Đừng để sân bay phải tê liệt
Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hơn hai giờ như chiều tối 26-8 là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng và rất hiếm thấy.
Hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước tối 26-8 – Ảnh: KHÁNH BẰNG
Sân bay bao giờ cũng đặt ở nơi cao nhất thành phố, đảm bảo không bị ngập vì nó là lối thoát cuối cùng cho những thứ quan trọng (con người, tài liệu, tài sản quốc gia) khi xảy ra sự cố.
Chính vì vậy mà năm 1930, khi người Pháp xây dựng sân bay đã chọn làng Tân Sơn Nhất là nơi được coi là cao nhất Sài Gòn và yên tâm rằng nó không bao giờ bị ngập.
Nhưng sau năm 1980, cuộc xâm lấn đất sân bay diễn ra nhanh chưa từng có, các khu dân cư, các siêu thị, cao ốc, nhà hàng, công ty, khách sạn, sân golf… xuất hiện đã bóp sân bay bé lại, cùng với nó là quá trình bêtông hóa bề mặt, cả các kênh mương hở cũng bị lấp đi phần lớn, như thế làm sao không bị ngập?
Và mưa lớn không chỉ một lần, mỗi năm ở thành phố này thường có 4 – 5 (thậm chí đến 7) trận mưa có lượng mưa hơn 100mm. Trận mưa lớn nhất từng xảy ra là hơn 200mm (trận mưa chiều tối 26-8 mới chỉ 120 – 135mm).
Liệu Tân Sơn Nhất còn bị tê liệt bao nhiêu lần nữa vì mưa? Nó có thể chịu nổi trận mưa có lượng mưa hơn 200mm trong thời gian hai giờ?
Lại một chuyện khác nữa là ít sân bay nào trên thế giới lại có con đường độc đạo dẫn vào sân bay như ở Tân Sơn Nhất.
Xung quanh sân bay có khá nhiều đường như Thăng Long, Phổ Quang, Phan Đình Giót… nhưng để vào được sân bay phải tiếp cận với đường Trường Sơn.
Video đang HOT
Con đường đã không lớn, nhưng lại dành đất cho dải phân cách cây xanh và vỉa hè quá nhiều, thêm nữa hai bên đường ken đặc cửa hàng, nhà hàng, siêu thị thu hút đông khách, lúc nào trên mặt đường cũng có hàng chục taxi, xe hơi đậu đợi khách đã làm giảm lưu tốc trên đường.
Các cộng hưởng cùng lúc: khách ra vào sân bay vào giờ cao điểm, thêm người đi làm về vào giờ tan tầm và đúng lúc mưa lớn kết hợp triều cường dâng thì chuyện “chết đứng” là điều đương nhiên.
Trước mắt, phải khai thông lại các dòng kênh, mương hở xung quanh sân bay, thay các ống cống quá nhỏ bằng cống có tiết diện lớn hơn, những nơi đã tráng bêtông xét thấy không cần thiết thì trả lại làm thảm cỏ, mương thấm, nghiên cứu ngay việc làm các hồ chứa nước tạm có quy mô lớn ở cạnh sân bay hoặc ngay trong sân bay, dưới những công trình nhà xưởng có tải trọng nhẹ.
Triển khai sớm đường trên cao suốt tuyến từ điểm giao trước Bộ tư lệnh Quân khu 7 qua đường Trường Sơn, nối thông đường Thăng Long, đường Hoàng Hoa Thám vào đến sân bay, phá bỏ ngay phần cây xanh phân tuyến dọc đường Trường Sơn bằng dải phân cách kim loại để lòng đường mở rộng thêm.
Một chuyện quan trọng khác là hiện nay khu vực này trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản, hàng chục cao ốc đã và đang mọc lên với hàng chục nghìn dân cư trú và kéo theo là hàng trăm nghìn dân đến sử dụng dịch vụ sẽ làm cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá tải, do vậy đã đến lúc lãnh đạo TP và các bộ phận chức năng cần hạn chế phát triển bất động sản ở khu vực này.
Hơn 70 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó có 21 chuyến phải tạm trú ở sân bay khác chắc chắn là thiệt hại về kinh tế không nhỏ, nếu tính cả sự thiệt hại của hàng ngàn người phải chịu trận lúc mưa trên đầu, nước ngập dưới chân thì cũng là lớn, nhưng thiệt hại lớn nhất có lẽ là uy tín của Tân Sơn Nhất trước bàn dân thiên hạ.
Cần hành động nhanh và quyết liệt, nếu không khách quốc tế sẽ rời bỏ chúng ta và Tân Sơn Nhất sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” nữa.
