Đừng “đùa” với nhân viên mới
Đạt tìm mọi cách hạ bệ Hải nhưng không biết rằng, Hải chính là con trai giám đốc. Phòng có nhân viên mới. Một anh chàng trắng trẻo, thư sinh, du học ở Mỹ về.
Không khí trong phòng náo nhiệt hẳn lên vì thái độ của mấy cô chưa chồng và cả những cô đã có chồng. “Thì đẹp trai, du học Mỹ, nói chung là ngon lành quá mà” – như lời mấy bà tám.
Nhưng Đạt thì không thích anh chàng này lắm, cũng như chưa bao giờ thích bất cứ nhân viên mới nào. Anh định bụng có dịp sẽ bắt nạt anh chàng này một bữa, để anh ta biết được tôn ti trật tự trong công ty cũng như vị trí của Đạt trong cái phòng kinh doanh này.
Đạt là phó phòng kinh doanh, cùng với 4 phó phòng khác. Anh leo lên vị trí này không phải dễ dàng, phải khó khăn, vất vả lắm mới lên được đó. Nhưng việc anh ngồi ở đây lại không phải là năng lực của anh. Chỉ là do anh thân thiết, hay nói đúng hơn là nhờ nịnh bợ tay trưởng phòng cũ. Trưởng phòng cũ đã ra đi do một vụ làm ăn thất bại. Nhưng công ty vẫn “tha” cho Đạt vì anh làm ở đây đã lâu, đuổi đi cũng không nỡ, phần vì anh cũng biết việc, phần nữa có anh ở đó cũng chẳng sao, mà không có anh cũng chẳng sao. Thành ra đó giống như một sự ban ơn cho sự trung thành của Đạt. Không biết có phải do “biết thân biết phận” mình như vậy không mà Đạt rất ghét đám nhân viên của mình, nhân viên mới thì càng ghét. Phải chăng con người ta thường sợ sệt những người mà người ta thấy khả năng cao hơn mình? Đạt sợ một ngày nào đó người ta sẽ ngồi lên vị trí của mình… và anh cũng biết rõ rất khó để anh có thể leo lên vị trí cao hơn.
Đạt gọi Hải – nhân viên mới – lại bàn họp. Cũng chẳng để làm gì, chỉ là một hành động thị uy quen thuộc của Đạt với đám nhân viên mới. Những nhân viên cũ trong phòng đã quá quen với màn diễn này, chẳng ai để ý nhưng nếu bảo họ nhắc lại nội dung nói chuyện của 2 người thì chắc chắn, ai cũng thuật lại được y nguyên câu chuyện, giống như thu vào máy ghi âm và phát ra vậy.
Đó thật sự không phải là một cuộc đối thoại, mà là cuộc độc thoại của Đạt. Người kia có nói gì cũng chỉ “dạ dạ vâng vâng” mà thôi. Đạt sẽ không cho Hải nói bất cứ câu nào.
- Chú cứ ngồi im mà nghe anh nói, chưa gì đã cãi lời sếp là sao?
Đạt không hề biết rằng, cậu nhân viên mới chính là con trai của Tổng giám đốc (Ảnh minh họa)
Cứ như vậy, một rừng thông tin về mối quan hệ cỡ bự của Đạt, những phi vụ làm ăn béo bở ra sao khi có Đạt, những khó khăn Đạt đã gánh vác… Kết thúc một buổi chiều với màn độc thoại đó.
Video đang HOT
Hải là người ít nói, hay anh đang cố gắng tỏ ra như vậy? Anh cũng không hế cãi lại bất cứ điều gì Đạt nói. “Dạ”, “vâng” là hai từ thường xuyên nơi cửa miệng. Chính Đạt cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy thái độ đó. Không phải là thái độ xun xoe, bợ đỡ, sợ hãi như anh thường thấy. Chỉ là một thái độ vừa phải, không dửng dưng, cũng không quá vồ vập. Có cảm giác như Hải không hề ái ngại sếp mới của mình. “Vậy chú cứ chờ đấy, để anh đẩy mấy đứa khách hàng dở hơi cho chú, xem chú làm ăn ra sao?” – Đạt nghĩ thầm trong bụng.
