Đừng đổ lỗi cho “xe điên”
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn xảy ra gần đây đã gây cảm giác bất an, lo lắng đối với nhiều người khi tham gia giao thông. Những vụ tai nạn như vậy thường được gán chung cho cái tên là “ xe điên”.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại huyện Bến Lức ( tỉnh Long An) làm bốn người chết, 18 người bị thương.
Tuy nhiên, qua nhiều vụ “xe điên” cho thấy, hầu hết phương tiện đều là xe mới, đắt tiền, hệ số an toàn cao, vẫn trong thời hạn đăng kiểm,… Chiếc xe là vật vô tri, vô giác, chúng không hề “điên” chút nào nếu người điều khiển vô-lăng không “điên”. Hàng loạt vụ TNGT liên hoàn
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2-1 vừa qua, tại ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) đã xảy ra một vụ TNGT thảm khốc, khiến dư luận bàng hoàng. Một chiếc xe công-ten-nơ khi đến ngã tư đột nhiên tăng tốc, lao thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ, khiến bốn người chết, 18 người bị thương, hư hỏng 21 xe máy.
Một số nhân chứng ở hiện trường cho biết, sau khi gây tai nạn, lái xe rời khỏi hiện trường với những biểu hiện bất thường, giống như ngáo đá. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Long An) đã ra quyết định khởi tố vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này để điều tra, làm rõ hành vi gây TNGT. Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, tiến hành giám định phương tiện gây tai nạn và tạm giữ hình sự lái xe Phạm Thành Hiếu (sinh năm 1987, ngụ ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) để điều tra. Sau khi lái xe Phạm Thành Hiếu ra trình diện cơ quan chức năng, xét nghiệm hai lần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, cả hai lần đều cho kết quả dương tính với hê-rô-in trong nước tiểu. Bên cạnh đó, Hiếu được xác định có nồng độ cồn rất cao khi đưa vào xét nghiệm lần đầu. Khai nhận tại cơ quan điều tra, Hiếu thừa nhận đã uống bia trước khi lái xe nhưng phủ nhận việc sử dụng ma túy, đồng thời cho biết, khi chạy xe đến gần ngã tư Bình Nhựt, hệ thống phanh gặp trục trặc, không thể xử lý để dừng xe được. Tuy nhiên, theo kết quả giám định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ thống phanh của xe vẫn hoạt động bình thường. Giá trị hiệu quả phanh chính trên băng thử của xe đạt 70%, trong khi tiêu chuẩn chỉ yêu cầu đạt 45%; hệ thống phanh hoạt động linh hoạt, bình thường; kiểm tra hiệu quả phanh khi áp suất khí nén trong hệ thống thắng đạt tiêu chuẩn.
Cách đây ít lâu, vào giữa tháng 12-2018, chiếc xe Lexus bảy chỗ BKS 29A – 742.75 khi lưu thông trên đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội), đã bất ngờ lao lên vỉa hè, tông thẳng vào ba người đi bộ, sau đó phi sang bên kia đường, đâm vào xe ta-xi đi ngược chiều rồi tiếp tục đâm vào bảy chiếc xe máy trước khi va vào xe dẫn đoàn của cảnh sát giao thông. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của lái xe Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1989, trú tại Lò Sũ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kết quả cho thấy lái xe vi phạm nồng độ cồn hơn 0,7 mg/l khí thở (trong khi quy định nghiêm cấm điều khiển xe ô-tô khi nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg/l khí thở),…
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, kỹ năng lái xe số tự động khác biệt khá nhiều so với lái xe số sàn. Với xe số sàn, kể cả lái xe luống cuống đạp nhầm chân ga thì xe cũng bị chết máy, hoặc không thể tăng tốc đột ngột cho nên ít xảy ra tai nạn liên hoàn. Trong khi xe số tự động đời mới thường có dung tích xi-lanh lớn, nếu nhấn chân ga là xe vọt đi ngay. Một chuyên gia giao thông nhận định, điểm chung của phần lớn các vụ tai nạn liên hoàn đều do lái xe đã sử dụng rượu, bia, hoặc chất ma túy, không kiểm soát được bản thân, dẫn đến gây ra hậu quả đau lòng cho người khác. Một nguyên nhân khác là do người điều khiển xe chưa thuần thục các kỹ năng lái, khi gặp tình huống bất ngờ bị luống cuống, có phản ứng ngược, lẽ ra đạp phanh lại nhầm sang chân ga, khiến hậu quả tai nạn càng nặng nề hơn.
