Đừng để lạc trong văn hóa xứ người
Những ngày qua, câu chuyện chiếc áo dài Việt bị “nhận vơ” trong một show diễn thời trang ở Trung Quốc, khiến nhiều người bức xúc.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần phải nghiêm túc nhìn lại cách chúng ta đang giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, nhất là với người trẻ – thế hệ được tiếp xúc với môi trường văn hóa đa dạng từ nước ngoài.
Xu hướng chụp ảnh cưới theo phong cách cổ trang Trung Quốc đang thịnh hành trong giới trẻ
Chuyện chiếc áo dài
Với hashtag #VietnamTraditionalAodai trên mạng xã hội, có hàng ngàn bài viết cùng hình ảnh về chiếc áo dài Việt. Đây là một cuộc thi trên mạng xã hội, với thông điệp tự hào áo dài Việt và chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc cùng trang phục áo dài truyền thống.
Vài năm lại đây, các bạn trẻ bắt đầu tìm đến áo dài trong mỗi dịp tết, nhưng thường chuộng những kiểu áo cách tân, phần tay và tà áo ngắn, mặc cùng váy hoặc quần lửng ống rộng vừa qua gối. Kiểu cách tân này gây tranh cãi với 2 luồng ý kiến, một số bạn trẻ cho rằng kiểu áo năng động, hiện đại; phần lớn ý kiến phản bác là không phù hợp với chuẩn mực của áo dài, cách tân áo dài mặc cùng váy ngắn trên gối, nhìn rất kém thẩm mỹ.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng cũng một phen dậy sóng vì chiếc áo dài, nhiều người bức xúc trước hình ảnh phản cảm của một nữ ca sĩ Mỹ mặc áo dài chỉ với nội y. Và đến nay là câu chuyện áo dài bị “nhận vơ”, những hình ảnh được truyền đi khiến người xem không khỏi nóng mặt. Có lẽ câu chuyện của hôm nay, việc giữ gìn tà áo truyền thồng cần được ưu tiên hơn chuyện cách tân như thế nào.
Thuộc thế hệ 9x, nhưng anh Nguyễn Quốc Thịnh lại từ chối những xu hướng cách tân áo dài. “Việc cách tân áo dài không có gì xấu, nhưng phải thực sự đủ tầm hiểu biết về áo dài truyền thống để không phá nát chiếc áo. Còn mẫu thời trang thì thay đổi liên tục và không phải mẫu nào cũng áp dụng vào cách tân áo dài được. Tôi thích kiểu áo truyền thống và chọn khăn rằn để may áo dài, kết hợp thêm một nét văn hóa truyền thống vào áo dài cũng là cách làm mới, nhưng không mất đi bản sắc của chiếc áo dài từ xa xưa”, nhà thiết kế áo dài từ khăn rằn Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.
Video đang HOT
Có thì phải giữ
Không chỉ là câu chuyện của áo dài truyền thống, nhiều giá trị văn hóa khác cũng dần mờ nhạt, một số bạn trẻ vẫn mải mê chạy theo các xu hướng mới, độc, lạ mà quên mất bản sắc riêng của quê hương, xứ sở mình đang ở.
Chụp ảnh cưới với soirée, áo dài truyền thống, trang phục dạo phố, đang dần lép vế trước xu hướng ảnh cưới cổ trang, trang phục truyền thống kiểu Trung Hoa. “Vài năm trước thì phong cách cô dâu kiểu Hàn Quốc thịnh hành, còn bây giờ là cổ trang Trung Quốc. Tiệm phải đầu tư mới khá nhiều kiểu quần áo cổ trang để khách lựa chọn, còn áo dài truyền thống vẫn có, nhưng đã quen thuộc quá rồi, nên không thu hút khách bằng những trào lưu áo cổ trang Trung Quốc này”, anh Ngọc Tâm (34 tuổi, chủ một cửa hàng áo cưới trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết.
Bên cạnh việc chụp ảnh cưới, nhiều bạn trẻ cũng chọn kiểu áo sườn xám để chụp hình lưu niệm. C.T.D.Q (22 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho hay: “Áo dài thì quá quen rồi, nên tôi và nhóm bạn chọn áo sườn xám để chụp hình lưu niệm và dịp Trung thu cũng diện sườn xám để đi chơi. Phong cách mới hơn một chút thì hình up lên mạng có nhiều like hơn và cũng không đụng hàng, chứ áo dài thì có nhiều người chụp hình lắm rồi, đâu có gì mới để khoe”.