Nhưng bất ngờ là những phi vụ với mấy tay khách hàng mà Đạt “khó nhằn” đó lại thành công tốt đẹp. Đạt ngạc nhiên. Anh bực mình vì mánh khóe của anh thất bại nhưng anh vẫn bắt lấy tay Hải:
- Chú khá lắm, nhưng chú cũng phải nghĩ, nhờ anh thì mấy vụ đó mới xong đấy, cũng phải nghĩ đến việc cảm ơn anh chứ?
- Dạ, vậy tối nay em mời anh đi ăn cơm được không ạ? - Hải cười thật thà.
“Ăn cơm không thì xoàng quá!” - Đạt nghĩ – “ Nhưng thôi, không sao, chờ lúc khác “. – Ừ, vậy rủ thêm mấy người rồi tối mình đi ăn.
Đám nhân viên chẳng ai nhận lời, mấy tay phó phòng thì Đạt không muốn mời. Vậy là chỉ còn mấy cô gái trong phòng đu theo, cốt chỉ đề được thân mật với Hải. Bữa cơm nhạt toẹt – theo ý nghĩ của Đạt trôi qua – anh muốn được mời đi tăng 2, tăng 3 nữa, nhưng vì có mấy nhân viên nữ nên cuối cùng chỉ xong tăng 1 là ai về nhà nấy.
Anh chàng này làm việc rất khá, công bằng mà nói là như vậy. Nhưng điều đó chỉ làm Đạt càng thêm khó chịu. Lại thêm đám con gái suốt ngày “anh Hải”, “anh Hải” nheo nhéo bên tai, nhất định Đạt phải tìm dịp để hạ bệ anh chàng này.
Cơ hội cuối cùng đã đến. Hải mới ký xong một hợp đồng cỡ bự, nhưng một số điều khoản thì anh tự ý thay đổi. Đây là một điều không thể chấp nhận được. Một nhân viên không được phép tự ý sửa đổi bất kỳ điều khản nào trong hợp đồng. Đạt nổi trận lôi đình, cả phòng im phăng phắc, không ai ho hé câu nào. Đám phó phòng kia đều bận ra ngoài hết rồi, Đạt càng thoải mái mà hò hét về lỗi lầm của Hải.
Và màn cuối cùng, Đạt kéo Hải nhìn những bức hình sau lưng mình, chỉ vào từng người trong đó, rồi chỉ mặt Hải, quát tháo.
- Đây, anh biết đây là ai không?
- Dạ, đây là chú Nam ạ.
- Chú cháu gì, đây là Phó giám đốc, chỉ có ông này mới được phép làm cái điều tày đình mà cậu vừa làm kia, hiểu chưa? Còn đây nữa, biết đây là ai không?
- Dạ chú Thắng.
- Không chú cháu gì hết, là Phó giám đốc, cũng chỉ ông này mới được sửa hợp đồng, hiểu chưa, cậu hiểu chưa, hiều chưa hả? Còn đây nữa này, đây này, đây là Tổng giám đốc, còn cao hơn 2 ông kia nữa, biết không, biết không hả?
- Dạ, bố…
- Bố con gì ở đây, ai bố con gì với cậu, hả?
Đạt chợt chùng giọng xuống:
- Cậu nói gì, bố gì?
- Dạ đây là bố em, còn chú Thắng và chú Nam là chú của em. Bố em bảo sửa hợp đồng nên em mới sửa lại. Anh nói xong chưa ạ, em còn phải làm việc.
Hải bình thản đi ra. Cả phòng trố mắt nhìn theo anh chàng nhân viên mới. Đám con gái chưa chồng dường như đang mơ đến ngày cưới. Những tiếng rì rầm rì rầm lan ra khắp phòng. Đạt cúi đầu, cảm giác dạ dày như quặn thắt lại…
Theo Eva
Xin chào, "tôi là nhất"
Tôi đến công ty làm việc là để thăng tiến, chứ không có nhu cầu kết bạn với "lũ" yêu tinh kia. Chuyển từ một công ty danh tiếng sang một công ty danh tiếng khác luôn làm cho tôi có cái suy nghĩ ta là nhất, ta là số một trong đầu. Cũng chẳng trách được vì mới ra trường 3 năm mà tôi đã là một đứa cộm cán, có máu mặt khi chinh chiến ở các doanh nghiệp trong ngành. Và thế là tôi tự mãn, ngạo mạn hơi quá về bản thân mình.
