làm tim em...