“Đừng để Trung Quốc lợi dụng”
“Nếu tàu cá Trung Quốc có hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta không chỉ dừng lại ở việc xua đuổi mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện các biện pháp phù hợp công ước biển nhằm ngăn chặn và trừng trị…”
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Pháp luật quốc tế – ĐH Luật Hà Nội bày tỏ quan điểm như vậy.
Thưa ông, vụ việc tàu Bình Minh 2 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp còn đang khiến dư luận bức xúc thì tàu Viking II của ta lại tiếp tục bị tàu của nước này phá cáp?
Hai sự kiện xảy ra liên tiếp này, về bản chất pháp lý không có gì khác nhau. Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 xảy ra trên vùng thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ khoảng 120 hải lý. Còn vụ tàu Viking II cũng xảy ra trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Viking II vừa bị tàu Trung Quốc phá cáp ngày 9/6 (Ảnh: Năng lượng Mới)
Rõ ràng, ở đây nếu xét dưới góc cạnh pháp lý thì Trung Quốc hoàn toàn vi phạm các quy định tại Điều 56, 77 của Công ước biển 1982. Trung Quốc không có quyền được đơn phương cản trở các hoạt động mà Việt Nam đang thực hiện.
Giữa hai vụ việc này nếu có khác chăng chỉ là vụ việc mới đây nhất phía Trung Quốc dùng tàu đánh cá để phá hoại tàu thăm dò dầu khí của ta trong khi lần trước là tàu hải giám?
Theo tôi bản chất vấn đề vẫn không có gì khác biệt, dù có thể họ sử dụng các cách thức khác nhau. Và ở đây, tôi không biết có sự liên hệ hay không nhưng có thể họ căn cứ vào các lời phát biểu của ta cho rằng tàu hải giám là của nhà nước mà thực hiện hành vi như vậy thì lần này họ chuyển hẳn sang tàu đánh cá. Nhưng hành vi của họ đều là hành vi cố ý.
Hơn nữa, chúng ta thấy sự xuất hiện của tàu đánh cá thì không phải ngẫu nhiên mà cạnh đó lại có cả các tàu ngư chính đi kèm. Mục đích là cản trở các tàu bảo vệ, các cơ quan chức năng của chúng ta thực hiện quyền chủ quyền của mình.
Hai hành vi gây hấn liên tiếp của Trung Quốc là nhằm hướng đến mục đích gì? Nếu như coi hành vi thứ nhất của Trung Quốc là một “phép thử” thì lần gây hấn thứ hai liệu có tiếp tục là như vậy?
Hành vi với tàu Bình Minh 02 thì vừa như phép thử với Việt Nam, ASEAN, vừa muốn hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Trung Quốc không thể đưa ra chứng lý cho “đường lưỡi bò”, chỉ còn cách cứ tiến hành trên thực tế nhằm mục đích đánh lừa dư luận. Nếu các quốc gia nhầm tưởng là Trung Quốc đang thực hiện quyền của mình thì có nghĩa họ đã thành công trong việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” này.
Bên cạnh mục tiêu dài hạn như thế, Trung Quốc còn làm phép thử với Việt Nam, ASEAN xem khi thực hiện một hành vi trái với Công ước, vi phạm ngay trong vùng đặc quyền thì anh có thể làm được gì.
Trong vụ thứ 2 này, một lần nữa, Trung Quốc muốn hướng thẳng và chĩa mũi nhọn vào Việt Nam. Ở đây không đơn giản là muốn thử phản ứng nữa mà để xem tôi đã vi phạm một lần, giờ lại thực hiện tiếp một vi phạm khác xem anh sẽ phản ứng cụ thể thế nào? Anh chỉ có thể đưa ra tuyên bố yêu cầu không được thực hiện các hành vi vi phạm hay còn có những hành động nào trên thực tế.
Nghĩa là Trung Quốc muốn thăm dò xem chúng ta sẽ thực hiện hành vi nào trên thực tế. Vụ thứ 2 này đối tượng hướng tới cụ thể là Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là chung chung nhằm thử phản ứng của các nước nữa.
Theo ông, với vụ việc thứ hai này chúng ta có thể phản ứng như thế nào và đâu là cách cao nhất để thể hiện phản ứng của mình?
Video đang HOT
Tôi cho rằng Việt Nam vẫn luôn phải kiên trì con đường hòa bình bởi một trong các nguyên tắc cơ bản của quốc tế cũng như ta vẫn luôn tuyên bố là ứng xử phù hợp quy định, không được sử dụng vũ lực, nhưng rõ ràng kiên trì biện pháp ngoại giao đàm phán là biện pháp cần, quan trọng, tất yếu nhưng chưa đủ.