Nếu trước đây làn sóng văn hóa Hàn Quốc, K-pop ảnh hưởng mạnh đến một bộ phận bạn trẻ, thì hiện tại từ ăn mặc đến nghe nhìn, được kế nhiệm theo phong cách văn hóa Trung Quốc. Từ truyện ngôn tình, phim ngôn tình, có hàng ngàn hội nhóm trên mạng xã hội để các bạn trẻ yêu thích thể loại truyện này chia sẻ hình ảnh, bài viết và bình luận về các nhân vật soái ca, nữ chính trong bộ truyện, phim đang ăn khách. Độ ta không độ nàng là một điển hình. Một thời gian dài, bài hát này gây tranh cãi trên mạng xã hội, nhưng vẫn liên tục đứng đầu hoặc nằm trong tốp của các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến trong nước. Đây là một bài hát chủ đề, minh họa cho một bộ phim hoạt hình cổ trang ngôn tình ở Trung Quốc. Tại quê hương của mình, bài hát không mấy thịnh hành, tuy nhiên, ở Việt Nam nó liên tục được các bạn trẻ cover, thậm chí là các ca sĩ nổi tiếng và gây ra một làn sóng tranh cãi về nội dung bài hát.
Người trẻ dễ dàng tiếp cận một cách đa chiều nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và những làn sóng, trào lưu mới cũng ảnh hưởng nhanh chóng. Được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau là một lợi thế, tuy nhiên cần phải biết chọn lọc và nhất là giữ riêng cho bản thân mình một bản sắc, không bị lạc trong văn hóa xứ người. Và thay vì chịu ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa của nước bạn, hay chờ đợi những trào lưu mới để hưởng ứng, để rồi phải giật mình khi chiếc áo truyền thống bị “nhận vơ”, người Việt trẻ phải biết giữ gìn, phát huy và cũng có thể tạo ra những trào lưu, làn sóng văn hóa mang bản sắc Việt vươn ra thế giới.
KIM LOAN
Theo sggp.org.vn
'Khát vọng bay xa' với áo dài
Với bộ sưu tập áo dài chủ đề 'Khát vọng bay xa', nhà thiết kế Thái Thị Hải gửi gắm sự đam mê, niềm khát khao lan tỏa giá trị của tà áo dài Việt.
Thái Thị Hải là nhà thiết kế đến từ Lào Cai. Chị là một trong những học viên tham gia Chương trình đào tạo Startup - Khởi nghiệp từ thời trang do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, CLB Áo dài Việt Nam và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp tổ chức.
Thiết kế trong bộ sưu tập "Khát vọng bay xa"
Khát vọng bay xa là bộ sưu tập áo dài đầu tay của NTK Thái Thị Hải, được thực hiện với tất cả khát khao chinh phục không ngừng nghỉ của chị với tà áo dài Việt. Thái Thị Hải đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho "đứa con" đầu tiên của mình.
"Để hoàn thành bộ sưu tập, tôi mất 5 tháng chuẩn bị chất liệu, đặc biệt là vải co dãn 4 chiều hơi dày, tạo cho người mặc không bị lộ bụng, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Điểm nhấn trong thiết kế của tôi về phần họa tiết chính là đưa đính kết tạo điểm nhấn cho bộ sưu tập thêm phần sang trọng và quý phái", NTK Thái Thị Hải chia sẻ.
Họa tiết đính kết giúp tà áo dài thêm phần sang trọng, quý phái
Nhà thiết kế áo dài đến từ Lào Cai cho biết thêm, thời trang có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của chị. Mỗi khi tôi dự sự kiện, chị luôn thiết kế cho mình một mẫu mới, giúp chị tự tin hơn. Từ việc luôn muốn làm đẹp cho mình, chị hướng tới việc làm đẹp cho những người phụ nữ khác.
NTK Thái Thị Hải cũng chia sẻ, tại Lào Cai, chị gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc với thời trang và theo học các khóa học vì chưa có những nơi đào tạo chuyên nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị cùng gia đình quyết định chuyển về Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) sinh sống. Nơi ở mới với nhiều bỡ ngỡ, lại đang nuôi con nhỏ, nhưng với quyết tâm học hỏi cùng với sự hỗ trợ hết mình của chồng, chị đã tham gia các khóa học nâng cao tay nghề, trong đó phải kể đến Chương trình đào tạo Startup - Khởi nghiệp từ thời trang.
Chất liệu vải co giãn 4 chiều giúp phụ nữ giấu được vòng eo không còn thon thả
NTK Thái Thị Hải (phải) và người mẫu
Theo NTK Thái Thị Hải, chị đã học hỏi được rất nhiều từ người thầy của mình là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. "Thầy không những dạy tôi công thức mà còn dạy về tư duy thời trang, giúp tôi thay đổi cách làm việc thông minh hơn thay vì vất vả như trước", chị cho biết.
Bộ sưu tập Khát vọng bay xa với những thiết kế được đánh giá cao đã khiến NTK Thái Thị Hải thêm tự tin với con đường của mình. Chị cho biết, trong thời gian tới chị sẽ dồn hết tâm huyết để cho ra mắt bộ sưu tập mới, đi đến gần hơn với khách hàng và mang đến cho chị em những trang phục đặc sắc, phù hợp và sang trọng.
Bảo Minh
Theo phunuvietnam.vn
Bộ sưu tập áo dài Việt được Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ khen ngợi Trong khuôn khổ hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh Thổ Nhã Kỳ, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giới thiệu bộ sưu tập Hello Turkey với sự góp mặt của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều quan khách. Đây là bộ sưu tập thể hiện mong muốn giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ....