Đừng đùa với rượu thuốc phiện
Khoảng 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc vừa được Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội bắt giữ tại cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (Mễ Trì,Từ Liêm, Hà Nội). Câu hỏi đặt ra là uống rượu ngâm anh túc hại gì, lợi gì?
“Rượu 138″, đó là tên được dân nhậu sử dụng để gọi các loại rượu có ngâm rễ, thân, cành hoặc quả của cây thuốc phiện (cây anh túc). Rượu này được dân nhậu đặt tên theo kế hoạch 138 do UBND tỉnh Yên Bái đề ra nhằm kiểm soát, xử phạt đối với người trồng cây thuốc phiện. Từ nhiều năm nay, “rượu 138″ vẫn âm thầm được bán trên thị trường, vụ việc Công an Hà Nội phát hiện ngày 25/12 chỉ là điển hình.
Món hẩu của dân nhậu
Với những tác dụng được “lưu truyền” như một thứ “thần dược”, “rượu 138″ được dân nhậu săn lùng như một món thuốc giảm đau, chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột, tăng cường khả năng của nam giới… Thực tế, tại các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian trước đây, khi cây thuốc phiện chưa bị triệt phá, đồng bào dân tộc cũng có thói quen ngâm rượu anh túc để uống. Cho đến khi chính sách triệt phá cây thuốc phiện được thực hiện, thói quen này cũng ít dần.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn người lén lút trồng cây anh túc và trào lưu ngâm, uống và bán “rượu 138″ vẫn chưa dứt hẳn, mấy năm gần đây dân nhậu lại rất quan tâm săn lùng loại rượu này. “Rượu 138″ được bán phổ biến ở một số huyện của tỉnh Yên Bái như Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Trạm Tấu…
Hàng ngàn chai rượu ngâm cây anh túc được trưng bày tại cơ sở Thúy Gấu – Ảnh: Bách Sơn
Công nghệ chế biến rượu thuốc phiện khá đơn giản, có hai loại ngâm khô và ngâm tươi. Rượu ngâm tươi cây anh túc được phơi héo, rửa qua rượu rồi ngâm thẳng vào bình với rượu ngô men lá của đồng bào dân tộc. Sau một tuần, nước rượu chuyển sang màu nâu sậm là có thể uống được. Mỗi bình “rượu 138″ loại 5 lít được bán với giá 1,5-2 triệu đồng. Nếu bình rượu chỉ ngâm quả sẽ có giá đắt gấp đôi so với rượu ngâm cành, thân, rễ. “Rượu 138″ sau đó thường được các đối tượng buôn bán vận chuyển về xuôi dưới nhiều hình thức ngụy trang nhằm qua mắt cơ quan chức năng.
Có thể gây nghiện ma túy
Ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thẳng thắn thừa nhận thực trạng uống rượu thuốc phiện không phải là mới. Theo ông Đáng, cách đây năm năm khi làm nghiên cứu về thực trạng rượu ngâm động vật và thảo dược ở 30 tỉnh thành của VN, nhóm nghiên cứu thuộc Cục An toàn thực phẩm đã thống kê được 2.000 loại rượu ngâm động vật và thảo dược, trong đó có rượu ngâm cây anh túc. “Không chỉ nghiện rượu, mà uống rượu ngâm anh túc độ một tuần liền là nghiện cả ma túy” – ông Đáng nói.
Bị tù vì bán rượu ngâm anh túc
Tháng 4-2010, Công an Yên Bái đã bắt giữ Bùi Thị Hoa (trú tại Nghĩa Lộ, Yên Bái) buôn bán 1.500 lít rượu ngâm cây thuốc phiện và hơn 2kg quả thuốc phiện. Theo khai nhận của Bùi Thị Hoa, số cây, cành, quả thuốc phiện được thu gom tại huyện Trạm Tấu với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Sau đó Hoa mang về chế biến và bán cho khách hàng. Với hành vi này, TAND thị xã Nghĩa Lộ đã tuyên phạt Bùi Thị Hoa 7 năm tù giam về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Video đang HOT
M.Quang
Theo ông Đáng, do phần lớn người ngâm rượu ở VN không ngâm theo công thức, chủ yếu làm theo kinh nghiệm và thói quen, nên nhiều loại rượu ngâm chưa hề được chứng minh có tác dụng với sức khỏe, nhưng người dân vẫn cứ ngâm để dùng. Với rượu ngâm anh túc, ông Đáng cho biết nhiều dân nhậu khi dùng thường tặc lưỡi “uống một chút không sao”, nhưng thực tế không đơn giản như vậy, có những trường hợp chỉ ngửi hơi thuốc phiện cũng đủ nghiện. “Do đặc tính của cây anh túc là mới uống vào thấy khỏe người, nên nhiều người lầm tưởng về tác dụng của nó. Nhưng khi đã nghiện rồi thì không có để uống là vật vã, thèm nhớ, không chịu đựng được” – ông Đáng nói.
Đại tá Doãn Hữu Châu, trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Hà Nội, cho biết cơ quan công an đã gửi giám định để đánh giá hàm lượng chất ma túy trong số rượu mới bắt giữ hôm 25/12. Hiện cơ quan công an đang đấu tranh làm rõ nguồn gốc số cây, quả thuốc phiện này. Theo quy định của Bộ luật hình sự, những người mua bán trái phép các chất có chứa chất ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi uống “rượu 138″ nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy cũng được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay hiện đoàn kiểm tra thực phẩm liên ngành đang triển khai đợt kiểm tra chất lượng rượu trên toàn quốc, vừa qua đoàn đã phát hiện vụ sản xuất rượu vang Pháp giả và mới đây là vụ rượu ngâm cây anh túc. “Một trong những trọng tâm kiểm tra thực phẩm dịp này là rượu”- ông Trung cho biết.
Theo 24h
Suýt bỏ mạng vì "rắn thần"
Thời gian gần đây, một số người dân tỉnh Lào Cai háo hức kéo nhau đi xem "rắn thần" ở Phố Ràng (Bảo Yên). Cũng vì dám cả gan bắt "rắn thần" mà có người suýt chết, thậm chí bàn tay đang bị hoại tử.
Tin đồn "rắn thần"
Trong những ngày này, khắp huyện Bảo Yên (Lào Cai) đi đâu cũng thấy người dân địa phương truyền tai nhau về chuyện bắt được "rắn thần" tại nhà anh Hà Xuân Chiến, người dân tộc Tày ở khu 1, thị trấn Phố Ràng với những lời kể đầy tính liêu trai, khiến người yếu vía phải run sợ.
Theo lời người dân kể lại, thì anh Chiến có bắt được một con rắn màu trắng hồng dưới một gốc đa cổ thụ ở thị trấn Phố Ràng. Con rắn có những đặc điểm rất kỳ dị mà người địa phương chưa bao giờ nhìn thấy. Như màu trắng toát, trong suốt và nhìn thấu được cả mạch máu đang lưu thông. Mắt rắn đỏ như lửa và cái đầu luôn lúc lắc như hiểu được tiếng người.
Một người làm nghề bán thịt lợn gần khu cầu treo còn khẳng định, đó là "rắn thần" và người bắt rắn sẽ bị trừng trị vì dám báng bổ thánh thần. Con rắn trắng còn là linh vật khi nhiều người đến xin gì được nấy. Thậm chí, có người còn chắc chắn, rắn trắng ở nhà anh Chiến là "ma tổ" (theo quan niệm của dân tộc Tày, "ma tổ" là linh hồn của tổ tiên - PV) nên về nhà để báo trước những điều may rủi.
Chủ nhà không biết con rắn trắng đó là "ma tổ" nên đã phạm lỗi khi hò nhau bắt rắn. Thế nên "ma tổ" đã trừng trị kẻ báng bổ tổ tiên một cách thích đáng khi cắn vào tay anh Chiến, khiến anh bị thương nặng, thậm chí suýt tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Anh Chiến băn khoăn vì cho rằng, con rắn anh bắt được là "ma tổ"
Diện kiến "ma tổ"
Trước những lời đồn kinh hoàng của người dân địa phương, PV đã vượt qua một quãng đường dài đến khu 1 thị trấn Phố Ràng để tìm hiểu thực hư câu chuyện về "ma tổ" đang ngự trị trong nhà người dân.
Không khó lắm để chúng tôi hỏi thăm đến nhà anh Hà Văn Chiến. Gặp chúng tôi, anh Chiến nhăn nhó vì bàn tay đang rất đau đớn sau khi bị rắn cắn và đang lo lắng sẽ phải tháo khớp do bàn tay có biểu hiện bị hoại tử.
Anh Chiến cho biết: "Ngày 25/8 vừa qua đang khi đi kiếm tìm mộc nhĩ sau vườn nhà thì bất chợt gặp một con rắn có thân hình trắng tinh từ đâu bò tới. Sợ quá, tôi mới chạy về gọi người nhà mang gậy gộc ra bắt. Sau khi người nhà lấy gậy đè thân con rắn, tôi mới đưa tay xuống bắt thì chẳng may bị cắn vào tay".
Dù bị cắn, anh Chiến vẫn cố giữ lấy con rắn rồi đem về nhà thả vào một thùng phuy sau vườn. Sau đó, gia đình tức tốc đưa anh đi cấp cứu tại nhà của một lang y chuyên nghề chữa rắn cắn tại xã Xuân Hòa. Anh Chiến tuy giữ được tính mạng nhưng độc tố đã phát tác khiến cánh tay của anh trở lên biến dạng, sưng phù và đóng mủ.