Một mặt ta vẫn phải kiên trì đàm phán ngoại giao phản đối Trung Quốc, tuyên truyền, lên tiếng để cộng đồng quốc tế hiểu bản chất những hành vi mà Trung Quốc đang làm, tức cần công khai minh bạch để bạn bè biết.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động tuần tra của các lực lượng chấp pháp trên biển Đông. Nếu tàu cá Trung Quốc có hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta không chỉ dừng lại ở việc xua đuổi mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện các biện pháp phù hợp công ước nhằm ngăn chặn và trừng trị. Bởi theo Điều 73 của Công ước biển 1982, các quốc gia ven biển có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết bao gồm cả việc bắt giữ và trừng trị, xét xử bằng cơ chế tòa án các cá nhân vi phạm.
TS Nguyễn Toàn Thắng: Cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển Đông.
Chỉ có điều với các cá nhân trên tàu vi phạm không được thực hiện hình thức phạt tù giam mà phải dùng các hình thức phạt khác, ví dụ phạt tiền… Chúng ta phải có hành động trên thực địa. Không sử dụng vũ lực nhưng tất cả những gì chúng ta làm là phù hợp quy định của pháp luật.
Còn một ứng xử khác vẫn theo nguyên tắc hòa bình là giải quyết theo con đường tài phán quốc tế thì sao?
Từ trước đến nay Việt Nam ta chưa giải quyết một vụ việc nào bằng con đường này, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc thực hiện liên tiếp 2 vụ gây hấn, chúng ta cần hành xử theo pháp luật quốc tế trong trường hợp đàm phán không mạng lại kết quả. Vụ Bình Minh 02 ta yêu cầu Trung Quốc bồi thường, họ không bồi thường mà còn tiếp tục thực hiện vụ Viking II này, chúng ta có thể sử dụng con đường tài phán quốc tế.
Theo quy định tại Điều 287 của Công ước 1982, Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Tòa án trọng tài, phù hợp với phụ lục 7 của công ước này. Nếu thực hiện như vậy cũng là một biện pháp đảm bảo tiêu chí hòa bình, công khai, minh bạch, khách quan, cộng đồng quốc tế đều biết được ai đúng ai sai, biết được bản chất vụ việc như thế nào.
Ông đánh giá thế nào về việc các quan chức Quốc phòng của Trung Quốc ngay trong Đối thoại Shang-ri La (Hội nghị An ninh khu vực châu Á lần thứ 10) gần đây vẫn bày tỏ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, nhưng những gì họ làm trên biển Đông lại không như vậy?
Tôi gọi đó là “nỗ lực hòa bình theo kiểu Trung Quốc”. Trên các diễn đàn và đặc biệt liên hệ 2 sự kiện này chúng ta thấy vụ tàu Bình Minh 02 diễn ra ngay trước khi Đối thoại Shang-ri La được tiến hành, vụ Viking II thì diễn ra ngay khi Hội nghị ARF (Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN) đang tiến hành. Cả 2 hội nghị đều bàn về vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong những cuộc họp đó, các đại diện của Trung Quốc đều nêu quan điểm nỗ lực duy trì hòa bình, không sử dụng vũ lực…
Họ tuyên bố là hòa bình nhưng trên thực tế lại thực hiện các hành vi gây hấn. Ở đây tôi nghĩ họ hành xử theo kiểu tuyên bố “đường lưỡi bò”, khẳng định chủ quyền, vậy thì tất cả những việc tiến hành là hoạt động chấp pháp bình thường theo kiểu Trung Quốc. Mà đã là hoạt động chấp pháp bình thường thì ở đây ta rất lưu ý, họ không sử dụng lực lượng hải quân, chỉ hoàn toàn là dân sự, có thể là tàu cá, tàu ngư chính hay hải giám.
Tuy nhiên có một điểm rất lưu ý là nhân vụ họ xung đột với Philippines, họ có tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết và để phòng vệ. Thế nào là phòng vệ khi chính họ là người thực hiện hành vi gây hấn. Nhưng với tuyên bố đó thì họ cũng đưa ra lời đe dọa là nếu các anh sử dụng vũ lực thì tôi cũng sử dụng vũ lực. Họ đang thực hiện chiến lược hiện thực hóa “đường lưỡi bò” và thực hiện “chiến lược hòa bình” theo kiểu của họ.