Từ ngày về công ty mới, tôi như cá gặp nước, vì bộ phận nhân sự đã hết lòng chèo kéo tôi về với một mức lương hậu hĩnh. Ngày ngày tôi vác bộ mặt hình sự, lạnh tanh lên phòng làm việc, chả buồn chào ai. Boong, giờ làm việc vừa hết là tôi quẩy túi xách đi về, không nán lại bà tám với lũ nhiều chuyện trong công ty. Tôi đến để làm việc là để thăng tiến, tôi không có nhu cầu kết bạn. Trưởng phòng tôi là một anh rất hiền, tôi nghĩ vậy, thường xuyên hỏi han nhân viên. Thế là ngay lần họp đầu tiên tôi đã ngang nhiên cãi lại cái đề án ngớ ngẩn của anh trước ban giám đốc. Chuyện muỗi, đề án quá tầm thường. Tôi nhận luôn đề án đó về thực hiện trong ánh mắt ngỡ ngàng và khó chịu của đám đàn bà trong phòng.
Người duy nhất bảo vệ tôi là anh trưởng phòng mà tôi chê là nhu nhược ấy (Ảnh minh họa)
Hai tuần liền, tôi thức đêm thực hiện tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ban đầu, máu háo thắng còn cao, tôi làm như điên mỗi ngày, có khi còn chẳng buồn đến công ty trình diện, cứ mặc nhiên ở nhà, nốc Coke và gọi Pizza cho qua bữa, rồi cứ thế nghiên cứu, lên kế hoạch tưng bừng. Nhưng càng làm, tôi càng thấy cái khó thì nhiều mà chả thấy cái khôn ló ra. Một dự án tầm cỡ mà số vốn thì eo hẹp, khu đất thực hiện lại quá tù túng. Mọi điều kiện để thực hiện đều vô cùng bất lợi. Tôi nghĩ chắc họ muốn thử thách mình đây mà. Cứ thế mà làm tới, tôi táo bạo thử rất nhiều phương án chưa từng được áp dụng trong điều kiện Việt Nam, nhưng trong các đề án mẫu tôi học đã áp dụng thành công. Không thử sao biết nó không được cơ chứ.
Ngày báo cáo kết quả, tôi hăm hở bước vào công ty, mặt lạnh như tiền. Mỉm cười đắc thắng, cả phòng đều chăm chú nhìn kết quả tôi báo cáo. Xong xuôi, tôi hơi quê quê khi chả thấy ai tán thưởng như tôi nghĩ trong đầu. Lúc đó, ông tổng giám đốc lạnh lùng đi ra ngoài, ném cho tôi ánh mắt khinh bỉ lẫn thương hại. Hỡi ôi, cái ý tưởng ngớ ngẩn của tôi xây dựng không hề thực tế và mang đầy tính lí thuyết. Một con ngựa háo thắng chưa đầy 3 năm kinh nghiệm không thể bằng những cái đầu chinh chiến bao nhiêu năm được.
Nguyên buổi hôm ấy, tôi là người bị ném đá và những "bà chị" kia được dịp như lũ tinh tinh đói, nhào vô xâu xé tôi tanh bành. Người duy nhất bảo vệ tôi là anh trưởng phòng mà tôi chê là nhu nhược ấy.
Háo thắng chả bao giờ tốt phải không?
Theo 24h
Phải thương nhau thật mới bền Phải thương nhau thật sự, quan tâm thật lòng thì mối quan hệ mới có thể bền lâu. Ông ngoại tôi trước kia là giám đốc một xí nghiệp nhỏ ở Hà Nội. Ở cái thời bao cấp khó khăn dạo đó, để lo cho gia đình mình đã khó, nhưng bằng cách này hay cách khác, ông lo lắng được cho gần...