Anh Chiến đưa bàn tay cho chúng tôi xem, phần dưới ngón tay trỏ - nơi bị rắn cắn đang bị hoại tử, đen sì. Phía trên đang bị lở loét, đóng mủ và sưng phù.
Một lúc sau, anh Chiến đưa chúng tôi ra phía sau diện kiến "ma tổ". Thùng phuy được anh khóa rất cẩn thận vì theo anh, bọn trộm đã từng mò tới với ý định bắt "rắn thần" đi bán. Khi chiếc nắp được mở ra, "ma tổ" là một con rắn màu hồng, dài khoảng 1,3m và nặng 1,5kg. Xác định ban đầu cho thấy, đây là con rắn thuộc dòng hổ mang, cực độc, trên đầu rắn có hình quả trám rất rõ rệt.
Con rắn mà anh Chiến bắt được
Xem "rắn thần" đông như đi hội
Theo lời anh Chiến, sau khi bắt được con rắn kỳ lạ này, vì nghi ngờ đây là "ma tổ" về báo mộng nên gia đình không dám bán hoặc thả đi. Phải đợi đi hỏi thầy Mo thì mới xác định được có phải "ma tổ" hay không.
Cũng từ ngày anh bắt được "rắn thần", rất nhiều người ở huyện Bảo Yên và các nơi khác đến xem. Anh Chiến cho hay: "Có những ngày hàng trăm người kéo đến. Họ tò mò xin được "diện kiến" con rắn kỳ lạ này. Vợ tôi đang ở cữ nên tôi không muốn ồn ào nhưng vì nếu không cho người ta xem thì họ không chịu về".
Vậy là, dù cánh tay bị đau nhưng anh Chiến vẫn phải liên tục đón những vị khách không mời mà đến. Họ tò mò, hết quay phim lại chụp ảnh, rồi bình phẩm không ngớt.
Trước những thông tin trên, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cũng đã đến xem xét tình hình. Nhưng vì tôn trọng quan niệm của bà con dân tộc nên kiểm lâm vẫn để gia đình anh Chiến giữ con rắn hổ mang ấy với điều kiện phải đảm bảo an toàn.
Ngày nào cũng có người đến xem "rắn thần"
Sẽ bán rắn để cứu cánh tay
Anh Hà Xuân Chiến từng là một tay bắt rắn cừ khôi ở huyện Bảo Yên. Bao nhiêu năm nay, anh đã hành nghề bắt rắn, săn chim và sống bằng thứ nghề nguy hiểm này. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh bị rắn cắn, lần gặp con "rắn thần" này anh đã mất cảnh giác nên bị trọng thương.
Anh Chiến cho biết, trước nhà anh là dòng sông Chảy, đằng sau nhà là ngọn núi Ót, là nơi có nhiều rắn độc sinh sống. Đã có lần khi đi lấy củi, anh phát hiện con rắn mào to như bắp chân người lớn, anh rượt đuổi nhưng không được vì con rắn trườn nhanh như gió vào bụi rậm.
Anh Chiến cũng cho hay, đã có người muốn mua con rắn của anh với giá gần chục triệu đồng nhưng vì sợ là "ma tổ" nên anh chưa bán. Anh bảo: "Đợi khi tôi đi xem thầy, nếu là rắn thường, tôi sẽ bán để có tiền cứu lấy cánh tay này. Chứ để như này, tôi sợ sẽ bị hoại tử, phải tháo khớp thì không làm gì để nuôi vợ con được nữa".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho hay: "Trên địa bàn miền núi có nhiều loại rắn khác nhau sinh sống. Người dân ở đây cũng thường xuyên bắt được rắn to nhỏ đủ loại. Tuy nhiên, con rắn mà anh Chiến bắt được lại khác lạ do màu sắc nên nhiều người tò mò. Vì quan niệm "ma tổ" của bà con dân tộc nên chúng tôi chưa thu hồi rắn để thả về môi trường".
"Chuyện về con "rắn thần" của gia đình anh Chiến tôi cũng đã được nghe nhưng chưa tận mắt xem. Ở địa phương, người dân cũng hay bắt được những con vật lạ như chim chào mào màu trắng và bán được với giá hàng trăm triệu đồng. Con rắn nhà anh Chiến cũng chỉ là một sự khác lạ mà khoa học hoàn toàn có thể giải thích được".Theo 24h
Cự phú và ký ức đêm săn rắn hổ chúa Trị giá mỗi bình rượu có thể là vài trăm triệu đồng, thậm chí những bình rượu độc đáo có thể lên tới tiền tỷ. Rượu ngâm tự truyện Ông cầm tinh con rồng, họ Nguyễn thuộc dòng danh gia vọng tộc. Thời trẻ ông vốn là tay kinh doanh bất động sản có hạng. Nay buông việc kinh doanh thu bộn tiền...