Trong các cuộc đối thoại, hội nghị mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định, chính sách của Việt Nam vẫn là hòa bình và tự vệ. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng tất cả tranh chấp, bất đồng trong vấn đề của biển Đông cần giải quyết hòa bình và tránh những hành động đơn phương, đặc biệt là không được sử dụng bạo lực. Ông bình luận gì về điều này?
Tôi rất nhất trí với quan điểm của các lãnh đạo Bộ Quốc phòng của chúng ta. Chắc chắn chúng ta phải sử dụng con đường hòa bình, nhưng hòa bình như thế nào. Như tôi đã nói, trong tuyên bố của mình, Trung Quốc nói sẽ dùng vũ lực nếu các nước sử dụng vũ lực và đó là lý do họ chỉ cử tàu dân sự đi gây hấn mà không cử lực lượng quân đội bởi họ không muốn mình là người sử dụng vũ lực đầu tiên.
Và theo tôi nghĩ, cũng không loại trừ khả năng họ đang tìm cách “khiêu khích” để các bên khi không kiềm chế được, để xảy ra xung đột thì nhân cơ hội đấy họ có thể lợi dụng mà chúng ta so sánh như sự kiện Vịnh Bắc bộ năm xưa để sử dụng vũ lực, thử lực lượng vũ trang của họ.
Vậy nên quan điểm như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói là phải kiên trì biện pháp hòa bình để không xảy ra việc gì đó thiếu kiềm chế, vượt quá để xảy ra xung đột.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
"Đường lưỡi bò": Áp đặt vô lý
TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Phần Lan, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Panama và Peru, cho rằng các hành động mang tính chất gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua nhằm áp đặt chủ quyền để khai thác tài nguyên trên biển Đông
* Phóng viên: Ông nhìn thận thế nào trước việc tàu Trung Quốc (TQ) liên tục xâm phạm sâu vùng thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam để tiến hành các hoạt động phá hoại?
TS Nguyễn Ngọc Trường:
TQ đang bước vào giai đoạn mới để áp đặt đòi hỏi vô lý của họ về chủ quyền trong cái gọi là "đường lưỡi bò". Điều này thể hiện qua các cuộc xung đột với 3 nước ASEAN là Philippines, Việt Nam và Malaysia. Họ đã chuẩn bị kỹ và lâu dài cho đòi hỏi này về cả pháp lý và thực tế.
Mục đích: Khai thác tài nguyên
* Căn cứ nào để ông có nhận định như vậy?
tháng 5-2009. Cuối tháng 5 vừa qua, TQ đã hạ thủy giàn khoan khổng lồ có khả năng khoan ở nơi biển sâu 3.000 m và khoan sâu 12.000 m xuống đáy biển. Trong khi đó, đội tàu hải giám, tuần ngư cũng đã có 27 chiếc và sắp tới sẽ nâng lên 45 chiếc để bao quát toàn bộ biển Đông. TQ cũng đã chính thức xác nhận và sắp cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên. Đó là những bước chuẩn bị cho giai đoạn mới là áp đặt chủ quyền để từ đó khai thác trực tiếp tài nguyên trên biển Đông.
* Ông nói TQ áp đặt chủ quyền, tức là những hành động tương tự như với tàu Bình Minh 02 và Viking II sẽ còn tái diễn?
Không những tiếp tục như vậy trong tương lai mà chúng ta còn phải chuẩn bị cho những khả năng xấu hơn. Những xung đột vừa qua của TQ với Việt Nam hay Philippines, Malaysia... là những dấu hiệu lẻ tẻ để báo hiệu điều đó.
Sức mạnh: Lý của kẻ mạnh
* Theo ông, vì sao TQ lại dùng sức mạnh để áp đặt chứ không đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển Đông?
Nếu tranh tụng pháp lý thì TQ hoàn toàn không có cơ sở để đòi chủ quyền trên biển Đông. Một vị giáo sư của Nga có nói rằng nếu TQ cho rằng việc phát hiện các loại chén, đĩa từ thời Tây Hán tại Hoàng Sa và Trường Sa là cơ sở pháp lý, vậy nếu người ta tìm thấy chai rượu thời Napoleon tại Moscow thì Moscow lại là thành phố của Pháp sao? Không có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học nhưng TQ có cái lý của kẻ mạnh, cái lý của chính sách ngoại giao pháo hạm và ngoại giao tiền bạc.
* Tại Diễn đàn Đối thoại Shang-ri La, TQ nhắc đi nhắc lại lập trường không đe dọa và không dùng sức mạnh. Phải chăng TQ luôn nói không đi đôi với làm trong vấn đề biển Đông?