Ngăn ngừa tai nạn Sau các vụ tai nạn liên hoàn xảy ra liên tiếp thời gian qua, mức án đối với những người gây tai nạn được cho là quá nhẹ so với hậu quả mà đối tượng gây ra. Chính vì thế, tính chất răn đe những người lái xe gây TNGT, nhất là theo kiểu “xe điên” còn rất yếu. Đây chính là căn nguyên sâu xa khiến một số lái xe coi thường Luật Giao thông đường bộ và tính mạng người đi đường. Việc đào tạo, sát hạch xe cơ giới (xe máy, ô-tô) thời gian qua nở rộ, trở nên quá dễ dãi. Trong vài tuần đào tạo lái xe, người học hầu hết được các giáo viên dạy kỹ năng điều khiển xe trong sa hình để lọt qua vòng sát hạch, chứ ít khi được hướng dẫn cụ thể cách xử lý tình huống thực tế khi đi đường trường. Một số lái xe còn lợi dụng các mối quan hệ cá nhân, có tâm lý coi thường, “nhờn luật” vì chỉ cần “gọi điện cho người thân” là được cảnh sát giao thông bỏ qua. Mặt khác, ý thức, văn hóa giao thông của phần lớn người dân đang “xuống cấp”. Nhiều người đi xe ô-tô không cần biết luật lệ, thản nhiên lấn làn, “điền vào chỗ trống”, thể hiện rõ nhất khi tắc đường trong thành phố lớn hoặc các quốc lộ. Cuối cùng, nhiều gia đình nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua lỗi, không theo đuổi sự việc, yêu cầu người gây tai nạn phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Sau đau thương, phần lớn người thân đổ “do số”, cho rằng “người mất đã mất rồi”, đền bù thiệt hại là xong, nhằm quên đi nỗi đau.
Tất nhiên, xảy ra tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng việc kiểm soát sự an toàn trên đường phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người lái xe. Các quy định của luật pháp đã hoàn thiện, nhưng việc thực thi, áp dụng ở đâu đó còn chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng nhiều người “nhờn” luật. Mặc dù các tiêu chí TNGT giảm theo từng năm, song đây vẫn là vấn đề nổi cộm và nhức nhối khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc, khiến nhiều người chết và bị thương.
Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu thỏa mãn cuộc sống ngày càng cao, việc sở hữu xe ô-tô là hoàn toàn chính đáng và không thể thiếu. Tuy nhiên, từng cá nhân khi điều khiển phương tiện cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình bởi điều đó không chỉ giúp an toàn cho bản thân mà còn cho toàn xã hội. Các cơ quan quản lý cần siết chặt quy trình đào tạo lái xe, trau dồi kỹ năng phản xạ với tình huống phát sinh thực tế của người học, có những bài học về đạo đức nghề nghiệp, nhằm chuẩn hóa đội ngũ lái xe. Đối với sự chủ quan và vô trách nhiệm của những người cầm lái khi tham gia giao thông, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhằm nâng cao tính răn đe.
Theo NDĐT
Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Xe container mất phanh sẽ rơi vào tình trạng nào?
Nhiều ý kiến tài xế tranh cãi nảy lửa về phanh xe container và ô tô sau vụ xe container gây "thảm họa" ở Long An khiến nhiều người thương vong.
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An.
Ngày 2/1, chiếc xe container lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Long An đi TP.HCM. Khi đến ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều tài xế tranh cãi về nguyên lý hoạt động của phanh xe container và ô tô.
Kỹ sư Lê Văn Tạch, (cựu nhân viên Công ty Toyota Việt Nam) một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về ô tô cho hay, đối với ô tô con thường sử dụng phanh dầu, tức là dùng dầu đẩy pít tông (piston) để ép má phanh vào, còn khi lái xe nhả phanh thì áp suất giảm, phanh nhả ra.
Còn đối xe container sử dụng hệ thống phanh khí nén (hay còn gọi là phanh hơi). Khi tài xế đạp phanh thì áp suất trong hệ thống sẽ giảm xuống. Khi lượng khí trong hệ thống giảm thì van 3 ngả sẽ cho phép khí hồi về các bình chứa, cơ cấu hãm sẽ thực hiện chức năng phanh. Sau khi thực hiện tác dụng phanh, một lượng khí nén sẽ bị xả ra ngoài, sau đó áp suất trong hệ thống được tăng để nhả phanh.
Theo kỹ sư Tạch, đối với ô tô con khả năng mất phanh vẫn có thể xảy ra, trong trường hợp đường ống bục, mất áp suất và dẫn tới mất phanh; trường hợp có áp suất nhưng má phanh bị bung ra dẫn đến mất phanh.
Còn đối với xe container hệ thống phanh an toàn và hiếm khi xảy ra trường hợp mất phanh. Phanh chỉ bị mất khi không đủ hơi nén và nếu như không đủ hơi nén phanh sẽ bó lại không mở ra nên xe không chạy được.
Cũng theo kỹ sư Tạch, ngoài phanh chân trên xe container còn có nút phanh khẩn cấp. Thậm chí, nếu so sánh, phanh của xe container còn thao tác dễ hơn là phanh xe nhỏ sử dụng phanh dầu.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi Bộ GTVT, hệ thống phanh của xe container gây tai nạn thảm khốc tại Long An hoạt động hoàn toàn bình thường, không có tình trạng mất phanh. Cụ thể, sáng 3/1, tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 62-02D, tổ giám định đã thực hiện giám định hệ thống phanh chiếc xe container gây tai nạn.
Kết quả hiệu quả phanh chính trên băng thử của xe đầu kéo biển kiểm soát 62C- 04348, nhãn hiệu HYUNDAI HD700, sản xuất năm 2015 tại Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn (70%). Trong khi theo quy định loại xe này giá trị hiệu quả phanh chính chỉ yêu cầu đạt 45%.
Độ lệch lực thắng trên một trục lớn nhất là 17% 16% theo tiêu chuẩn. Với các thông số trên, tổ giám định cho rằng hiệu quả hệ thống thắng xe container hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn.
Trước đó, khoảng 15h30 ngày 2/1, tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Long An đi TP.HCM. Khi đến ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ. Hậu quả vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương, 21 xe máy hư hỏng.
Cơ quan Công an tỉnh Long An đưa tài xế Hiếu đi xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Long An. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tài xế Hiếu dương tính với ma túy trong nước tiểu. Ngoài ra, trong lần xét nghiệm đầu, tài xế này còn có nồng độ cồn cao. Khai với công an, tài xế Hiếu nói có uống bia trước khi điều khiển xe container. Tuy nhiên, tài xế phủ nhận việc sử dụng ma túy.Ngày 3/1 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với tài xế xe container Hiếu.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An: Hệ thống phanh xe hoạt động bình thường Qua kiểm tra, chiếc xe container gây tai nạn ở khu vực ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào chiều 2-1, cơ quan chức năng khẳng định, hệ thống phanh xe hoạt đông bình thường, đảm bảo tiêu chuẩn để lưu thông. Hệ thống phanh của xe container hoạt động bình thường khi xảy ra vụ...