Theo Tuổi Trẻ
Người Sài Gòn bất ngờ ngày đầu phân luồng, cấm xe ở sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 27.8, nhiều người chạy xe qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã phạm luật giao thông, do chưa nắm được lộ trình phân luồng và biển báo cấm.
Do chưa nắm được việc phân luồng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nên sáng 27.8 nhiều người lưu thông qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vô tình vi phạm luật.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, lúc 6 giờ 45 cùng ngày, trên đường nhánh Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (hướng Trường Sơn - vòng xoay Nguyễn Thái Sơn) dù đã được cơ quan chức năng lắp biển báo cấm chạy ngược chiều và băng rôn thông báo "từ 27.8 cấm các phương tiện lưu thông ngược chiều" dọc theo chiều dài tuyến đường nhưng vẫn có nhiều trường hợp vi phạm.
Theo đó, một số người vẫn giữ thói quen cũ khi ôm cua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn chạy thẳng vào đường trên, không chú ý biển báo dẫn đến vi phạm. Một số người khi vừa quẹo vào đầu tuyến đường thấy biển báo cấm đã vội quay đầu xe trở lại để chạy đúng luật. Hầu hết đều tỏ ra bất ngờ với việc phân luồng trên.
Tuy nhiên, một số trường hợp lỡ chạy vào và phát hiện không đúng luật vẫn bất chấp chạy thẳng.
Bất chấp băng rôn và biển báo cấm, nhiều người vẫn vô tư chạy ngược chiều trên đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài
Đồng thời, nhiều người điều khiển ô tô lưu thông hướng Trường Sơn - Nguyễn Thái Sơn vẫn chưa nắm được phân luồng, nên vẫn chừa lại một phần đường sát lề trái.
Trong khi đó, ở nhánh đường Bạch Đằng và nhánh Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nối tiếp đường Bạch Đằng hiện hữu, cũng được phân luồng một chiều (Nguyễn Thái Sơn - Trường Sơn) nhưng một số người vẫn bất chấp biển báo cấm và băng rôn, thản nhiên phóng xe chạy ngược chiều. Nhiều xe ô tô qua khu vực thấy vậy, phải chạy lách vào trong lòng đường để tránh va chạm.
Nhiều người không nắm rõ việc phân luông, khi chạy vào phát hiện vi phạm vội quay đầu xe để chạy đúng luật
Trong ngày đầu phân luồng, dù còn một số trường hợp vi phạm nhưng người dân phần lớn đã nắm được luật và chạy rất trật tự. Giao thông trên hai chiều Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, Trường Sơn thông thoáng, không xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm sáng như mọi khi.
Một đại diện CSGT Q.Tân Bình, trực chốt tại khu vực sáng cùng ngày cho biết: " Do luật phân luồng mới có hiệu lực ngày đầu, nhiều người chưa nắm rõ, vẫn có thói quen chạy cũ nên vi phạm. Trong sáng nay, chúng tôi cũng phát hiện nhiều trường hợp, nhưng chỉ nhắc nhở và giải thích cho người dân chạy đúng luật. Từ ngày mai trở đi, nếu phát hiện vi phạm mới lập biên bản xử phạt".
Nhiều xe ô tô chạy hướng Trường Sơn - Nguyễn Thái Sơn vẫn chạy chừa một làn bên trái sát lề dù được phép chạy toàn bộ đường
Trong khi đó ở chiều ngược lại trên đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng xảy ra vi phạm chạy ngược chiều, đối đầu xe ô tô rất nguy hiểm
Trước đó, ngày 25.8, Sở GTVT TP.HCM thông báo từ 27.8 sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng, nhằm bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thông xe dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn) và kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, nhánh đường Hồng Hà và nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đoạn đi qua công viên Gia Định lưu thông một chiều tất cả loại phương tiện theo hướng từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn; cấm đỗ xe toàn bộ nhánh đường trên.
Nhánh đường Bạch Đằng và nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đoạn nối tiếp với đường Bạch Đằng hiện hữu cũng lưu thông một chiều tất cả loại phương tiện theo hướng từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Trường Sơn và cấm các loại ô tô tải lưu thông từ 6 - 22 giờ; cấm đỗ xe toàn bộ nhánh đường trên.
Đường Bạch Đằng (đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Trường Sơn, phía đường A75) tổ chức lưu thông hai chiều các loại phương tiện và cấm dừng đỗ xe theo cả hai hướng lưu thông từ 6 - 22 giờ.
Theo Thanh Niên
TP HCM cấm ôtô theo giờ quanh sân bay Tân Sơn Nhất Một số tuyến xung quanh sân bay được điều chỉnh thành đường một chiều và cấm ôtô con, xe tải theo giờ để giảm ùn tắc. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, từ ngày 27/8, nhánh đường Hồng Hà và nhánh Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đoạn qua Công viên Gia Định, các loại...