TQ nói mà đi đôi với làm thì làm sao theo đuổi tham vọng lợi ích của họ. Theo dõi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng TQ, tôi thấy họ không tham gia những cuộc cãi nhau, phần lớn là cười và bày tỏ thiện chí.
Hải quân Việt Nam tập luyện tác chiến. (Nguồn: VNExpress)
Tham dự diễn đàn Shang-ri La, ông cố vấn hạm đội biển Tây của Canada nói Bộ trưởng Quốc phòng TQ đối diện với một cử tọa mà họ không tin những lời ông ta nói. Một giáo sư Viện Nghiên cứu Chiến lược ở Singapore cho rằng TQ có nói gì đi chăng nữa thì người ta khó mà tin được và điều TQ cần làm là chứng minh bằng hành động.
* Lời nói không đi đôi với việc làm của TQ trên biển Đông có tổn hại tới lợi ích toàn cầu?
TQ đang trên đường trở thành cường quốc toàn cầu nhưng họ cũng đang theo đuổi những lợi ích cục bộ. Có thể thấy điều này qua việc thâm nhập châu Phi, vùng Vịnh, Nam Mỹ...
Cục diện thế giới đang thay đổi nên người TQ cũng phải thay đổi tư duy. Cứ theo đuổi tư duy Đại Hán là không có lợi cho chính TQ. Hơn nữa, thời đại hiện nay, thời đại mà TQ muốn làm gì thì làm ở các nước phương Nam, nơi mà nhiều cường quốc và trung tâm quyền lực khác của thế giới có lợi ích chiến lược, cũng đã qua từ lâu.
Sức mạnh Việt Nam: Đoàn kết
* Ông có cho rằng TQ đã phớt lờ phản ứng của Việt Nam sau sự kiện tàu Bình Minh 02 khi tiếp tục gây ra sự kiện Viking II?
- TQ đã có kịch bản sẵn cho từng giai đoạn trên biển Đông. Nay đến giai đoạn triển khai áp đặt chủ quyền thì TQ cứ thế thực hiện bất chấp phản ứng và dư luận khu vực. Vấn đề hiện nay không ở TQ mà từ phía các bên liên quan khác có để TQ làm điều đó hay không. Với chúng ta, chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết dân tộc với 86 triệu dân trên dưới một lòng là một sức mạnh không ai có thể xem thường.
* Việc các nước ASEAN phản ứng riêng rẽ cho dù cùng bị quấy rối, gây hấn đã khuyến khích TQ triển khai kịch bản áp đặt chủ quyền trên biển Đông?
Sau va chạm trực diện giữa tàu Mỹ và tàu TQ trên biển Đông đầu năm 2009, hai nước này đã bước vào giai đoạn hòa hoãn từ đầu năm nay. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Mỹ sẽ nhường châu Á và Đông Nam Á, nơi mà họ nói có lợi ích quốc gia, cho TQ. Mỹ nhường một bước là mất tất cả vì quan trọng nhất với Mỹ là mất niềm tin với cam kết tại khu vực. Mỹ luôn là một lực lượng mà ai cũng phải xem trọng.
Tư tưởng ngoại giao hòa hiếu
TS Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Việt Nam phải rất xem trọng quan hệ với TQ, phải giữ được hòa hiếu với TQ. Đó là ngoại giao truyền thống hàng ngàn năm và cũng là cốt lõi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Phải tìm cách tiếp cận và tạo mối quan hệ mới với TQ khi họ đang trở thành một cường quốc. Chúng ta phải thay đổi tư duy về điều này, không nên giữ tư duy và hành động theo kiểu cũ.
"Thời đại mà chúng ta đi với một bên để chống một bên đã vĩnh viễn qua rồi"- TS Nguyễn Ngọc Trường nói và nhấn mạnh: "Chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết 86 triệu dân, trên dưới một lòng là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết với ASEAN, các nước lớn và TQ cũng là sức mạnh của chúng ta".
Theo Người Lao Động
Nhật ký tàu Viking II: TQ dùng máy bay tham gia cắt cáp Nhật ký tàu Viking 2 của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đã dùng máy bay để "bảo hộ" tàu cắt cáp của mình. Trực thăng của Trung Quốc. Ảnh: vietnamdefence. Nhật ký tàu Viking của Việt Nam: * Ngày 8/6 - 5 giờ 30 phút: Tàu bảo vệ Vạn Hoa 737 và 731 trinh sát về phía bắc của mục tiêu. -...