Đừng để nền kinh tế lại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng vì nhóm lợi ích
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Việt xung quanh kiến nghị lùi thực hiện Thông tư 36 (sửa đổi) liên quan đến cho vay bất động sản (BĐS).
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Trong kiến nghị vừa gửi đến tân Thống đốc, Hiệp hội ngân hàng cho rằng việc thực hiện Thông tư 36 sửa đổi trong thời điểm này sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất theo hướng tăng lên, vì họ phải tăng lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn. Ông bình luận gì về quan điểm này?
- Tôi không bị thuyết phục bởi những lập luận như thế. Đó là những lời “dọa dẫm” không có căn cứ, khôi hài. Lãi suất chịu tác động bởi nhiều yếu tố quan trọng hơn là việc NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro đối với cho vay BĐS.
Ngân hàng có thể tăng lãi suất đối với cho vay BĐS để bù đắp vào hệ số rủi ro vừa được điều chỉnh tăng, nhưng không nhất thiết tăng lãi suất đối với các khu vực cho vay khác.
Ví dụ, với tổng vốn để cho vay là 100 đồng, ngân hàng quyết định phân bổ vốn theo hướng 30 đồng cho vay BĐS, 70 đồng cho vay các lĩnh vực khác. Nếu chúng ta có những chính sách không kiểm soát hoạt động cho vay BĐS, các ngân hàng sẽ có thiên hướng đổ vốn vào cho vay BĐS. Bởi cùng hệ số rủi ro là 150%, cho vay BĐS sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho vay các ngành khác, nên các ngân hàng mới cảm thấy “ăn nên, làm ra” bằng cho vay BĐS.
Video đang HOT
Khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS sẽ chèn ép các khu vực khác trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Các doanh nghiệp khu vực khác phải trả mức lãi suất cao hơn thì ngân hàng mới cho vay. Điều này hoàn toàn bất lợi cho các khu vực khác.
Nói như vậy, việc lãi suất cho vay đang cao như hiện nay có một phần nguyên nhân từ việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS và “ép giá” lãi suất với các lĩnh vực kinh doanh khác? Vậy việc siết cho vay BĐS có giúp cho lãi suất cho vay giảm xuống không, thưa ông?
-Việc NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay BĐS lên 250% để đạt 2 mục đích. Thứ nhất là phản ánh chi phí rủi ro vào trong giá vốn của ngân hàng. Thứ hai là hạn chế sự chênh lệch về phân bổ vốn, tức hạn chế việc ngân hàng đổ tiền nhiều vào BĐS.
Hai mục tiêu này rất quan trọng, bởi khi giá vốn BĐS được phản ánh đầy đủ thì các ngân hàng sẽ giảm cho vay đầu cơ BĐS xuống. Việc giảm cho vay đầu cơ BĐS sẽ giúp NHNN đạt được hai mục tiêu: Giảm hoạt động cho vay rủi ro và điều tiết dòng vốn chảy sang những khu vực kinh tế khác.
Khi dòng vốn được điều tiết sang khu vực kinh tế khác thì việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khu vực này sẽ dễ dàng hơn. Như vậy mặt bằng lãi suất cho vay ở những lĩnh vực kinh tế khác sẽ giảm xuống.
Tôi đồng ý lãi suất cho vay BĐS sẽ cao sau khi điều chỉnh hệ số rủi ro vì các ngân hàng sẽ phải bù đắp rủi ro. Nhưng không thể lấy mặt bằng lãi suất cho vay BĐS để “dọa dẫm” rằng mặt bằng lãi suất khu vực khác sẽ tăng. Không thể lấy mặt bằng lãi suất cho vay BĐS để đại diện cho mặt bằng lãi suất của cả nền kinh tế vì BĐS chỉ là một phần của nền kinh tế.
Kiến nghị gửi tân Thống đốc cũng cho rằng những sửa đổi của Thông tư 36 có thể làm cho quá trình xử lý nợ xấu chậm lại, vì hiện nay chúng ta cần “kích” thị trường BĐS lên để xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
-Đây là giải pháp sai lầm, càng đổ thêm dầu vào lửa. Chúng ta phải hiểu, dòng tiền để xử lý nợ xấu phải từ nền kinh tế thực mà ra, chứ không thể từ kinh doanh BĐS mà có được.
Không thể đánh đồng hai khái niệm nền kinh tế thực và nền kinh tế tiền tệ. Nền kinh tế tiền tệ không sáng tạo ra vật chất, của cải cho xã hội mà phải từ nền kinh tế thực để sáng tạo ra của cải vật chất, là nguồn gốc của dòng tiền.
Khi ngân hàng xử lý nợ xấu phải nhìn thấy bản chất dòng tiền được tạo ra từ đâu để hoàn trả lại cho những khoản nợ sau đó. Điều đó có nghĩa chúng ta phải ưu tiên vốn cho khu vực sản xuất để tăng sản lượng lên mới có của cải vật chất, dòng tiền bền vững để thanh toán khoản nợ của chúng ta.
Không phải tiếp tục đổ tiền vào BĐS để tăng giá bán đi và thu nợ, không thể làm như thế được. Muốn có tiền xử lý nợ xấu, chúng ta phải điều tiết dòng vốn đổ vào khu vực sản xuất mới tạo ra thu nhập để trả nợ. Chúng ta phải chấp nhận dài hạn chứ không thể một sớm một chiều để xử lý nợ xấu được.
Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của NHNN về những thay đổi của Thông tư 36. Việc trì hoãn một chính sách nói chung và Thông tư 36 nói riêng đều phát ra một tín hiệu không tốt cho một cam kết cải cách. Điều đó cho thấy áp lực của nhóm lợi ích rất lớn, cản trở những chính sách cải cách cần thiết. Việc trì hoãn như vậy phát ra những tiền lệ xấu về khả năng chúng ta phải lùi hay trì hoãn những cải cách sau này. Thị trường sẽ cho rằng hôm nay chúng ta có thể lùi được chính sách này thì tương lai có khả năng lùi hoặc trì hoãn những chính sách khác. (TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)
Theo_Dân việt
Phối hợp giải quyết nợ xấu
Số liệu vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) công bố cho thấy, năm 2015 chất lượng tín dụng được cải thiện, "nợ xấu" là 119.660 tỷ đồng (chiếm 2,9%, năm 2014 là 3,7%). Vấn đề đặt ra lúc này là áp lực "nợ xấu" đã bớt xấu chưa? Và làm sao những khoản nợ này không ảnh hưởng đến chất lượng của nền kinh tế? Để giải quyết nợ xấu, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
Giải quyết tình trạng nợ xấu là vấn đề cấp bách hiện nay. Ảnh: Hải Anh
Đánh giá không mấy tích cực, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Trong khi ngành Ngân hàng chưa giải quyết xong "nợ xấu", nay lại phải gánh thêm lãi dự thu. Thu nhập lãi thuần mà các ngân hàng công bố có phần ảo, bởi một số ngân hàng đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi cho tiền gửi cũ. Thực tế này làm cho "nợ xấu" có nguy cơ phình ra. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGSTC cũng nhận định, "nợ xấu" bán cho VAMC nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro khiến gánh nặng tài chính thêm nặng. Chưa kể, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra không nhỏ nên nếu trừ đi tất cả các khoản trích lập, chi phí... thực chất lợi nhuận của các ngân hàng thấp. Nếu không có cách giải quyết, "nợ xấu" vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn của hệ thống ngân hàng trong năm 2016.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực hơn có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nỗ lực trong việc xử lý "nợ xấu". Nếu trước đây, con số "nợ xấu" được công bố gây tâm lý bất an cho nhiều người, thì đến nay công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cộng với một khoản lớn "nợ xấu" đã... bớt xấu, "sức khỏe" của ngành Ngân hàng đã khá hơn. Bên cạnh những cái tên ngân hàng bị hợp nhất, hay chấp nhận bị mua với giá "0 đồng", hàng loạt ngân hàng bị buộc phải tái cơ cấu. Trong thời điểm đó, xử lý "nợ xấu" theo cách đưa chung vào "túi" của VAMC được cho là giải pháp duy nhất.
Theo Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng, kể từ khi thành lập, VAMC đã mua 107 nghìn tỷ đồng "nợ xấu", giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013, tổng "nợ xấu" VAMC đã mua là 245 nghìn tỷ đồng, dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 208 nghìn tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) từ khi bán nợ cho VAMC tới nay tiếp tục phải trích dự phòng rủi ro. Với mức trích 10% hằng năm theo trái phiếu đặc biệt của TCTD đã tái cơ cấu, 20% với các TCTD không phải tái cơ cấu, mỗi năm có thêm 20-30 nghìn tỷ đồng được các TCTD trích dự phòng để xử lý nợ xấu. Cộng với phần VAMC tổ chức bán tài sản bảo đảm 10-20 nghìn tỷ đồng trong năm 2015 và dự kiến khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng năm 2016, số "nợ xấu" giảm đáng kể.
Cũng theo ông Hùng, từ năm 2016 VAMC xác định phải "tự đi trên chính đôi chân của mình", do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai doanh nghiệp để thực hiện mua và bán nợ. Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản "nợ xấu" mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu. Bên cạnh việc tiếp tục mua "nợ xấu" nội bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng chiến lược mua bán nợ trên cơ sở phân loại các khoản "nợ xấu", đồng thời tổ chức đấu giá phát mại tài sản. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD.
Trong cuộc làm việc gần đây với VAMC, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, từ khi thành lập tới nay, VAMC đã rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của ngân hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý nợ xấu chưa như mong muốn, nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt, nợ xấu có thể tăng trở lại. Mặc dù là một công cụ xử lý nợ xấu, nhưng VAMC còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý... Chia sẻ với những vướng mắc của VAMC, Phó Thủ tướng cho biết đã đề nghị NHNN tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đề xuất xây dựng đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng giai đoạn 2016-2020, trong đó có các giải pháp về pháp lý, thể chế, phát triển thị trường mua bán nợ, tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VAMC. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để xử lý nợ xấu, bởi nếu coi xử lý nợ xấu là việc của NHNN và VAMC, thì việc xử lý sẽ rất khó khăn...
Hà Linh
Theo_Hà Nội Mới
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn xe khách ở Đắk Nông Liên quan đến vụ tai nạn xảy ra chiều 2/5, tại Khuyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, thăm hỏi các nạn nhân bị thương. Hiện trường vụ tai...