“Đừng đóng phí để bù cho tham nhũng”
“Phí và lệ phí không được bù đắp cho tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước” – ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thẳng thắn góp ý vào dự thảo Luật Phí và lệ phí chiều 11.11 tại Quốc hội.
Cần người “thổi còi”
Góp ý cho dự thảo Luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc chung đối với dịch vụ công mà toàn dân được hưởng thụ thì chi bằng thuế, vì thuế là do người dân đóng. Nguyên tắc thứ hai là phí và lệ phí phải hợp lý, không thể thành loại thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của dân.
Người dân đóng viện phí tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: ĐD
“Dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập thì dân không phải móc thêm tiền túi để trả chi phí cho các dịch vụ công. Nó không được đem bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Ví dụ anh dùng tiền thuế của dân đầu tư lại yếu kém, tăng chi phí lên nhiều, khi không đủ tiền lại huy động các loại phí khác” – ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, dự luật cần có thêm tiêu chí kiểu người “thổi còi” nhằm tránh những nơi quản lý nhà nước yếu kém, gây lãng phí rồi đặt ra các mức phí và lệ phí quá cao, thiếu công bằng.
Video đang HOT
“Người dân ở địa phương đó thấy mức phí, lệ phí cao nhưng không biết khiếu nại thế nào, không biết phản đối ra sao. Chính vì thế cần phải có người “thổi còi” trong những trường hợp như vậy. Mặc dù phí và lệ phí được HĐND ở tỉnh đó thông qua nhưng vẫn có thể có mức quá cao, tác động vào đời sống người dân” – ĐB Nghĩa nói.
Chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá
“Dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập thì dân không phải móc thêm tiền túi để trả chi phí cho các dịch vụ công. Nó không được đem bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. ” ĐB Trương Trọng Nghĩa
Về học phí và viện phí, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nên đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí.
Đồng tình với đề xuất này, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Những khoản thu dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bản chất là giá dịch vụ nhưng lâu nay trong đời sống xã hội luôn quen gọi là phí cần phải mạnh dạn chuyển sang cơ chế giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ đào tạo… “Có như vậy, chúng ta mới có thể thúc đẩy việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể tham gia mang lại chất lượng cao cho xã hội” – ĐB Vẻ bày tỏ.
Cũng đồng tình với đề xuất đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự Luật, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, quá trình thực hiện cần có lộ trình, tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, không gây khó khăn cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
ĐB Danh Út cũng ủng hộ quy định danh mục phí và lệ phí phải được ghi chi tiết ngay trong dự luật, đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch. “Như vậy sẽ thống nhất việc ban hành, khắc phục việc ban hành các loại phí và lệ phí tràn lan như hiện nay ” – ĐB Danh Út nói.
ĐB Danh Út cũng nhất trí cao với Chính phủ về việc tạm dừng thu phí đường bộ đối với xe máy từ ngày 1.1.2016. Tuy nhiên ĐB này còn đề xuất bỏ phí sử dụng đường bộ với xe máy.
“Xe máy là phương tiện sinh kế của người dân, nhất là nông dân, người lao động nghèo. Nhiều xe máy ở miền núi, vùng sâu chạy ở nơi chưa có đường nhựa mà vẫn bị thu phí là chưa công bằng” – ĐB Danh Út kiến nghị.
Theo_Dân việt
Phí và lệ phí nên theo hướng "ai hưởng người đó trả tiền"
Việc sửa đổi chính sách phí và lệ phí sẽ hướng đến thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp nhà nước và đảm bảo công bằng.
Sáng 10/9, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí". Hội thảo nhằm đóng góp, bổ sung vào Dự thảo Luật phí và lệ phí dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tình trạng lạm thu phí đang tồn tại ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí với tình trạng "phí chồng lên phí". Do đó, cần thiết phải nâng từ pháp lệnh phí, lệ phí lên Luật nhằm thể hiện tính pháp lý cao hơn, công khai, minh bạch hơn; đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của dân cư.
Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phí và lệ phí nên đi theo hướng "ai hưởng người đó trả tiền".
Dự thảo Luật phí, lệ phí đề xuất danh mục phí gồm 51 khoản: 36 khoản kế thừa, bổ sung thêm 15 khoản; danh mục lệ phí gồm 39 khoản kế thừa 30 khoản, bổ sung 9 khoản. Trong đó một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là học phí, viện phí, phí qua đò, phí qua phà, phí dẫn đường, phí kiểm định phương tiện vận tải, phí đường bộ qua trạm thu BOT... Về số lượng, dự thảo luật mới đang được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí.
Đa số các đại biểu khẳng định sự cần thiết trong sửa đổi chính sách phí, lệ phí, việc chuyển đổi này hướng đến thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp nhà nước, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng "ai hưởng người đó trả tiền". Bên cạnh đó, Dự thảo Luật phí và lệ phí sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, khắc phục tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí...
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật phí và lệ phí, ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, nên bỏ khỏi danh mục khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất vì đã có lệ phí trước bạ. Việc bỏ khoản lệ phí này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dân cư.
Tuy nhiên, nên giữ lại học phí bậc học phổ thông trong danh mục phí. Điều này sẽ đảm bảo quyền được học hành của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo an sinh xã hội; nên bổ sung lệ phí quản lý kinh doanh thay thế cho thuế môn bài để đảm bảo phản ánh đúng bản chất khoản thu.
"Pháp lệnh hiện nay cũng như trong Dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện thêm, đặc biệt là phải cân nhắc các danh mục phí, lệ phí cần phải tiếp tục rà soát, những khoảng nào trùng lặp thì phải loại bỏ bớt.
Quốc hội nên cụ thể hóa danh mục, quy định luôn chi tiết các khoản phí lệ phí, không nên quy định theo các loại phí, lệ phí còn lại sẽ quy định bởi Chính phủ và HĐND cấp Tỉnh, làm như vậy đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng tùy tiện và lạm thu./.
Theo_VOV
"Quyền lực nhà nước không nằm ở trên cao" Ngày 16/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. "Quyền lực Nhà nước trong một thiết chế dân chủ nằm trong tay nhân dân chứ không phải nằm ở trên cao" - một đại biểu phân tích. Tiến thoái lưỡng nan với mô hình HĐND Vấn đề mô hình tổ chức...